Tổn Thương Theo Năm Tháng Sẽ Lành, Nỗi Đau Theo Thời Gian Sẽ Nhạt (Blog Radio 818)
Thứ hai - 08/05/2023 00:07
Khi yêu chúng ta thường hứa hẹn rất nhiều, kỳ vọng rất nhiều, để rồi năm tháng đợi chờ, đáp lại bằng vết thương lòng đau nhói. Người bị bỏ lại tổn thương đã đành, người buộc phải bỏ lại người mình yêu cũng tổn thương chẳng kém. Đúng hay sai đâu còn quan trọng, vì thế nào cũng chẳng thể ở bên nhau. Nhưng rồi tổn thương theo năm tháng sẽ lành, nỗi đau theo thời gian sẽ nhạt. Ai rồi cũng phải gạt nước mắt, tự mình đi qua nỗi đau để đến với bến bờ khác bình yên hơn, hạnh phúc.
Tiếng gà te te báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Những tia nắng len qua cửa sổ, nhảy nhót trong căn phòng như muốn kéo Thắm ra khỏi giường, để bắt đầu một ngày mới bộn bề công việc. Ở cái xứ nắng gió này, mới hơn năm giờ sáng mà mặt trời đã chói chang, muốn nằm thêm một chút cũng không được.
Bước ra sân, với tay lấy chiếc khăn trên dây phơi để rửa mặt, tầm mắt Thắm nhìn ra xa, trông về mảnh vườn nhà mình, xưa cây thanh long bao phủ xanh mướt một màu, giờ vàng vọt tiêu điều, như mái tóc thiếu phụ tuổi xế chiều, điểm sương trắng xoá.
Cây thanh long gắn liền với thời thanh xuân của chị, nhanh đến chóng tàn. Chị thở dài, mơ màng nhớ lại…
Nhiều năm trước nhà Thắm có vài mẫu đất, nửa trồng thanh long, nửa luân phiên một vụ trồng lúa vào mùa mưa, một vụ trồng hoa màu vào mùa nắng. Cuộc sống ổn định. Sau đó cơn sốt thanh long kéo đến, nhà nhà trồng thanh long, người người làm thanh long. Đi khắp dải đất đầu miền Nam Trung Bộ này, đâu đâu cũng nghe nói đến thanh long. Thời điểm đó, thanh long trở thành cây xóa đói giảm nghèo của người dân quê, là cây làm giàu cho các vựa thu mua thanh long, các cửa hàng vật tư nông nghiệp.
Gia đình Thắm không muốn theo xu thế này, vì sợ quá nhiều người trồng sẽ không có người mua như bao cây khác. Nhưng làm sao được khi mà đường dẫn nước tưới tiêu cho ruộng lúa và màu đã bị chặn, vì các hộ dân chung quanh đắp đất chuyển hết sang trồng thanh long. Vậy là toàn bộ đất nhà chị được đầu tư cho cây thanh long.
Mấy năm đầu, nhà Thắm sung túc hẳn, thu nhập từ cây thanh long gấp bốn năm lần từ cây khác. Lúc này chị bước vào cái tuổi đôi mươi đẹp nhất đời người, cũng là lúc chị gặp Lễ. Anh đến làm công cho nhà chị. Thỉnh thoảng chị theo người của nhà bếp đem cơm ra cho mọi người ăn trưa thì gặp mặt. Ban đầu Lễ trầm mặc ít nói, ai nói gì chỉ gãi đầu cười. Đôi khi chị vô tình hoặc cố ý nhìn sang, bắt gặp ánh mắt anh lén nhìn, vừa chạm vào mắt chị vội lảng đi nơi khác, giả vờ chăm chú nhìn những bụi thanh long xanh mướt.
Lễ da ngăm rắn rỏi, không tính là đẹp trai nhưng bù lại nụ cười ấm áp, tính anh chịu thương chịu khó, không nề hà việc gì, mọi người đều quý mến. Không biết tự hồi nào, Thắm thích ngắm nhìn anh. Cũng không biết tự hồi nào, mỗi ngày chị dành phần đem cơm cho mọi người, ai gặp chị cũng cười đùa vui vẻ. Dần dà, chị và Lễ chuyện trò nhiều hơn. Nhờ vậy mà chị biết hoàn cảnh nhà anh. Ba Lễ bệnh tim đã nhiều năm, không làm được việc nặng, phải thuốc men hàng tháng rất tốn kém. Mẹ anh tần tảo làm thuê làm mướn vừa lo cho cả nhà, vừa tiền thuốc cho ba anh, được đồng nào tiêu hết đồng đó, “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Anh nghỉ học sớm đi làm thuê phụ mẹ, để hai đứa em được tiếp tục việc học hành.
Người ta nói trái tim người phụ nữ luôn có tình thương của người mẹ, nghe Lễ kể chuyện nhà mà Thắm thấy xót xa, thấy thương anh nhiều hơn. Từ thương cảm thành ra thương thiệt, rồi thương tự nó biến thành yêu lúc nào không biết. Chỉ biết ngày nào không gặp nhau là tối về không ngủ được, cứ trăn trở nhìn ra bên ngoài, nơi những ánh đèn điện thắp cho cây thanh long sáng rực.
Lễ có tình cảm với Thắm nhưng mặc cảm mình nghèo nên vẫn lặng thinh. Dù vậy, con tim đâu chịu nghe lời, cứ tới giờ trưa là nhấp nhổm ngóng trông, thấy chị từ xa liền vui mừng ra mặt, nụ cười treo cả trong ánh mắt. Lúc Thắm đến gần, anh bối rối, tay chân thừa thãi không biết để vào đâu, đưa lên vuốt mấy cành thanh long. Chị thấy vậy bật cười hỏi:
“Anh không thấy cành thanh long có gai à, vuốt hoài vậy chảy máu tay sao?”
Lễ lúng túng rụt tay lại, ngượng ngùng im lặng không nói gì. Chị lại trêu ghẹo:
“Em thấy mấy bụi thanh long cành nhánh buông xõa giống như mái tóc người con gái. Vậy chắc anh đang nghĩ tới mái tóc nàng nào à?”
Lễ giật mình, vội thanh minh:
“Đâu có, tui đâu có nghĩ gì đâu, chỉ thuận tay thuận chân thôi.”
Thấy anh như vậy, chị khúc khích cười.
Ngày nào Thắm bận việc không mang cơm ra thì anh ngơ ngẩn, lầm lì, ai hỏi gì chỉ ậm ừ cho qua.
Lễ khéo tay, hay tự làm tặng Thắm mấy món quà xinh xắn, từ con cào cào làm từ lá dừa, con lật đật, con rối gỗ, đến những vật trang trí nhỏ nhắn bằng gỗ… Canh lúc vắng người anh len lén đưa cho chị, mà ngại ngùng, mặt mũi đỏ bừng. Căn phòng của chị dần đầy ắp quà anh tặng, chị nâng niu quý trọng hơn cả những bảo vật đắt tiền, vì trong mỗi món quà ẩn chứa tấm lòng của anh, cũng thấm đẫm những giọt mồ hôi từ bàn tay anh làm nên.
Có lần Lễ tặng Thắm một chiếc kẹp tóc nhỏ xinh, kiểu để kẹp mái hoặc kẹp nửa tóc. Thắm nhận món quà, vừa vui vừa buồn cười, chắc lần trước đùa Lễ, anh sợ chị cho rằng anh tơ tưởng đến người khác nên tặng chiếc kẹp tóc này, ngụ ý chỉ nghĩ đến mái tóc của chị. Con gái, đôi khi chỉ cần một hành động nhỏ vậy đủ vui mấy ngày liền.
