Review sách “Quản Lý Nghiệp - Khai mở thành công cá nhân & thịnh vượng tài chính dưới góc nhìn Phật Giáo”

Thứ tư - 12/06/2024 01:20
 Đọc “Quản lý Nghiệp” để tìm hiểu & ứng dụng 8 quy luật của “Quản lý Nghiệp”. Và bạn sẽ nhận ra, những gì mà bạn tạo ra cũng sẽ quay lại với bạn, trong cuộc sống & công việc của bạn.
***
Sau khi tham gia một khóa học Kinh doanh, mình có duyên được tiếp cận với “Quản lý Nghiệp”. Từ đây, hành trình tìm hiểu & ứng dụng triết lý Phật Giáo vào công việc, cuộc sống của mình dần được khai mở. Lại có duyên với “Quản lý Nghiệp” lần hai khi được một Chị đồng nghiệp tặng sách. Có lẽ Vũ Trụ đang nhắc nhở mình học cách “Quản lý Nghiệp”. Bên cạnh đó, là giúp những người xung quanh mình học cách “Quản lý Nghiệp”.
Vậy nên, nếu bạn đã hữu duyên đọc được những dòng này. Hãy nán lại cùng mình đọc hết Review Quản lý Nghiệp nhé!
"Quản lý nghiệp" là 1 cuốn sách cực kỳ nhỏ, gọn, chỉ dày khoảng 160 trang. Ban đầu, mình cứ nghĩ ngồi ngấu nghiến nó tầm vài giờ đồng hồ là được. Nhưng không ngờ rằng, phải đến lần thứ hai đọc “Quản lý Nghiệp”mình mới bắt đầu “thâm thấm” những quy luật mà “Quản lý Nghiệp” muốn truyển tải tới người đọc.
Cuốn sách nhỏ này sẽ gửi tới bạn một cách thức hoàn toàn mới mẻ giúp bạn hoàn thành mọi việc, dự án của mình. Có thể, bạn sẽ vô cùng ngỡ ngàng & đôi khi phải dừng lại để tự hỏi, liệu những gì “Quản lý Nghiệp” đang chia sẻ có đúng không? Mình cũng đã từng như vậy. Thế nhưng, những Câu chuyện thành công mà “Quản lý Nghiệp” lồng ghép vào mỗi Quy luật của việc “Quản lý Nghiệp” đều là sự thật. Và mình có niềm tin rằng, chắc chắn nó thực sự hiệu quả - nó luôn hiệu quả. Đây quả là một điều thú vị! Nhờ đó mà mình lại càng được thôi thúc để đọc & review “Quản lý Nghiệp” với các bạn.
Đọc “Quản lý Nghiệp” để tìm hiểu & ứng dụng 8 quy luật của “Quản lý Nghiệp”. Và bạn sẽ nhận ra, những gì mà bạn tạo ra cũng sẽ quay lại với bạn, trong cuộc sống & công việc của bạn.
Hãy kiên nhẫn đọc từng trang, từng quy luật một. Có thể, kết thúc một quy luật bạn vẫn chưa hiểu rõ quy luật đó là gì. Nhưng đừng dừng lại! Hãy bình tĩnh ghi lại những thắc mắc trong lòng và tiếp tục với quy luật tiếp theo. Bạn sẽ có được câu trả lời.
Ừmmm... Bây giờ, bạn đã sẵn sàng chưa? Chúng ta bắt đầu nhé!
Đặt vấn đề.
Mở đầu cuốn sách, tác giả đưa ra một số tình huống bán hàng trong kinh doanh, tình huống trong cuộc sống để khẳng định rằng “Quản lý Nghiệp” sẽ giúp đảm bảo chắc chắn chúng ta sẽ thành công. Và tác giả đã chọn tình huống để ứng dụng “Quản lý Nghiệp”, đó là “Bạn sẽ vào vai trưởng nhóm của một dự án. Team bạn sẽ gồm 12 người & nhiệm vụ của team bạn: Làm thế nào để bán hết 100.000 chiếc pizza trong vòng sáu tháng tới.”
Tám quy luật “Quản lý Nghiệp”.
Để hoàn thành được nhiệm vụ mà team được giao, chúng ta sẽ phải ứng dụng lần lượt 8 quy luật “Quản lý Nghiệp”. Mỗi một quy luật sẽ đưa ra cho bạn những góc nhìn vô cùng thú vị của quy luật đó, những câu chuyện thành công & một danh sách những việc cần làm.
Tám quy luật “Quản lý Nghiệp”, như sau:
1. Ngưng làm những việc không hiệu quả
2. Tìm nguyên nhân của những nguyên nhân
3. Xác định những đối tác tâm linh trong kinh doanh
4. Hãy bắt đầu từ chính bản thân bạn
5. Ngưng ra quyết định
6. Lắp ghim cho chiếc dập ghim của bạn
7. Những khó khăn giúp bạn vươn xa hơn mong đợi
8. Tái đầu tư nghiệp
Đừng dừng lại ở đây – Tiến xa hơn với “Quản lý Nghiệp”.
Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về từng quy luật nhé!

Luật thứ nhất – Ngưng làm những việc không hiệu quả.
Có lẽ 50.000 năm qua, chúng ta đã bị thao túng bởi  một trò chơi may rủi mà không hề hay biết. Chúng ta, những người sống trên Trái Đất, vẫn là những kẻ xa lạ suốt 50.000 năm qua. Suốt thời gian đó, chúng ta cũng không chắc chắn về lý do tại sao mọi thứ lại hoạt động như vậy.
Liệu chiếc xe của bạn có chạy tốt vào lúc bạn cần nó để đi làm? Nếu bạn thành thật với chính mình và theo “Quản lý Nghiệp” – luật thứ nhất, thì sau đó bạn sẽ trả lời rằng: “Tôi nghĩ là nó sẽ chạy tốt”. Vì bạn biết rằng, bạn không thể trả lời: “Tôi biết rằng nó sẽ chạy tốt”. Ngay cả khi chiếc xe hoạt động rất tốt vào tối hôm trước khi bạn về nhà thì bằng kinh nghiệm, bạn vẫn biết rằng bạn không thể nói chắc chắn nó sẽ tiếp tục chạy tốt vào sáng nay. Như vậy, với 100.000 chiếc bánh pizza cần được bán trong vòng 6 tháng, dù cho bạn nắm trong tay một đội ngũ chuyên nghiệp hay một bản kế hoạch vô cùng hoàn hảo, chúng ta cũng không thể khẳng định nhiệm vụ này chắc chắn thành công.
Và vì thế chúng ta đang chơi đùa với những rủi may. Cả cuộc đời này của chúng ta là một trò chơi may rủi. Nhưng mấy ai có thể nhận ra? Nó giống như kiểu có một điều chắc chắn khiến một người không phá bỏ nhà tù. Đó là vì người đó chưa bao giờ nhận ra họ đang ở trong tù ngay từ lúc đầu. Nhà tù của riêng mỗi chúng ta là tình trạng bấp bênh, không chắc chắn liệu những nỗ lực của chúng ta có thực sự giải quyết được vấn đề hay không. Hãy thoát ra khỏi nhà tù đó!
Đôi khi chúng ta cần phải rất dũng cảm để có thể thay đổi.
Luật thứ hai – Tìm nguyên nhân của những nguyên nhân.
Điều này có nghĩa là gì nhỉ? “Quản lý Nghiệp” đang nhắc nhở chúng ta rằng, liệu những gì bạn thấy, bạn nghe được, bạn phán đoán có phải là nguyên nhân thực sự của các vấn đề? Hay nói cho dễ hiểu,
Nếu điều đó không hiệu quả
Thì mỗi lần bạn thử,
Thì nó vẫn không hiệu quả
Hãy ngưng làm những việc không hiệu quả đi.
Hãy đi tìm nguyên nhân của những nguyên nhân. Và nguyên nhân thực sự chính là nghiệp, bởi bất cứ điều gì bạn làm rồi cũng sẽ quay trở về với bạn – gieo nhân nào sẽ gặp quả đó.
Thế thì Nghiệp là gì?
Có lẽ đây là từ rất đỗi quen thuộc với chúng ta và được chúng ta sử dụng rất thường xuyên, đặc biệt là giới trẻ hay dùng để nói về những điều xảy ra không mấy tốt đẹp với chính mình. Nhưng nó là chưa đủ và chưa đúng. Bây giờ, khi đã biết đến “Quản lý Nghiệp” hãy loại bỏ những khái niệm sai lầm về nghiệp mà bạn đã nghe trước đây. Nghiệp đơn giản là bất cứ thứ gì bạn làm, nói, hay suy nghĩ. Nếu bạn cảm thấy thoải mái, có thể gọi nó là “tất cả những gì tôi làm”.
Nếu một cuộc gọi tạo ra một đơn hàng pizza cho bạn thì điều đó không có nghĩa là vì cuộc gọi, vì bạn nói hay mà đó là do nghiệp lực khiến cuộc gọi xảy ra và biến cuộc gọi thành thương vụ thành công.
Luật thứ ba – Xác định những đối tác tâm linh trong kinh doanh.
Luật đầu tiên của Nghiệp chỉ rõ: "Nếu bạn muốn bất cứ điều gì từ cuộc đời này, bạn phải làm điều đó cho người khác trước đã." - Jey Rinpoche (1357 – 1419) Giáo thọ của Đức Dalai Lama thứ nhất.
Vừa mới đây thôi, mình vừa giới thiệu với các bạn nghiệp là bất cứ điều gì chúng ta làm, bất cứ điều gì chúng ta nói, làm hay suy nghĩ. Nhưng giờ chúng ta cần làm rõ điều này một chút: “bất cứ điều gì chúng ta làm cho một ai đó,’’ bởi vài trường hợp đặc biệt chúng ta chỉ có thể gieo trồng nghiệp vào trong tâm chúng ta bằng cách làm gì đó cho người khác. Nôm na, nghiệp giống như một tiếng Vọng. Nếu đứng ở một đại dương và hét vang lên, sẽ chẳng có tiếng vọng nào cả. Nhưng khi ở trong một cái hang, nơi có rất nhiều bức tường đá tự nhiên bao quanh, âm thanh của bạn sẽ được dội lại. Khi bạn giúp mọi người hạnh phúc, mọi người thành công, bạn cũng sẽ hạnh phúc & thành công.
Bạn còn nhớ về trò chơi may rủi mà suốt 50.000 năm qua chúng ta đã phải tham gia mà không hề hay biết gì không? Nay, khi đã biết đến “Quản lý Nghiệp” & hiểu được nghiệp là gì, đã đến lúc chúng ta phải dừng lại và kết thúc trò chơi may rủi này.
Hãy bắt đầu với “Quản lý Nghiệp” luật thứ ba: Xác định đối tác tâm linh trong kinh doanh của bạn. Đó chính là những người sẽ mang tới kết quả như bạn mong muốn, người sẽ mang nghiệp của bạn trở lại thành kết quả tốt đẹp hơn.
Bạn cần phải làm việc vì những đối tác này và nỗ lực khiến họ thành công. Đừng lo lắng và nghi ngờ về điều này. Hãy khiến những đối tác tâm linh của bạn thành công và rồi 100.000 chiếc pizza của bạn sẽ được bán hết trước thời hạn, với giá cao nhất của công ty bạn.
Vậy ai sẽ là đối tác tâm linh của bạn? Có 4 nhóm đối tác & bạn phải khiến mỗi người trong họ đạt thành công:
- Đồng nghiệp
- Khách hàng
- Nhà cung cấp
- Thế giới
Luật thứ tư – Hãy bắt đầu từ chính bản thân bạn.
Một điều bạn có thể nhận ra ngay. Mọi thứ phải bắt đầu từ bạn. Sẽ chẳng có bất cứ một tiếng vọng lớn nào quay trở lại bạn nếu bản thân bạn không tạo ra một âm thanh nhỏ nhất nào. Trong “Quản lý Nghiệp”, tất cả thành công đều xuất phát từ bạn.
Tuy nhiên, bạn có thấy rằng, mạng lưới này vẫn đang khá rời rạc. Ý mình là, cái tôi dường như đang phân tách rất rõ với đồng nghiệp, khách hàng, nhà cung cấp và cả thế giới rộng lớn nữa. Nếu Nghiệp là đúng – nếu một thứ riêng biệt đã từng xảy ra với tôi là một tiếng vọng từ một điều gì đó mà tôi đã làm cho người khác – thì sau đó bạn chính là tôi. Vậy một cái tôi thực sự phải là một cái tôi lớn – cái tôi bao gồm tất cả mọi người xung quanh. Không còn bất cứ một rào cản nào giữa bạn & các đối tác tâm linh của bạn ở đây nữa. Hãy làm quen với điều này. Bạn sẽ dễ dàng giúp người khác thành công và chắc chắn bạn cũng sẽ thành công.
Ở quy luật này, chúng ta sẽ được làm giới thiệu & bắt đầu thực hành Chương trình Bảy điểm giúp tâm trí chúng ta trở nên vô cùng sáng suốt. Khi ấy mọi người sẽ lập tức bị thu hút bởi chúng ta hay nói đúng hơn là bởi năng lượng tích cực ở mỗi chúng ta. Họ sẽ nhanh chóng nhận ra chúng ta đang làm gì và bắt đầu làm điều tương tự chúng ta. Thành công sẽ đến cho tất cả mọi người.
Luật thứ năm – Ngưng ra quyết định.
Bạn có nghĩ rằng các quyết định chỉ làm phát sinh thêm rắc rối?
Quyết định ra đời từ sự không chắc chắn về sự may rủi. Chúng ta đã quen với việc ra quyết định bởi suốt ngày phải chơi trò chơi may rủi.
Đối mặt với một vấn đề nào đó, chúng ta thường có thói quen đưa ra những phương án giải quyết. Và để làm chắc chắn hơn về quyết định lựa chọn 1 phương án nào đó để giải quyết vấn đề, chúng ta bắt đầu phân tích. Phân tích những thuận lợi & khó khăn của từng phương án. Sau đó, lại tiếp tục phân tích ra một danh sách điểm thuận lợi có thể biến thành khó khăn. Mình tự hỏi, tại sao mọi người phải làm như vậy. Bởi, chính chúng ta cũng không biết rõ, liệu phương án mà mình lựa chọn có chắc chắn giải quyết được vấn đề không. Thế nên, chúng ta cần phải chuẩn bị thêm vài phương pháp thay thế khác ngay.
Giờ thì chúng ta có thể hiểu tại sao những quản lý cấp trung tại các tập đoàn được trả lương cao rồi đấy! Bởi vì sống trong sự bất trắc phức tạp như vậy là một sự thống khổ và chẳng ai có thể làm nổi với số tiền ít ỏi.
Thế nhưng, nếu ngưng ra quyết định, chúng ta cần làm gì để giải quyết vấn đề?
Luật thứ sáu – Lắp ghim cho chiếc dập ghim của bạn.
Thật dễ cho những người đã có những thành tựu đáng kể nói rằng, họ đã ngưng ra quyết định từ lâu rồi. Còn chúng ta thì thế nào đây? Chúng ta sẽ phải nói gì với Sếp – rằng “tôi đã quyết định không đưa ra các quyết định?”
Không! Đây không phải là điều mà “Quản lý Nghiệp” muốn nói. Dĩ nhiên, hàng ngày bạn vẫn đang đi làm và đưa ra hàng loạt quyết định mà theo bạn là tốt nhất. Nhưng đồng thời, bạn cũng đang bắt đầu ngừng ra những quyết định. Suy nghĩ chút nhé!
Trò chuyện với ai thực sự thành công trong công việc của họ - đó có thể là một doanh nhân, một nhạc công, một bà mẹ. Hãy thử họ tại sao họ luôn đưa ra những hành động đúng đắn vào đúng lúc, và những gì bạn nghe được là: “Thật sự tôi không thể nói tại sao. Dường như nó là bản năng vậy.”
Bản năng ư? Ok, cũng đúng đấy. Nhưng tôi cần một câu trả lời cụ thể và là nguyên nhân của nguyên nhân kìa!
Được rồi, hãy để “Quản lý Nghiệp” lý giải giúp bạn nhé!
“Quản lý Nghiệp” sẽ đưa ra cho bạn ví dụ về chiếc dập ghim. Ta không cần phân vân chọn chiếc dập ghim màu đỏ hay màu xanh và cố gắng đưa ra quyết định xem chiếc dập ghim màu nào sẽ dùng được.
Bởi vì vấn đề không nằm ở màu sắc, mà là chiếc nào đã được lắp ghim thì chiếc đó sẽ dùng được. Và nếu cả 2 đều được lắp ghim thì lúc này hãy dùng bản năng chọn chiếc nào mà bạn thích để dập ghim.
Thật tuyệt. Đến đây thì mình bắt đầu hiểu được vấn đề. Để một hành động của mình thành công mình cần gài ghim trước cho hành động đó. Để có thể thành công bán được 100.000 chiếc pizza thì bạn phải làm bất cứ hành động nào để giúp các đối tác tâm linh trong kinh doanh của bạn thành công. Tất cả sẽ như bản năng, tự động: “Không hiểu sao tôi lại biết”.
Luật thứ bảy – Những khó khăn giúp bạn vươn xa hơn mong đợi.
Ở quy luật này, “Quản lý Nghiệp” sẽ giải thích rất rõ ràng và cặn kẽ để bạn hiểu nhân quả được ứng dụng trong “Quản lý Nghiệp” ra sao. Mình sẽ chỉ tóm gọn lại như thế này:
Bất cứ lúc nào bạn gieo hạt, dù là chỉ mới trong suy nghĩ (nhân) thì đều có thể sẽ tạo quả. Thế nên, nếu đã lỡ gieo hạt giống tiêu cực & nó đang trổ quả, tạo ra những điều bất lợi cho bạn thì hãy đừng cố gắng loại bỏ nó. Vì làm vậy là bạn đang gieo thêm những hạt giống tiêu cực khác cho chính bạn. Khi đã nhận ra điều này, hãy nhắc nhở bản thân tuyệt đối không làm bất cứ điều gì tương tự như thế nữa. Và hãy nhớ lại điều mà “Quản lý Nghiệp” đã dạy bạn, “Bất cứ điều gì bạn muốn trong cuộc sống, trước tiên bạn phải làm điều đó cho người khác.” Hãy bắt đầu đứng dậy và giúp đỡ các đối tác tâm linh của bạn, những hạt giống tích cực sẽ xuất hiện ngày càng nhiều & lấn át hết những hạt giống tiêu cực trong bạn.
Và lúc này, có thể bạn đang dần nhận ra, chính những hạt giống tiêu cực gây nên những khó khăn cho bạn đã giúp bạn trưởng thành hơn, vươn xa hơn & thành công hơn. Hãy thầm cảm ơn chúng.
Luật thứ tám – Tái đầu tư Nghiệp.
Lúc này, có lẽ dự án của chúng ta đã kết thúc và chúng ta đã hoàn thành mọi việc. 100.000 chiếc pizza đã được bán hết và team chúng ta nhận được một khoản tiền thưởng hậu hĩnh.
Bạn dự định sẽ làm gì với khoản tiền thưởng này?
Hãy nhớ về ngày xưa, khi người nông dân trồng cấy hạt giống, tất cả họ đều có một quy định bắt buộc. Đó là, giữ lại 10% số hạt giống của vụ năm nay cho vụ năm sau để tiếp tục gieo trồng & tạo ra mùa vụ mới.
Theo đó, hãy trích 10% tiền thưởng đầu tư nó vào dự án tiếp theo của bạn. Và bạn biết đích xác phải gieo trồng chúng vào đâu không? Chính là những đối tác tâm linh trong kinh doanh của bạn đó!
Hãy tái đầu tư nghiệp không chỉ trong kinh doanh mà trong mọi mặt cuộc sống của bạn.Đừng dừng lại ở đây – Tiến xa hơn với “Quản lý Nghiệp”
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc đến đây. Hi vọng rằng, thông qua bài Review của mình, các bạn có thể hiểu & nắm được Tám quy luật của “Quản lý Nghiệp”. Hãy tìm hiểu kĩ hơn về “Quản lý Nghiệp” để tiến xa hơn với “Quản lý Nghiệp”.
Chúc bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời với “Quản lý Nghiệp”.

Tác giả: Cindy - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Trợ giúp

Thông tin liên hệ

Lưu niệm
Dự báo thời tiết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập323
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm319
  • Hôm nay10,419
  • Tháng hiện tại183,276
  • Tổng lượt truy cập10,397,542
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây