Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Bạn đã nghe nhiều về những người thao túng tâm lý mà bạn có thể gặp trong công việc và cuộc sống. Bạn có thể gọi tên một mối quan hệ không lành mạnh, chỉ điểm những chiêu trò thao túng lộ liễu, nhưng bạn có bao giờ nghĩ rằng, trong mỗi chúng ta đều có một kẻ thao túng nội tâm không?
***
Bạn đã nghe nhiều về những người thao túng tâm lý mà bạn có thể gặp trong công việc và cuộc sống. Bạn có thể gọi tên một mối quan hệ không lành mạnh, chỉ điểm những chiêu trò thao túng lộ liễu, nhưng bạn có bao giờ nghĩ rằng, trong mỗi chúng ta đều có một kẻ thao túng nội tâm không?
Thao túng nội tâm là gì?
Thao túng nội tâm được hiểu đơn giản là những suy nghĩ phê bình tiêu cực và sai lệch mà một người tự gán cho mình. Luôn có một giọng nói trong đầu bảo rằng những gì họ tự nhận thức về bản thân là không có thật, phủ nhận mọi công sức cố gắng của họ. Người mang suy nghĩ phủ nhận quá lớn có thể hay tự đổ lỗi cho chính mình, cảm thấy làm gì cũng không đúng, dần dần họ sẽ không có động lực để hoàn thiện mình hơn. Thao túng nội tâm diễn ra theo cả một quá trình nên không dễ để nhận thấy.
Bốn dấu hiệu chứng tỏ bạn có một kẻ thao túng nội tâm bên trong?
- Bạn có xu hướng hạ thấp ưu điểm và nhu cầu của mình để làm người khác hài lòng.
- Bạn luôn mơ hồ lo lắng liệu mình có nhiều thiếu sót đáng xấu hổ không.
- Trong các mối quan hệ, bạn dễ thỏa hiệp và luôn tìm cách sống hài lòng với điều mình có, cho dù đó không phải là điều bạn muốn. Vì thế, bạn dễ bỏ qua cho các hành động "quá trớn" của bạn bè, hoặc bạn mắc kẹt với những mối quan hệ độc hại.
- Thường có hai giọng nói trong đầu bạn: một giọng nói phê bình rất tàn nhẫn, một giọng nói thì run sợ, dễ tổn thương, không muốn bị bỏ rơi.
Kẻ xui khiến chúng ta đến từ đâu?
Tất cả chúng ta đều ít nhiều tự phê bình, đánh giá chính mình. Điều này một phần bắt nguồn từ khả năng phát triển, học hỏi của não bộ, ta học về sự đồng cảm, đạo đức, cảm giác tội lỗi, và nỗi xấu hổ trong quá trình lớn lên. Tuy nhiên, với những đứa trẻ trưởng thành trong một môi trường khó khăn, khi các nhu cầu cơ bản không được đáp ứng, chúng sẽ lớn lên và tin rằng phải tự mình đáp ứng nhu cầu của mình mà không cần dựa vào bất kỳ một ai.
Vấn đề là những đứa trẻ này bị “ép lớn”, chúng chưa đủ phát triển để tự quyết mọi thứ hay chăm sóc bản thân. Khi trải sự đời và vấp ngã, chúng hụt hẫng, thất vọng, và luôn bị dày vò bởi cảm giác thất bại, hoặc không đủ tốt.
Mặt tốt là một số đứa trẻ có thể chuyển hóa thất bại thành động lực để nỗ lực liên tục, nhưng nếu chúng không học được việc tự hài lòng, kẻ thao túng nội tâm sẽ xâm lấn toàn bộ tâm trí và đứa trẻ sẽ không bao giờ thực sự hạnh phúc.
Ngoài ra, nếu đứa trẻ bị bỏ bê, hoặc người nuôi dưỡng, chăm sóc chúng (ông bà, bố mẹ) thường xuyên bạo hành, hạ thấp nhân phẩm, chúng cũng sẽ lớn lên cùng cảm giác tự ti, mặc cảm không dứt.
Nhà tâm lý trị liệu Richard Brouillette đã dùng một phép liên tưởng khá độc đáo để giúp độc giả hình dung về lời nói tiêu cực trong đầu: Hãy tưởng tượng đứa trẻ bên trong của mỗi người là một đứa trẻ với trái tim đầy vết xước, vì thế chúng luôn khao khát cảm giác được chăm sóc, hỗ trợ từ một người trưởng thành. Nhưng người trưởng thành chúng dựa vào lại cực kỳ xấu tính, luôn tìm cách bắt nạt chúng dưới vỏ bọc của “thiện ý”.
Nhìn chung giọng nói độc hại trong đầu thường bảo bạn rằng bạn có rất nhiều khuyết điểm chưa hoàn thiện, bạn suy nghĩ bồng bột, hoặc bạn sẽ bị người khác bỏ rơi.
Nhưng điều tệ nhất là kẻ bắt nạt nội tâm luôn có cách để khiến bạn phải “quay về với hắn” thì mới tìm được cách giải quyết vấn đề. Nói cách khác, khi đối diện với nghịch cảnh, bất trắc, nhiều người thường có xu hướng phải trầm trọng hóa vấn đề, ngược đãi suy nghĩ bản thân thì mới cảm thấy tốt hơn về sau. Họ phụ thuộc vào suy nghĩ độc hại như phụ thuộc vào chất gây nghiện.
Năm bước để đẩy lùi kẻ thao túng nội tâm
1. Hiểu rằng mọi người đều từng suy nghĩ những điều không hay, và sự lo lắng, bất an không chừa một ai. Tất nhiên, có người có khả năng áp chế chúng. Bạn có thể tìm đến họ và xin lời khuyên.
2. Nhận thức được những tổn thương mà mình có, an ủi và chăm sóc đứa trẻ sợ hãi và ngại ngùng bên trong. Hãy tưởng tượng kẻ thao túng nội tâm là một người hàng xóm xấu tính, còn bạn mới là những bậc phụ huynh tốt có thể tác động và nuôi dưỡng đứa trẻ.
3. Để giải quyết vấn đề ta cần nhận diện vấn đề. Do vậy bạn nên quan sát thói quen, hành vi, cách tư duy của kẻ thao túng nội tâm, từ đó bạn có thể biết được vì sao mình hay suy nghĩ như vậy. Bạn có thể sử dụng nhật ký để ghi chép lại. Ví dụ một số người được ai khen thì luôn nghĩ rằng họ chỉ khen xã giao, và rồi tự nhận mình xấu xí, không đáng được trân trọng. Suy nghĩ này có thể xuất phát từ quá khứ thường bị trêu chọc, miệt thị ngoại hình của họ lúc nhỏ.
Hãy tập ghi chép lại suy nghĩ của mình
4. Thay vì mắc kẹt vào suy nghĩ thao túng, phàn nàn, hãy hướng sự quan tâm của mình về những điều bạn thấy vui hoặc muốn tận hưởng trong thời điểm hiện tại. Ví dụ: “Ngoài những lời khen mọi người dành cho mình thì mình có những đức tính tốt đẹp nào nữa?”, hay “Mình có thể làm gì khác để thấy vui vẻ hơn không?”.
5. Không cần phải lúc nào cũng cố gắng đẩy lùi suy nghĩ thao túng, hãy thử chấp nhận hoàn cảnh, tự nói ra vấn đề bằng lời và tìm ra phương án giải quyết. Ví dụ kẻ thao túng trong đầu liên tục bảo bạn rằng “mày lại thất bại nữa rồi!”, hãy mạnh dạn nói với mình “mình lại thất bại rồi, nhưng không sao, mình chấp nhận sự thất bại này, ít nhất thì mình đã nỗ lực, và còn có những cơ hội sau để cố gắng hơn mà”. Bạn không cãi lại kẻ thao túng bên trong, bạn chấp nhận và cho thấy lời nói thao túng không làm bạn nhụt chí.
Tác giả: Theo Phụ Nữ Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn