Mỗi một ngày cứ quay cuồng “đảm việc nước, giỏi việc nhà” như thế… Nghĩ rằng đó là cách sống “hết mình”, cách sống “trọn vẹn”. Để rồi quên đi một thứ đang héo mòn, khô rộc đi hàng ngày, hàng giờ…
***
Chúng ta thường nghe mọi người hay nói với nhau: “Đời là bể khổ!” Nhưng ở độ tuổi 35, độ tuổi không già cũng không trẻ, nhưng với những gì đã từng trải qua, tôi lại thích, và thấm câu nói: “Đời là vô thường!”
Khi ta ở độ mười tám đôi mươi, chắc không ai tin từ “vô thường”. Cho đến khi chúng ta ở độ ngũ tuần, thậm chí “thất thập cổ lai hy” ta mới hiểu từ “vô thường” nhưng đến lúc này, thì đã đi gần hết cuộc đời mình. Vậy nên thật mừng, sau khi dấu chân in vết bao nhiêu bệnh viện, leo lên nằm xuống đôi ba lần giường mổ, tôi dần hiểu “vô thường” để còn kịp chấp nhận, kịp bình an…
Đời… đâu thể nói trước được điều gì! Chỉ một cơn đau tim, chỉ một cơn khó thở, chỉ một lần tai nạn… có thể lập tức kéo ta rời xa hẳn những gì thân thương hàng ngày tưởng như tất yếu. Điều này tôi đã nghe thấy đâu đó nói đến rất nhiều, nhưng tôi từng “xảy ra với ai đó ngoài kia chứ không thể là mình”. Cho đến một ngày, sức ép công việc, gia đình ép tôi từ nhiều phía, cảm giác khó thở đã cảm nhận được, cơ thể đã lên tiếng, nhưng tôi bỏ qua, nghĩ rằng: “ngủ dậy là hết”. Rồi một tuần sau đó, cơn khó thở ập đến, họng không thể nuốt được để lấy hơi, ngực, phổi nặng trĩu như đá đè, hít vào thở ra bình thường đến thế mà không thể làm được… Vài phút đó… mọi thứ đều mơ hồ, không hiểu do não thiếu oxy nên mắt mờ đi, hay mọi tri giác cũng không đủ sức để hoạt động nữa… chỉ biết rằng, đó là ranh giới giữa sự sống và cái chết.
Mọi thứ rồi cũng như nhân duyên, cơn khó thở ập đến sau khoảng nửa tháng tôi gặp lại người bạn thân hồi cấp hai. Làm bạn với nhau hơn 20 năm, hành trình tôi nhìn thấy ở người con gái ấy là rất xinh đẹp và duyên dáng, nhiều bạn nam theo đuổi. Sinh viên được bình chọn là “hoa khôi” của cả khóa học. Tốt nghiệp xong làm dâu nhà hào môn, lui về làm nội trợ… từ ấy tôi cũng ít liên lạc hơn, nhưng chúng tôi vẫn liên lạc, tôi vẫn dõi theo cuộc sống “vô ưu vô lo” giữa cuộc đời xô bồ này của người bạn ấy. Để đến một ngày, tôi biết bạn ấy bị bệnh. Không phải nan y đâu! Nhưng là một bệnh tạm thời khiến người con gái ấy không thể chăm sóc, đón đưa con cái như đã sống những năm tháng trước đó. Hình ảnh người con gái ấy gầy guộc… gầy gầy lắm, chỉ nhìn thấy mắt và xương. Nói chuyện cả chiều, tôi nghe nhiều điều, từ cuộc sống như “tra tấn tâm hồn” trong nhiếc móc của mẹ chồng, đến gánh nặng con cái không ai chia sẻ khi ốm bệnh… Xót xa… Lòng tôi là vậy!
Sống! Phải như thế nào mới là sống?!
Ai cũng lao vào vòng xoáy kiếm tiền và danh vọng, nhưng để làm gì?
Nói vậy, bạn lại nói, kiếm tiền để tự do làm những điều mình thích, để du lịch trải nghiệm, để cho con cái được đủ đầy, thậm chí nếu bệnh cũng phải có tiền thì mới chữa trị được… đúng không?
Đúng! Không có tiền, không thể làm gì cả, càng không thể “tự do”. Nhưng mỗi chúng ta là một cá thể trong một tập thể, nhỏ là gia đình, lớn là cộng đồng xã hội. Nếu ta “tự do” mà mâm cơm ngày Tết vắng tiếng cười sum vầy? Có giống hot film “Lật mặt 7” để lại những lắng đọng trong cộng đồng mạng những ngày qua không? Nếu chúng ta “tự do” nhưng con cái thiếu sự chia sẻ, đồng hành trong học tập và cảm nhận của cuộc đời “mầm, chồi, lá” đến cây non và trưởng thành… Nhìn lại, chúng ta được gì? Hay chỉ là những cây non lớn lên bằng công nghệ, bằng sự “ích kỷ” của những đứa trẻ thuộc thế hệ 4.0. Ngược lại, những người đang tưởng như “không phải lo về tiền”, có được “tự do” không? Mỗi người, đặc biệt là phụ nữ, sẽ không thể “tự do” nếu không đứng trên những đồng tiền do chính mình kiếm ra, dù hy sinh sức khỏe, thời gian, tâm sức đến đâu chăng nữa…
Tôi cũng từng là người phụ nữ như thế! Nỗ lực khẳng định bản thân trong công việc. Nỗ lực làm tròn nghĩa vụ người mẹ, người vợ, người con dâu, người em chồng trong gia đình. Mỗi một ngày cứ quay cuồng “đảm việc nước, giỏi việc nhà” như thế… Nghĩ rằng đó là cách sống “hết mình”, cách sống “trọn vẹn”. Để rồi quên đi một thứ đang héo mòn, khô rộc đi hàng ngày, hàng giờ…
Đó là tâm hồn và sức khỏe của tôi!
Tôi đã nhận thấy tâm hồn tôi, sức khỏe tôi cần phải tưới nước và chăm bẵm, nhưng hết lần này đến lần khác, tôi viện lý do “chưa gấp” nên tưới và chăm một cách nhỏ giọt, nhỏ giọt… cho đến cái ngày cơn khó thở ập đến, mọi sự “gấp” không còn nghĩa nghĩa lý gì nữa, chỉ còn lại sự “chưa gấp” quá đỗi bình thường này, đó là: THỞ!
Thở sao cho đúng?! Sống sao cho đúng?!
Thật phước đức cho tôi, vẫn còn cơ hội để làm lại. Sự sống của chúng ta được bắt đầu từ sự thiêng liêng, là trái ngọt, là tinh hoa của đất – trời – con người (bố mẹ chúng ta) nên chúng ta không thể sống mà tước đi từng giờ từng phúc nguồn cội đó được. Hãy sống sao cho đủ những mối nhân duyên ấy. Ngày có 24 tiếng, hãy để trái tim khối óc ngủ đúng thực sự khi chúng ta ngủ. Tỉnh dậy hãy để đôi chân trần cảm nhận những bước đi chân thật, hoặc rung động cảm nhận từng cơn gió lùa qua tóc, mùi sương lá chim hót vang bên tai… Lắng nghe xem tâm ta cần gì? Cơ thể ta cần gì? Hãy tạo năng lượng bằng thể dục phù hợp để bắt đầu một ngày bằng những nụ cười, bằng những lời yêu thương, những cái ôm thật chặt với người thân yêu. Năng lượng đó sẽ cho chúng ta 200% hiệu suất làm việc, làm việc bằng đam mê, bằng trí tuệ. Kết giao lành mạnh với bạn bè, quan tâm đến người yêu thương… rồi kết thúc một ngày cũng bằng giấc ngủ đúng nghĩa cho trái tim và khối óc, không tàn phá bằng thức khuya, bằng men cay… mà trọn vẹn với cả những người yêu thương và chính mình. Đó mới là sống!
Xin gửi tới mọi người một bài thơ ngắn sưu tầm được, nghe rất trong trẻo và bình an:
“Chỉ cần như chiếc lá
Lặng lẽ xanh trong vườn
Tùy sức mình mà vươn
Ngại gì mưa hay nắng!”