Vì cậu mà tôi yêu biển nhưng rồi biển lại mãi mãi mang cậu rời xa tôi, biển cất giấu miền ký ức mà tôi không bao giờ quên. Tôi nắm lấy một nắm cát, rồi khẽ buông ra, để gió biển thổi nhẹ đi, mang theo vị mặn mòi, nồng nồng của biển cả, trở về với biển cả.
***
Tôi đã quen Khang từ khi tôi còn rất nhỏ. Nhà chúng tôi cách nhau không quá mười bước chân, lại cùng lứa tuổi nên dễ trở nên thân thiết. Chúng tôi thân nhau đến mức dường như mọi việc tôi làm đều có bóng dáng của Khang: mỗi ngày tôi và Khang cùng nhau đến trường, tan học lại cùng đi về; thỉnh thoảng sau khi đã giải quyết xong đống bài tập khó nhằn, cậu ấy sẽ rủ tôi cùng đi dạo biển. Tôi đã quen với việc có Khang bên cạnh, quen với cái dáng cao cao và làn da đen sạm vì gió biển của cậu ấy, quen đến mức nghĩ rằng việc cậu ấy ở bên cạnh mình là nghiễm nhiên. Và chúng tôi cứ lớn lên bên nhau như thế.
Mãi cho đến một ngày năm tôi 17 tuổi, một ngày chẳng phải ngày gì đặc biệt cả, tôi nhận ra mình phải lòng cậu bạn cùng lớp. Tôi nghĩ, cuối cùng thì sau bao nhiêu năm, tôi cũng đã có phản ứng sinh học với một cậu con trai rồi. Tôi thích Minh. Tôi thích nụ cười của cậu ấy, thích đến mức từng cử chỉ của cậu cũng khiến tôi cảm thấy tim đập thình thịch. Thế nhưng tôi không dám nói với cậu ấy, vì suy cho cùng, tôi cũng chỉ là một cô gái với khuôn mặt chẳng mấy ưa nhìn, tôi sợ khi tỏ tình rồi, tôi sẽ không thể thích Minh được nữa. Song tôi vẫn quan tâm đến cậu ấy theo cách ngốc nghếch nhất. Việc tôi thích Minh không một ai biết cả, trừ Khang. Có hôm Khang hỏi tôi:
- Sao mãi mà bà không tỏ tình vậy? Có cần tui giúp một tay không?
- Thôi từ từ, chứ tui sợ lắm. Lỡ mà người ta không thích mình thì buồn nhiều.
Tôi nói, mà cứ nghĩ đến việc không được thích Minh nữa là tôi lại bất giác thấy buồn, trăm lần như một.
- Chứ bây giờ không buồn hả?
Khang cười cười. Tôi cũng cười xòa, chỉ có Khang hiểu tôi, hiểu rằng trong tôi chồng chất bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu do dự.
Cuối cùng, giữa mùi vị mặn mòi từ gió biển thổi lên, Khang nói với tôi:
- Khi nào cần giúp thì cứ nói tui, bà làm gì tui cũng ủng hộ hết mình.
Nghe Khang nói, tôi cảm thấy vui vẻ hẳn lên. Vì tôi cảm thấy mình thật may mắn, may mắn rất nhiều vì có Khang bên cạnh. Tôi nghĩ, có lẽ may mắn nhất cuộc đời tôi chính là được quen biết Khang, trở thành bạn thân của cậu ấy. Tôi không hề nhận ra rằng, ở bên Khang tôi có cảm giác yên bình biết mấy.
***
Tôi thích Minh suốt hai năm, thích đến một ngày nào đó không nhớ rõ của tuổi 18, tôi nhận ra chuyện tình yêu đơn phương ngốc nghếch của tôi đã đến hồi phải chấm dứt rồi, vì Minh có bạn gái. Chính xác mà nói, cậu ấy vinh dự được trở thành bạn trai của cô hoa khôi lớp bên cạnh. Nhìn cái cách Minh cười với cô bạn đó, nụ cười mà trong suốt hai năm qua tôi chưa một lần được nhìn thấy, là tôi biết mình đã thất bại từ lâu. Tôi muốn khóc, nhưng lại không tìm ra lý do để khóc trước đông người như thế, vậy nên đành cố nhịn.
Lúc tan học, không đợi Khang cùng về như mọi khi, tôi cứ thế guồng chân đạp xe chạy về trước. Vừa đi tôi vừa khóc, dẫu biết trước kết quả là như vậy, nhưng tôi vẫn không kìm được nước mắt. Tôi đạp xe một mạch ra biển, vứt chiếc xe chỏng chơ trên nền cát rồi ra sức khóc lớn. Tôi cứ như thể một cô ngốc gom hết nước mắt tích trữ suốt mười tám năm để khóc cho thỏa. Lúc Khang tìm thấy tôi, khuôn mặt tôi đã đỏ ửng, phần vì cái nắng của mùa hạ, phần vì khóc nhiều. Nhưng Khang lại chẳng hề an ủi tôi ngay, cậu ấy chỉ lặng lẽ ngồi bên cạnh, nghe tôi ấm ức gào khóc. Mãi đến khi tôi chẳng còn hơi sức nữa, Khang mới lên tiếng:
- Bà dân biển mà không biết gì hết trơn.
Khang nói, rồi nắm lấy một nắm cát
- Coi đống cát trong tay tui nè, giữ chặt quá nên cuối cùng trong tay không có bao nhiêu, thành thử ra phải nắm lỏng lỏng thôi, mỏi tay quá thì thả ra là xong. Nên mới nói là có chuyện gì không buông bỏ được đâu đúng không? Bà dở quá.
- Tui đang buồn lắm nên đừng có ghẹo nữa. Khang dẫn bạn đang thất tình đi ăn kem được không?
Tôi uể oải nói, tôi không muốn mang khuôn mặt với đôi mắt sưng húp vì khóc về nhà, tôi sợ ba má lại lo lắng. Tôi muốn đi đâu đó và muốn có ai đó bên cạnh.
Khang cười vò vò đầu tôi:
- Đi. Đưa cô gái thất tình đi ăn giải sầu. Chầu này tui khao!
Vậy là lần thất tình đầu tiên trong đời tôi trôi qua cùng với những giọt nước mắt của tôi và sáu ly kem của Khang như thế đó.
Hè năm chúng tôi 18 tuổi, dù nhà chúng tôi chỉ cách nhau vài bước chân nhưng cũng chẳng mấy khi gặp mặt, những buổi tối dạo biển cùng Khang thưa dần đi, bởi vì bài tập chất thành đống giải mãi vẫn không thể hết được. Tôi biết mình phải cố gắng rất rất nhiều để có thể thi vào một trường Đại học tốt, khoảnh khắc vượt vũ môn hóa rồng của tôi sắp đến rồi, tôi không thể lơ là dù chỉ một giây. Chắc Khang cũng vậy. Ước mơ từ nhỏ của Khang là trở thành một bác sĩ giỏi, tôi biết đó là do mẹ của Khang mất vì bệnh khi cậu ấy còn rất nhỏ. Tôi cũng biết để thực hiện ước mơ đó, Khang phải cố gắng hơn tôi rất nhiều lần.
Tôi cứ nghĩ đến việc sẽ cùng Khang học cùng một thành phố, có khi được học cùng trường cùng lớp như trước kia là tôi lại bất giác thấy vui. Không hiểu vì sao, tôi luôn có cảm giác muốn được ở bên cậu ấy. Thỉnh thoảng, khi buộc phải dừng bút vì một bài tập khó nhằn nào đó là tôi lại bất giác nhớ tới những lần dạo biển cùng Khang. Những buổi tối đó chúng tôi đi dọc bờ biển, giẫm chân lên nền cát mềm oặt, để mặc gió biển mằn mặn thổi vào mặt mát rười rượi.
Chúng tôi đi kề bên nhau, kể hết chuyện trường lớp đến bài vở, kể đến khi chẳng còn gì để nói, chỉ yên lặng đi bên cạnh nhau đến khi trở về nhà, có lẽ những buổi tối đó luôn là những ngày bình yên nhất trong kí ức của tôi. Tôi mong những ngày ôn thi mệt mỏi này mau chóng kết thúc, để tôi lại được cùng Khang đi dạo, cùng cậu bạn thân chí cốt của tôi kể đủ chuyện trên trời dưới đất. Cứ mỗi lần tưởng tượng đến dáng vẻ của Khang khi nhận được giấy báo trúng tuyển, tôi lại vui mừng vô cùng. Và tôi lại lao vào giải quyết đống bài tập rắc rối ấy, tôi cũng muốn được học cùng Khang.
***
Cách lúc công bố kết quả trúng tuyển chừng ba mươi phút, Khang ghé nhà rủ tôi ra biển. Khang nói, Khang hồi hộp quá nên mới muốn rủ tôi cùng đi dạo để bớt lo sợ phần nào. Nằm trên bãi cát vàng ươm, để mặc sóng biển tạt vào bờ ướt cả chân hết lần này đến lần khác, mãi một lúc sau Khang mới thủ thỉ, rằng Khang mong được học chung một thành phố với tôi. Khang sợ không có Khang bên cạnh, tôi lại chẳng làm được gì, thất tình không có ai dỗ dành, cũng không có ai chở đi ăn kem khi buồn, Khang lo cho tôi lắm. Tôi cười nói với Khang:
- Tui có phải con nít đâu.
Khang cũng cười:
- Trong mắt tui bà cũng có khác con nít là bao đâu.
Tôi không biết phải nói gì nữa, vì tôi lo sợ, tôi sợ kết quả không như ý. Đến giờ, chúng tôi mỗi người một góc, cùng tra cứu kết quả. Khang trúng tuyển trường Y như mong ước, còn tôi thì không. Tôi nói với Khang tôi không thể lên thành phố với cậu ấy rồi, tôi khóc nức nở, nước mắt cứ thế tràn ra không kiểm soát được. Tôi đã cố gắng đến vậy, nhưng vẫn không thể làm tốt được. Khang nói với tôi:
- Bà đã cố gắng rồi mà, cố gắng là tốt rồi. Không sao, không sao đâu.
Khang an ủi tôi, mà giọng cậu ấy cũng nghèn nghẹt như sắp khóc đến nơi. Tôi biết, Khang cũng buồn nhiều, dù đáng lý ra cậu ấy phải vui mừng vì đã thực hiện được phần nào mơ ước của mình.
- Đi. Dẫn tui đi ăn kem đi.
Tôi vẫn khóc, vẫn không biết sẽ phải nói chuyện này với ba má tôi thế nào, nhưng tôi không muốn Khang buồn chỉ vì thất bại của tôi :
- Lần này tui bao, chúc mừng ông đậu Đại học.
Chiều hôm ấy tôi không nhớ mình đã ăn bao nhiêu ly kem, chỉ biết rằng trong lòng rất buồn, song cũng có chút vui mừng vì cậu bạn thân của tôi đã sắp sửa biến ước mơ thành sự thật. Tôi không nhụt chí chút nào, tôi quyết định sẽ ôn thi lại, tôi sẽ học cùng thành phố với Khang, biết đâu còn cùng một trường, cùng một khoa thì sao. Tôi nghĩ, mình phải cố gắng gấp nhiều lần hơn nữa, vì tôi muốn được ở bên Khang.
Ngày Khang đi, tôi không ra tiễn. Tôi sợ mình lại như một đứa con nít níu lấy Khang mà khóc bù lu bù loa lên, tôi sợ mình không lỡ để Khang đi. Tôi chỉ biết nằm nhà khóc rấm rứt, cho đến nay, chắc có lẽ đây là lần đầu tiên chúng tôi cách xa nhau đến như vậy. Một tiếng sau khi xe khởi hành, tôi nhận được tin nhắn từ Khang.
“Bà ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng ăn kem nhiều quá, cũng đừng thức khuya quá. Bài tập nào không hiểu thì gọi điện hỏi tui, lúc nào bà gọi cũng được. Tui lên đây thăm dò địa hình trước, dọn đường chờ bà lên đó.”
Tôi chưa kịp nhắn lại, một tin nhắn khác lại đến:
“Tui thích bà, nhiều.”
Giật mình tỉnh dậy khỏi cơn ác mộng, mồ hồi lẫn nước mắt đầm đìa cả khuôn mặt. Bao nhiêu năm rồi mà giấc mơ đó vẫn không thôi ám ảnh tôi – một giấc mơ kinh hoàng, không ngừng lặp đi lặp lại, buộc tôi phải chấp nhận nó là sự thật.
Giấc mơ đó đưa tôi quay về ngày hè năm tôi 19 tuổi, Khang về nhà nghỉ hè, đồng thời giúp tôi ôn bài chuẩn bị cho kì thi sắp tới. Chúng tôi lại như chúng tôi của bao nhiêu năm cùng nhau lớn lên đó, vẫn thân thuộc và yên bình như vậy, chỉ là có thứ gì trong chúng tôi dần thay đổi, chẳng hạn như một cái chạm tay, hay một ánh mắt cũng khiến bầu không khí trở nên ngượng ngùng. Mùa hè năm tôi 19 tuổi, cái nắm tay đầu tiên của tôi trên bãi biển, nụ cười bẽn lẽn khắc sâu trong trí nhớ, vì mãi đến một ngày sau đó, tôi mới biết đó là lần cuối cùng.
***
Một buổi trưa hè như bao buổi trưa nắng nóng khác, nhưng khác thường ở chỗ bên ngoài ồn ào một cách kì lạ, những tiếng xì xào la hét khó có thể nghe được vào những buổi trưa bình thường nơi làng biển. Tôi chạy vội ra ngoài để xem có chuyện gì, và câu nói đầu tiên dội vào tai tôi, đau đến đinh tai, rằng:
“Thằng Khang con nhà ông Tư có chuyện rồi.”
Tôi vô thức chạy theo họ, đầu óc vẫn ong ong. Khi đến nơi, tôi thấy Khang với khuôn mặt tái nhợt nằm trên nền cát vàng óng đến chói mắt. Ba cậu ấy ở bên cạnh không ngừng gào khóc, hình ảnh một người đàn ông hơn năm mươi tuổi khóc lóc thảm thiết đâm sâu vào tim tôi. Tôi đến bên Khang, cố lay cậu ấy dậy, tôi vừa lay vừa gọi tên Khang đến lạc cả giọng, vậy mà cậu ấy vẫn không tỉnh dậy.
- Khang hứa với tui khi tui lên phố sẽ dẫn tui đi chơi, sẽ giảng bài cho tui, nhắc tui đi ngủ sớm, an ủi tui lúc tui buồn. Vậy mà giờ Khang nằm đây, Khang nằm đây vậy rồi tui phải làm sao?
- Khang không làm được thì đừng hứa. Khang giỏi thì ngồi dậy cho tui coi đi.
- Tui thất tình rồi, Khang dậy dẫn tui đi ăn kem đi.
“Xin Khang…”
Khang vẫn im lìm, cậu ấy chỉ như thể đang ngủ một giấc, chỉ là giấc ngủ này dài quá.
Người ta nói, Khang vì cứu mấy đứa trẻ bị sóng đánh dạt nên đuối sức. Mọi người đều khen ngợi cậu ấy, nói Khang là anh hùng. Còn tôi chỉ khóc, anh hùng gì mà đến một lời hứa với tôi còn không thực hiện được, có anh hùng nào lại bỏ lại người yêu mình rồi đi như vậy không. Chàng trai ngốc nghếch của tôi, tôi hi vọng Khang mãi là chàng trai ngốc nghếch của tôi hơn là anh hùng trong mắt người ngoài. Tôi đau đớn đến khôn cùng, Khang mới chỉ mười chín tuổi, câu ấy vẫn còn có ước mơ phía trước. Vậy mà chẳng kịp làm gì, cậu ấy đã mang theo ước mơ của mình lẫn tình yêu của tôi, cứ thế chìm xuống đáy biển lạnh căm.
***
Mỗi một mùa hè, tôi lại trở về nhà. Khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, tôi đến bờ biển để gặp Khang. Tôi như nhìn thấy cậu ấy của năm mười chín tuổi, cười ngốc nghếch nắm lấy tay tôi. Và màn đối thoại tưởng tượng trăm lần như một của một cô gái 27 tuổi với một chàng trai 19 tuổi lại bắt đầu bằng câu:
- Khang coi nè, tui hoàn thành ước mơ của Khang giúp Khang rồi đó.
- Ừ, Nhi giỏi quá. –
Khang nói, rồi xoa xoa đầu tôi.
- Nếu thời gian quay trở lại, Khang có chọn cách làm như vậy nữa không? Cứu mấy đứa nhỏ ấy?
- Có chứ.
Khang lại cười ngốc nghếch.
Ừ, vì Khang là Khang, chứ không phải một ai khác. Cậu ấy vẫn chọn cách làm người hùng của mọi người, để mãi nằm im lìm một góc trong tim tôi như thế.
Tôi nắm lấy một nắm cát, rồi khẽ buông ra, để gió biển thổi nhẹ đi, mang theo vị mặn mặn nồng nồng của biển cả, trở về với biển cả.