Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Bạn có biết rằng máy tính xách tay và các thiết bị di động khác ngay cả khi không sở hữu phần cứng GPS nhưng vẫn có thể xác định tương đối chính xác vị trí thực của bạn chỉ với kết nối WiFi không? Dưới đây là cách hoạt động của tính năng thường bị bỏ qua trong “Location Services” hiện đại này.
Các hệ điều hành hiện đại — chẳng hạn như iOS, iPadOS, Android, Windows 10, macOS và Chrome OS — được tích hợp sẵn hệ thống định vị có tên “Location Services” (Tạm dịch: Dịch vụ vị trí).
Khi một ứng dụng — chẳng hạn như bản đồ hoặc ứng dụng điều hướng — yêu cầu quyền tiếp cận thông tin vị trí của bạn, ứng dụng đó không chỉ truy cập trực tiếp vào hệ thống GPS trên thiết bị. Cùng với đó, nó cũng “làm việc” với Location Services của hệ điều hành để xác định chính xác bạn đang ở đâu.
Hệ thống Location Services hiện đại sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để tìm, xác định vị trí của thiết bị. GPS là một trong những kỹ thuật đó. Tuy nhiên, khi tín hiệu GPS hoặc phần cứng GPS không khả dụng — hoặc quá chậm — Location Services sẽ đưa ra những thủ thuật khác.
Ví dụ: nếu thiết bị đang kết nối tín hiệu mạng di động (3G, 4G, 5G), vị trí của bạn hoàn toàn có thể được xác định thông qua tín hiệu từ tháp di động. Dựa trên cường độ tín hiệu tương đối từ ba tháp di động khác nhau gần đó, vị trí thực của bạn có thể được ước lượng tương đối chính xác.
Tuy nhiên, cũng có một kỹ thuật khác mà hệ thống Location Services có thể tận dụng: quét các điểm truy cập Wifi lân cận.
Giả sử bạn đang lướt web trên chiếc laptop của mình và một trang web yêu cầu bạn cung cấp thông tin vị trí. Bạn cấp cho trang web quyền truy cập và điều thú vị là ngay sau đó, trang web này cũng đã có được vị trí của bạn, với sai số ở mức chấp nhận được.
Nhưng bạn cũng đồng thời nhận ra chiếc laptop của mình không được tích hợp GPS, vậy làm cách nào mà trang web đó lại có thể xác định địa chỉ thực của bạn chính xác đến vậy?
Không, vấn đề không nằm ở địa chỉ IP của bạn. Nếu bạn cấp cho một trang web quyền truy cập vào vị trí của mình trong khi đang sử dụng máy tính để bàn không có WiFi (hoặc máy tính xách tay có kết nối Ethernet và WiFi bị tắt), bạn sẽ chỉ thấy ước tính chung về vị trí của mình, với độ chính xác không hề cao. Ví dụ: Nó có thể xác định chính xác thành phố, tỉnh thành và quốc gia bạn đang sống, nhưng việc có được thông tin chính xác đến từng con phố như thông qua GPS là hoàn toàn bất khả thi.
Đây là cách "hệ thống định vị WiFi " hoạt động: Thiết bị của bạn sẽ quét các điểm truy cập WiFi lân cận và tạo danh sách thống kê cụ thể, đi kèm với đó là cường độ tín hiệu tương đối của chúng ở vị trí hiện tại của bạn. Sau đó, nó liên hệ với các máy chủ trực tuyến. Các máy chủ này. về cơ bản, chứa danh sách những điểm truy cập WiFi trên khắp thế giới và vị trí địa lý của chúng.
Cơ sở dữ liệu không chỉ bao gồm danh sách tên điểm truy cập WiFi (SSID), mà còn chứa đựng các địa chỉ MAC (BSSID) duy nhất của các điểm truy cập đó. Những địa chỉ này thường không thay đổi — ngay cả khi tên hiển thị của mạng Wifi bị thay thế.
Bằng cách so sánh danh sách các mạng WiFi gần bạn với danh sách các điểm truy cập đã biết và vị trí của chúng, Location Services có thể đoán được vị trí của bạn. Ngoài ra, bằng cách so sánh cường độ tín hiệu tương đối của các mạng WiFi khác nhau, Location Services cũng có thể xác định vị trí của bạn với độ chính xác cực cao, như thể bạn đang sử dụng GPS.
Các thiết bị cũng có thể download và lưu vào bộ nhớ cache một số dữ liệu dạng này. Ví dụ: nếu thiết bị biết được bạn đang ở một thị trấn cụ thể, nó có thể tải xuống và lưu trữ thông tin WiFi trong và xung quanh thị trấn đó để có thể tìm thấy vị trí của bạn dễ dàng hơn, ngay cả khi bạn không có kết nối mạng để đối chiếu với cơ sở dữ liệu.
Hơn một thập kỷ trước, Google đã bắt đầu thu thập dữ liệu về mạng WiFi bằng cách sử dụng những chiếc ô tô Street View của mình. Trong khi những chiếc xe đó đi đến khắp các ngõ ngách và chụp ảnh mặt tiền cửa hàng, nhà cửa, đường xá, chúng cũng đồng thời quét tìm các mạng WiFi lân cận và lưu những dữ liệu liên quan để sử dụng với Location Services.
Không chỉ Google, Apple, Microsoft và những công ty công nghệ lớn khác cũng sở hữu các hệ thống Location Services của riêng họ.
Bên cạnh đó, chính phần mềm Location Services được tích hợp trong thiết bị của bạn cũng đã và đang liên tục gửi đi thông tin giúp các cơ sở dữ liệu này luôn được cập nhật. Ví dụ: bạn mở Google Maps trên điện thoại Android. Bạn có tín hiệu GPS mạnh — thật tuyệt, điện thoại của bạn biết bạn đang ở đâu thông qua GPS. Giờ đây, điện thoại của bạn sẽ quét các mạng không dây lân cận và tải danh sách các mạng đó lên cơ sở dữ liệu Location Services của Google, cùng với vị trí hiện tại của bạn.
Cứ như thế, cơ sở dữ liệu này liên tục được cập nhật với nhiều dữ liệu mới hơn. Tất nhiên, các công ty luôn cam kết rằng dữ liệu này là ẩn danh và không được kết nối với bất kỳ cá nhân nào.
Về lý thuyết, cơ sở dữ liệu chỉ nhận được thông tin danh sách các mạng lân cận, số nhận dạng duy nhất và vị trí thực của chúng. Nó hoàn toàn không có được bất kỳ thông tin nào về những người đang sử dụng các mạng này hoặc dữ liệu nào đang được truyền qua WIFi cũng như mật khẩu nào mà mọi người cần để kết nối với các mạng này.
Đồng thời, hệ điều hành hiện đại cũng ngăn các ứng dụng và trang web truy cập vào dữ liệu này trừ khi bạn cho phép. Một trang web hoặc ứng dụng không thể chỉ xem danh sách các mạng WiFi lân cận. Nó phải yêu cầu trình duyệt hoặc hệ điều hành của bạn truy cập vào vị trí của bạn, và bạn đương nhiên có thể từ chối yêu cầu này nếu muốn. Bạn vẫn là người nắm quyền kiểm soát.
Nguồn tin: Quantrimang.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn