Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Lần cuối bạn không làm gì là khi nào? Không lướt điện thoại, không xem các chương trình TV, chỉ ngồi một chỗ, không bị xao nhãng, và… không làm gì cả như niksen - triết lý kỳ lạ của người Hà Lan.
Trong thế giới hiện đại đầy rẫy những căng thẳng và áp lực, con người không ngừng đi tìm những triết lý sống để xoa dịu tinh thần và tìm kiếm động lực cho mình. Đầu tiên, ta có hygge - triết lý của người Đan Mạch coi hạnh phúc bắt nguồn từ những điều bình dị nhất. Sau đó ta có lagom - tư duy "vừa đủ" của người Thụy Điển. Nhưng giờ đây, một xu hướng mới đã và đang lan tỏa mạnh mẽ tại châu Âu, bắt nguồn từ xứ sở của những bông hoa tulip: niksen. Triết lý này đơn giản đúng như tên gọi của nó, nghĩa là "không làm gì cả".
Niksen là gì?
Niksen "có nghĩa là chẳng làm gì cả, ngồi không hoặc làm gì đó vô ích", theo lời giải thích của bà Carolien Hamming - giám đốc điều hành CSR Centrum, một trung tâm ở Hà Lan có nhiệm vụ giúp đỡ khách hàng xử lý stress và phục hồi sau kiệt sức.
Sống theo triết lý niksen, bạn sẽ chỉ đơn giản là đi dạo xung quanh, ngắm nhìn cảnh vật và thả hồn vào âm nhạc "mà không có bất cứ mục đích cụ thể nào". Giáo sư xã hội học Ruut Veenhoven đến từ ĐH Erasmus Rotterdam cho biết, nó giống như "bạn ngồi yên trên ghế hoặc nhìn lơ đãng ra ngoài cửa sổ".
Ở Hà Lan, rất nhiều người bị kiệt quệ do làm việc quá sức đã quyết định theo đuổi triết lý sống niksen này. Họ cho phép mình tận hưởng một khoảng thời gian nghỉ ngơi thực sự, tránh xa bất kỳ công việc hay trách nhiệm nào.
Những lợi ích tiềm tàng của niksen
Theo bà Hamming, trước đây, niksen từng bị coi là tư duy lười biếng, đi ngược lại với tinh thần làm việc năng suất của người Hà Lan. Nhưng rồi, cuộc sống áp lực đã khiến nhiều người trở nên mệt mỏi. Vậy là niksen rốt cuộc lại được nhìn nhận như một biện pháp tích cực nhằm đương đầu với stress.
Theo Ekman - giám đốc đào tạo tại Trung tâm Khoa học vì mục đích vĩ đại thuộc ĐH California, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng niksen không chỉ giúp giảm thiểu bệnh lo âu mà còn ngăn ngừa quá trình lão hóa và tăng cường khả năng phòng tránh bệnh cảm lạnh. Nhờ những lợi ích về mặt sức khỏe này, kể cả những người bận rộn nhất trong số chúng ta cũng chịu dành thời gian ra để sống thử theo triết lý niksen này.
Ngoài ra, giáo sư Veenhoven cũng cho biết, niksen còn cải thiện khả năng sáng tạo của con người. "Khi chúng ta ‘nik’ - không làm gì - não bộ sẽ vẫn xử lý thông tin để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng", ông nói. Do đó, ngay cả khi đang mơ màng, bạn vẫn có thể nghĩ ra những giải pháp đột phá hoặc những ý tưởng kinh doanh tuyệt vời.
Chưa kể, khoa học cũng đồng tình rằng, việc thực hiện những công việc đơn giản khi đang thả lỏng tâm trí sẽ thúc đẩy khả năng giải quyết vấn đề mà bạn đã mắc kẹt từ lâu. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2013 cho biết, quá trình này sẽ giúp mỗi cá nhân có thêm cảm hứng để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, cũng như biết rõ mình phải làm gì để đạt được điều đó.
Sống theo triết lý niksen như thế nào?
Đối với nhiều người, việc "không làm gì cả" chẳng dễ như tưởng tượng. Trên thực tế, rất khó để bạn có thể ngồi yên một chỗ và nhìn ra ngoài cửa sổ trong một lúc lâu. Theo Hamming, ban đầu bạn sẽ cảm thấy "hơi đáng sợ", bởi con người đã vốn quen với chuyện bận rộn luôn tay luôn chân. Bà thường khuyến khích khách hàng vượt qua sự khó chịu ban đầu, dành ra vài phút mỗi ngày để thực hiện triết lý niksen. Nếu có thể, hãy dành hẳn một buổi tối mỗi tuần để không làm gì cả.
"Cứ lười biếng và ngồi không như thế đi", bà nói. "Việc bạn cần làm là kệ mặc cuộc đời trôi đi và giải phóng chính mình khỏi những lo toan bộn bề dù chỉ trong phút chốc."
Hãy cẩn thận, vì niksen cũng có những mặt trái!
Tuy nhiên, việc thả lỏng tâm trí quá lâu có thể khiến bạn bị "mắc kẹt trong những suy nghĩ", thay vì cảm thấy khoan khoái.
Trong nghiên cứu "Những mặt lợi và hại của việc thả lỏng tâm trí" được tiến hành năm 2013, các nhà khoa học đã quan sát và nhận ra rằng: Sau khi để tâm trí đi lang thang quá lâu, các tình nguyện viên sẽ cảm thấy khó ngủ vào đêm hôm sau và nhịp tim của họ sẽ tăng lên trong vòng 24 tiếng.
Bên cạnh đó, bạn cũng không thể thực hiện triết lý niksen này liên tục. Bởi lẽ, chúng ta không thể ngồi không cả ngày. Theo Veenhoven, bạn hãy cứ duy trì lối sống năng động của mình, đồng thời biết dành thời gian để buông bỏ mọi thứ cho tâm trí nghỉ ngơi. Đó mới là cách tốt nhất để vận dụng triết lý niksen vào trong đời sống.
"Nghỉ ngơi là cách khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn sau mỗi hoạt động, nhưng đó không phải là con đường chính dẫn bạn tới hạnh phúc lâu dài," ông cho biết. Trên thực tế, những người chăm chỉ tham gia các hoạt động sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, nhờ có các mối quan hệ xã hội lành mạnh và khả năng xoay xở mạnh mẽ.
Hãy nghỉ ngơi sau những ngày bộn bề của cuộc sống. Hãy cho phép bản thân được sống chậm lại, nhìn vào hư vô và thở ra. Hãy tựa đầu vào tủ lạnh và ăn vài miếng bánh mì. Hãy ngồi thụp xuống sàn và chơi với chiếc chìa khóa trên tay. Hoặc bạn cứ đứng yên đó và tồn tại chỉ trong một giây. Bạn sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Tác giả: Theo Ngọc Hà - Trí thức trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn