‘Tên cô ấy là’ – sóng ngầm phía sau sự lãnh đạm của những người phụ nữ

Thứ ba - 17/05/2022 00:25

“Tên cô ấy là” của tác giả Cho Nam Joo là loạt câu chuyện đời thực về những người phụ nữ Hàn Quốc và cuộc chiến không tên của họ, trong một xã hội vẫn còn trọng nam khinh nữ cũng như đầy rẫy định kiến về phái đẹp.

***

“Tên cô ấy là” của tác giả Cho Nam Joo là loạt câu chuyện đời thực về những người phụ nữ Hàn Quốc và cuộc chiến không tên của họ, trong một xã hội vẫn còn trọng nam khinh nữ cũng như đầy rẫy định kiến về phái đẹp.

Hiếm có nhà văn nào tạo nên làn sóng tranh cãi về nữ quyền tại Hàn Quốc mạnh mẽ như Cho Nam Joo. Năm 2016, bà ra mắt tác phẩm Kim Ji Young, sinh năm 1982, trùng với thời điểm phong trào #Metoo nở rộ ở xứ Kim chi. Việc đụng chạm đến tâm lý kỳ thị nữ giới đã ăn sâu vào nếp nghĩ và cách hành xử của một dân tộc đã giúp Cho Nam Joo nhận được lời tán dương của triệu phụ nữ lẫn cơn bão tức giận từ các phe ủng hộ nam quyền. Hai năm sau, Cho Nam Joo trở lại với Tên cô ấy là, tiếp tục dùng ngòi bút của mình chiến đấu cho nữ giới và một lần nữa thu hút được sự chú ý của người đọc.

ten-co-ay-la

Không phải cuộc biểu tình nào cũng có kết thúc tốt đẹp, nhưng chân dung những người phụ nữ đứng lên giành lại quyền lợi cho mình đã đủ sức lay động mọi độc giả.

Tên cô ấy là gồm 28 câu chuyện của 28 người phụ nữ ở mọi lứa tuổi, được chắt lọc qua 60 cuộc phỏng vấn từ cô bé 9 tuổi đến cụ bà 60. Cuốn sách được chia thành bốn phần, mỗi phần khắc họa những cuộc chiến không tên mà người phụ nữ phải trải qua: Từ các cô gái ở độ tuổi 20-30 đang tự nuôi bản thân và gia đình trong một môi trường làm việc vô lý, đến loạt định kiến bất công mà phái đẹp phải chịu đựng khi kết hôn, mang thai; cả những phận đời trung niên vẫn miệt mài vật lộn với cuộc sống và sự cô đơn khi hôn nhân nguội lạnh… Với giọng văn trần thuật tưởng chừng khô khan, Cho Nam Joo dần làm sáng tỏ nỗi đau, sự trưởng thành và khát vọng của nữ giới bất chấp họ đang thuộc tầng lớp nào.

Sự tinh tế thú vị của Cho Nam Joo trong Tên cô ấy là nằm ở chỗ bà bàn luận về nữ quyền bằng những tình huống nhỏ nhặt dễ bị bỏ qua. Đơn cử, trong truyện Nari và tôi, hình ảnh biên kịch nhỏ tuổi Nari bị khách mời quát tháo giữa đám đông, bị yêu cầu làm các công việc vụn vặt vô lý và không được hỏi về lương vốn là sự bất công hiển nhiên với các cô gái trẻ mới ra trường. Hay trong Phỏng vấn – câu chuyện của một thai phụ, tác giả cũng miêu tả kỹ lưỡng sự tức giận của người phụ nữ mang thai khi cô luôn bị góp ý về cách ăn uống, tập luyện. 

Thậm chí, người ta bàn luận về giới tính của đứa con chưa ra đời và chạm vào bụng cô không cần xin phép: “Họ làm như tôi là tài sản công cộng vậy. Trời ạ, giờ nghĩ lại vẫn thấy bực mình. Chị xem, từ giây phút tôi làm mẹ, người ta liền nghĩ họ có thể đối xử tùy tiện với tôi”.

buc-tranh-da-mau-ve-cuoc

Các định kiến nam quyền tồn tại nhiều thập kỷ cũng được Cho Nam Joo khắc họa qua những chi tiết đầy sức gợi. Như trong Nhật ký kết hôn, mối quan hệ căng thẳng muôn đời của mẹ chồng – nàng dâu được làm nổi bật qua chiếc váy cưới và rèm cửa. 

Để chiều lòng bố mẹ hôn phu, nhân vật Jeong Ah quyết định đổi chiếc váy khác vì cho rằng “một lễ cưới tuyệt vời là khi chồng, gia đình hai bên và các khách mời đều thoải mái”. Đến khi mẹ chồng bảo Jeong Ah hãy thay rèm cửa màu vàng để hợp phong thủy, cô nhận ra quyền tự quyết định của bản thân đang bị đe dọa. Rốt cuộc, đây là đám cưới của cô hay của mẹ chồng? Bằng sự tinh tế đậm tính nữ, thâu tóm những câu chuyện bình thường nhưng ẩn chứa loạt định kiến xã hội, Cho Nam Joo dễ dàng chạm vào những ngóc ngách sâu thẳm nhất của mọi phụ nữ.

Nhưng nếu chỉ thuật lại những câu chuyện bi kịch của phụ nữ, rất khó để Cho Nam Joo trở thành nhà văn nữ quyền có sức ảnh hưởng lớn của Hàn Quốc. Nhìn thấu những yếu đuối bề mặt, bà cũng tìm thấy sự mạnh mẽ, kiên cường trong người phụ nữ yếu thế qua các cuộc biểu tình chống lại bất công tại Hàn Quốc. Có thể đó là cuộc chiến đấu đơn độc của cô gái tên So Jin khi lên tiếng về việc bị quản lý quấy rối tình dục, bất chấp việc bản thân sẽ bị giám đốc khiển trách, đồng nghiệp xa lánh (Người thứ hai). 

Hoặc, đó là cuộc đấu tranh của nhân viên dọn dẹp trong Quốc hội là Jin Soon với mong muốn được tuyển dụng trực tiếp vào Quốc hội sau hơn một thập kỷ nhận việc qua công ty dịch vụ (Tôi đã làm việc hai mươi năm). Không phải cuộc biểu tình nào cũng có kết thúc tốt đẹp, nhưng chân dung những người phụ nữ đứng lên giành lại quyền lợi cho mình đã đủ sức lay động mọi độc giả.

Tác giả: Theo Elle

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập90
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm88
  • Hôm nay8,833
  • Tháng hiện tại150,092
  • Tổng lượt truy cập9,855,944
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây