Chỉ ở nơi người người đều đeo mặt nạ họ mới dám thỏa sức vùng vẫy và nhiệt thành tung hô nhau, chỉ có cuộc sống “ảo” mới cho học cảm giác được an toàn, được công nhận và được tồn tại.
***
Tôi vừa xem một bộ phim ngắn mang tên “A social life” (Một cuộc đời “ảo”) nói về Meredith, một thiếu nữ ngoài 20 tuổi. Meredith không suy nghĩ đến việc ăn gì, ở đâu và làm gì như đúng tên gọi của nó. Tất cả những gì Meredith bận tâm là checkin cuộc sống “ảo” và post chúng lên mạng xã hội. Những cái like, comment và lượt xem trên trang cá nhân mới là thứ giúp Meredith tồn tại, vui vẻ và có cảm giác đang được sống.
Vô thức, tôi nhớ lại đứa bạn cũ của mình, nó chẳng bao giờ cởi bỏ khẩu trang vì sợ ánh mắt phán xét của người khác, ấy vậy mà khi lên “tường nhà” của nó, chắc chắn bạn không khỏi ngạc nhiên khi nó lột xác thành một hotgirl mạng với hàng trăm lượt follow, hàng nghìn lượt like cho mỗi bài post và rất nhiều bình luận có cánh. Thế nhưng, liệu những tấm ảnh đẹp, những lời tán dương “ảo” ấy có làm nó thêm yêu con người thật của mình? Có bao giờ nó thật sự vui và cười thật tươi khi không cần filter hay áp chỉnh ảnh? Tôi tự hỏi, tại sao họ phải dành hàng giờ chăm chút cho đời sống “ảo” mà bỏ quên đời sống thật?
Theo một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, khi chia sẻ về bản thân và được chú ý, não của chúng ta sẽ tiết ra hormone dopamine gây hưng phấn và thỏa mãn. Ví dụ như khi được khen ngợi và ngưỡng mộ, chúng ta sẽ cảm thấy tràn đầy tự tin và cuộc đời tươi đẹp biết bao, từ đó kích thích chúng ta phải chia sẻ nhiều hơn để có lại được cảm giác ấy. Nhưng về lâu dài, liệu điều đó có tốt cho sức khỏe tinh thần? Theo tiến sĩ Brian Primack: “Những người dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội thường so sánh bản thân với người khác, rồi cảm thấy thua kém và dẫn đến thất vọng. Áp lực trước những hình ảnh đẹp đẽ, hào nhoáng trên mạng xã hội, cũng như áp lực từ lượt thích và bình luận khiến người dùng đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý, trong đó điển hình là chứng rối loạn lo âu, nghiêm trọng hơn là trầm cảm.”
Riêng tôi, tôi thấy họ cô đơn nên phải tìm đến mạng xã hội như một phiên bản khác để thể hiện bản thân, họ sợ hãi phải phơi bày cuộc sống thật mà theo họ là “nhạt nhẽo” nên phải tìm mọi cách để tô màu cá tính cho nó, chỉ ở nơi người người đều đeo mặt nạ họ mới dám thỏa sức vùng vẫy và nhiệt thành tung hô nhau, chỉ có cuộc sống “ảo” mới cho học cảm giác được an toàn, được công nhận và được tồn tại. Nhưng trên tất thảy, họ cũng chính là những con người đáng thương bị trói chặt bởi “hình tượng” và không thể sống thật với chính mình. Họ như những con bướm tội nghiệp mắc kẹt bởi chính vỏ kén của mình.
Vậy làm sao để dung hòa hai cuộc sống trong một? Chúng ta, ai cũng có nhu cầu được quan tâm, được yêu thương và chăm sóc nhưng chính những cái like, những bình luận cố hữu trong tư duy đã ngăn cách chúng ta chạm đến xúc cảm của nhau. Nếu trước kia người ta trao yêu thương bằng cách “Hãy để trái tim chạm đến trái tim” thì nay, cuộc sống ảo lại để “ngón trỏ” trao tình thương thay con tim. Cảm xúc được xem là thứ thật nhất cũng có thể thay thế thì thử hỏi cuộc sống có nguyên dạng trong một thế giới “ảo” đầy hình thù méo mó hay không. Fallon Goodman - Phó giáo sư tâm lý học ở Đại học George Washington từng nhận định: “Khi đăng lên mạng xã hội, dữ liệu duy nhất nhận về là lượt like và bình luận, nhưng chúng không phản ánh điều mà người khác đánh giá về bạn”.
Bạn phải biết chẳng có kết cục tốt đẹp cho những con người sống dưới nhiều lớp mặt nạ. Khi những nút likes không ăn được, những biểu tượng cảm xúc cũng không thể thay bạn bày tỏ thái độ với những người xung quanh. Khi một sáng thức dậy, dòng chữ “No new notifications” xuất hiện, bạn cảm thấy như thế giới đã sụp đổ thì chính bạn mới là người tự đẩy mình ra xa. Thay vì tạo ranh giới giữa hai cuộc sống, tại sao bạn không tự phá kén để ngắm nhìn đôi cánh xinh đẹp, đầy sắc màu của mình? Hà cớ gì chỉ mãi nằm im trong vỏ bọc an toàn và chết đi trong bóng tối?