Hồi đó, còn nhỏ nên tôi không hiểu từ “lạnh” nghĩa là gì. Nhưng khi chứng kiến cảnh ông ngoại mất, mọi người nói rằng người sắp chết sẽ thấy thân thể lạnh dần dần hơn rồi ra đi.
***
Khi còn nhỏ, tôi vẫn thường nghe mẹ kể nhiều về ông ngoại. Có lẽ, ông đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình cảm cũng như tâm trí của mẹ.
Ngày mẹ lấy bố, gia cảnh cũng còn nghèo khó lắm nên ông bà cố gắng dành dụm một chút làm của hồi môn cho mẹ lúc về nhà chồng. Nhưng với mẹ thì niềm hạnh phúc lớn nhất là được sinh ra trên đời này và là con gái của ông bà. Mẹ nói rằng:
- Mẹ bắt đầu đi buôn hàng sáo năm 13 tuổi. Lúc đó, người gầy và nhỏ lắm con gái ạ. Thế nhưng vẫn phải cố gắng đi hàng ngày để kiếm miếng cơm manh áo. Giờ nghĩ lại vẫn thấy vui. Ông ngoại con thấy mẹ chịu làm và đi xa được nên tặng mẹ chiếc xe đạp cũ để tiện đi lại. Đối với mẹ đó là món quà ý nghĩa nhất khi đi lấy chồng rồi.
Nói xong, tôi thấy khóe mắt mẹ hình như cay cay. Nhưng mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ lắm, chẳng bao giờ khóc trước mặt con cái, nhất là tôi – con gái út trong gia đình.
Rồi thời gian cứ thế trôi qua đi, không chờ đợi ai cả. Bỗng có một ngày, tôi đang học ở lớp để ôn thi lên cấp ba, có tiếng gọi:
- Chị ơi! Bác Anh gặp em ở ngoài cổng trường và nói ông ngoại chị vừa mới mất ạ.
- Sao hả em? Không phải chuyện thật đúng không? Em đang nói dối hay trêu chị đấy?
Tôi hoảng hốt vì không dám tin đây là sự thật. Dường như lúc đó trái tim tôi đã bị nghẹt thở thật sự. Tối muốn lừa dối chính bản thân là ông vẫn còn ở trên đời này.
Khi tôi đạp xe về đến chiếc cầu rẽ vào nhà ông, thì thấy những lá cờ đám tang đã treo thành từng hàng vào trong ngõ.
Tôi nghe thấy tiếng khóc thất thanh bên trong ngôi nhà vọng ra. Đó là giọng bà ngoại, bà đau đớn với nỗi đau mất chồng. Ông đã bỏ bà đi thật rồi sao? Tôi tự hỏi lòng mình sao mọi chuyện lại đi quá nhanh như vậy. Tôi vẫn chưa kịp ở bên cạnh chăm sóc ông cơ mà.
Mới hôm qua, mẹ còn dặn tôi:
- Hôm nay, con nấu món chè hoa cau nhé.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Sao tự nhiên mẹ lại muốn ăn chè con nấu thế ạ?
- À, không có gì đâu con. Con cứ nấu nhiều ra chút, rồi lát mẹ mang lên nhà cho ông ngoại ăn mát ruột. Mấy khi được cháu gái nấu cho ăn mà.
Ai ngờ, đó là bát chè cuối cùng mà tôi nấu cho ông ngoại ăn.
Có lẽ, gia đình cũng biết được tình trạng bệnh của ông đã ngày càng nặng và không thể cứu vãn được nữa rồi. Mặc dù, đã chữa trị đủ mọi cách nhưng tất cả đều trở lên vô nghĩa.
Lúc nhìn ông ăn bát chè ngon miệng lắm. Miệng ông bị dính ra ngoài chút, thì mẹ nhẹ nhàng lấy chiếc khăn mùi xoa lau vội cho ông khỏi rớt ra áo. Tôi nhìn mà cảm thấy ấm lòng biết bao. Rồi mẹ khẽ gọi tôi lại và nói:
- Con mau lại đây và ngồi cạnh ông đi con, rồi đút cho ông ăn nhé.
- Vâng ạ!
Sau đó, mẹ bước lại phía cuối giường ngồi và bóp chân cho ông đỡ mỏi. Bỗng mẹ nói nhỏ với bà:
- Từ ngày bị ốm, con thấy bố gầy và tiều tụy đi nhiều quá mẹ à. Con đã thấy người bố lạnh dần dần phía chân rồi.
Hồi đó, còn nhỏ nên tôi không hiểu từ “lạnh” nghĩa là gì. Nhưng khi chứng kiến cảnh ông ngoại mất, mọi người nói rằng người sắp chết sẽ thấy thân thể lạnh dần dần hơn rồi ra đi.
Tôi nhìn xung quanh xem có thấy mẹ ở đâu không. Ở phía cuối gần bức tường, tôi thấy hai chị dâu đang ngồi bên cạnh mẹ.
Họ đều đang khóc, khóc thật to. Làm lòng tôi bỗng lặng trĩu đi lúc nào không biết.
Dường như tôi muốn gào thét lắm, muốn được khóc nhưng tôi vẫn cố kìm nén nỗi đau mất mát người thân lại. Và chạy đến bên mẹ, ôm mẹ thật chặt. Tự nhiên, tôi muốn được làm chỗ dựa vững chắc cho mẹ lúc này. Bởi với mẹ thì ông là người rất quan trọng.
Tôi thấy đôi mắt mẹ đỏ ửng lên, nhưng rồi lại kìm nén nỗi đau quá lớn vào trong sâu thẳm đáy lòng:
- Ông ngoại mất rồi con gái ạ.
Tôi cũng khóc, nhưng chỉ là khóc một cách thầm lặng. Tôi cũng cảm thấy trái tim mình nhói đau hơn. Vậy chắc mẹ còn đau hơn tôi gấp trăm ngàn lần.
Sau đám tang mấy ngày, tôi thấy mẹ thẫn thờ và trầm tư đi nhiều. Giá như mẹ cứ khóc thật to cho vơi đi nỗi lòng, nhưng đằng này..
Tôi ước mình có đủ can đảm bước tới gần phía mẹ rồi nói:
- Mẹ ơi! Con biết mẹ buồn lắm. Nhưng mẹ đừng như thế, cứ lặng im vậy làm con thấy lo lắng lắm ạ.
Rồi thời gian cũng làm giảm dần đi nỗi đau mất mát người thân. Cuộc sống lại trở lên bình thường như mọi ngày.
Mấy năm sau, bác trai tôi bị bệnh hiểm nghèo. Bác được đưa đến bệnh viện ở Hà Nội để điều trị và dưỡng sức khỏe. Mặc dù, gia đình đã chuẩn bị trước tâm lý rằng tình huống xấu nhất có thể xảy ra, nhưng ai cũng muốn tìm đủ mọi cách để cứu vãn tình thế.
Nhưng cuộc sống đâu phải là mơ, chữ “ngờ” sẽ xảy ra đến bất kỳ lúc nào mà không ai hay biết. Tin bác mất làm mẹ dường như muốn ngã khụy thêm một lần nữa.
Bác là anh cả trong gia đình, rất yêu thương mẹ nên tình cảm mà mẹ dành cho bác cũng lớn lao như với ông ngoại vậy.
Ngày đưa tiễn bác ra đi, tôi thấy mẹ gào khóc to đến xé lòng. Mẹ nói là:
- Giờ ở thế giới bên kia, ông ngoại sẽ đón bác con về đó. Hai người sẽ lương tựa vào nhau mà sống con à. Như vậy mẹ cũng yên tâm hơn.
Đúng thế, hãy cứ tin là như vậy. Rằng “Chết không phải là hết”. Người chết vẫn còn có cuộc sống riêng của họ nữa mà. Mẹ vẫn luôn dặn tôi rặng: “Cứ cố gắng sống thật tốt khi còn có thể, sống nốt phần đời của người đã mất. Bởi nếu họ còn sống, thì họ sẽ muốn thực hiện nhiều điều hơn nữa.”