Ước mơ gửi lại

Thứ bảy - 21/10/2023 09:49
Người ta vẫn thường bảo “hãy cứ ước mơ vì chẳng ai đánh thuế ước mơ cả”, nhưng có lẽ đấy là lời khi người ta chưa bị cái nghèo dồn đến đường cùng. Một khi đã đến tận cùng, tuyệt vọng, chính giấc mơ cũng bị đói nghèo nuốt chửng mất.
***
Tôi đã từng có một giấc mơ, mơ được đặt chân vào giảng đường đại học…
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc vùng núi phía Bắc, trong một gia đình nghèo. Cả tuổi thơ tôi còn sót lại chỉ toàn là những kí ức về những bữa rau, bữa cháo chẳng đủ no, về những ngày trời trở gió, đổ mưa, cả gia đình năm người phải khúm núm, chen chúc dưới mái nhà cỏn con, dột nát. Và xen lẫn đâu đó là kí ức những buổi mẹ phải bật khóc vì trong nhà không còn lấy một đồng, hay vì chẳng còn gì cho ba chị em tôi chống đỡ qua cơn đói. Cái nghèo quấn lấy gia đình tôi, không… phải nói là cái nghèo và gia đình tôi quấn lấy nhau, dằn vặt nhau, tạo thành những ám ảnh tận sâu đáy lòng của từng thành viên trong gia đình.
Chính bởi muốn thoát cái kiếp đói nghèo mà năm tôi lên 9 tuổi, em út vừa tròn 2, bố tôi bỏ mấy mẹ con tôi lại, ra Hà Nội xin làm phụ hồ - một công việc nặng nhọc, vất vả nhưng đổi lại là vài đồng lương ít ỏi đến thảm thương. Mẹ thì quanh năm cúi rạp bên đồng ruộng, suốt năm, suốt tháng hết cấy lúa lại trồng ngô, trồng lạc, trồng đậu tương, rồi thêm cả củ khoai củ sắn… Ba chị em tôi cũng đã quen với những buổi cùng mẹ ra đồng phụ mẹ làm cỏ, tưới nước, bón phân, cũng đã thành thạo những công việc đồng áng từ khi rất bé. Thế nhưng chẳng hiểu vì sao, cả gia đình tôi cố gắng, chăm chỉ đến như vậy mà nghèo vẫn hoàn nghèo, đói thì vẫn đói. Phải chăng thực sự cái nghèo đã cắm rễ sâu xuống gia đình tôi, mọc ra bao nhiêu là cành, là nhánh mà quấn lấy, nên chúng tôi càng vùng vẫy, càng cố gắng thoát ra nó lại càng siết chặt, càng nhẫn tâm hút đi chút nhựa sống ít ỏi còn sót lại ở cái gia đình này.

Tôi tự nhận thấy được hoàn cảnh của gia đình mình từ nhỏ nên làm gì cũng thật cố hết tâm, hết sức, nhất là trong việc học hành. Tôi luôn hi vọng một ngày nào đó tôi sẽ dùng những tri thức mà mình được truyền dạy để cởi bỏ trói buộc của sự nghèo đói, tôi luôn mong ngày mai sẽ có cơ hội để tôi dùng tri thức mà mình có thắp lên một trang đời khác, một cuộc sống khác. Tôi luôn đạt được danh hiệu học sinh giỏi của lớp, cũng tham gia không ít lần những cuộc thi mà trường, huyện và cả tỉnh tổ chức. Tôi luôn ước mơ, khát khao rằng có một ngày mình sẽ được đặt chân vào giảng đường đại học, để rồi sau 4 năm học miệt mài, chăm chỉ cà cố gắng, tôi giàu những kinh nghiệm, trải nghiệm, tôi mơ đến cảnh mình được khoác lên người chiếc áo cử nhân, được nâng niu trên tay tấm bằng đại học vô giá. Tôi mê mẩn những câu chuyện thầy cô kể về thời sinh viên của mình, tôi lại càng quyết tâm, càng khao khát mãnh liệt. Trong đầu tôi lúc đó luôn là những hão cảnh về cuộc sống sinh viên tràn ngập hi vọng mà tôi tự tưởng tượng ra, tự mình chìm đắm trong đó.
Người ta vẫn thường bảo “hãy cứ ước mơ vì chẳng ai đánh thuế ước mơ cả” nhưng có lẽ đấy là lời khi người ta chưa bị cái nghèo dồn đến đường cùng. Một khi đã đến tận cùng, tuyệt vọng, chính giấc mơ cũng bị đói nghèo nuốt chửng mất. Những giấc mơ khi đến cùng đường trở thành cái giá phải trả để con người được sống tiếp ở thực tại, nó là thứ con người phải từ bỏ để dốc hết tâm sức bám trụ lấy sự sống trong guồng quay nghiệt ngã của đời. Có lẽ rất nhiều người sẽ cảm thấy bế tắc và tuyệt vọng lắm, bởi phải trải qua bao nhiêu mặn đắng của kiếp người nhưng vẫn không giữ nổi ước muốn của bản thân. Và tôi cũng thế, cũng chẳng đủ sức níu lấy cái ao ước ấy của mình, mà phải bất lực buông tay…
Đã mấy lần tôi kể mẹ nghe về giấc mơ trở thành một cô sinh viên của mình với mẹ nhưng sau cả, mẹ đều im lặng. Đã mấy lần tôi thử hỏi ý mẹ qua theo kiểu bông đùa: “Con sắp lên đại học rồi đấy, chắc mẹ sẽ nhớ con lắm nhỉ?” hay “Con mà đi đại học thì làm gì còn ai nấu cho mẹ bữa cơm hợp ý như này nữa đây”…, thế nhưng mẹ đều lờ đi hoặc lảng sang một chuyện khác. Tôi hiểu mẹ. Mẹ là một người phụ nữ của gia đình chính hiệu, khoang dung, hi sinh, dịu dàng, tình cảm và chẳng bao giờ muốn làm ai thương tổn. Mẹ cũng chính bởi chẳng nỡ phá tan tành giấc mơ của tôi nên mới luôn lờ đi như thế.  
Một lần kia, có bố về, trong bữa cơm, tôi đã đánh liều mà hỏi: “Bố mẹ cho con đi học đại học được không ạ?” Bố ngay lập tức dừng đũa, nhìn tôi. Tôi chẳng dám nhìn thẳng vào ánh mắt ấy, chẳng rõ ánh mắt ấy là như thế nào chỉ nhớ rằng sắc mặt bố rất khó coi. Bầu không khí trầm xuống cực hạn, và mẹ vội vàng lên tiếng bảo ăn xong bữa đã rồi nói gì thì nói, bàn gì thì bàn sau. Bữa cơm hôm ấy ai cũng im bặt, không ai nhìn ai, cũng không ai nói một lời nào. Sau bữa cơm, tôi, bố, và mẹ ngồi lại trên manh chiếu rách chằng chịt những vết vá, hai đứa em bưng vội mâm chén bát xuống. Bố bắt đầu bằng một câu hỏi mà làm tôi nhớ mãi, đau mãi: “Mày có tình người không?” Từ trước tới nay bố vẫn luôn là một người cọc tính, nghiêm khắc, hoặc là để làm gương, dạy dỗ ba chị em tôi, hoặc cũng có thể là vì cuộc sống mưu sinh đã gọt đẽo ra bố như thế. Nhưng ngay khi nghe câu hỏi đó của bố, cả tôi và mẹ đều kinh ngạc giật mình và rồi là đau đớn.

“Mày nhìn cái nhà này đi, nhìn tao và mẹ mày đi, mày không thấy thương xót tí nào à? Cả đời tao quần quật lo cho gia đình này, cho 3 chị em mày ăn học, tao hết sức rồi. Tao bất tài, tao vô dụng, mày muốn học đại học mày có từng nghĩ đến bố mẹ mày có cố nổi hay không, có gắng gượng được hay không à? Hay mày chỉ nghĩ mày có thể đi học tiếp là mày vui, mặc kệ bố mẹ mày?” Đoạn bố nói tiếp: “Tao già rồi, yếu rồi, vô dụng rồi, không lo được nữa, chân chậm, tay run rồi mà vẫn phải vác xi, trộn hồ… nếu mày có thương thì mày đi làm, kiếm tiền, ít nhiều gì cũng được, phụ tao với mẹ mày nuôi 2 đứa em”. Bất chợt tôi thấy mẹ cúi mặt, giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống từ khoé mắt đã đỏ. Ngay khi ấy sống mũi tôi cay cay, mắt ậng nước, nhưng tôi cố nén để không khóc, cố kìm lấy những giọt nước mắt đang trực trào. Rồi bố tôi đứng dậy, rời khỏi đó, nói với lại một câu: “Đấy mày cứ nghĩ đi, nghĩ xem tao nói có sai không!” Ngay sau khoảnh khắc ấy, mẹ ôm lấy tôi mà nức nở, tôi cũng oà lên, uất nghẹn.  
Trong đầu tôi là cả mớ hỗn độn, tôi thực sự đau xót, cay đắng và cả uất ức. Tôi thật sự là chỉ biết nghĩ đến bản thân thật sao, thật sự tôi không thương bố mẹ sao, mà bố nỡ nói tôi nặng lời. Tôi đã cố gắng đến như thế cơ mà, từ việc nhà, việc học, đến chăm em, cả phụ mẹ việc đồng… có cái nào tôi không biết làm đâu? Ngay cả đi học luôn cố gắng giành giải thưởng, chưa bao giờ đua đòi, còn bị kì thị vì không mua áo lớp nữa,… chỉ vì không muốn gây thêm áp lực gì cho bố mẹ mà. Trong tiếng nấc nghẹn lòng cảu tôi, mẹ liên tục nói xin lỗi, nhận rằng mẹ sai, làm tôi càng không khống chế được cảm xúc của mình. Thật sự thì đã bao nhiêu lần bị đòn roi nhưng chưa một lần tôi phải đến mức này, quả thật đôi khi lời nói mới chính là thứ vũ khí làm cho con người ta tổn thương nhất, gây sát thương sâu sắc nhất.
Sau hôm đó, đêm nào tôi cũng khóc, cũng lại tự thương xót, thương cho bố mẹ, cũng thương cho chính mình. Tôi không trách bố bởi tôi biết bố cũng chẳng dễ dàng gì, bố cũng phải đau đớn lắm, tự trách lắm vì chẳng lo nổi cho con mà phải nói ra những lời như thế để gạt đi giấc mơ của con mình. Sau khi thi Trung học phổ thông, tôi xuống Hà Nội để làm thuê. Cuối cùng, tôi cũng đã được đặt chân đến thành phố mà mình luôn mơ ước nhưng lại chẳng đủ sức thực hiện ước mơ của mình ở nơi này. Tôi làm đủ thứ: từ bưng bê, phục vụ, rửa bát thuê, rồi phát tờ rơi, ai cần gì thì tôi làm nấy. Tôi luôn cố gắng hết sức mình, thậm chí là hơn cả sức mình… đổi lại cuộc sống của tôi, bố mẹ và hai em đều có những chuyển biến tích cực hơn. Tôi đi làm gom góp tiền gửi về cho bố mẹ, cũng để dành lại một ít để nhỡ mai này nếu em tôi có muốn học lên đại học thì tôi cũng có thể giúp đỡ nó, để nó không phải lỡ dở ước mơ như chị nó.
Mới đó mà đã gần mười năm, tôi cũng chẳng còn là cô bé 18 chân ướt chân ráo, non nớt mới lên phố ngày nào, đã trưởng thành và chững trạc hơn, cuộc sống giờ đây của tôi ổn, công việc cũng phù hợp, chuyện tình cảm cũng tốt đẹp, câu chuyện xưa cũng đã quá lâu… Nhưng chẳng hiểu sao mỗi lần bất chợt đi đâu đó qua bất kì trường đại học nào trong Hà Nội xô bồ này, lòng tôi lại nhói lên những nỗi đau khó tả. Cuối cùng thì tôi vẫn không giữ nổi, không thực hiện nổi ước mơ của mình; cuối cùng thì giấc mơ thuở thiếu thời kia vẫn sẽ mãi là một vết xước chẳng thể lành trong tim…

Tác giả: Đinh Nguyễn Hồng Thơm - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Trợ giúp

Thông tin liên hệ

Lưu niệm
Dự báo thời tiết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập57
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm56
  • Hôm nay10,517
  • Tháng hiện tại196,744
  • Tổng lượt truy cập10,411,010
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây