Lời từ biệt bên giàn thiên lý

Thứ năm - 06/08/2020 00:49
Nàng thơ của anh giờ thuộc về những đứa trẻ không phải của anh. Thôi thì ảnh hình của năm hai mươi đó, anh cứ tuỳ nhiên cất giữ.
***
Thành phố buổi chiều xao lãng, ngọn gió gầy đùa trêu giàn thiên lý. Từ quán cao, tôi dõi mắt xuống đường tìm anh, Phan An từng là của tôi ngày xưa, sau những mười hai năm xa cách biệt tăm, liệu có còn là hình ảnh Phan An mà tôi nghĩ mình chưa bao giờ quên được. Cánh thiên lý chẳng hiểu sao có thể ngược gió rơi trên trang sách tôi đang đọc dỡ dang, khi dòng suy nghĩ về anh chợt đến. Cái thói quen đọc sách khi phải chờ đợi ai đó cũng có từ anh, tập trung vào một việc sẽ khiến mình quên đi cảm giác đợi trông, cũng không thấy phiền lòng khi ai trễ hẹn. Anh sẽ đến từ đâu dưới con đường đông đúc kia, anh sẽ đi bằng gì, và có dáo dác tìm tôi bằng hình ảnh của cô gái trẻ trung mười hai năm về trước?
Nhận được email anh tôi như người loay hoay trong dòng nước chảy, một nữa tha thiết gặp anh, một nữa thấy có lỗi với người luôn bao dung nỗi nhớ của tôi về anh. Chồng tôi biết Phan An, biết những bức ảnh tôi giữ như báu vật, nhưng không trách, anh bảo, ngoại trừ tôi nhớ người xưa, thì tôi không làm gì có lỗi, và cũng là do chính anh chọn lựa để ở bên tôi. Nhưng nhớ một người khi ở bên một người đã là quá sai, đâu phải tôi không biết, nhưng có thứ cứ lâu lâu ghé lại làm mình thơ thẩn nhớ, mà lại là kiểu người hoài niệm nên khó quên. “Anh về rồi, mình hẹn gặp được không em?”, email của An chỉ ngắn ngủi chưa trọn một dòng như thế kèm bức ảnh những gương mặt trẻ thơ lấm lem giữa vùng chiến sự. Cũng hành trình đó mà tôi và An chia tay.

Tôi và Phan An quen nhau khi tôi chập chững bắt đầu cầm bút, anh là tên nhiếp ảnh tay ngang, sinh hoạt trong câu lạc bộ nghệ sĩ không chuyên. Anh không làm thơ, nhưng lại rất yêu thơ, anh thuộc làu những bài thơ kể cả rất lâu, như Núi đôi, Quê hương, Hoa trắng thôi cài trên áo tím… tôi mê thơ, mê cách anh ngâm nga thơ, cách anh phổ lời nhạc cổ cho nó. Và dường như ở bên anh không bao giờ làm tôi buồn chán. Nghe anh kể về câu chuyện trong những bức ảnh anh tâm đắc, tôi lấy làm nguồn cảm hứng cho trang viết của mình. Tôi làm thơ cho anh đọc, anh sửa giúp tôi những tứ hay. Chúng tôi tìm đến nhau trong những điềm nhiên đó, và yêu. Thế nhưng tuổi trẻ có nhiều cái lớn lao hơn tình yêu mà sau này tôi mới biết.
Có lần tôi say sưa trải cảm xúc của mình lên giấy, bị anh bắt lấy vào máy ảnh. Chính cái quán này, và giàn thiên lý kia cũng đi vào bức ảnh. Chủ nhân của quán đặc biệt thích thiên lý, giàn này tàn chị lại trồng nên giàn khác, qua năm tháng tôi quen gọi là quán thiên lý. Nói quán thiên lý là An tự động đến đúng chỗ hẹn dù quán có cái tên khác – Lặng, nghe cái tên cũng làm người ta hình dung được sự trầm tĩnh của nó. An hay hái chùm hoa cài lên mái tóc suông mềm lúc nào cũng xoã dài tận hông của tôi, khẽ hôn vào tóc. Tôi bảo với An tôi thích thiên lý, hoa tượng trưng cho một tình yêu thanh cao và trong sáng. Tôi yêu anh như thế, và cả say đắm. Mai mốt, khi chúng tôi kết hôn, tôi sẽ trồng một giàn hoa thiên lý trước nhà, đêm đêm nghe hoa toả hương dịu dặt, viết vài câu thơ tình lãng mạn, pha cho anh tách trà để anh phổ nhạc bài thơ, buổi sáng hái hoa để tẩm bổ cho anh bằng món thiên lý xào thịt bò, thứ hoa gì mà nhiều công dụng đến vậy. Nhưng cây thiên lý lại mang trong mình chất rất độc, có lần nghe An nói rằng ở cuống lá thiên lý già có một chất keo chứa Alkaloid có thể gây chết người, “nếu có giận anh đừng cho lá vào món xào em nhé”. Tôi có biết đâu, anh nói mà. Dĩ nhiên chẳng có món xào nào, kể cả giàn thiên lý nở bông muộn, và những bài thơ tôi viết cho anh phổ nhạc…

An nhận được lời mời từ một Tổ chức phi chính phủ tham gia dự án về chống bạo động và bảo vệ trẻ em ở Châu Phi. Sau tất cả những bất đồng căng thẳng giữa hai chúng tôi, An vẫn lựa chọn ra đi, từ bỏ những thứ anh đang có, vì anh bảo đấy là giấc mơ anh vẫn hay mơ, nếu anh không đi mãi mãi anh không tìm được cơ hội nào khác, anh cúi đầu nói lời xin lỗi. Rồi anh đi, chúng tôi lạc nhau bằng cái mà tuổi trẻ phải lựa chọn: một là giấc mơ, hai là tình yêu, bởi ở thời điểm đó, chẳng mấy người có được cả hai thứ trọn vẹn. Tôi trả thù mối tình của mình bằng cái đám cưới vội vàng với anh chàng đã theo đuổi mình rất lâu, mặc cho vết thương với An còn đau rát. Tôi muốn An hối hận về quyết định của anh, để ngày anh trở lại, một năm, hai năm hay bao lâu từ vùng chiến sự, tôi không còn là của anh nữa. Cũng không rõ là đúng hay sai, mà chỉ biết chúng tôi đã cách biệt với vô vàn khoảng cách, An biệt tăm, tôi sống êm đềm bên anh chồng hết lòng yêu thương, trân trọng, dẫu những bộn bề trong lòng vẫn hay thức dậy.
Phan An băng qua con đường đã lên đèn, bóng ngã liu xiu, anh đến khá trễ so với lời hẹn. Người đàn ông chạm mốc bốn mươi đẹp một vẻ phong trần, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ. Chiếc túi máy ảnh đã cũ sờn bạc thếch, tôi tự hỏi anh có nghèo quá không khi giữ mãi một chiếc túi hơn mười hai năm tuổi, tôi đã tặng cho anh mừng anh đạt giải báo ảnh. Anh chắc chẳng nhận ra tôi khi cứ ngó nghiêng, cũng phải, hai lần nằm lửa, những cơm áo sữa tả đã biến cô gái nhỏ hay mộng mơ thành người phụ nữ già dặn, khô khan, sồ sề. Chính tôi còn không nhận ra mình trong gương so với mấy bức ảnh anh chụp cho tôi năm hai mươi, tôi đâu còn nét nàng thơ của anh ngày nào nữa.
- Phan An, em ở đây.

An nhìn tôi hồi lâu, ánh đèn hắt vào mắt anh đỏ thẫm. Chứa trong nó biết bao câu hỏi anh lần lựa không biết bắt đầu từ đâu. Giọt cà phê nhỏ lặng lẽ như thêm vào câu chuyện của chúng tôi. An đưa tôi quyển sách ảnh anh vừa xuất bản, nó như dòng hồi ký năm tháng mà chúng tôi cách trở. Tôi thấy anh trong nắng gay gắt và khói lửa của Châu phi, uy nghi của toà Kim tự tháp, mơ màng bên sông Thames, trùng trùng ruộng bậc thang Tây Bắc… Không chỉ Châu Phi, mười hai năm qua An đã đặt dấu chân mình trên bao vùng đất mới. Đó chính là giấc mơ anh hay nói với tôi thời còn trẻ, giấc mơ phiêu du không dừng lại. Phan An đang là phóng viên của tờ báo du lịch nỗi tiếng với một bút danh khác mà tôi không ngờ tới “Thiên Lý”. Hoá ra cuộc triển lãm ảnh của nhiếp ảnh gia Thiên Lý được tổ chức vào ngày mai là của anh, mà tôi cứ đinh ninh chính là một tác giả nữ. Cái tên Thiên Lý làm tôi tò mò, tên cuộc triễn lãm “Chữ trên ảnh” càng làm tôi tò mò thêm, nó thôi thúc tôi đặt vé.
- Em có mua vé tham quan cuộc triển lãm, dù không biết là của anh.
- Anh rất muốn mời em đến, nhưng ngại em còn ghét nhiếp ảnh.
- Anh trách em đấy à?
- Thôi, anh lỡ lời. Sao em không hỏi anh có hối hận hay không?
- Em nghĩ là không, mà nên là không, vì có cũng chẳng còn ý nghĩa gì.
Anh buông nhẹ từ “có” như tiếng thở, tim tôi ngừng lại đúng một nhịp. Đã né tránh rồi sao còn phải nói ra, cuộc đời đâu cho ai cơ hội để quay lại. Người ta không ai lại dằn vặt mình, dằn vặt người vì thứ đã dỡ dang. Ngày đó tôi đã so sánh mình với chiếc máy ảnh, với tình yêu anh giành cho nhiếp ảnh, để rồi ném vỡ chiếc máy ảnh mà anh quý. Lòng tự trọng đã khiến anh làm ngơ với lời tuyên bố đám cưới của tôi. Ngày trẻ mình háo thắng chi để cuối cùng trong nhau chỉ là day dứt, chúng ta là vết thương sâu nhất của lòng nhau. Ngẫm lại, nếu ngày xưa giữ được chân anh thì anh đã không là nhiếp ảnh gia có tiếng, giấc mơ vẫy vùng đời trai của anh không thành chắc anh ray rứt tiếc nuối một đời, và tôi sẽ cảm thấy có lỗi cả đời, sống chung với nhau cũng trở nên khó khăn biết mấy. Âu chính là sự sắp đặt của số phận để mỗi người có thể sống cuộc đời mình trọn vẹn nhất.

Phan An vẫn theo dõi bài viết của tôi trên báo, nhưng anh bảo không còn chất lãng mạn, tình tứ. Đôi khi anh nghĩ là của một người trùng tên nào khác chứ không phải tôi, văn thơ gì mà đọc nghe bốp chát, nặng mùi thời sự. An quên rồi, mười hai năm trôi, tôi đã là mẹ của hai đứa trẻ, chẳng thể viết câu yêu thương của tuổi hai mươi rạo rực. Tôi thực tế hơn theo dòng biến động ngoài kia, trở thành cây bút chính luận, trăn trở với những nóng bỏng của xã hội. Tôi là bông thiên lý chỉ còn chờ người ta đem vào món ăn hoặc đợi gió lay rụng, chứ không còn là bông thiên lý ngát hương gợi tình trong đêm nữa. An bảo tôi mãi mãi là nàng thơ duy nhất trong cuộc đời anh, là điều nuối tiếc nhất khi không giữ được cho riêng mình. Biết nói gì đây Phan An ơi, khi anh chồng nhắn dòng tin “em xong việc chưa, con khóc đòi em”. Đấy, tôi nào còn ngồi được bên anh thâu đêm, nghe anh ngâm thơ, đánh đàn, kể những bóng hồng trong cuộc đời nghệ sĩ. Đứa con gái nhỏ đêm đêm mẹ phải ôm vào lòng mới chịu ngủ. Anh chồng bao dung mấy, cũng không thể làm thay được việc này. Nàng thơ của anh giờ thuộc về những đứa trẻ không phải của anh. Thôi thì ảnh hình của năm hai mươi đó, anh cứ tuỳ nhiên cất giữ.
Anh không cách nào giữ một người mà trái tim họ đã hướng về một phía khác, một người mẹ thấp thỏm cho đứa con bé bỏng của mình, đành để tôi về trong ánh mắt đầy da diết. Câu chuyện lỡ dở lưng chừng. Biết đâu lần gặp này trở thành sau cùng, khi người ta không làm sao nói với nhau trọn vẹn một câu chuyện, không tìm được sự đồng điệu ngày xưa. Và có khi lòng người ta thấy có lỗi với người đã âm thầm suốt mười hai năm qua chỉ để thương một người thi thoảng đem lòng dạ nhớ người khác. Người ta đâu có lỗi, chỉ vì quá thương, sao hành hạ người ta nhiều đến vậy. Những buổi tối về muộn, thấy ba cha con ôm nhau ngủ, đứa con gái chờ mẹ mòn mỏi trên mình cha mà chạnh lòng, từ bao lâu tôi không rõ, ngôi nhà nhỏ luôn sáng đèn lúc tôi về. Ví mà không dang dở, có khi mình là kẻ ôm con chờ đợi gã lãng du đang phiêu bạt với chiếc máy ảnh ở phương trời tít tắp. Hoặc lại bỏ bọn trẻ bơ vơ vì chẳng ai chịu hy sinh cho ai.

- Em cảm ơn về chiếc vé, ngày mai em sẽ rủ ông xã đi cùng, hẹn gặp anh ngày mai nhé.
Tôi lấy chiếc vé anh để trên bàn, sau khi tôi bảo đã mua vé đến cuộc triễn lãm. Cũng ngờ ngợ lời mình vừa thốt. Thì tôi đã có một cái, nghĩ tới đó tự dưng đầu hiện ra hình ảnh anh chồng. Có ngọn đèn đường nào vừa chợt tắt mà tôi thấy tối đi trong ánh mắt An, anh im lặng ngó giàn thiên lý. Hoa bắt đầu đưa vào gió cái mùi hương quen thuộc, có lẽ anh còn ngồi đây lâu lắm vì tôi đã bỏ lửng câu hỏi có giàn thiên lý nào trước nhà tôi không. Anh chồng nhắn một tin “con bé ngủ rồi” như thông báo tôi có thể ở lại lâu hơn, sao tôi cứ thấy u uẩn trong từng chữ. Anh biết tôi gặp Phan An nhưng không nói, anh chồng cứ rộng lượng như vậy để tôi thấy mình vô tình tệ hại biết bao. Tôi vội vàng bước xuống cầu thang, mơ hồ thấy cánh cửa nhà sáng đèn thân thương qua những ánh đèn quán nhập nhoạng, có lẽ anh chồng còn đợi tôi về. Gặp An rồi tôi mới biết An trong tôi chỉ còn là nỗi nhớ, là hoài niệm một thời đẹp đẽ nhất, chẳng còn cái tình cảm của mười hai năm trước từng khiến mình mơ hồ lo sợ lỗi lầm. Phía sau lưng vang lên tiếng máy ảnh, có lẽ là bức ảnh cuối cùng An chụp cho tôi chìm trong giàn thiên lý, bức ảnh không thấy mặt, chỉ có tấm lưng không còn rõ từng đường cong thời con gái, bức ảnh như một lời từ biệt cho nhau, cho mười hai năm đã qua, và nhiều cái mười hai năm sau này.
Bông thiên lý nào rơi trên tóc rối!

Tác giả: Tháng tám - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập43
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay4,429
  • Tháng hiện tại27,596
  • Tổng lượt truy cập8,812,722
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây