Tôi hiểu cảm giác bất lực khi bản thân mình không có gì trong tay và phải bỏ lỡ rất nhiều cơ hội tốt, cùng với đó là việc không thể chăm lo tốt cho những người thân yêu của mình. Cảm giác ấy thật sự rất là tồi tệ.
***
Cristiano Ronaldo: “Tôi không quyên góp từ thiện để nổi tiếng. Tôi làm điều đó vì tôi từng chịu đựng cảm giác bất lực khi không có gì trong tay.”
Hôm nay, khi lang thang trên mạng, tôi đã vô tình đọc được câu này. Có lẽ, cũng chính vì đó mà tôi yêu thích Ronaldo, ngoài khía cạnh là một cầu thủ bóng đá xuất sắc.
Có thể nói, rất nhiều người trong chúng ta, mỗi người đều có một khó khăn nhất định. Không phải ai cũng giống ai và không phải ai cũng có thể nói ra, sẻ chia khó khăn của mình. Bởi đơn giản, chỉ có chính mình mới là người có thể cứu rỗi được cuộc đời của mình nếu mình thật sự muốn nó khác đi. Nhưng suy cho cùng, nếu mỗi ngày đều có cơm ăn áo mặc, có một công việc để làm và vẫn còn khỏe mạnh đi lại bình thường, vẫn còn người thân yêu ở bên thì đã là may mắn rồi.
“Cảm giác bất lực khi không có gì trong tay”, có lẽ, đó là một cảm giác vô cùng khó chịu và tuyệt vọng. Sinh ra, chúng ta không ai được chọn hoàn cảnh cho mình. Với tôi, một xuất phát điểm vô cùng thấp. Nhà tôi rất nghèo và Mẹ chỉ có một mình nuôi bốn anh em.
Tuổi thơ tôi, suốt 12 năm trời đi học, tôi chưa bao giờ được học một cuốn sách mới hoàn toàn. Thời của tôi lúc đó, năm sau có thể dùng lại sách năm trước để học. Em trai con của Dì tôi lớn hơn tôi một tuổi, nên em trai tôi học xong năm này thì năm sau tôi lại dùng sách của em để học. Đa phần những buổi sáng khi thức dậy đi học, tôi chỉ ăn cơm với nước mắm dầu. Đó là món ăn yêu thích nhất của tôi trong suốt những ngày tháng tuổi thơ và chưa từng một lần được đi ra ngoài chơi bất cứ nơi đâu ngoài việc đi học và về nhà với Ngoại, với Mẹ và các anh.
Tôi nhớ năm đó mùa lúa trúng, Mẹ đã bán mấy bao lúa và có mua cho tôi hai bộ đồ mới. Hai bộ đồ thun, quần lửng, vẫn nhớ như in là màu xanh lá mạ và màu vàng bơ. Lúc đó tôi học lớp 9. Tôi mừng và quý hai bộ đồ đó đến nỗi về nhà ôm ngủ và không dám mặc vì sợ nó cũ.
Vì rất nghèo, tôi luôn ý thức được mình phải cố gắng để Mẹ mình vui vì mình và có động lực cho mình học tiếp. Tôi ham học, tôi không thể nào ngừng học được. Chính vì nhìn thấy nỗi cực khổ vất vả của Mẹ, tôi vẫn luôn cố gắng học thật tốt để không phụ công Mẹ nuôi dưỡng tôi. Mười hai năm trôi qua, với bao nhiêu gian lao khó nhọc, Mẹ cũng đã nuôi tôi học và đến ngày tôi đỗ Đại học.
Bước chân ra môi trường phố thị, tôi đã lần đầu giấu Mẹ và các anh để đi làm kiếm thêm tiền vì tôi biết, sắp tới đây tôi sẽ rất tốn kém, nhưng Mẹ tôi thì không thể nào lo được hết con đường dài bốn năm ấy. Công việc đầu tiên tôi làm, là phụ giúp việc nhà cho một gia đình, căn nhà mà tôi đã đến ở trọ khi đi thi Đại học. Căn nhà của một cô giáo, nhà cô có 3 lầu. Mỗi tuần tôi đến phụ cô dọn dẹp một lần và mỗi lần như vậy tầm 4 tiếng, từ 18h chiều đến 22h đêm. Sau khi ở giảng đường về là tôi ăn liền một gói mỳ tôm và mặc nguyên bộ đồ đi học để đến lo việc. Một căn nhà 3 lầu, tôi phải quét từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Sau đó lau chùi hết tất cả mọi ngóc ngách, cả căn bếp. Rồi xếp đồ cả gia đình cô bỏ vào tủ cho ngăn nắp. Tất cả mùng mền đều phải mang đi giặt hết. Thật sự, trong lúc giặt mền, tôi đã suy nghĩ rằng bao nhiêu năm qua mền của Mẹ mình, mình đã giặt được mấy lần? Nghĩ đến đó, tôi thật sự rơi nước mắt. Trong lúc đang loay hoay dọn bếp, học sinh của cô đến học thêm, tôi nghe tụi nhỏ xì xầm: “Ai vậy cô? Osin của nhà cô hả cô?” Mồ hôi tôi thấm đẫm, ướt cả lưng áo, mặt tôi nóng đỏ bừng. Sau 4 tiếng đồng hồ, tôi nhận được của cô 60 ngàn đồng. Lúc đó năm 2010, lần đầu tiên trong đời, tôi làm ra được 60 ngàn đồng. Tôi ra về với 60 ngàn đồng và cũng đôi chút tự hào. Tôi nhớ, khi đó gần chỗ trọ tôi ở có một quán chè đậu xanh rất nổi tiếng, một ly như vậy là 4 ngàn. Tôi đói bụng và mệt lả, tính ghé vào ăn một ly nhưng tôi đã đắn đo, nếu giờ ăn một ly chè thì sẽ mất đi 4 ngàn, chỉ còn lại 56 ngàn thôi. Vậy là thôi, tôi đi về. Nhiều lần sau đó cũng thế, tôi vẫn đi về và không ghé vào quán. Tôi quý trọng từng đồng tôi làm ra và xếp thật ngay ngắn kẹp vào trong trang sách. Cho đến một lần Mẹ tôi gọi điện, Mẹ nghe tôi kể, Mẹ la và không cho tôi đi làm việc đó nữa vì sợ tôi mệt không học được. Nên tôi đã tìm một công việc khác – nhân viên phục vụ quán cà phê.
Tôi nhớ như in cái tên quán cà phê Hoa Sữa tôi đến làm đầu tiên. Ngày đó, mùa đông, mưa dữ dội. Căn trọ tôi ở gồm có 6 chị em. Sáng hôm đó, tôi dậy sớm đi làm, lúc 5h nghe chuông reo. Tôi lọ mọ dậy trong cái lạnh và mưa thì tầm tã bên ngoài. Tôi ăn vội gói mỳ tôm và bắt đầu đạp xe ra đường. Trong lòng thì mong anh chủ sẽ gọi điện nói mưa thôi nghỉ em ơi, nhưng một mặt lại nghĩ rằng mình đã dậy sớm, đã ăn gói mỳ tôm rồi thì phải đi làm để kiếm 20 ngàn mới được. Vậy là tôi đạp xe đi trong khi bạn của tôi vẫn còn đang ngủ say trong chăn ấm. Mỗi buổi sáng, đi làm từ sớm đến 11h30 mới được về. Về thì ăn vội miếng rồi đi học buổi chiều. Tôi đã làm được vài tháng và tháng lương đầu tiên tôi đủ 30 ngày, nhận được 600 ngàn đồng. Tôi vui mừng gọi điện khoe với Mẹ.
Và rồi cho đến nhiều công việc sau đó. Tôi tiếp tục tìm kiếm những việc khác để làm. Tôi phụ trông coi tiệm net, tôi dạy kèm, tôi bán đồ lưu niệm ở khách sạn, tôi đi bán sim điện thoại, tôi đi làm ở Big C… Tất cả mọi công việc, đều không hề dễ dàng và phải đánh đổi thời gian tập trung cho việc học.
Năm thứ ba, vì việc học rất cần laptop để làm bài thuyết trình. Bạn bè thì có cả rồi, còn tôi thì chưa. Vậy là tôi đã dành dụm tiền học bổng của mình để mua được một chiếc laptop 7 triệu. Đây là tài sản lớn nhất đầu tiên tôi tự mình sắm được.
Con đường bốn năm cũng qua, cho đến khi tốt nghiệp. Khi ấy, tôi được Thầy chủ nhiệm gợi ý ở lại trường và theo đuổi tiếp con đường học vấn, học lên Thạc sĩ để sau này về trường giảng dạy với Thầy. Tôi đã không cần suy nghĩ mà quyết định ngay, là sẽ về quê kiếm việc làm chứ không học nữa. Mẹ không thể nào tiếp tục nuôi tôi học nổi vì chương trình Thạc sĩ rất tốn kém. Mẹ đã mòn mỏi chờ đợi tôi học xong bốn năm để có thể kiếm việc làm.
Tôi nhớ khi ấy, năm 2014 khi ra trường. Tôi xin việc làm ở Đà Nẵng. Tôi không có xe máy, tôi đi xe nhờ một người bạn đến chỗ làm mỗi ngày. Rồi thời gian, tôi mượn được chiếc xe đạp, tôi đã đạp xe đạp suốt nhiều km mỗi ngày. Sau một năm tích góp, tôi đã có thể mua được chiếc xe sirius. Lại là một tài sản lớn đối với tôi. Mẹ tôi rất mừng vì tôi đã có xe riêng để đi làm.
Có thể nói, tất cả những gì tôi có được cho mình, những phương tiện, tôi đã nỗ lực rất nhiều. Suốt những chặng đường đó, tôi học được cách trân quý những gì mình có được, mặc dù so với nhiều người thì nó rất là nhỏ bé. Mỗi lần mua sắm cái gì, tôi đều suy nghĩ rất nhiều lần là có nên mua hay không, nó sẽ giúp ích gì cho mình. Biết rằng mình xuất thân là con nhà nghèo, tôi thương Mẹ và luôn muốn cố gắng để Mẹ vui lòng. Tôi hiểu cảm giác bất lực khi bản thân mình không có gì trong tay và phải bỏ lỡ rất nhiều cơ hội tốt, cùng với đó là việc không thể chăm lo tốt cho những người thân yêu của mình. Cảm giác ấy thật sự rất là tồi tệ.
Cho đến hôm nay, chẳng phải tôi đã thoát nghèo, tôi vẫn nghèo, nhưng so với nhiều người, tôi thấy được mình đã may mắn hơn nhiều, vì cho dù tôi nghèo, nhưng Mẹ và tôi đã cùng nhau cố gắng chưa bao giờ bỏ cuộc để tôi có được bốn năm học Đại học mà với tôi vô cùng tuyệt vời. Giảng đường Đại học – nơi đã cho tôi nhiều kiến thức và bài học quý giá, mở ra cho tôi một cánh cửa tri thức mà tôi trân quý biết bao.
Chính vì những vất vả nhọc nhằn ấy, đã dạy cho tôi biết nhìn đời với đôi mắt yêu thương hơn. Dù mình nghèo, nhưng có nhiều người vẫn nghèo hơn, họ cực khổ hơn, họ không có gì để ăn cho no bụng, quần áo cũng không có đủ để mặc, chẳng được đến trường cùng bạn bè, một ngày họ không biết làm sao để kiếm ra được một ngàn. Xung quanh tôi, không ít người rất khá giả nhưng cũng không ít người còn bao nhiêu khó khăn cứ bủa vây lấy họ từng ngày.
Tôi chưa bao giờ suy nghĩ mình giúp đỡ ai để được người khác biết đến, tôi chỉ nghĩ rằng: “Cảm giác không có gì trong tay, thật chật vật và đớn đau.” Những chia sẻ của tôi cũng chỉ mong lan tỏa được những năng lượng tích cực và tốt đẹp hơn cho cuộc đời này.
Mỗi con người sinh ra đều đã có một số mệnh, phước đức có thì cuộc sống mới đủ đầy. Nếu trong mệnh không có phước, thì cố gắng giành giật bao nhiêu cũng không thể được. Cho nên, mỗi ngày, tôi tâm niệm hãy cố gắng sẻ chia, cố gắng sưởi ấm những trái tim và những bàn tay bằng những gì mình có thể. Hơn ai hết, tôi thấu hiểu sự khó khăn từng trải qua.
“Yêu thương cho đi là yêu thương còn mãi.” Được sống với một trái tim chan hòa và sẻ chia, tôi thấy mình an yên vô cùng. Và đó cũng chính là những gì tôi sẽ luôn luôn hướng tới.