Trốn tìm

Thứ tư - 20/04/2022 00:49
Nếu có thể cho tôi xin được một lần trở về năm tháng ấy bên cuộc chơi trốn tìm. Tôi hứa sẽ không dại khờ cứ trốn mãi mặc kệ em khóc than. Nhưng không đâu em ơi, tôi không thể nào làm được! Vì sao? Chắc rằng em chẳng hiểu.
***
Tôi không quên cái câu thuở xa xưa ấy. Em úp mặt vào cây gòn ở cuối ngõ, nhắm lại mà đếm “năm, mười, mười lăm, rồi tiếp đến hai mươi”. Đã bao nhiêu mùa hè thênh thang trôi qua bến cuộc đời, tiếng ve râm ran trong vòm lá nỉ non. Màu nắng quê nung nấu tuổi thơ đỏ. Mùa hè gọi là những thứ âm thanh chúng không bao giờ chịu ngủ, tiếng ve kêu ché ché rụng xuống tai chật chội, và âm lá xào xạc rộ đều lên ngõ vắng bậc thời gian. Như chiếc lục lạc của tuổi nhỏ trong khu hoài niệm khua lắc, làm nghe nhớ hoài cái thuở xửa xừa xưa. Nhưng những thứ tạp âm đó đã bị tiếng cười và giọng nói của em lấn át! Nên tận bây giờ, trong tâm hồn tôi, em cười nói còn đếm mãi “năm, mười, mười lăm, rồi bỗng chợt hai mươi”.

Tôi nhớ mãi em ơi! Những ngần năm tháng ấy. Tôi còn là đứa trẻ rong ruổi từ xóm trong ra xóm ngoài. Em vẫn là cô bé tóc hai bím ngắn ngủn, tay ôm con búp bê mắt ngơ ngác đăm nhìn. Em trốn ngủ trưa theo tôi ra đầu ngõ, rủ theo thêm nhiều đứa trẻ hồn nhiên chơi trốn tìm. Cái nơi này vui lắm xôn xao như lễ hội, tiếng cười tiếng nói tưng bừng trút vào trưa, trút vào làng quê im ắng rồi trút luôn vào trí nhớ của một người cho tới tận bây giờ. Sau cuộc vui là những dấu roi in hằn trên cơ thể, nhưng có sá là gì trò trốn tìm vẫn liên tiếp diễn ra như chẳng có bất cứ trận đòn nào. Tôi và em như hình với bóng, từ nhánh cỏ chọi gà, từ tiếng leng keng của ông già bán kem, từ các con đường giữa trời nắng chang chang có tạc in nhuộm riêng của đôi bóng nhỏ, tóc dài với tóc ngắn, hát ca nói cười rộn rã khắp ngõ làng.
Tôi nhớ, em rất ưa ăn cái món bắp nấu được gói từ lá chuối, một thứ khoái khẩu của tuổi thơ mà vị ngon ngọt còn vướng trong đầu lưỡi cho tới tận bây giờ. Lên năm, lên sáu rồi đến lên mười, trò chơi trốn tìm còn lẩn quẩn dưới những bóng sân quê. Em giữ cây nhắm mắt, tôi chạy sau bụi chuối sau hè nấp người vào rồi đứng im thin thít. Em tìm chẳng thấy rồi ngồi ôm mặt mà nước mắt  rưng rưng. Thương em quá tôi đi ra chẳng hề muốn trốn nữa, lần nào cũng cũng bị em bắt gặp thế là tôi trở thành kẻ giữ cây. Ấy vậy mà tôi chẳng thể nào khôn ra được! Cứ thấy em u buồn tôi lại tự nguyện làm người thế thân, và đến lượt em trốn, tôi phải đi tìm.
Làng quê ấy vẫn có đôi bạn nhỏ y như hình với bóng. Người lớn bảo với nhau rằng hai đứa này là “thanh mai - trúc mã”, tôi chẳng hiểu thanh mai là cái gì và trúc mã ra làm sao. Nhưng có một điều rất thiết thực, em chẳng bao giờ chịu vắng tôi, từ sớm hôm bình minh vừa chạm ngõ, đến chiều bóng hoàng hôn ló dạng, cho tới đêm ánh trăng như tròn vành nón lá của mẹ, chẳng bao giờ chịu rời, cứ rong chơi rồi rần rần mải miết như những tiếng chim đang ríu rít giữa rừng thu. Chúng ta qua cửa ấu thơ để đi tới con đường của trưởng thành, đó là tuổi nhiều mơ lắm mộng như bướm ong trong vườn xuân. Chính là tuổi mới yêu, mà tâm hồn là những dòng nước trong veo chưa một lần vẩn đục. Chúng ta cùng trưởng thành, tức là chúng ta đã trở thành người lớn có trách nhiệm cho gia đình và xã hội.

Tôi thôi học về làm bạn với ruộng đồng, em tiếp tục học rồi về làm cô giáo miền quê. Ta đã đi qua tuổi nhỏ, cũng có nghĩa là ta đã đi qua những hoài niệm khoảng thần tiên tuổi hồng. Ta trôi theo dòng đời như chiếc xuồng lênh đênh xuôi theo dòng nước và chở cả trời tuổi thơ để đến bến tuổi trẻ. Em đâu còn là cô bé ngày xưa với đôi bím tóc ngắn, tay ôm con búp bê, đôi chân rất ưa nhảy cò cò. Rồi những lần đến nhà tôi rủ nhau ra đầu xóm bắt đầu chơi trốn tìm. Ôi cây thời gian nó như hóa phép màu, lặng lẽ tàn thu cội lá rụng xuống thênh thang trên đầy thảm nhớ, mà hồn xao xuyến hóa cánh chim phiêu du cứ mải mê bay tìm.
Làng quê ấy trong mơ còn ngậm đỏ những buổi chiều hỡi cánh diều vút cao. Những trận mưa hối hả còn ướt trong dư âm che chung nhau tàu lá trên mấy ngõ về nhà. Nếu có thể cho tôi xin được một lần trở về năm tháng ấy bên cuộc chơi trốn tìm. Tôi hứa sẽ không dại khờ cứ trốn mãi mặc kệ em khóc than. Nhưng không đâu em ơi, tôi không thể nào làm được! Vì sao? Chắc rằng em chẳng hiểu. Đến tuổi đôi mươi, lại là những người lớn họ bảo với nhau rằng “thằng Thanh nó thương con nhỏ Trúc, trông chúng cũng đẹp đôi hết biết”, tôi có một nỗi thẹn đỏ chín rụng tận tâm tư mỗi khi nghe nhắc đến mà thấy lòng dạ phơi phới hết cả ngày. Tôi giả đò sang nhà em với muôn vàn lý do, bâng quơ chơi với thằng Đen để nghe ngóng về em. “Chị Trúc của mày thế nào rồi, học hành ra sao, chắc chị Trúc mày giờ đã có bồ rồi nhỉ”. Nó cười với vẻ mặt ngây ngô rồi lắc đầu như chẳng hề biết gì. Đến khi em ra trường về làm cô giáo làng, những ông cha bà mẹ trong xóm ưa dòm ngó rồi ngỏ ý muốn em về làm dâu. Thì là con gái đẹp nết na thùy mị, ăn nói lễ phép lại có nghề nghiệp ai chẳng mong muốn con cái của họ được phúc mà cưới lấy. Nhưng họ cũng tiếc hùi hụi khi được tin “em đã có bồ vào những năm đi học thời gian ở xa quê”. Thế là tôi như cánh diều bị đứt dây như thuở xa xôi hai đứa ra đồng thả, biết đi tìm ở đâu cái thuở ấy? Em cứ khóc rưng rưng suốt một chiều! Hai đứa đành bất lực nhìn cánh diều bay xa.

Hôm nay thằng Đen đi học về, nó chạy một mạch xuống nhà tôi báo tin, chiếc áo trắng như mây chưa kịp cởi ra, vừa đến đầu ngõ nó quăng chiếc xe đạp, gặp tôi rồi hét: “anh Thanh ơi! Chị Trúc sắp lấy chồng rồi”. Tôi chẳng biết nó nói với tôi điều này để làm gì? Tôi hỏi khẽ: “chị hai sắp lấy chồng, mà sao trông Đen buồn vậy”?. Nó tháo chiếc khăn quàng đỏ trên vai, màu sắc ấy như cánh hoa râm bụt “vì người chị Trúc lấy làm chồng không phải là anh Thanh”, tôi bật cười cho chính câu nói ấy “cái này anh Thanh biết rồi mà Đen”. Nó chưa chịu về còn dõng dạc hỏi thêm: “anh biết, thế tại sao anh không nói với chị Trúc của em?. Tôi lại tiếp tục cười “anh Thanh là cái, chứ không phải mẹ em đã nói, không gả con gái cho những người không nghề nghiệp, không học hành tử tế đấy sao? Huống gì anh là kẻ du côn mà mẹ em rất ghét”. Nó đứng nhìn chăm chăm vì những lời của tôi không đủ thuyết phục một đứa trẻ lớp tám, “em chẳng thấy anh Thanh du côn ở chỗ nào cả. Em chỉ muốn chị Trúc lấy anh thôi”. Tôi nhìn nó thật lâu trong khung cảnh im lìm của buổi trưa đầy nắng. “Đen à! Rồi sau này lớn lên em sẽ hiểu, mừng cho chị Trúc đã lấy được chồng tốt”. Nó vẫn nghiêm giọng mà lớn tiếng “nhưng không ai tốt với em bằng anh, em đi học bị bắt nạt luôn có anh che chở, chẳng còn ai dám bắt nạt em nữa. Đi đâu chơi anh cũng dẫn em đi cùng. Anh vẫn là người mà em luôn kính trọng, từ nhỏ em đã gần gũi anh nên tính con người anh ra sao em luôn là người biết rõ”. Tôi xua tay dựng lại chiếc xe đạp cho nó “thôi em về đi, anh không muốn nghe những chuyện này nữa. Vì em còn nhỏ chưa hiểu gì nên cứ mãi nói lung tung”. Nó vội vàng đạp xe trở về với gương mặt buồn miên man.
Ngày đám cưới của Trúc, tiếng nhạc xập xình cứ vang lên khắp xóm! Tôi lặng lẽ đi ra bến sông nhìn về phía con nước xuôi dòng, thầm nghĩ: nơi ấy là tuổi thơ, là khung trời tuổi mộng, nó có bao giờ trở lại, với ai kia là điều nhỏ nhặt họ quên đi từ thuở nào chẳng biết. Nếu có nhớ thì cũng cơn gió lướt thoảng ngang rồi về với mây ngàn. Chỉ có riêng tôi những ký ức như rêu xanh cứ ôm tảng đá cũ như ôm kỷ niệm mà ru cả thanh xuân. Một mảnh trăng giữa dòng tuôn chảy theo con nước, gợi lên một nỗi buồn sâu kín tuổi thơ ấu còn không? Còn chứ, còn trong chiêm bao, còn trong ngăn ký ức, còn trong mùi thời gian những mùa hè thơm ngát vị kem. Chúng ta gần nhà, chúng ta chung xóm, nhưng nơi ấy là niềm vui bất tận, riêng nơi này quạnh quẽ cứ ngó về tuổi thơ, mà thơ thì bao giờ có im lặng. Buồn ư! Thôi cũng vậy, mà buồn vì điều gì? Tôi chẳng hiểu vì sao? Sông trăng gió trời lồng lộng, mang hồn tôi đến những ngõ thần tiên. Tôi thấy em rồi, hỡi cô bé có hai bím tóc ngắn.

Người cúi nhặt thời gian vắt ra những gam màu, vẽ lại những chi tiết của bức tranh quê hương. Có đôi bạn nhỏ ngồi dưới giàn hoa tím đang chơi trò cưới hỏi, cỏ cây làm quan khách, và những tiếng chim làm ban nhạc thật rộn vang tưng bừng. Gió rung cành cây xào xạc như tiếng vỗ tay rộ lên lời chúc phúc cho cô dâu chú rể.
Một chiều tôi về ghé lại đường cũ. Nơi ấy đã mất dấu, cảnh vật xưa chẳng còn tồn tại ở trước mắt. Tôi đứng bên đường nhìn lũ trẻ náo nức chơi trốn tìm. Con bé giữ cây với khẩu hiệu quen thuộc đã truyền lại đến bao nhiêu thế hệ: “năm mười, mười lăm, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi…”dứt câu cả đám chạy loạn xạ, người nấp vào bụi cây, người chạy ra tít ở đằng sau. Có thằng thằng bé nấp sau lưng tôi, đưa tay lên môi báo hiệu tôi phải giữ im lặng. Con bé giữ cây nó chẳng tìm được ai, buồn quá ngồi xuống khóc thút thít! Thằng bé nấp sau lưng tôi thấy tội nghiệp thế là đi ra làm thế thân. Tôi nói thầm trong bụng “Ôi! Cái thằng ngu”. Nhớ mình hồi nhỏ ghê. Có bao giờ em ngẫm lại tuổi thơ mình đã có gì đánh rơi. Chẳng phải ngày ấy em rất buồn khi vắng tôi đấy sao? Trốn tìm, trốn tìm, ai trốn ai tìm? Sao bây giờ tôi cứ mãi đi tìm.

Tác giả: Quang Nguyễn - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập45
  • Hôm nay14,252
  • Tháng hiện tại156,705
  • Tổng lượt truy cập9,862,557
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây