Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Có rất nhiều hệ thống WiFi mesh tuyệt vời trên thị trường, nhưng nhiều lựa chọn trong số chúng chỉ cung cấp các tính năng cơ bản. Router WiFi mesh Linksys MR8300 mới kết hợp các tính năng đơn giản đó với trải nghiệm router truyền thống.
Nhiều người thích Eero bởi hệ thống WiFi mesh rất dễ cài đặt và sử dụng của họ. Tuy nhiên, hệ thống này quá sơ sài và thiếu khá nhiều tính năng nâng cao. Nếu thích, bạn vẫn có thể sử dụng router hiện có và dùng Eero ở bridge mode, nhưng sẽ có đến hai giao diện cần xử lý và sự đơn giản khi trải nghiệm Eero cũng mất đi.
Tất nhiên, giao diện cơ bản không thực sự là vấn đề đối với hầu hết mọi người vì có thể làm quen dần, nhưng nhiều người vừa thích sản phẩm dễ sử dụng, vừa muốn tiếp cận với các tính năng nâng cao, cũng như một mạng có thể xử lý mọi thứ.
Router WiFi mesh Linksys MR8300 có ba băng tần chuẩn WiFi 802.11ac (một băng tần 2.4GHz, hai băng tần 5 GHz), hỗ trợ MU-MIMO và bộ xử lý lõi tứ 716MHz cực nhanh, tính năng khó có thể tìm thấy trong các router WiFi mesh khác.
Max-Stream MR8300 tiếp tục ngôn ngữ thiết kế Linksys Max-Stream với router toàn màu đen, có ăng-ten lật và màn hình hình chữ nhật nổi bật ở giữa. Với kích thước 21,3 x 16,3 x 5cm, router này đủ nhỏ để đặt trên bệ cửa sổ hoặc giá sách, nhưng cũng có thể đặt gọn trong tủ quần áo hoặc tầng hầm để không cản trở tầm nhìn. Ở dưới cùng của router, nó có hai đường cắt để phục vụ việc treo router lên tường.
Về cơ bản, MR8300 là một router ba băng tần, kết hợp một mạng 2.4GHz duy nhất với hai băng tần 5GHz. Hệ thống có thể thiết lập hai làn luồng dữ liệu cho mỗi băng tần và có khả năng hợp nhất thành một tên mạng duy nhất. Mạng 2.4GHz của MR8300 có tốc độ lên đến 400Mbps, trong khi mỗi kênh 5GHz có thể xử lý lên đến 867Mbps, cho tổng thông lượng dữ liệu tối đa theo lý thuyết là 2134Gbps.
Bên trong, MR8300 có chip IPQ4019 của Qualcomm. Nó hỗ trợ việc sử dụng Beamforming và MU-MIMO để tạo kết nối mạnh mẽ giữa client và router, đồng thời tùy chỉnh luồng dữ liệu bằng cách phân bổ luồng dữ liệu nào qua các kênh 2.4 và 5GHz. Ngoài 6 bộ khuếch đại tín hiệu tích hợp, MR8300 còn có radio Bluetooth 4.2 tích hợp, được sử dụng trong quá trình thiết lập để thiết lập kết nối giữa điện thoại hoặc máy tính bảng và router.
Là router 802.11AC, MR8300 không có các cải tiến về hiệu suất của router WiFi 6, sử dụng thông số kỹ thuật 802.11ax mới nhất. Tuy nhiên, nó sẽ hoàn toàn tương thích với tất cả các thiết bị AC không dây hiện tại của bạn. WiFi 6 vẫn đang được triển khai dần cho các sản phẩm như laptop và điện thoại thông minh, vì vậy đây có thể không phải là mối quan tâm lớn ở hiện tại.
Tin tốt là MR8300 đã được trang bị sẵn ăng-ten. Nhưng tin xấu là mặc dù rất dễ dàng xoay các ăng-ten này để điều hướng tín hiệu, nhưng bạn không thể thay thế chúng bằng các thiết bị khuếch đại hoặc có độ lợi cao hơn.
Ở phía sau, router có một bảng kết nối nhỏ gọn, bao gồm công tắc bật/tắt, cổng nguồn và nút reset chìm để đưa MR8300 về cài đặt gốc của nhà sản xuất. Router có một cổng Ethernet đầu vào để kết nối với modem băng thông rộng, cùng 4 cổng LAN downstream để sử dụng với các thiết bị mạng, như máy in và thiết bị lưu trữ. Tất cả đều có khả năng xử lý luồng dữ liệu Gigabit mỗi giây nhưng không thể gộp lại để tăng hiệu suất.
Ngoài ra còn có một cổng USB 3.0, nhưng nó không hoạt động. Linksys cho biết rằng nó sẽ được kích hoạt qua bản nâng cấp firmware trong tương lai, nhưng không nói rõ khi nào.
Max-Stream MR8300 có một ánh sáng duy nhất ở trung tâm của màn hình hình chữ nhật. Không có cách nào để tắt nó đi, nhưng đây là màn hình hiển thị ánh sáng ít gây khó chịu nhất trong số các router hiện đại. Khi router đang khởi động, đèn báo nhấp nháy màu xanh lam, tiếp theo là chuyển sang màu tím khi router đã sẵn sàng được cấu hình và cuối cùng là màu xanh lam - cho biết router đã được kết nối với Internet và sẵn sàng cho bất kỳ thứ gì gia đình bạn cần xử lý.
Dù không đi kèm với thiết bị mở rộng mạng mesh để đủ phủ sóng cho một ngôi nhà lớn, nhưng MR8300 có một điểm nhấn mạnh mẽ. Bất cứ lúc nào, bạn có thể thêm các thiết bị mở rộng mạng mesh Linksys Velop để đẩy tín hiệu mạng đến các phần không được kết nối trong nhà. Các thiết bị mở rộng tín hiệu này có giá từ $80 đến $145 (1.840.000 đến 3.335.000 đồng) và có thể giúp loại bỏ “vùng chết” WiFi ở trong nhà.
Thiết lập router Linksys MR8300 cũng giống như cách bạn thiết lập bất kỳ hệ thống WiFi mesh nào khác. Bạn chỉ cần cài ứng dụng đi kèm với Linksys MR8300 trên điện thoại để cấu hình router.
Ứng dụng này giúp quá trình thiết lập trở nên dễ dàng hơn, bao gồm tất cả các bước, từ cách cắm router đến cách kết nối tất cả các loại cáp khác nhau. Có thể bạn đã biết cách cài đặt (đặc biệt nếu đã từng sở hữu loại sản phẩm này), nhưng dù sao, nó cũng hữu ích cho những người mới bắt đầu.
Sau khi router được thiết lập, người dùng có thể sử dụng ứng dụng để thiết lập bất kỳ Linksys Velop unit nào để mang lại sức mạnh WiFi mesh cho MR8300.
Khi mọi thứ đã hoạt động, người dùng có thể bắt đầu sử dụng ngay và quản lý mọi thứ từ ứng dụng Linksys trên điện thoại, hoặc có thể sử dụng bảng điều khiển router truyền thống trong trình duyệt web bằng cách điều hướng tới 192.168.1.1.
MR8300 có nhiều tính năng giống các hệ thống WiFi mesh khác, như truy cập WiFi khách, tính năng kiểm soát của phụ huynh, kiểm tra tốc độ tích hợp, port forwarding (chuyển tiếp cổng), v.v… Bên cạnh đó, MR8300 còn đi kèm với một số tính năng nâng cao, bao gồm ưu tiên thiết bị, nhân bản địa chỉ MAC, lọc địa chỉ MAC, cấu hình DHCP nâng cao và hơn thế nữa.
Tất nhiên, router này cũng có một số nhược điểm. Nó không hoàn toàn sở hữu tất cả các tính năng đáng kinh ngạc mà những người đam mê công nghệ muốn nhìn thấy trong một router siêu tiên tiến như vậy (ví dụ như không có các quy tắc và cấu hình tường lửa nâng cao), nhưng chắc chắn MR8300 tốt hơn hầu hết các hệ thống WiFi mesh thông thường.
Thứ hai, nó yêu cầu ứng dụng để thiết lập như hầu hết các hệ thống WiFi mesh khác, và ngay cả khi người dùng định cấu hình và quản lý router qua trình duyệt web, Linksys vẫn khuyến khích sử dụng ứng dụng. Đây không phải là một vấn đề lớn và cũng không giống như trải nghiệm với Eero hoặc Google WiFi, nhưng là điều cần lưu ý nếu bạn không thích sử dụng một ứng dụng thiết lập router.
Giờ đây, một router duy nhất cung cấp tín hiệu WiFi cho toàn bộ ngôi nhà không nhất thiết phải là một WiFi mesh. Đó là lý do tại sao MR8300 tương thích hoàn toàn với hệ thống WiFi Velop mesh hiện có của Linksys.
Điều này có nghĩa là tốt nhất nên sử dụng MR8300 làm router chính và sau đó mua một, hai, ba hoặc nhiều Velop unit để đặt xung quanh nhà, giúp tín hiệu WiFi có thể chạm đến mọi ngóc ngách trong ngôi nhà một cách nhanh chóng và cường độ tín hiệu WiFi cũng ổn định hơn. Ứng dụng Linksys giúp dễ dàng thêm các Velop unit riêng lẻ vào thiết lập hiện có và kết nối chúng trực tiếp với MR8300.
Mặc dù vậy, phạm vi phát sóng hiện tại của MR8300 cũng khá tốt. Người dùng có thể nhận được tín hiệu tốt và tốc độ nhanh ở các tầng dưới, nhờ vào 4 ăng-ten có thể thoải mái điều hướng.
Nhà để xe thường là nơi không nhận được tín hiệu WiFi tốt, và thật không may, MR8300 vẫn không thể khắc phục nhược điểm này. Tuy nhiên, chỉ cần thêm vào một Velop unit và đặt nó ở tầng dưới có thể khắc phục vấn đề đó ngay lập tức.
Và đó là ưu điểm rất lớn của MR8300 khi sử dụng với hệ thống Velop. Giá của router MR8300 là $179 (4.150.000VND) và Velop unit thường có giá $350 (8.115.000VND)/cặp. Do đó, sẽ tốn khoảng $530 (12.290.000VND) để thiết lập cho toàn bộ ngôi nhà. Trong khi Eero chỉ có giá $400 (9.274.000VND) và Google WiFi có giá $300 (6.955.000VND).
Đây chắc chắn là một mức giá khá cao, nhưng nếu muốn cả hai thứ tốt nhất (một hệ thống WiFi mesh dễ sử dụng và trải nghiệm router truyền thống), cũng như kết nối mạng mạnh mẽ có thể xử lý mọi thứ, đây chắc chắn là một lựa chọn đáng xem xét.
Nguồn tin: Quantrimang.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn