Người xa xứ
Chủ nhật - 04/02/2024 22:10
Cố lên. Một tuần, hai tuần, ba tuần rồi hết tháng. Ba mẹ nhận được tiền rồi! Đó có lẽ là điều an ủi đáng giá nhất cho những ngày vất vả của mình. Mặc dù bấy nhiêu đó cũng chẳng nhiều nhặn gì, nhưng ít ra cuộc sống của gia đình tôi ở quê cũng dễ thở hơn.
***
Chuyến xe đò đến đón tôi lúc trời còn tờ mờ sáng. Đối với những con người mưu sinh nơi phố thị, vòng tuần hoàn của một ngày mới cứ đều đặn lặp lại. Những cụ già tập thể dục buổi sáng, những quầy hàng, quán ăn bắt đầu phục vụ khách. Nhưng có lẽ, trong những ngày tới đây, chốn này sẽ bớt đi nhộn nhịp. Một năm nữa sắp kết thúc, những người con xa xứ như tôi đây đang háo hức mong mỏi về quê đón Tết.
Chúng tôi vốn không phải người ở nơi này. Vì nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền, nơi này bất đắc dĩ đã trở thành quê hương thứ hai. Năm hết Tết đến, với tôi không khí của những ngày này thật háo hức. Niềm vui khi sắp đoàn tụ với gia đình sau một năm bôn ba nơi xứ lạ. Chứng kiến những đổi thay của làng quê nghèo dần dần thay da đổi thịt. Tôi hy vọng quê hương sẽ ngày càng giàu đẹp để những người trẻ không cần phải đi tha phương cầu thực. Đường về nhà hãy còn xa, thế nhưng trong vô thức, tôi như nghe được tiếng cười lanh lảnh của đứa em trai thơ dại. Đó là tiếng mẹ cằn nhằn vì chiếc cặp mới một học kì đã cũ rách của nó. Và trong ngôi nhà bé nhỏ ấy, bóng dáng ba tôi lom khom sửa lại chiếc xe đạp cũ cho em tôi đến trường. Tất cả như thôi thúc tôi hãy nhanh nhanh về nhà.
Đã có lần tôi tự hỏi bản thân mình, bao giờ mình sẽ không cần phải xa nhà nữa. Bao giờ mình sẽ thôi lầm lũi một mình trong căn phòng trọ chỉ hơn chục mét vuông. Hay khi ốm đau bệnh tật cũng không phải thiệt thòi chịu đựng một mình mà không có người thân bên cạnh. Tôi biết quê tôi còn nghèo lắm. Bằng chứng là ngày càng có nhiều người rời quê hương đi kiếm sống. Họ tìm đến nơi thị thành xa hoa tìm kiếm cơ hội đổi đời. Có người vào làm trong những khu nhà máy, công xưởng ồn ào, bụi bặm. Để có một nguồn thu nhập ổn định, mọi người phải vất vả làm việc bất kể ngày đêm. Rồi áp lực công việc, những giờ tăng ca dài vô tận, sức khỏe giảm sút, tất cả như thử thách sức chịu đựng của chúng tôi. Không sao cả! Cố lên. Một tuần, hai tuần, ba tuần rồi hết tháng. Ba mẹ nhận được tiền rồi! Đó có lẽ là điều an ủi đáng giá nhất cho những ngày vất vả của mình. Mặc dù bấy nhiêu đó cũng chẳng nhiều nhặn gì, nhưng ít ra cuộc sống của gia đình tôi ở quê cũng dễ thở hơn.
Tôi cũng tự hào rằng giờ đây mình cũng đã ít nhiều đỡ đần được cho gia đình. Lúc nhỏ, chỉ mong sao thời gian trôi qua thật nhanh, để khôn lớn kiếm tiền lo cho gia đình. Nhưng bây giờ lại thèm cảm giác được chiều chuộng, cưng nựng như khi còn tấm bé. Phải chăng khi càng trưởng thành, con người ta bị tước đi quyền được vô tư, quyền được ỷ lại. Cuộc sống của người trưởng thành muôn màu muôn vẻ, nhưng cũng lắm lừa gạt bon chen. Tiền bạc trở thành thước đo nhân cách. Vì lợi ích, con người ta sẵn sàng chèn ép nhau đến bước đường cùng. Tôi mệt nhoài lê lếch qua từng ngày, từng ngày. Tự nhủ với bản thân không sao cả. Tôi còn tuổi trẻ, còn tương lai, còn gia đình, tôi sẽ mỉm cười bước tiếp.
Một năm này, khó khăn bao trùm khu nhà máy. Thu nhập giảm sút, người người phải thắt lưng buộc bụng. Tôi chi tiêu thật gói ghém để có tiền gửi về nhà. Tôi nói với ba mẹ năm nay con nghỉ Tết sớm. Ba mẹ tôi vui còn tôi thì lo lắng không biết sang năm phải làm sao. Thôi vậy, Tết nhất mà.
Xe đò di chuyển dần ra khỏi khu vực thị thành. Những nhà cao tầng, nhà máy, công xưởng bị bỏ lại phía sau. Tôi cũng thôi ưu tư, lo lắng. Trước mắt tôi như dần hiện ra cánh đồng lúa xanh mênh mông, bát ngát. Cánh cò chao liệng cùng với khói bếp bay lên trên những mái nhà. Ở nơi đó có bữa cơm đạm bạc đang đón chờ những người con xa xứ.
Tác giả: Thất tịch - blogradio.vn