Thắm thích thời khắc thanh long nở hoa. Mỗi buổi bình minh, dưới ánh nắng ấm áp, những cánh hoa hình chuông đua nhau nở rộ, sắc hoa màu trắng điểm xuyết trên thân cây xù xì, như cánh hoa xinh cài trên mái tóc. Khắp đất trời trắng một màu hoa, thấp thoáng giữa những nhánh cành xanh biếc. Thắm thích hoa thanh long, một phần vì nó đẹp, một phần vì nó gắn với mối tình đầu của chị và Lễ. Đi xen giữa những luống thanh long đang khoe sắc, tay anh ngập ngừng nắm lấy bàn tay chị, hồi hộp run rẩy. Chị quay sang nhìn, thấy mắt anh nhìn xuống đất, vành tai ửng đỏ. Để tay mình nằm yên trong tay anh, chị tinh nghịch hỏi:
“Vầy là có ý gì?”
Lễ vẫn cúi mặt, lúng túng hồi lâu mới ấp úng:
“Em… làm… bạn gái… của anh… nha!”
Thắm cười rạng rỡ, khẽ gật đầu, câu nói này chị đã chờ từ lâu. Dù tính tình cởi mở, chị không thể “cọc đi tìm trâu” mà mở lời trước, chỉ biết chờ anh. Cuối cùng anh đã chịu ngỏ lời cùng chị, sau hơn hai năm “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.
Tính Lễ tự lập, không muốn mang tiếng quen Thắm để nhờ đỡ, nói chị ráng chờ anh có chút tài sản mới hỏi cưới chị. Chị chỉ cười cổ vũ cho anh. Lễ vay mượn tiền, thuê đất làm thanh long. Thời điểm này thanh long đang sốt, tiền trụ, tiền cây giống, các vật tư liên quan giá cao ngất ngưởng. Những gì cần mua thì mua, những gì làm được tự anh làm hết để tiết kiệm tiền công, từ làm cỏ đắp đất, giâm cành buộc nhánh, tưới nước bón phân.
Thỉnh thoảng Thắm ghé qua mang cơm cho anh, hoặc mang ít thuốc men, sữa bánh làm quà cho mẹ và hai người em của anh. Nhìn từng nhánh thanh long vươn mình lớn lên từng ngày, như những hạt mầm trong lòng chị và anh đang nảy nở, những hạt mầm mong ước về tương lai của hai người. Chị nhớ có câu nói rằng, “hạnh phúc là có một việc gì đó để làm, một ai đó để yêu và một điều gì đó để hy vọng.” Lúc này đây, chị và anh có cả ba điều ấy, quả là những ngày cực khổ mà vui vẻ.
***
Sau hai năm, thanh long bói trái. Những nụ thanh long từ lúc tượng hình bằng hạt bắp, rồi nở hoa, kết trái, lớn dần, lúc trái chín khoác lên mình sắc đỏ thắm tươi, thành quả của sức lao động được đền đáp. Nhưng thời điểm này, giá thanh long bấp bênh lúc cao lúc thấp, như biểu đồ hình sin. Mới bói trái chưa thu hoạch gì nhiều, Lễ mượn tiền đầu tư tiếp với hy vọng, mùa sau giá sẽ tốt. Thắm can ngăn mà anh không nghe, nói giờ dừng lại cũng mang nợ, cần đầu tư tiếp mới có hy vọng. Chị bị thuyết phục, thay anh vay mượn thêm tiền, với hy vọng thanh long lên giá, cũng hy vọng về ngày cưới của mình.
Niềm hy vọng ấy nhen nhóm chưa được bao lâu, thì tắt ngúm như đóm tro tàn âm ỉ bị dội gáo nước lạnh. Đại dịch đến, đường vận chuyển bị tắc, cộng thêm phía bên kia biên giới, cửa khẩu lúc đóng lúc mở như truyện cây tre trăm đốt khắc nhập khắc xuất, khiến người nông dân điêu đứng, và người dân trồng thanh long không ngoại lệ. Trái chín không có người mua, hái xuống đem đổ bỏ, đỏ cả vùng quê. Những vựa thanh long đóng hàng lên xe, đến được biên giới, chờ thông quan quá lâu, trái hư đem bỏ. Đồng tiền theo đó đổ sông đổ biển, nợ nần chồng chất.
Gia đình Thắm cố chịu đựng để duy trì, vì đã lỡ đầu tư, vì ngoài thanh long không biết làm gì khác. Qua nhiều lần như vậy, từ cảnh sung túc chuyển sang cạn kiệt, phải bán bớt ruộng vườn trả nợ. Từ nhà cao cửa rộng sang nhà nhỏ chật hẹp, con cái tứ tán đi làm lo nuôi thân, ba mẹ chị buồn rầu sinh bệnh.
Phần Lễ nợ nần không thể trả, căn bệnh của ba trở nặng, mẹ anh lo buồn sinh bệnh rồi mất, hai em phải nghỉ học đi làm kiếm sống. Anh muốn đi làm thuê không ai mướn, vì thanh long tuột dốc, tất cả những dịch vụ liên quan đều ngưng trệ. Anh từ một người đầy nhiệt huyết trở nên chán nản, lầm lì, cộc cằn.
Thắm vừa gồng gánh lo cho nhà mình, vừa lo trả khoản nợ vay thêm cho Lễ đầu tư lúc trước, vừa chăm sóc cha mẹ đang lo buồn thất chí. Nụ cười biến mất tự lúc nào, gương mặt chỉ còn những âu lo trăn trở. Ngày trước không có chuyện gì cũng huyên thuyên cười nói, chuyện đông chuyện tây, chuyện làng chuyện xóm. Mỗi ngày gặp nhau về vẫn nhớ, gọi điện thoại nói chuyện hàng giờ liền. Giờ gặp nhau không biết nói gì, hỏi han có khoẻ không thì khách sáo quá, chuyện nhà quanh đi quẩn lại chỉ có ốm đau bệnh tật nợ nần, nói ra càng thêm nặng nề.
Dần dà, anh chị ít gặp nhau, chỉ thi thoảng chị làm món gì ngon đem sang cho ba anh, hoặc anh đến thăm ba mẹ chị, lúc đó mới chạm mặt. Mỗi người đều bị những lo toan làm cho chai sạn. Đã nhiều lần Thắm nghĩ: “Có khi nào anh hối hận lúc trước quen chị. Nếu anh không quen chị, vẫn đi làm công độ nhật thì liệu giờ gia đình có yên ổn hơn không?” Thắc mắc để trong lòng như cái gai nhọn, muốn hỏi Lễ nhưng không dám, chị sợ nghe câu trả lời mà mình không mong muốn.
Đại dịch đi qua, thanh long vẫn không khởi sắc, những luống thanh long xanh mướt giờ bị bỏ hoang, héo úa lụi tàn. Nhà nào còn chút tiền hoặc còn vay mượn được thì phá bỏ thanh long, xới đất dẫn nước, trồng lúa trồng hoa màu. Nhà nào nợ nần túng thiếu thì bán đất bán nhà, đi ở thuê hoặc đi nơi khác làm mướn. Lễ cùng đứa em kế vô thành phố kiếm việc làm, đứa nhỏ ở lại chăm sóc ba anh. Trước khi đi, anh qua nhà nói với chị:
“Anh đi vô trỏng kiếm việc, lo cho ba rồi cố gắng trả phần nợ anh và em vay mượn.”
Lễ không hứa hẹn thêm gì. Thắm chỉ biết gật đầu, cảm thấy có mấy trăm cây số mà lần chia ly này như nghìn trùng xa cách. Biết làm sao được, hoàn cảnh đã vậy, ở gần cũng như xa, thà xa xôi còn có chút gì để mong nhớ.
Ban đầu lạ nước lạ cái, hai anh em theo mấy người đồng hương làm đủ thứ việc. Sau có người giới thiệu đi giao hàng cho một cơ sở tư nhân, rồi chuyển sang làm luôn ở đó. Đứa em cũng được nhận. Hai anh em được chị chủ cho ở lại xưởng, tiện cả đôi đường, vừa có chỗ ngủ vừa trông hàng hoá cho chủ. Lễ vốn chăm chỉ, ham học hỏi, không ngại khổ, hết giờ làm nếu chị chủ cần đi đâu anh tình nguyện chở đi, hoặc thay chị ấy đi làm nhiều việc, mới gần nửa năm đã trở thành cánh tay đắc lực của chị ấy. Thắm nghe anh kể mà mừng cho anh, nhưng một nỗi lo lắng mơ hồ xuất hiện, khi mà số lần liên lạc giữa anh và chị ngày càng thưa.
Không lâu sau, ba Lễ trở bệnh nặng, phải đưa vô thành phố chữa trị. Thắm biết anh khó khăn chồng chất, muốn cùng nhau gánh vác nhưng lực bất tòng tâm. Cha mẹ chị cần chị chăm sóc, không thể vô trong đó chăm ba anh được. Tiền bạc lại càng không có. Chị lo lắng nhưng không thể làm gì, anh cũng không chia sẻ gì với chị. Khoảng cách giờ đã xa vời vợi.
Thắm gọi điện cho đứa em nhỏ của anh, mới nắm được tình hình. Ba anh điều trị hơn một tháng thì qua cơn nguy cấp. Chị chủ cho mượn tiền trang trải viện phí, lúc ba anh xuất viện còn được ở một phòng trong nhà của chị ấy cho đỡ tốn tiền phòng trọ và tiện chăm sóc. Đứa em có vẻ rất thích chị chủ này, em ấy khoe:
“Chị ấy lớn hơn anh hai em bốn tuổi mà trông trẻ đẹp lắm. Chỉ còn kêu người chăm sóc cho ba, để anh hai và anh ba yên tâm đi làm. Chỉ nói đợi ba nhẹ bệnh sẽ cho em đi học lại. Cả nhà ở cùng nhau trong này luôn chứ không về quê nữa.”
Đứa em cứ vô tư kể, Thắm cứ vô tình đau. Nước mắt lăn dài trên đôi má. Giờ đây chị đã biết kết cục cho mối tình hơn năm năm của mình. Chị chủ ấy chính là hình ảnh của chị năm năm trước, người không có tình ý gì sao có thể quan tâm đến Lễ và cả gia đình anh nhiều đến thế. Cái khác là hồi trước anh tự tin kiêu ngạo muốn tay trắng gầy dựng sự nghiệp. Giờ đây trải qua dâu bể, mẹ mất, cha đau yếu, em thơ dại, nợ mới nợ cũ một mình anh gánh gồng, không thể không nhận sự giúp đỡ. Mà nợ ân tình là món nợ khó trả nhất, chỉ có thể trả bằng tình mà thôi.
Thắm nghĩ chắc anh đang khó xử, ngại ngùng không biết đối diện với chị thế nào nên chọn cách im lặng. Thôi thì chị sẽ làm điều cuối cùng cho anh, đó là lặng im không liên lạc nữa, để anh khỏi áy náy. Thanh xuân của chị, chưa thắm đã vội tàn, chỉ hiết tìm lại hồi ức qua những kỷ vật ngày xưa anh tặng.
***
Gần nửa năm nữa trôi qua, một buổi sáng trời chưa hửng nắng, Lễ xuất hiện trước nhà Thắm. Nếu là trước kia, bất ngờ thấy anh chắc chị mừng lắm. Giờ đây ngoài ngượng ngùng khách sáo chỉ là khách sáo ngượng ngùng mà thôi. Người ta nói người quen bặt tin lâu ngày bỗng dưng liên lạc thì chỉ có một việc là báo hỷ. Nghĩ thế nhưng Thắm vẫn cố tìm một lý do khác:
“Anh về chơi à? Bác có về không? Bác vẫn khoẻ chứ?”
Lễ thoáng nhìn vào mắt chị, ngập ngừng một chút mới cất tiếng: “Anh về để gặp em, có chút chuyện.”
Thắm hơi run rẩy, đáp lời: “Có chuyện gì gọi điện thoại được rồi. Cần gì chạy về cho mất công vậy.”
“Điện thoại thì dễ nói, nhưng anh nghĩ cần gặp trực tiếp em, đã lâu rồi không liên lạc.” Lễ đưa mắt nhìn xa xăm.
Thắm im lặng chờ nghe tin tốt lành của anh, anh lặng im không biết mở lời ra sao, sự trầm mặc làm bầu không khí thêm ngột ngạt. Thật lâu sau anh cất tiếng:
“Anh gửi em số tiền em vay cho anh hồi trước. Nhờ em trả người ta dùm. Thời gian qua thật vất vả cho em.”
“Ồ, nhanh ha! Chưa đầy một năm, em nghĩ phải vài năm mới có để trả hết.” Cầm bì thư Lễ đưa, Thắm cố nghĩ ra một câu để nói với anh cho đỡ ngượng ngập.
“Cũng xin lỗi em vì lâu không liên lạc. Ban đầu vì bận rộn, vì nhiều chuyện xảy đến, sau thì... Chắc em có nghe chuyện của anh rồi. Sang năm anh cưới. Anh xin lỗi.”
Lễ đắn đo khi muốn chính mình trở về nói với Thắm. Anh biết như vậy sẽ khiến hai người khó xử, nhưng anh không muốn thông qua ai khác cho chị biết tin. Anh nghĩ tuy đau đớn nhưng chí ít anh còn tôn trọng chị, anh là người mở đầu thì cũng để anh nói lời kết thúc.
Mắt Thắm bắt đầu rơm rớm. Chị đã nghĩ đến tình huống này nhiều lần, đã luyện tập để khi nghe tin thì tươi cười chúc mừng Lễ. Nhưng giờ đây, khi câu nói ấy thật sự vang bên tai, chị không thể cười với anh được. Khó khăn lắm mới kìm nén không cho giọt nước mắt chảy ra, chị chỉ biết cúi đầu, tránh để anh nhìn thấy đôi mắt ầng ậc nước của mình.
“Em biết rồi. Chúc mừng anh. Giờ em phải đi làm cho kịp. Không tiễn anh nha.” Nói xong Thắm vội chạy đi, rời xa tầm mắt anh trước khi bờ vai run rẩy, lồng ngực nấc lên từng hồi, nước mắt tràn như đê vỡ.
Lễ đứng trông theo chị, anh biết chị đang trốn ở một góc để khóc, mong rằng nước mắt sẽ giúp chị vơi đi nỗi đau. Anh không biết sau này anh có hối hận về quyết định của mình hay không, nhưng hiện tại, anh không có sự chọn lựa khác. Nuốt nước mắt vào tim, anh quay bước, bỏ lại sau lưng mối tình đầu tươi đẹp. Anh đã phụ người con gái này, cũng phụ luôn niềm kiêu hãnh trong lòng, khuất phục hai từ “hoàn cảnh”.
Nhìn bóng Lễ khuất dạng, Thắm thẫn thờ. Kết cục đã định, chị không trách anh, nếu bản thân mình là anh có lẽ chị cũng quyết định như vậy. Cỏ cây vạn vật còn thay đổi, huống chi con người.
Thắm tự nhủ: “Vết thương theo năm tháng sẽ lành, bi thương đến mấy rồi sẽ nhạt phai.”
Phía chân trời ánh dương đang rực rỡ. Đêm tối đi qua ngày mới sẽ bắt đầu. Cuộc sống không vì ai mà lỡ nhịp của mình..
Và cuộc sống của Thắm sẽ lại bắt đầu từ ngày hôm nay.
Tác giả: Hoàng Ngọc Thanh
Giọng đọc: Hà Diễm, Sand
Thực hiện: Hằng Nga
Thiết kế: Hương Giang