Có không một tình yêu cao thượng?
Thứ năm - 14/01/2021 21:21
Sự cao thượng của tình yêu không đồng nghĩa với việc anh không tốt và anh nhường cho một ai đó tốt hơn. Sự cao thượng của tình yêu không thể dùng để giải thích cho sự yếu kém của anh trong đoạn tình ấy.
***
Tình yêu vốn dĩ đã khó định nghĩa, khó giải bày, nên mọi thứ xung quanh chữ yêu cũng trở nên rối bời theo nó. Yêu thì trăm nẻo, kết thúc cũng vạn lý do. Vậy làm sao để tạo nên được dấu chấm đẹp cho một chuyện tình?
"Sẽ có người tốt hơn dành cho em..."
"Anh không xứng đáng với tình yêu của em..."
Đó là sự cao thượng trong tình yêu hay chỉ là một trong những lý do yếu hèn nhất để mong tạo nên cái kết đẹp cho một cuộc tình?
Anh định nghĩa thế nào về "người tốt hơn"? Và định nghĩa thế nào về hai từ "xứng đáng"?
Nếu anh đã không tốt, ngay từng lần đầu đừng mở lời yêu thương. Nếu anh không xứng đáng thì đừng chạm vào cuộc đời em dù chỉ trong vài giây ngắn ngủi. Không cần biết bên nhau bao lâu, không cần biết mặn nồng đến thế nào. Nếu không còn yêu là không còn yêu. Chia tay là chia tay. Hãy ngừng đem lý do nào khác tô màu cho cái sự cao thượng trong tình yêu ấy.
Đúng là có hàng trăm điều khiến đôi lứa chia xa trong ngậm ngùi, cay đắng, nhưng vẫn không có chỗ cho lý do "anh không đủ tốt". Yêu là phải có bản lĩnh với tình yêu của mình. Vì sao chuyện yêu đương là của riêng mình, mà lại trông chờ một người khác tốt hơn xuất hiện thay vị trí của bản thân?
Sự cao thượng của tình yêu không đồng nghĩa với việc anh không tốt và anh nhường cho một ai đó tốt hơn. Sự cao thượng của tình yêu không thể dùng để giải thích cho sự yếu kém của anh trong đoạn tình ấy. Nhường sao? Tình yêu là món quà hay là hàng hóa? Nhường đi một món đồ trong tay vì anh nghĩ sẽ có ai khác chăm bón tốt hơn anh? Tình yêu của anh, thật lạ kỳ. Và có phải anh tự thấy bản thân mình cao cả, vĩ đại đến lạ thường khi yêu một cách "cao thượng"?
Chúng ta có thể phải buông đôi tay trong lúc con tim cả hai còn chưa rẽ lối. Chúng ta có thể phải xa nhau bởi dòng đời nghiệt ngã. Chúng ta có thể rời đi trong khi lời hẹn ước vẫn chưa phai. Khi đó cao thượng là thầm mong bình an và hạnh phúc đến với người thương. Điều cả hai đã không làm được cùng nhau thì cầu cho tháng năm sau này người thương sẽ được trọn vẹn.
Cao thượng có thể nằm ở con tim đơn phương, nên đành nguyện cầu cho người mình yêu được hạnh phúc. Cao thượng có thể nằm ở giây phút chữ duyên vô tình đứt đoạn, buộc lòng phải ghìm chặt lại tiếng yêu và chúc may mắn cho người đoạn đường về sau. Hai tiếng cao thượng không thể xuất hiện trong lời chia tay, trong sự bao biện "Anh không đủ tốt...", "Sẽ có người xứng đáng hơn anh...". Sự cao thượng đặt vào khoảnh khắc đó, chẳng khác nào làm bay màu ý nghĩa của tình yêu.
Nếu xem việc "nhường" là hành động nhân văn, thấm đẫm tình người, chữ nghĩa trong tình yêu, có phải chăng anh đừng nên yêu nữa? Vì cuộc đời này đâu thiếu người tốt hơn anh. Em từng đọc một câu thế này "Không có thứ yêu thương nào là cao thượng, tất cả đều vì bản thân mà lựa chọn". Lời này không hoàn toàn đúng, nhưng cũng chẳng thể phủ nhận sai đúng không anh?
Nói như vậy, không có nghĩa ta cổ xúy cho sự chiếm hữu, tranh giành hay níu kéo trong mù quáng, vì đó càng không gọi là yêu.
Tình yêu vốn dĩ đã khó định nghĩa, khó giải bày, nên mọi thứ xung quanh chữ yêu cũng trở nên rối bời theo nó. Yêu thì trăm nẻo, kết thúc cũng vạn lý do. Vậy làm sao để tạo nên được dấu chấm đẹp cho một chuyện tình?
Tác giả: Agnes - blogradio.vn