Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Có lẽ tôi sẽ trói mình lại mà đợi chờ, sẽ xăm cho mình dấu chấm phẩy trên cánh tay gầy guộc toàn vết sẹo để nhắc bản thân mình rằng thay vì chọn chấm hết mày đã chọn chấm phẩy, tôi chọn viết tiếp cuộc đời đang dang dở của mình. Và có lẽ hai mươi năm sau nó sẽ quay lại cảm ơn tôi vì đã ở lại.
***
Mười hai giờ đêm, nhìn ra khung cửa sổ ngập tràn bóng tối chỉ còn le lói ánh trăng bị che nửa bởi mây mù. Tầng hai mươi lăm, nếu không có khung cửa sổ này chắn ngang, e rằng tôi sẽ liều mình nhảy xuống. Đã hàng ngàn lần tôi hỏi mẹ “Nếu nhảy xuống đây ắt hẳn con sẽ có tự do đúng không? Như bay ấy”, bà không đáp chỉ đưa cho tôi lọ thuốc mà bác sĩ chỉ định rồi khuất bóng.
Cửa sân thượng hôm nay không khóa tôi bước lên đầy run rẩy, lặng lẽ ngồi xuống thành, hai chân đung đưa trong không trung. Tôi muốn liều mình nhảy xuống một phen, vì muốn bay, muốn được tự do như mây trời. Nhưng nếu như trong một khoảnh khắc nào đó khi rơi xuống tôi thấy hối hận thì phải làm sao, mà nếu tôi có hối hận thì độ cao cũng không thể để tôi làm điều đó. Nghĩ đến đây tôi chạy thật nhanh khóa trái cửa phòng, vất vội chìa khóa ra ngoài khung cửa, tôi sợ không tự nhốt lại e rằng tôi lại chẳng thể tự chủ.
Mẹ từng hỏi tôi rằng sao tôi lại bị như vậy? Cuộc sống đầy đủ như thế sao còn muốn chết? Tôi chỉ đáp lại “Con bị điên rồi, điên thật rồi”. Sau đó tôi tự hỏi rằng liệu trong những cuộc cãi nhau của bà và ông ấy họ có quan tâm tôi ở đâu hay không? Chắc có lẽ là không.
Năm ba tuổi là khi tôi trốn dưới gầm bàn gào khóc, ôm lấy bàn chân của họ nhưng bị hất ra xa rồi run rẩy trốn trong góc nhà kêu la thảm thiết. Tiếng la hét, đập phá vẫn vang lên chẳng hề thuyên giảm, lúc ấy tôi thầm nghĩ chắc tiếng hét của tôi chưa đủ lớn?
Năm bốn tuổi nó đã tìm một nơi an toàn hơn là trong cánh tủ tăm tối, thu mình vào đó tự ôm lấy chính bản thân mình khóc rồi thiếp đi. Nó thích nơi ấy, bởi vì mỗi khi tỉnh dậy mở cánh tủ ra sẽ không còn tiếng động nào nữa chỉ để lại khung cảnh hỗn độn.
Mãi mấy năm sau đó tôi trong những lần như thế tôi chọn cách thu bản thân và nơi tối tăm bên trong cánh tủ, nó là thế giới riêng chỉ của riêng mình tôi, không màu sắc, không tiếng động thật yên bình. Đó là nơi duy nhất mà trái tim tôi thuộc về. Tôi dần sợ với việc bước ra khỏi nơi đấy đối diện với mớ bòng bong mà họ để lại.
Năm đứa trẻ ấy lên mười nó không còn trốn nơi tối tăm ấy nữa nó chạy ra ngăn họ, nó khóc mong muốn họ dừng lại nhưng rồi lại bị đạp phăng ra. Tiếng thủy tinh rơi leng keng bên tai, đứa trẻ đó bịt tai lại run rẩy ôm lấy thân mình nhưng rồi bị đạp lên. Mảnh thủy tinh cứa vào thân nó, ban đầu nó đau đớn, nhưng sau đó nó lại không thấy đau chỉ có thấy lâng lâng khó tả, máu tanh giúp nó được giải thoát. Từ lần đó họ quan tâm nó hơn nhưng sự ân hận đó cũng quá ngắn ngủi, mọi chuyện lại trở về đúng quỹ đạo vốn có.
Năm mười lăm tôi và “nó” đã không còn run rẩy cũng chẳng còn òa khóc nữa chỉ là những vết sẹo trên cổ tay ngày càng dày đặc đến nỗi trong tủ chỉ còn những chiếc áo dài tay. Tôi chỉ lẳng lặng nhìn họ cãi nhau rồi chờ họ rời đi để thu dọn tàn cuộc. Sau mỗi lần đó tấm thân kia lại phải chịu thêm vài vết rạch.
Lên mười sáu tôi tự nhủ mình đã quen rồi, sẽ ổn thôi chỉ còn hai năm nữa trái tim tôi sẽ tự do thật sự. Nhưng rồi mọi chuyện dần tệ hơn, không chỉ đơn thuần là những lời cay độc qua lại, tiếng đồ đạc bị ném xuống sàn mà họ bắt đầu chú ý đến con dao nơi xó bếp. Có những đêm tôi thức đến nửa đêm cố mang hết vật nhọn trong nhà ôm vào phòng rồi khóa cửa, sợ rằng trong cơn say ấy sáng mai gia đình tôi sẽ mất một thành viên. Tôi trở lên ám ảnh với vật nhọn, có lẽ nỗi sợ đó còn dai dẳng bám theo tôi đến lúc tôi được “tự do”.
Mười bảy tuổi họ ly hôn tôi cười hạnh phúc cười như điên dại trước ngã ba đường, bao nhiêu ánh mắt đổ dồn bàn tán nhưng chẳng còn quan trọng, tôi đã được tự do. Nhưng hình như tôi đã lầm cái tôi cho là tự do đó có thật sự tồn tại không khi tôi vẫn bị ràng buộc dưới mái nhà này? Tôi về ở với mẹ vì ông không muốn cưu mang đứa trẻ mang dòng máu của bà và mẹ cũng vậy bà không muốn sống cùng một đứa mà giống ông như đúc. Họ chối bỏ cái sai lầm tuổi trẻ của mình rồi đổ hết lỗi lầm cho tôi rằng tôi chính là nguyên nhân phá tan đi cuộc đời họ. Nhưng cũng vì cái mác trách nhiệm kia bà cố gắng nuôi tôi đến năm 18 tuổi rồi tống tôi ra khỏi nhà.
Tôi hiểu rõ mười tám năm đầu cha mẹ nuôi con vì sự ràng buộc giữa trách nhiệm và tình cảm, còn sau dấu mốc đó đơn thuần chỉ là tình cảm. Họ chẳng có chút tình cảm với tôi vậy nên quãng đường sau này không có bóng dáng họ tôi cũng chẳng thể oán trách. Bệnh tâm lý của tôi đối với bà như là gánh nặng. Trước kia cái ngày mà tôi gần như đã nhảy xuống không trung kia bà đã thẳng tay khóa chặt cửa tầng thượng cấm tôi bước lên đó để không gây phiền phức cho bà nhưng gần đây cánh cửa đó chẳng còn cài then nữa. Chắc có lẽ bà quá mỏi mệt rồi.
Còn hai mươi ngày nữa được tự do. Tôi luôn mơ về nó nhưng tôi sợ thân xác này không còn đợi được đến lúc ấy, sợ như phút ban nãy đứng trên sân thượng nhìn lên trời cao không tự chủ mà bay lên tìm kiếm sự “tự do” vĩnh hằng. Có lẽ tôi sẽ trói mình lại mà đợi chờ, sẽ xăm cho mình dấu chấm phẩy trên cánh tay gầy guộc toàn vết sẹo để nhắc bản thân mình rằng thay vì chọn chấm hết mày đã chọn chấm phẩy, tôi chọn viết tiếp cuộc đời đang dang dở của mình. Và có lẽ hai mươi năm sau nó sẽ quay lại cảm ơn tôi vì đã ở lại.
Tác giả: Nhân Gian Lưu Tình - blogradio.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn