Đạo đức dựa trên cảm xúc hay lý trí

Thứ năm - 13/06/2024 23:35
Nhưng đạo đức không chỉ dựa trên lý trí mà cần có cảm xúc. Như những thứ vừa được nêu trên chúng ta chỉ vừa xét đạo đức thuần túy về mặt lý trí mà bỏ qua hết mọi yếu tố cảm xúc. Thế nhưng khi xét đối tượng là con người thì không thể phủi đi hết mọi cảm xúc đi được.
***
Đạo đức luôn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nhưng chúng ta có hoàn toàn hiểu về nó hay không? Nó dựa trên những yếu tố cốt lõi nào để hình thành? Lý trí và cảm xúc có mối quan hệ như thế nào trong việc xác định đạo đức?
Sống trong thời đại thông tin hỗn loạn, ở cái nơi mà đạo đức cũng bị biến thành trend: Đang làm cha mẹ lỡ không hiểu con, thì bị gán tội cha mẹ độc hại. Người làm từ thiện công khai trên mạng, thì dân mạng chửi rằng người đó chỉ biết PR bản thân. Người phụ nữ ly dị ông chồng vũ phu, thì bị xem là single mum rẻ tiền. Một người hiền lành lỡ nổi nóng, thì bị gọi là thằng vô học.
Sống trong một xã hội, khi một hai giây sau ngoảnh lại nhìn vào quá khứ, ta chỉ thấy: "Tôi là thằng vô đạo đức”. Thì làm cách nào, chúng ta có thể biết mình là người có đạo đức?
Vậy thế nào là "người có đạo đức"? Đầu tiên để hiểu rõ điều này chúng ta cần hiểu về khái niệm "Deontology - Nghĩa vụ học". Một triết gia người Đức có tên Immaneul Kant cho rằng "Deontology" là những nghĩa vụ đạo đức mà mình cần thực hiện với người khác. Theo Kant, mọi điều tốt đẹp do chúng ta làm ra đều mạng giá trị tuyệt đối qua không gian và thời gian.
Ta được dạy rằng, nói dối là hành vi vô đạo đức.

Có nghĩa bạn không bao giờ được nói dối, khi lựa chọn nghĩa vụ học làm nền tảng đạo đức. Nếu bạn là bác sĩ, bạn phải nói sự thật về căn bệnh nan y hết thuốc chữa của bệnh nhân, thay vì nói dối để họ lạc quan chiến đấu với căn bệnh nan y đó. Bạn thấy người bạn thân của mình đang trốn tránh khỏi xã hội, ăn bám gia đình. Người bạn ấy sẵn sàng tự tử bất cứ khi nào nếu cảm thấy bị tổn thương, nhưng bạn ấy không được nói dối về bản chất của người bạn ấy.
Nói cho chuẩn hơn là các giá trị chuẩn mực đạo đức là mệnh lệnh tuyệt đối và bạn không thể thỏa hiệp với bất kì một giá trị nào khác.
Xét về các hoạt động từ thiện, chúng ta đã từng nghe qua câu nói "cho đi để nhận lại". Vậy, hành động cho đi để nhận lại có phải là vô đạo đức? Vì bạn thực hiện một nghĩa vụ đạo đức là cho đi, vậy tại sao bạn lại thỏa hiệp với một giá trị khác?
Có phải các nghệ sĩ làm từ thiện là những kẻ vô đạo đức hay không? Vì họ đang thực hiện việc cho đi nhằm đánh bóng tên tuổi của mình. Nếu bạn cho rằng, chúng ta cho đi để nhận lại niềm vui, vì chúng ta đã cho họ giá trị vật chất, không nhận lại giá trị vật chất. Nhưng theo như Kant đã nói, bạn vẫn là "thằng vô đạo đức". Vì bạn cho đi để đạt được niềm vui.
Tiếp đó chúng ta cần hiểu về khái niệm "Utilitarianism - chủ nghĩa công lập". Theo triết gia người Anh Jeremy Bentham thì một hành động được coi là có đạo đức, là một hành động được cho là đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất. Ông phản bác lại lý thuyết của Kant rằng: Không có cái tốt tự thân. Hành vi đạo đức đó được chấp nhận, khi được nhiều người chấp nhận.
Liệu lý thuyết của Jeremy Bentham có đúng? Nếu chúng ta cáo buộc một đối tượng thiểu số là vô đạo đức, khi họ không chịu hi sinh lợi ích cá nhân cho một tập thể?
Một ví dụ về câu chuyện của người mẹ chôn sống con để cả làng thoát chết:
Vào tháng 10/1969. trong sự kiện Mỹ đưa quân đội đến càn quét quân cách mạng và truy sát dân làng tại thôn Trà Linh. 200 người dân ở nơi đây rời đi và tìm nơi ẩn náu, trong đó có bà Năm Nghê dắt theo 2 đứa con.
Vì cái đói kéo dài, bà Nghê không có sữa cho đứa con 3 tháng tuổi. Đứa trẻ khóc tới mức không có cách nào để dỗ nín. Trong khi đó, tiếng súng của quân đội Mỹ ngày càng tiến gần tới nơi ẩn náu. Vì vậy, bà Nghê kìm nén sự đau khổ và quyết định chôn sống đứa trẻ ấy, để đảm bảo mạng sống cho những người còn lại. Cho đến hiện tại bà Nghê vẫn còn ám ảnh và điên dại vì mất con.
Như vậy bà Nghê là người vô đạo đức, khi ta tuân theo luận điểm trên: "Không có cái tốt tự thân, hành vi đạo đức đó được chấp nhận, khi được nhiều người chấp nhận". Vì dân làng không lên tiếng yêu cầu bà Nghê phải làm việc này. Và bà đang dùng "cái tốt tự thân" để cứu lấy mạng sống cho những người còn lại.
Nhưng đạo đức không chỉ dựa trên lý trí mà cần có cảm xúc. Như những thứ vừa được nêu trên chúng ta chỉ vừa xét đạo đức thuần túy về mặt lý trí mà bỏ qua hết mọi yếu tố cảm xúc. Thế nhưng khi xét đối tượng là con người thì không thể phủi đi hết mọi cảm xúc đi được. Theo nhà tâm lý học Jonathan Haidt thì ý thức về đạo đức không bắt nguồn từ bộ não lý trí. Mà nó bắt nguồn từ cảm xúc của con người.

Ngay từ nhỏ chúng ta đã có trực giác xác định một việc làm nào đó có thể đúng hoặc sai. Nếu để ý những đứa trẻ, chúng ta có thể thấy chúng có ý thức về sự công bằng từ rất sớm. Khi bạn chia không đều một cái bánh cho hai đứa trẻ, chúng sẽ lên tiếng đòi hỏi chúng ta chia bánh sao cho đều nhất.
Ví dụ của mình khi còn bé:
Khi mẹ chia cho anh mình 2/3 cái bánh, còn mình chỉ nhận được 1/3.
Mình mè nheo với mẹ rằng: "Ơ, sao kì vậy mẹ, anh hai có nhiều bánh hơn con?".
"Thì anh hai mày lớn hơn, sức ăn nhiều hơn nên anh hai phải được chia nhiều hơn." Mẹ giải thích.
Mình trả lời: "Con không chịu đâu, mẹ phải chia đều cho con chứ. Mẹ không thấy anh hai to như con lợn à? Anh hai phải ăn ít chứ."
Nếu nghĩ theo luận điệu như vậy, thì chúng ta cảm thấy có một điều đúng đắn rằng: Từ khi còn nhỏ, khi không được đào tạo qua trường lớp, chúng ta đã ý thức về đạo đức, đại khái ở đây là sự công bằng. Hay có thể nói ý niệm công bằng là ý niệm hàng đầu về lĩnh vực đạo đức.
Ý thức đạo đức về sự công bằng là cực kì quan trọng để giúp chúng ta tồn tại và phát triển. Bởi vì, một nhóm có sự công bằng sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cao hơn so với nhóm không có sự công bằng. Nếu một cá nhân không có sự công bằng trong nhóm đó thì ngay lập tức nhóm đó mất đi sự đoàn kết. Cá nhân này sẽ phản đối bỏ đi và tìm nhóm khác. Vậy là nhóm này trở nên suy yếu về lợi thế cạnh tranh so với nhóm khác
Tiếp theo chúng ta sẽ xét về sự công bằng trong tôn giáo. Trong lịch sử, loài người chúng ta đã tạo ra các công cụ như lễ nghi, luật pháp, tôn giáo… nhằm tạo ra sự công bằng.
Trong mọi tôn giáo, từ Đức Phật tới Đức Jesus thì họ đều công nhận sự công bằng. Trong thời kì còn hiện sinh, Đức Phật phủ nhận chế độ đẳng cấp ở Ấn Độ. Cho nên vào thời kì này, có rất nhiều người đi theo Đức phật vì chế độ bất bình đẳng ở Ấn Độ.Theo Đức Jesus: Chúng ta đều là con của chúa, cho nên khi sinh ra, chúng ta đều bình đẳng.
Vì vậy, trong hơn hai ngàn năm nay. Nhờ vào tôn giáo mà chúng ta tạo ra sự công bình vốn bấp bênh trong xã hội vì nhiều lý do khác nhau.
Trong thực tế, bạn được dạy rất kĩ càng về đạo đức từ trong nhà trường, cho đến những địa điểm tôn giáo, bạn có tâm trí sáng suốt, biết suy nghĩ thế nào là đúng sai và biết kìm chế bản thân. Nhưng một biến cố bất ngờ xảy ra, luôn khiến hành vi của bạn mâu thuẫn với nền tảng đạo đức mà bạn có.
Đối với bản thân mình, mình thường chuẩn bị một tâm thế bao dung với ai đó, khi họ có hành động công kích cá nhân chỉ vì quan điểm trái chiều. Nhưng thực tế đã cho thấy, cảm xúc của mình chuyển sang cơn nóng giận và phản ứng gay gắt ngay lập tức, vì sự chịu đựng đã vượt quá giới hạn.
Tóm lại, theo ông Johnathan Haidt, cảm xúc luôn luôn đi trước lý trí, cảm xúc quyết định cuộc sống của chúng ta. Chứ không phải như Kant đã dạy rằng, chúng ta phải sống theo lý trí và tuân theo nghĩa vụ đạo đức.

Tác giả: Nguyễn Thanh Hùng - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập54
  • Hôm nay14,252
  • Tháng hiện tại156,151
  • Tổng lượt truy cập9,862,003
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây