Cảm ơn mỗi mùa đi qua

Chủ nhật - 15/01/2023 23:05

Cảm ơn những mùa thu đi qua để tôi thấy cái nắng chín vàng chiếu lên da mặt mình mỗi buổi chiều khi lang thang qua bất kì con đường nào. Cảm ơn những cơn gió nhẹ nhàng mỗi sáng mai đón tôi thức dậy, cả cái nắng gắt những trưa hè, rồi cái lạnh tê tái của mùa đông, thời gian cứ vĩnh hằng trôi. Cảm ơn một ngày cứ nhẹ nhàng trôi đi như vậy, cảm ơn bốn mùa cứ tuần hoàn để tôi được sống thay cả phần của em và cảm nhận trọn vẹn sự sống của từng ngày.

***

Tôi thấy em như mơ màng gì đó về một xứ sở xa xôi khi em ngồi im lặng hàng giờ bên ô cửa sổ. khi còn là một cậu nhóc tôi đã bị cái vẻ mong manh của em thu hút mà không hiểu tại sao lại thế. Một thằng quỷ con của xóm là tôi khi đó lại có thể ngắm nhìn em suốt cả buổi mà không thấy chán.

Nhà em chuyển về cái ngôi nhà “cô độc” thuộc khu chúng tôi ở. Gọi nhà đó là “cô độc” vì đó là một ngôi nhà to nhưng nằm riêng trên một quả đồi cây cối phủ xanh, nghe bảo ngôi nhà lớn đó là cái biệt thự của một nhà giàu nào đó, nó để không bao năm nay chưa từng thấy mặt chủ. Chỉ đến năm đó khi mùa thu đã nhuốm vàng lên cả quả đồi thì em xuất hiện. 

Tôi gặp em khi sắc vàng của mùa thu ngả sang màu đỏ và mọi thứ của đất trời đều có hương vị chín lịm đậm đà nhất trong năm. Chúng tôi trở thành bạn, còn tôi nghĩ mình là một người anh lớn của em. Em nhỏ xíu so với những đứa trẻ cùng tuổi thì em cũng đã nhỏ lắm rồi, còn tôi lại là một thằng to con nhất trong đám trẻ trong làng nên tự dưng càng làm tôi thấy mình giống một người anh đích thực vậy. 

12

Tôi chưa bao giờ thắc mắc tại sao nhà em giàu đến nỗi thuê cả mấy người giúp việc. Chưa bao giờ tôi thắc mắc không biết mặt mũi của người bố quanh năm bận bịu của em như thế nào. Chưa bao giờ tôi lấy làm lạ vì sự quý mến đặc biệt của mẹ em dành cho tôi ngay từ lần đầu bà nhìn thấy tôi.

Em nhìn thật không giống mẹ của em chút nào, không cần lớn lên mà tôi nhận ra ngay được điều đó khi vừa thấy em. Mẹ em thật sôi nổi, nhiệt tình và tươi tắn. bà là một người phụ nữ trẻ, ngoại hình rất đẹp, theo tiêu chuẩn đánh giá của tất cả những ai đã nhìn thấy bà. Em gần như là ngược lại với mẹ mình, gầy gò, và có cái gì đó luôn ủ rũ. Em mắc bệnh, một căn bệnh khiến cơ thể em không thể khoẻ mạnh như những đứa bé cùng lứa tuổi. Đó cũng là lí do hai mẹ con em chuyển về nơi thôn quê này sống. 

Em không đến trường học khi đến tuổi đi học vì cái lịch sinh hoạt gần như là khắt khe để duy trì sự sống cho em, cũng nhờ đó mà tôi đã trở thành thầy giáo, gia sư và bạn học của em. Một ngày chỉ có một hoặc hai tiếng là tôi được đến chơi cùng em, có khi là cả tuần chẳng được nhìn thấy em vì cả tuần đó em bệnh và phải nằm trên giường. Sau này khi đã thân thiết tôi mỗi ngày đều đến nhà em mà không cần quy định mấy giờ đến mấy giờ nữa. Thế nhưng tôi vẫn nhớ những lần mà em không được ra ngoài nên tôi đành ngồi phều dưới gốc cây trong sân nhà em mà ngó lên cái tấm rèm cửa kính phòng ngủ của em. 

Một căn phòng có những cái cửa kính thật lớn và những tấm rèm voan mỏng in hoạ tiết đẹp tuyệt vời. Như thể cả căn phòng ấy là một cái hộp thuỷ tinh còn em là cô búp bê trong đó vậy. Tôi thấy em ngồi trên ghế, tay chống cằm lơ mơ nhìn ra ngoài cửa sau lớp rèm. 

4

Chiều hôm sau cũng là em ngồi dựa đầu trên chiếc ghế hoa đó bên dưới đùi để một cuốn sách trông như sắp rơi xuống đất mà em lười cầm lên tay vậy. Đó là những ngày em ốm, những ngày tôi thấy em ngồi cả buổi chiều với cái dáng điệu uể oải đó. Bằng tuổi em khi con nhà người ta vừa học đánh vần chữ cái thì em đã đọc cả những cuốn sách văn học kinh điển dày cộm. mẹ em từng rất hí hửng khi khoe với tôi rằng em là một thần đồng khi vừa biết nói đã biết đọc là vì hưởng gen trội của bà. Bà nói khi xưa bà học rất giỏi và rất thông minh nữa, tôi chưa từng nghi ngờ điều đó khi thấy những tấm ảnh của bà chụp khi còn đi học. Đúng là bà đã từng rất giỏi lại còn xinh đẹp nữa.

Em rất thích đọc sách, tôi nghĩ thế vì thấy những cái giá sách khổng lồ trong phòng đọc của nhà em. Trong phòng em cũng luôn thấy chỗ này chỗ kia một vài cuốn mà em đọc dở, trên giường một cuốn, trên ghế một cuốn, cả trên thành cửa sổ cũng thường thấy sách. 

Em thích văn học, tôi đoán thế vì chủ yếu tôi thấy các đầu sách mà em đọc đều là sách văn học. Em không thích toán học, chắc chắn như thế, vì mỗi lần tôi đến dạy em các phép tính hay yêu cầu em giải bài tập là em lại viện cớ đau đầu hoặc đòi được đi ra ngoài chơi. Thế nhưng từ khi em mười tuổi thì đã không còn trốn tránh việc làm toán nữa cho dù tôi vẫn thấy em khẽ nhíu mày tỏ vẻ khó chịu khi tôi vừa nhắc đến lịch học toán. Ngoại trừ cái ngoại hình bé nhỏ và đôi lần nhõng nhẽo để trốn học thì tôi chẳng hề thấy em giống một đứa trẻ chút nào. Mẹ em nói đó là vì em quá thông minh nên trưởng thành trước tuổi thôi. Có lẽ là vậy, tôi luôn nghĩ rằng mẹ em nói cái gì cũng đúng.

Chúng tôi lớn lên bên nhau như vậy. đi qua những mùa xuân ấm áp nằm dài dưới thảm cỏ xanh mướt, những ngày hạ nắng gắt tôi đi bắt ve sầu cho em, mùa thu dài với những ngày em ốm dài chỉ được ở trong phòng mà nhìn ra ngoài, mùa đông lười biếng khi cả hai chỉ muốn trốn trong nhà đọc sách hoặc chờ món bánh nóng hổi mẹ em làm vừa ra lò để thưởng thức. 

11

Khi tôi vào học cấp ba nhà xa trường nên chỉ còn cách ở nội trú lại trường đến cuối tuần mới về nhà, cũng chỉ cuối tuần mà tôi mới đến thăm em được. Mẹ em làm luôn nhiệm vụ dạy học cho em, nhưng tuần nào bà cũng mong tôi về và đến chơi với em để bà được thoải mái làm những việc mà bà thích thay vì ngồi trả lời những câu hỏi trong sách bài tập. 

Mỗi lần tôi về thường kể cho em một câu chuyện gì đó mới mẻ ở thành phố nơi tôi đang học vừa diễn ra, hoặc mua cho em một món quà gì đó là lạ ở mỗi một nơi tôi đi qua. Tôi dạy em cả những kiến thức trên lớp tôi mới học được, và thật ngạc nhiên khi em còn giải được cả những bài toán của chương trình lớp lớn hơn tôi trong khi tính ra em mới chỉ vừa vào cấp hai. Chỉ sau một hai tuần mà tôi không gặp là dường như em lại cho tôi sự bất ngờ về khả năng tiến bộ thần tốc như thế nào. Phải thừa nhận rằng mẹ em là một người giáo viên xuất sắc. 

Năm tôi cuối cấp bận bù đầu vào những kì thi và ôn luyện để chuẩn bị cho cánh cửa đại học. Tôi đã cố tình trốn vài buổi ôn thi để về thăm em, nhưng thật không may vì lần đó em ốm nặng, và tôi chỉ có thể nhìn thấy em từ sau mấy tấm kính lớn. Đợt nghỉ Tết năm đó tôi đã sang chúc tết nhà em và ở lại cả một ngày đến hôm sau mới về nhà mình. 

Tôi ngồi trên sofa còn em thì ngồi xuống tấm thảm trải sàn chơi với bộ đồ chơi tàu hoả từ thời lên sáu của em với một khuôn mặt tươi tắn như của một đứa trẻ. Em hỏi tôi về ước mơ sau này của tôi với ánh mắt chăm chú vào cái toa tàu lắp ghép dưới chân mình. Những câu hỏi như vu vơ hay thờ ơ của em đều là những câu hỏi nghiêm túc mà em thực sự muốn có câu trả lời. 

Em rất ít nói, đa phần đều là những câu hỏi, ngay từ nhỏ tôi đã nghĩ sao em lại có lắm thắc mắc đến như vậy. Hồi đầu tôi còn viện cớ cho những câu hỏi mà tôi không trả lời được bằng cách trả lời quanh co, hoặc viện ra một cái câu trả lời mình cho là hợp lý. Nhưng sau đó khi tôi biết em đã đọc rất nhiều sách để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi tưởng như là ngớ ngẩn ấy thì tôi đã có thái độ thực sự khác khi nói chuyện với em. 

Tôi gập cuốn sách đang đọc dở để xuống ghế, thấy vậy em liền ngả đầu vào chân tôi, ngoan ngoãn như chú mèo con. Em hỏi tôi đang đọc đến đâu, và đề nghị tôi đọc cho em nghe nữa. rồi cứ thế em ngủ quên luôn mà chưa kịp nhận được câu trả lời của tôi về ước mơ mà tôi đang theo đuổi.

Tôi vẫn đang trên đường thực hiện ước mơ của mình đó là trở thành một bác sĩ thật giỏi để chữa cho em khỏi bệnh, mong được một ngày cùng nắm tay em bước ra thế giới bao la bên ngoài, đưa em đi khám phá tận cùng ngóc ngách của thế giới, giúp em tìm ra đáp án cho những thắc mắc không hồi kết của em. Nhưng cuộc đời luôn có những ngã rẽ mà chẳng ai có thể ngờ tới hoặc như ai cũng phải có ít nhất một hối tiếc trong cuộc đời mình vậy. 

3

Tôi trở thành một nhà văn lãng đãng thay vì trở thành một bác sĩ, còn em thì đã ra đi tự tìm câu trả lời cho riêng mình mà không có sự đồng hành của tôi. Ngôi nhà “cô độc” trên quả đồi đó lại trở về trạng thái “cô độc”. Tôi mỗi năm lại về thăm nơi đó một lần, một lần vào mùa thu khi cả quả đồi nhuốm sắc vàng. Tôi lại đứng dưới cái tán cây thông trong sân để nhìn lên căn phòng cửa kính lớn của em. 

Hình ảnh đôi mắt xa xăm và dáng điệu uể oải chống tay lên bậu cửa của em làm tôi liên tưởng đến con búp bê trong hộp kính. Cũng có lần tôi thấy em như nàng công chúa bé nhỏ bị nhốt trong tòa lâu đài xinh đẹp cùng với giấc ngủ trăm năm không ai có thể đánh thức. Có lần tôi thấy em cùng đôi mắt xa vời vợi ấy đi cả vào giấc mơ tôi về những sắc màu mùa bốn mùa.

Cảm ơn những mùa thu đi qua để tôi thấy cái nắng chín vàng chiếu lên da mặt mình mỗi buổi chiều khi lang thang qua bất kì con đường nào. Cảm ơn những cơn gió nhẹ nhàng mỗi sáng mai đón tôi thức dậy, cả cái nắng gắt những trưa hè, rồi cái lạnh tê tái của mùa đông, thời gian cứ vĩnh hằng trôi. Cảm ơn một ngày cứ nhẹ nhàng trôi đi như vậy, cảm ơn bốn mùa cứ tuần hoàn để tôi được sống thay cả phần của em và cảm nhận trọn vẹn sự sống của từng ngày.

Tác giả: Thảo Thảo - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Trợ giúp

Thông tin liên hệ

Lưu niệm
Dự báo thời tiết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập56
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm48
  • Hôm nay13,370
  • Tháng hiện tại189,942
  • Tổng lượt truy cập10,404,208
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây