Đi sai đường không có nghĩa sẽ sai đích đến. Hãy nhớ rằng, “chỉ cần có niềm tin, đi đường nào rồi cũng sẽ tới đích”. Đi đường vòng sẽ xa hơn nhưng bạn sẽ ngắm nhìn được nhiều thứ mới lạ hơn mà những “bước chân mòn” sẽ không thể có được.
***
Con người luôn muốn có được thành công. Ngay từ nhỏ, ta đã có những ước mơ, hoài bão của riêng mình. Đó là cái gốc để hình thành những con đường mang tính định hướng trong tiềm thức non trẻ của chúng ta. Tuy nhiên, con đường đi tới thành công chưa lúc nào trải đầy hoa hồng. Chúng rất gập ghềnh, nhiều chướng ngại, gây nên những khó khăn cho những kẻ vi hành tìm đến lí tưởng, nhất là lứa thanh niên chưa có kinh nghiệm nếm trải khó khăn đầu đời.
Con đường đi tới thành công có muôn vàn khó khăn gian khổ, Lỗ Tấn đã nhận thức rõ: “Mặt đất vốn chẳng có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Danh ngôn lại có câu: “Không hề có con đường nào không thể đi, chỉ có người không dám đi trên con đường đó”. Nâng cao hơn, có người lại khẳng định: “Đôi khi bạn có thể đi sai đường, nhưng nếu bạn tiếp tục đi, nó sẽ thành một con đường mới”. Có thể nói, những bài học về con đường thành công là “chất vàng mười” quý giá mà bậc tiền nhân đã để lại sau khi đi hết cả cuộc đời.
Sự học hỏi, tiếp thu từ người đi trước là vô cùng quan trọng. Cha ông ta đã dạy: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là vì lẽ đó. Tri thức nhân loại kết tinh từ những cuộc thí nghiệm. Sự thất bại, thành công, những phép thử mà biến cố của nó là ẩn số vô định là những điều mà nền khoa học phải miễn cưỡng trải qua để hoàn thiện quá trình phát triển của mình. Những nhà phát minh đã tốn cả chục năm trời để nghiên cứu một công trình khoa học, tìm ra những định lí mới mẻ. Ngày nay, chẳng có ai rảnh rỗi đi chứng minh lại các định lí nữa. Vì thế, người đời trước đã giúp ta rút ngắn thời gian nghiên cứu, để lại tri thức giúp ta làm được nhiều công việc hơn. Nếu không học hỏi chúng, liệu bao giờ ta sẽ giải quyết xong một công việc trong khi cả tá lo toan đang đợi chờ?
Đứng trước khó khăn, ta thường chùn bước, nản chí, tuyệt vọng. Điều này làm ta kẹt giữa hai phương án ngặt nghèo: một là dừng lại, hai là đối diện khó khăn mà bước tiếp. Dừng lại hay quay lưng đều dẫn đến hậu quả: sự thất bại đến một cách tất yếu, kèm theo đó là tự ti, mặc cảm, kém cỏi và sợ hãi, đáng sợ hơn là đánh mất chính mình. Bởi vậy, con người nên đối đầu với khó khăn để bước tiếp. Để đương đầu với khó khăn, ta cần có bản lĩnh mạnh mẽ, trái tim nhiệt thành đầy lửa đam mê. Khoan hãy tính đến việc bạn sẽ đi như thế nào, hãy tự hỏi mình có dám đi hay không?
Ở một cấp độ cao hơn, đó là sự sáng tạo. Sáng tạo nên những con đường mới. Biến sai lầm thành thuận lợi, biến thất bạn thành thành công. Điều này đòi hỏi một trình độ cao, lấy học hỏi làm nền tảng, bản lĩnh làm hành trang để tìm ra cái mới giải thoát cho mình. Đi sai đường không có nghĩa sẽ sai đích đến. Hãy nhớ rằng, “chỉ cần có niềm tin, đi đường nào rồi cũng sẽ tới đích”. Đi đường vòng sẽ xa hơn nhưng bạn sẽ ngắm nhìn được nhiều thứ mới lạ hơn mà những “bước chân mòn” sẽ không thể có được.
Hồ Chủ tịch với lí tưởng cao đẹp đã ra đi tìm đường cứu nước giữa bóng tối thực dân đen ngòm. Bác ra đi với hai bàn tay trắng ngặt nghèo. Lí tưởng, đam mê nằm trong nhiệt huyết tuổi trẻ, “theo chân Bác” đi đến những miền lạnh giá nơi xứ người xa xôi. Con đường đi tới thắng lợi thật nhiều gian khổ. Song, đói rét, bệnh tật, đánh đập, lao tù có là gì so với niềm tin kiên định hướng về chủ nghĩa xã hội như thế. Bác dám ra đi là bản lĩnh, bác tiếp thu tư tưởng Mác – Lênin là học hỏi bậc tiền nhân. Bác áp dụng linh hoạt đường lối cách mạng cho phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và Bác tìm ra con đường giải phóng dân tộc, đấy là sự sáng tạo. Người trở thành lãnh tụ đầu tiên của Việt Nam, là tấm gương sáng của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Hòa bình đã lập lại hơn 40 năm, ta phải làm gì để giữ vững nền độc lập và phát triển đất nước. Con đường duy nhất đến với thành công là học, học từ trường học và học từ trường đời, học những tri thức đã kết tinh từ ngàn đời theo lời Lỗ Tấn. Học hành thôi chưa đủ, ta phải dám nghĩ, dám làm, nghĩa là phải có bản lĩnh. Ta phải không ngừng sáng tạo để làm mới chính mình. Sai lầm không phải đường cụt, mà sai lầm chính là con đường để khám phá những chân trời mới, như Christopher Columbus vì đi sai đường mà tìm ra Châu Mĩ. Đấy cũng là một con đường dẫn đến thành công.
Cuộc đời chính là một con đường rộng dài với nhiều gian khó, ngọt bùi. Tạo hóa phải có lí do để sinh ra bạn, lí do ấy chính là giá trị của bạn trên cõi đời này. Tìm ra giá trị đích thực của bản thân và để đam mê dẫn dắt, lấy bản lĩnh và trí tuệ làm hành trang, tôi hi vọng bạn sẽ sớm gặp được chân lí ở cuối con đường.