Tết nay mà ngẫm tết xưa

Thứ sáu - 19/01/2024 22:56
Nỗi nhớ ám ảnh nhất là những món ăn, những thứ bánh Tết như dưa cải, thịt kho nước dừa, bánh in, bánh gai, mứt bí, chuối khô ngào đường… do tự tay mẹ mình tỉ mẩn làm. Bây giờ nhớ lại mà lòng cảm thấy rưng rưng và thương tiếc vô vàn, vì tất cả đã lùi về quá khứ.
***
Cùng với sự phát triển của xã hội, Tết của người Việt đã có nhiều sự thay đổi theo hướng hiện đại, đủ đầy hơn. Nhưng với nhiều người, những kỷ niệm về cái Tết thời bao cấp đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên. Đó là cái Tết dù đơn sơ, thiếu thốn nhưng lại chứa chan nghĩa tình và mang một hương vị rất khác so với bây giờ.
Ngoài trời gió chướng về xôn xao, tiết trời se lạnh, một vài nụ mai e ấp như báo hiệu Tết đã tới gần. Thế là chỉ còn vài ngày nữa thôi, chúng ta mỗi người lại thêm một tuổi. Dẫu biết rằng mỗi lần Tết đến, cả nhà đều bận rộn lo toan mọi thứ, tiền bạc tốn kém nhiều nhưng ai ai cũng bồi hồi, háo hức mong cho mau tới Tết.
Trong ký ức xa mờ của tôi, Tết xưa đến rất sớm. Mới nửa tháng chạp mà đầu trên xóm dưới đã bắt đầu tráng bánh và quết bánh phồng. Ngoài đồng, ai ai cũng lo gặt lúa mới. Trong làng, nhà làm heo, kẻ tát đìa, các cụ già thì chùi lư, các bà các cô tất bật lo cho nồi bánh thịt cúng, rồi nào mứt gừng, củ kiệu, tôm khô… Ai ai cũng rộn ràng lo Tết, biến miền quê êm ả trở thành một ngày hội cháu con sum vầy. Giả sử như không có Tết, trẻ con làm gì có được những ký ức đẹp về buổi cơm đoàn tụ chiều ba mươi Tết và ý nghĩa thiêng liêng của đêm giao thừa, đặc biệt là tình cảm thân thương, trìu mến lúc làm tuổi ông bà! Ngày Tết là ngày bà con, họ hàng tề tựu đông đủ để chúc phúc lẫn nhau, là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu thảo, vợ chồng gắn bó thủy chung, mọi người thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.  

Không khí Tết quê lúc nào cũng vui vẻ, êm đềm, nơi nào cũng Tết. Trong nhà, ngoài vườn, trên bàn thờ đâu đâu cũng tinh tươm, cái gì cũng đẹp, cũng văn hóa và đáng yêu. Tuy khoảnh khắc giao thừa ngắn ngủi nhưng vô cùng ý nghĩa. Sau đêm trừ tịch, nhiều người thường chọn giờ để xuất hành, đi chùa, hái lộc và chúc Tết bà con họ hàng. Chỉ có thế thôi mà sao trong tôi lại khắc khoải nhớ mãi, nhớ hoài cái Tết xưa êm đềm, gần gũi và quá đỗi yêu thương. Những lúc đi xa, mỗi lần về quê ăn Tết, nhìn những cánh mai dịu dàng khoe sắc, ai mà chẳng thấy bồi hồi thương nhớ Tết xưa. Nỗi nhớ ám ảnh nhất là những món ăn, những thứ bánh Tết như dưa cải, thịt kho nước dừa, bánh in, bánh gai, mứt bí, chuối khô ngào đường… do tự tay mẹ mình tỉ mẩn làm. Bây giờ nhớ lại mà lòng cảm thấy rưng rưng và thương tiếc vô vàn, vì tất cả đã lùi về quá khứ.
Thời gian cứ vô tình trôi mải miết, chẳng mấy chốc mà cuộc sống quá nhiều đổi thay. Tết bây giờ, cái gì cũng mới, ngày Xuân ngày Tết khó mà tìm được hình ảnh cô thôn nữ dịu dàng trong chiếc áo bà ba ngồi gói bánh tét hoặc gõ bánh in. Ngay cả hình ảnh cụ già ngồi chùi lư cũng đi vào quá khứ. Chúng ta đang ở vào thời kỳ hội nhập và phát triển, nhiều giá trị tinh thần và vật chất đã được đánh giá sàng lọc lại. Do đó, những gì gọi là Tết xưa, Tết cũ đã dần dần nhạt mờ theo năm tháng. Số người nặng lòng với quá khứ ngày càng giảm đi. Thế nhưng, cái cũ mất đi, cái mới lại ra đời. Chuyện bánh tét, bánh chưng, dưa kiệu củ hành… và cả những tín ngưỡng trong ngày Tết cũng không còn nguyên vẹn ý nghĩa như xưa. 
Ngồi nghĩ lại mà không khỏi giật mình. Ngày nào còn là chợ quê, chợ huyện đơn sơ, bình dị với nhiều mặt hàng Tết đặc trưng miệt vườn, bây giờ thì nơi nào cũng mọc lên những khu thương mại sầm uất, hàng hóa Tết đa dạng và phong phú không thiếu một thứ gì. Chị em phụ nữ tha hồ mua sắm, khỏi phải vất vả trong ba ngày Tết như xưa. Tết Nguyên đán mang bản sắc văn hóa cộng đồng. Tết là những gì đẹp nhất, giúp con người nâng cao những tình cảm cao quý, tinh thần sảng khoái và trút bỏ hết những gánh nặng lo âu để tận hưởng cái cảm giác êm đềm của một ngày đầu xuân.
Tết đúng là đặc sản tinh thần của người Việt Nam. Mặc dù trải qua bao biến đổi thăng trầm, nhiều tập quán cũ, lạc hậu đã dần dần lùi vào quá khứ, nhưng đa số bà con ta còn giữ được một số phong tục Tết cổ truyền có tính nhân văn cao cả. Tết Việt Nam không những dành cho người sống mà còn cho người chết. Vì thế, không gian thờ cúng cũng chính là nơi gặp gỡ và thể hiện mối giao cảm của con cháu đối với người đã khuất. Những tình cảm thiêng liêng đó luôn luôn được phát huy và ngày càng khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Một số gia đình vẫn tin tưởng vào tục mừng tuổi, hái lộc, khai trương, khai bút, xuất hành... Chính những hoài bão và ước mơ đó sẽ giúp cho con người lạc quan tin tưởng và trong lòng cảm thấy bừng lên một sức sống mới, một thứ hạnh phúc vĩnh cửu mà ai ai cũng thầm mơ ước:
“Hoa khai phú quý/ Kim ngọc mãn đường” hoặc “Xuất nhập bình an”.

 

Tác giả: Khánh An (Hồng Minh) - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Trợ giúp

Thông tin liên hệ

Lưu niệm
Dự báo thời tiết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay13,412
  • Tháng hiện tại199,639
  • Tổng lượt truy cập10,413,905
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây