Tôi chỉ muốn nói lên suy nghĩ của riêng tôi. Khi người ta đứng trên cái gọi là đỉnh cao hay người ta đang rơi xuống cái gọi là vực sâu, thì ai dám chắc, thì ai biết chắc trong số họ ai sẽ sống tốt hơn ai.
***
Mọi người có thấy quá rõ ràng và dễ hiểu không ạ? Giống như hai phép cộng trừ của các em học sinh cấp tiểu học vậy, là hai vế rất rõ, đỉnh cao và vực sâu.
Vậy tôi muốn viết về những câu chuyện rất nhỏ sau đây, vừa là của bản thân tôi vừa là của người khác mà tôi biết được nghe được, để mọi người cùng chiêm nghiệm xem đó là đỉnh cao hay vực sâu.
Tôi viết về tôi trước.
Câu chuyện thứ nhất.
Có một giai đoạn cũng đến mấy năm trời tôi làm công việc bảo mẫu ở một trường tiểu học. Đó là một việc không hề nhẹ nhàng, phải chăm sóc các con ăn và ngủ. Mà ai cũng biết nhiều khi mình chỉ lo cho con mình thôi, một hay là hai con, cũng đủ ứ hơi rồi, chứ đừng nói một lớp có đến bốn mươi học sinh. Là bốn mươi đứa con nhỏ mà cứ mỗi năm tôi được phụ trách từng lớp một, rồi vừa yêu thương vừa mệt mỏi với các con mỗi ngày.
Đó cũng chỉ là một công việc trong trăm nghìn công việc khác của cuộc sống này. Điều đó sẽ rất bình thường và chẳng có gì đáng nói nếu trước đó tôi không làm trong một môi trường công việc sang trọng và hào nhoáng, có thể gọi như vậy, là công việc trong một khách sạn lớn nhất nhì của thành phố. Rồi bỗng nhiên tôi thay đổi công việc đột ngột nên trong rất nhiều ánh nhìn của rất nhiều người khi đó, tôi đọc được một sự dè bỉu, một sự xem thường. Và họ cũng chẳng ngại ngần nói gần nói xa trước tôi câu này:
Lên voi rồi xuống chó.
Chỉ duy nhất mình tôi biết và hiểu rõ nhất vì sao như vậy. Mà trong suy nghĩ của họ, trong lòng trong tim họ chắc chắn họ nghĩ trước kia tôi ở trên một đỉnh cao, còn bây giờ là đang dưới một vực sâu. Tôi chỉ cười và sau những lần như vậy tôi lại càng cố gắng nhiều hơn trong công việc. Ngày trước tôi ở trên đỉnh cao, tôi nói cho đúng với suy nghĩ của họ, mà đỉnh cao đó có hoàn toàn là đỉnh cao hay không. Rồi hôm nay tôi ở dưới vực sâu, thì sao tôi lại yêu thiết tha cái gọi là vực sâu này đến vậy.
Nên tôi rút ra một kết luận:
Đỉnh cao hay vực sâu là tùy vào suy nghĩ tùy vào nhận thức của con người. Lúc tôi ở trên đỉnh cao tôi đã có được rất nhiều những người bạn đáng mến đáng quý. Rồi khi tôi ở dưới vực sâu thì tôi lại có thêm thật nhiều kinh nghiệm và lòng yêu thương dành cho những thế hệ măng non, những thế hệ tiếp nối, tôi hay gọi như vậy, của đất nước tôi. Luôn luôn tôi thấy vui sướng và hạnh phúc vì đã góp được một phần rất nhỏ vào việc chăm chút và cả dạy dỗ các con, những mầm xanh những tài năng rất nhanh thôi của đất nước tôi trong ngày mai.
Vậy vực sâu đó có đáng sống đáng trân trọng không hả mọi người?
Câu chuyện thứ hai.
Cũng là một câu chuyện của riêng tôi nữa, cũng là câu chuyện của công việc. Đó là khi tôi thi đậu vào đại học dù trước đó đã bỏ ôn thi và đi làm được một năm, thì cả nhà tôi đều phấn khởi vui mừng. Tôi đọc được trong mắt trong tim những người thân của tôi những niềm vui rực cháy, cảm giác như tôi đang đứng ở đỉnh cao thật, đỉnh cao của sự thành công. Rồi sau đó nhiều năm tháng tôi bị dừng công việc và sự nghiệp của tôi có vẻ xuống dốc thì nhiều người lại bảo, nếu như ngày ấy tôi theo luôn công việc và đừng tham gia thi đại học làm gì, thì chắc cuộc đời tôi đã đỡ vất vả thăng trầm hơn.
Tôi cười với tất cả.
Lại một lần nữa, tôi đang tự hỏi chính mình, cái đỉnh cao trong suy nghĩ của nhiều người kia, là một công việc thật oách. Tôi không biết dùng từ nào cho đúng nhất, nghĩa là một công việc quần là áo lượt lên xe xuống xe vào văn phòng, vào công ty như bao người vẫn làm vẫn có, là gọi là đỉnh cao, đúng không?
Còn ngược lại, những công việc thấp hèn, như những người vẫn mua gánh bán bưng, vẫn chạy sấp chạy ngửa ngoài kia kiếm sống mưu sinh mỗi ngày, hay như công việc bảo mẫu của tôi đã làm, là gọi là vực sâu, đúng không?
Tôi chỉ muốn nói lên suy nghĩ của riêng tôi. Khi người ta đứng trên cái gọi là đỉnh cao hay người ta đang rơi xuống cái gọi là vực sâu, thì ai dám chắc, thì ai biết chắc trong số họ ai sẽ sống tốt hơn ai.
Mọi người cứ ngẫm nghĩ đi, ý tôi là đỉnh cao chưa chắc là tốt và ngược lại, vực sâu chưa chắc là nỗi bế tắc khốn cùng.
Câu chuyện thứ ba.
Là câu chuyện tôi nghe kể lại. Anh ấy là một học sinh rất giỏi và rất nổi tiếng trong lớp trong trường về thành tích học tập, và anh lại cùng chơi với một nhóm bạn thân cũng học giỏi học tốt như anh. Cho đến một ngày, trong một buổi học nhóm cùng các bạn mình, anh bị một người bạn rủ rê và cho hút thử ma túy, anh cứ ngây thơ tin rằng chỉ một lần thử thôi thì không sao. Anh đâu biết rằng, ma túy là chất đã dính vào một lần là coi như tàn cả cuộc đời.
Những ngày anh ở trên đỉnh cao chói lọi, là vinh quanh rực rỡ luôn mỉm cười với anh khi tên anh luôn được xướng lên, luôn được ghi rất đậm rất lớn trong những bảng khen danh dự của ngôi trường anh theo học. Mà ai có ngờ đâu, những ngày đỉnh cao đó lại mang anh đến vực sâu như ngày hôm nay. Anh trở thành một con nghiện và tất cả việc học đã phải dừng lại. Không phải chỉ mình anh mà cả gia đình anh, ba mẹ anh, đều cùng trong một vực sâu tăm tối.
Vậy đó mọi người, đỉnh cao và vực sâu, đôi khi chỉ cách nhau có một tấc gang mà thôi.
Câu chuyện thứ tư.
Là một bộ phim hay một vở kịch nào đó mà tôi xem đã quá lâu rồi nên không thể nhớ nổi. Tôi chỉ nhớ nội dung cũng xoay quanh chủ đề ấy, là đỉnh cao và vực sâu. Một ông vua trị vì trên ngai vàng, vì muốn đưa ra ánh sáng trước công luận bí mật về những tội ác tày đình đã âm thầm lên một kế hoạch, và ông đã thành công. Kẻ tội phạm sau khi đứng ở vị trí cao ngất ngưởng, như người ta nói ở thời đó, là dưới một người trên muôn ngàn người, đã cười vang chiến thắng và không ngần ngại để lộ ra những bằng chứng của tội ác bà ta đã gây ra. Vậy là cái ngôi cao hoàng hậu mà bà ta vẫn ước mơ chiếm đoạt cho bằng được với mọi cách với mọi giá, thì trong phút chốc đã đẩy bà ta xuống vực sâu của tù tội và chết chóc.
Đỉnh cao và vực sâu.
Không hiểu sao những cụm từ này lại khiến tôi nhớ lại thật nhiều những ngày tháng tôi vẫn hay cùng xem với con tôi. Hai mẹ con hay cùng xem và cùng bình luận rôm rả, có lúc chóe lửa về những trận bóng, mà đa phần là những trận bóng ở giải đấu lớn nhất thế giới world cup. Mà nói thật có lúc tôi ở trong tâm trạng hả hê vui sướng có lúc lại tức đến nghẹn cổ. Rồi tôi suy ra điều này và con tôi cũng đồng ý, đó là không phải tự nhiên mà người ta gọi bóng đá là môn thể thao vua. Vì một quả bóng tròn lăn trên sân có thể cuốn theo tỷ tỷ đôi mắt và cả trái tim của tỷ tỷ con người. Rồi nhất là ở trận chung kết, cứ ôm cúp trong tay là vinh quang rực rỡ sáng ngời, là như cả thế giới tung hô và trọng vọng. Là ngay hôm sau tất cả các tờ báo sẽ có cái tít lớn nhất, trang trọng nhất với những lời khen ngút ngàn mây bay. Còn bằng không thì bao nhiêu xỉ vả, bao nhiêu nào là cà chua trứng thối, rồi vỏ lon vỏ chai bay tới tấp kèm theo những câu những lời miệt thị ghê người. Tôi còn biết có năm còn xảy ra cả án mạng nữa. Tất cả không phải vì quả bóng tròn hay vì môn bóng đá rất đáng yêu này, mà vì những tình cảm quá khích những cuồng vọng quá nhiều mà người ta không thể kiềm chế được.
Tôi thấy vậy, đó là một môn thể thao được gọi là vua của những môn thể thao. Mà người ta cứ mặc định, nếu anh ôm được giải này giải kia hay ôm được chiếc cúp vinh quang kia về, thì anh sẽ là một ông vua, một ông vua không ngai thật sự. Còn ngược lại thì anh cứ cúi nhìn dưới đất mà đi, mà tốt nhất là anh đừng để ai nhìn thấy mặt là được, là an toàn.
Tôi thấy vậy, bóng đá là môn thể thao điển hình nhất, điển hình một cách rõ ràng cho cái gọi là đỉnh cao và vực sâu. Mà tôi tin đã là những cầu thủ, dù chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, thì ai cũng công nhận điều đó. Bóng đá rất dễ đưa người ta lên một đỉnh cao, và cũng rất dễ để đẩy người ta xuống một vực sâu.
Tôi chỉ muốn nói cho dù là đỉnh cao hay vực sâu, chỉ cần người ta luôn tỉnh táo và cố gắng thì cho dù trong hoàn cảnh nào người ta cũng sống tốt được. Dẫu là vực sâu thì nơi đó vẫn có cuộc sống mà.
Hát một chút cho vui vui nha mọi người.
“Khi cơn đau chưa dài
Thì tình như chút nắng
Khi cơn đau lên đầy
Thì tình đã mênh mang
Một người về đỉnh cao
Một người về vực sâu
Để cuộc tình chìm mau
Như bóng chim cuối đèo.”