Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Khi sống trong cảnh đủ đầy còn gia đình bên cạnh, hãy nâng niu, trân trọng bởi ngoài kia còn biết bao người muốn có một mái ấm để nâng niu nhưng họ không bao giờ có được. Cái mình đang có, đôi khi phiền toái chính là cái người khác luôn ao ước.
***
Ai đó đã từng nói cuộc sống này luôn công bằng bởi đời người khi chông chênh thì cũng sẽ có lúc bằng phẳng. Tôi tự hỏi không biết có đúng như vậy không, ắt cũng sẽ có những trường hợp ngoại lệ. Và đây có một người phụ nữ mà cuộc đời cô có lẽ chỉ toàn nỗi buồn đau, bất hạnh – đó là Dư.
Bản thân Dư là kết quả của một mối tình vụng trộm giữa mẹ của cô với một người đàn ông ở làng trên, vì xấu hổ nên sau khi sinh Dư mẹ cô đã đem gửi cô cho nhà ngoại rồi bỏ làng đi biệt tích từ dạo ấy.
Cô lớn lên cùng với ngoại, năm Dư 6 tuổi sau cơn sốt bại liệt thập tử nhất sinh thì hai chân cô teo tóp không thể đi lại được nữa. Đó là cú sốc kinh hoàng đối với cuộc đời của cô khi chỉ là một đứa bé, gia đình nghèo khó thiếu ăn, thiếu mặc nên cũng không thể nào chạy chữa được cho Dư.
Tuổi thơ Dư trôi qua với sự chỉ trỏ, ánh mắt săm soi của bạn bè vì cơ thể tật nguyền. Khi trở thành thiếu nữ ở độ trăng tròn, bạn bè đã lần lượt mấy bận lên xe hoa còn mình Dư cứ lặng lẽ vùi mình vì cảnh đói nghèo, mặc cảm. Ngoại già yếu rồi mất, hoàn cảnh quá khó khăn cô đã quyết tâm rời quê lên thành để kiếm kế mưu sinh.
Dư bắt đầu bằng một sạp hàng trái cây bên góc chợ ở một thị trấn nhỏ. Tuy không thể làm giàu nhưng nó cũng giúp được cô có cái ăn qua ngày. Thời gian thấm thoát trôi qua sạp trái cây lụp xụp tại góc chợ cũng đã tồn tại hơn 10 năm. Người dân ở thị trấn này đã khá quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ với vẻ mặt khắc khổ, cơ thể tật nguyền, hai đầu gối chai sần có khi còn rớm máu vì cả ngày phải lết trên mặt đường nhựa nóng hổi đến bỏng da, bỏng thịt.
Rồi một ngày từ nơi xa xôi có một người đàn ông khá khôi ngô đến vùng thị trấn này, gặp được Dư. Hắn không chê vẻ ngoài xấu xí cùng cơ thể thể tật nguyền ấy nên làm Dư động lòng.
Lần đầu tiên trong cuộc đời có một người đàn ông dám chấp nhận cơ thể tật nguyền nên cô bỏ ngoài tai tất cả lời đàm tiếu của người đời, Dư chọn cách mở lòng để mong có được hạnh phúc.
Sau ít lần qua lại với nhau thì bỗng một ngày người đàn ông ấy mất hút cùng với số tiền dành dụm của Dư, để lại giữa thị trấn nhỏ một người phụ nữ tật nguyền với cái bụng bầu vượt mặt. Những người bạn hàng xung quanh hỏi han nhiều lần nhưng Dư chỉ cho biết gã đàn ông ấy là dân đi tàu biển, hắn đã lấy của cô một số tiền rồi bỏ đi. Số tiền ấy là cả gia tài mà Dư đã vất vả tích cóp bấy nhiêu năm từ sạp trái cây. Nhưng cô không buồn bởi cô thầm nghĩ ông trời chưa triệt đường sống của cô, vẫn còn thương xót mang đến cho cô một đứa con. Sau mấy tháng cô sinh được một đứa con trai lành lặn, bụ bẫm. Thầm cảm ơn ông trời, Dư cố gắng làm mọi thứ để chăm lo cho đứa con nhỏ. Vốn liếng bấy lâu nay đã đi theo gã trai miền biển, cô bắt đầu đổi nghề.
Cô ôm con đến những đại lý vé số gần đó để xin nhận số đi bán. Ngày cô mang theo con đi nắng, đi mưa thằng bé chưa tròn 6 tháng. Ngày nào cũng cõng con sau lưng lê lết giữa mặt đường nóng rát, mặt thằng bé ửng đỏ lên vì nóng Nhưng có lẽ nó biết thân biết phận nên rất dễ tính, ít bệnh vặt, bú no lại ngủ trên lưng Dư chứ chẳng hề quấy khóc.
Một thời gian người dân thấy tội quá nên sắm cho hai mẹ con chiếc xe lăn, cũng có người cho quần áo, tã sữa để Dư lo cho đứa bé. Cũng nhờ có đứa nhỏ mà người ta mua giúp Dư nhiều vé số hơn. Thằng bé lớn hơn một chút thì cô dắt nó lên xe buýt mỗi ngày 2 lượt ra tỉnh để bán được nhiều hơn. May sao ra đến tỉnh cô được mọi người giúp đỡ, có một mạnh thường quân thấy hoàn cảnh cô khó khăn nên đã vận động quyên góp để mua một mảnh đất và xây cho cô một ngôi nhà cấp 4 khang trang để hai mẹ con tránh gió tránh mưa.
Thời gian trôi qua, hai mẹ con vô cùng hạnh phúc khi thằng bé đã vào lớp 1, nó lễ phép và rất hiểu chuyện. Buổi sáng hai mẹ con lại đèo nhau trên chiếc xe lăn đi học, mẹ nó ngồi trước, nó thì đứng trên chiếc ghế phía sau lưng mẹ. Sáng đi học, chiều lại cùng mẹ đi bán vé số nó sợ mẹ mệt nên lúc nào cũng chạy tọt ra phía sau xe đẩy phụ mẹ.
Hạnh phúc không được bao lâu thì nỗi bất hạnh lại ập đến, Dư mắc bệnh hiểm nghèo, sau mấy lần khó thở được đến bệnh viện thăm khám thì bác sĩ báo Dư bị ung thư phổi. Mang trong mình bản án tử, Dư quyết tâm phải làm nhiều hơn để mong dành lại ít tiền cho con, cô cố gắng bán thật nhiều tờ vé số từ mờ sáng, chiều đến giờ số sổ cô lại nhận số cho ngày mới rồi bán đến tận khi màn đêm sập xuống mới trở về nhà.
Mỗi lần lên cơn đau là Dư không thở được, thằng bé biết mẹ đang rất đau nên nó cứ ôm chầm lấy mẹ nó, xoa bóp vai để mẹ nó đỡ đau. Nó ngây ngô đâu biết rằng nó sắp rời xa mẹ. Làm việc quá vất vả, ăn uống kham khổ, không đủ chất nên sức khoẻ của cô ngày càng hao mòn, suy nhược. Sau khi phát bệnh gần nửa năm thì Dư không thể chống lại được nữa.
Chiều đó Dư mệt, có lẽ cô đã biết mình sắp không trụ được nữa rồi nên cô muốn giữ lại trong con kí ức đẹp. Cô đưa thằng bé đến khu vui chơi gần nhà văn hoá huyện để thằng bé chơi câu cá, cưỡi ngựa, mua cho thằng bé đồ chơi mà nó thích. Thằng nhỏ chơi thật vui, cô cứ mãi dõi mắt theo nó. Nó nói với Dư: “Mai mốt mẹ lại dẫn con đi chơi nữa mẹ nhé!”. Dư rớt nước mắt. Rồi hai mẹ con trở về nhà, đêm đó Dư lại đau.
Sáng hôm nay không thấy hai mẹ con đi bán như thường lệ có người lại gõ cửa, mãi không thấy ai lên tiếng người ta định tông cửa vào thì bỗng cánh cửa ấy mở ra, thằng bé đưa ngón tay lên miệng, suỵt một tiếng rồi nói “Chú đừng làm ồn, mẹ con còn ngủ”. Có mấy người hàng xóm hoảng hốt chạy vào gọi thì Dư không còn lên tiếng, người đã lạnh đưa đến viện thì bác sĩ bảo cô đã mất rồi.
Người ta đưa cô về, họp lại lo đám cho Dư, thằng bé đội trên đầu chiếc khăn trắng mà mặt nó ngơ ngác. Nó hỏi sao hôm nay nhà nó đông người, sao lại bỏ mẹ nó vào cái hộp, sao nó kêu mà mẹ nó không trả lời. Có người lên tiếng cho nó biết mẹ nó chết rồi, nó sẽ không còn được gặp mẹ nữa, ánh mắt nó trở nên vô hồn, gương mặt rạng rỡ mọi ngày chợt xám ngắt lại, nó khóc. Rồi tương lai sau này của nó ra sao, những tháng ngày sắp tới nó phải đối mặt thế nào. Chỉ có mẹ là người thân duy nhất, giờ mẹ nó cũng đã bỏ nó mà đi, chẳng còn ai là người thân. Hàng xóm báo với chính quyền địa phương đưa nó vào trung tâm bảo trợ xã hội, từ hôm nay nó là trẻ mồ côi. Hi vọng những gì nó nghĩ về mẹ sẽ là những kí ức đẹp, ngày cuối cùng nó vui vẻ bên mẹ.
Ngày tháng trôi qua căn nhà năm xưa giờ lạnh ngắt, di ảnh mẹ nó vẫn được những người hàng xóm tốt bụng đặt trang trọng trên cái tủ thờ giữa ngôi nhà kỉ niệm của hai mẹ con.
Ở trung tâm nó được các cô nuôi dạy thật tốt nên thằng bé năm nào cũng là học sinh giỏi chăm ngoan, nó còn biết làm việc nhà phụ giúp mọi người. Ai đó nói nó là trẻ mồ côi, thằng bé sẽ phản đối ngay “Không, con có mẹ, mẹ con đang ở nơi xa”. Sẽ chẳng ai biết cái xa mà thằng bé nghĩ sẽ xa đến đâu, biết đến khi nào nó mới được gặp lại mẹ nó, không có một phép màu nào có thể giúp được thằng bé. Nhưng khi nghe được những lời đó Dư ở nơi xa chắc cũng sẽ yên lòng vì trong trái tim bé nhỏ ấy lúc nào cũng có mẹ. Chỉ mong sao cuộc đời này đối xử với thằng bé công bằng hơn một chút vì những nỗi bất công mẹ nó đã gánh đủ rồi.
Khi sống trong cảnh đủ đầy còn gia đình bên cạnh, hãy nâng niu, trân trọng bởi ngoài kia còn biết bao người muốn có một mái ấm để nâng niu nhưng họ không bao giờ có được. Cái mình đang có, đôi khi phiền toái chính là cái người khác luôn ao ước. Những lời dặn dò lặp đi lặp lại mỗi ngày đôi khi đến phát bực của mẹ, hay những lúc nghiêm khắc đến chán ghét của người cha dành cho con cái, tất cả cũng bởi vì yêu thương, hãy thứ tha, rộng mở và lấy làm hạnh phúc vì những điều mình đang có.
Tác giả: Lý - blogradio.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn