Thanh xuân không trở lại

Thứ bảy - 24/10/2020 00:52

Minh trở lại trường cũ cấp Hai, nhìn qua cửa sổ cái bàn thứ hai nơi Nguyên ngồi, kí ức nào đó chợt ùa về, dữ dội, như cơn mưa hối hả của chiều nay. Nhìn lớp học thật lâu, đôi khi miệng của Minh thốt ra hai từ “Nguyên ơi”.

***

“Tùng ... Tùng ... Tùng” 

Tiếng trống đánh dài báo hiệu giờ vào lớp. Minh vội vàng từ sân trường chạy vào lớp cho kịp tiết học đầu tiên do thời gian quá gấp khi chạy vào, Minh đã sơ ý đụng phải cô bé lớp phó học tập.

Cô bé có gương mặt tròn, đôi má bầu bĩnh, tóc luôn buộc kiểu đuôi gà, dáng người thấp. Bọn con trai trong lớp, mỗi khi đùa cợt hay bị cô bé rượt đuổi rồi mắng cho một trận ai nấy đều sợ. Các bạn nữ đặt cho cô bé một nickname trông khá ấn tượng, đó là “bà chằn teen”.

Ngoài khuyết điểm hung hăng ra, cô bé còn khá nhiều ưu điểm mà ít có ai để ý và biết đến, đó là cô bé luôn hòa đồng với bạn bè, thời gian giận rất ngắn, nói chuyện dí dỏm hài hước.

Cũng có một số bạn bè nói, cô bé tính tình lúc nắng lúc mưa. Chẳng ai hiểu và biết được tính nết của cô bé. Minh cũng không ngoại lệ.

Cô bé nhìn Minh chằm chằm, mặt đỏ lên vì tức giận, sau một cái té đau điếng do chính Minh gây ra.

“Bộ không thấy đường hả. Chạy cũng phải coi trước coi sau chứ. Tôi coi lại, cái áo dài mà bẩn thì ông không yên với tôi”.

Những bạn trong lớp cười ào lên vì biết tính cách của cô bé. Có bạn nam đứng cạnh nói nhỏ vào tai Minh.

“Bạn đỡ Thảo Nguyên đứng dậy, nói lời xin lỗi với cô ấy là xong chuyện. Chứ không là chẳng yên thật với Nguyên đâu nha”.

Thấy câu nói của bạn nam cùng lớp cũng có lý. Minh bước lại gần, chuẩn bị đỡ cô bé lên sẵn sàng nói lời xin lỗi, cứ như thế là xong chuyện, nào ngờ cô bé hét lớn lên.

“Đừng chạm vào người tôi”.

hoctro1

Minh đứng yên, chẳng biết nói gì, câu nói của cô bé khiến Minh phải lùi lại. Đây không phải là lần đầu tiên, Thảo Nguyên nói với Minh những lời như vậy, dường như Minh đã thuộc lòng. Họ đã học chung từ lớp một cho đến lớp chín, mà chưa có giây phút nào gọi là chan hòa, chỉ có xung khắc như lửa với nước.

Tính nết của cô bé tuy có hung dữ nhưng vẫn hòa đồng với các bạn khác, còn riêng Minh thì chưa bao giờ. Minh từng suy nghĩ cô bé ghét Minh vì lý do gì, thậm chí cách xưng hô cũng không được như người khác, chỉ có, ông với tôi, mày và tao, chưa từng có lời nào như: bạn với mình - hoặc xưng tên. Cô bé nhìn Minh như ghét Minh từ kiếp nào, cuối cùng Thy lớp trưởng phải lên tiếng để can thiệp.

“Thôi Nguyên à, Minh cũng biết mình sai nên mới lại định đỡ bạn lên đó”.

Thy nháy mắt làm ám hiệu để Minh nói lời xin lỗi cùng cô bé.

“Mình xin lỗi đã làm bạn ngã, thật sự mình không muốn”.

Đây cũng là câu nói, mà ít khi nào Minh nói cùng Thảo Nguyên, trừ những trường hợp nhờ vả cô bé giúp đỡ một chuyện nào đó. Nói xong cô bé nhìn mặt Minh nói câu cuối rồi đi vào ghế ngồi.

“Đồ đáng ghét”.

Minh bực vì câu nói của cô bé nhưng bạn bè khuyên ngăn trong đó có Thy lớp trưởng.

“Thôi Minh à, bạn cũng vào vị trí luôn đi, chuẩn bị tiết học đầu, cãi nhau 8-9 năm nay chưa đủ hay sao, cãi xong rồi vui vẻ lại, vui lại rồi cãi tiếp, trông hai bạn thú vị thật”.

congvien

Lớp trưởng nói xong, tất cả chúng các bạn đều bước vào ghế ngồi. Trong giờ học Minh hay liếc mắt về dãy bàn thứ hai bên trái, nơi đó là nơi của Thảo Nguyên ngồi, dĩ nhiên cái liếc mắt của Minh không phải là đưa tình, mà chỉ xem hành động của cô bé như thế nào, có biểu hiện sự giận dỗi về Minh hay không. 

Nếu thật sự cô bé giận Minh hoài thì việc học hành của Minh chắc chắn sẽ sơ sút, vì Thảo Nguyên nổi tiếng là học giỏi, được giáo viên chủ nhiệm giao chức lớp phó học tập. Còn bản thân Minh thì quá tệ, những khi gặp khó khăn về vấn đề học, Minh hay hỏi Thảo Nguyên.

Đó cũng là lý do mà Minh liếc mắt sang, không ngờ bị đôi mắt của Thảo Nguyên bắt gặp. Cô bé bặm môi, viết một mảnh giấy nhỏ ném lại vị trí nơi Minh ngồi, trong giấy cô bé viết rằng:

“Làm gì nhìn tôi dữ vậy ông nhà văn, bộ tính trả thù chuyện hồi sáng hả?”.

Mỗi khi nghe cô bé gọi Minh là ông nhà văn. Minh thấy buồn cười, vì môn Ngữ Văn, Minh học được hơn các môn còn lại. Tuy làm văn từ ngữ chưa gọi là hay quá nhưng so sánh ra thì Minh hơn các bạn bè khác trong lớp và thường được giáo viên dạy văn khen. Từ đó trong lớp, đặc biệt là Thảo Nguyên gọi Minh là nhà văn.

Minh bực vì câu nói của cô bé trong giấy, định viết hơn thua với Thảo Nguyên nhưng nghĩ lại, nếu làm vậy, cô bé sẽ giận không hướng dẫn cho mình làm bài tập, lúc đó thì khổ, nghĩ vậy nên thôi, chỉ viết gọn chỉ bốn từ.

“Còn giận tôi không?”

Ném lại nơi Thảo Nguyên ngồi. Cô bé nhìn Minh trề môi cười với lời thoại trả lời trong giấy.

“Ai thèm giận chứ, đọc xong đừng ném giấy lại, thầy bắt gặp thì khổ cả hai, có gì ra chơi hoặc tan trường nói chuyện. Minh học tốt nha”.

hoctro3

Minh vui vì từ rất lâu, nay mới được Thảo Nguyên gọi tên nghe thân mật. Minh nghĩ rằng, tính nết cô bé có phải, nắng mưa thất thường như bạn bè trong lớp nói. Giờ Minh mới tin, những gì họ nói là sự thật. Được một câu nói gọi tên của Thảo Nguyên, tuy không nói bằng miệng nhưng Minh vẫn thấy vui vui. 

Khác với mọi khi gặp nhau thì cãi vả, có đôi khi cô bé giận đến cả tuần không nói chuyện, cũng không hướng dẫn bài tập cho Minh làm. Từ đó Minh kiềm chế cái tính nóng của mình và nhường nhịn cô bé nhiều hơn.

Mỗi khi cô bé châm chọc, Minh chỉ cười rồi đi nơi khác, cũng có nhiều bạn bè kết đôi Minh và cô bé thành một cặp, nguyên do từ đâu thì Minh cũng chẳng biết, nhưng Minh biết một điều rất thực về hai người, đó là oan gia ngõ hẹp và Minh chính là cái gai trong mắt của cô bé.

Nhà Minh và cô bé cách nhau một ấp. Gia đình cô bé giàu có trong xóm, còn nhà Minh thì nghèo, những lần đi học túng quẫn Minh hay mượn tiền của cô bé, những lần như vậy cô bé đều cho mượn nhưng hay la mắng. Minh thấy xấu hổ cho mình về hành động, đàn ông, con trai, lại đi mượn tiền của con gái.

Mỗi khi gặp mặt cô bé, Minh thấy rất sợ với gương mặt quá ngầu. Tính tình cô bé mạnh mẽ, chẳng khác nào một người con trai nhưng tâm hồn cô bé rất lạc quan, nhẹ nhàng và lãng mạn. 

Cô bé rất thích những bài thơ của Minh, những buổi chiều tan trường về, cô bé hay đưa cuốn nhật ký cho Minh, bảo chép thơ của Minh vào, nhật ký của cô bé ngoài sáu dòng tự bạch của bạn bè ra, số trang còn lại đều là thơ của Minh.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua. Hết một mùa hè, họ từ giã mái trường cấp Hai ở xã, bước sang mái trường mới cấp ba tại huyện. Từ đó Minh và Thảo Nguyên không còn học chung nhau nữa nhưng mỗi ngày Minh đều đến nhà của cô bé chở cô bé đi học vì Minh không có xe đạp.

Về sau họ không còn cãi nhau nữa, ngày nào cũng đi trên đoạn đường từ xã đến huyện mười cây số, những kỉ niệm kể không hết trên chiếc xe đạp của cô bé.

hoctro4_(1)

Một chiều về, Minh nó sẽ có một ngày không xa, Minh thôi học đi theo gia đình lên Sài Gòn ở, cô bé nghe xong im lặng một hồi khá lâu, khoảng lặng ấy đầy mông lung, như nỗi buồn nào đó thoáng ghé qua, khác hẳn với mọi ngày.

“Sao phải nghỉ học vậy Minh?”.

Minh đáp bằng giọng buồn nao nao.

“Tại mình chán học, mình học không giỏi như bạn, lại không có điều kiện. Nguyên thấy đó, cả chiếc xe đạp cũng không có, phải đi nhờ xe của Nguyên”.

Cứ tưởng câu nói đó cô bé sẽ để ngoài tai, nào ngờ cô bé lại rất quan tâm về vấn đề Minh nghỉ học, lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại, sau thời gian im lặng đến buồn.

“Chỉ vì không có điều kiện, không thích học mà Minh bỏ cuộc hay sao, đó là con đường tương lai chúng ta đang đi kia mà. Minh suy nghĩ cho kỹ đi”.

Minh cười đáp như nói vui.

“Mình làm gì có tương lai chứ?”.

Cô bé Thảo Nguyên đanh đá hung hăng như ngày nào, giờ đã tan biến khỏi tâm hồn Minh, thay thế một Thảo Nguyên mới rất dịu dàng và đáng yêu.

“Sao Minh lại không có tương lai chứ, người ta không không có điều kiện vẫn đi học đó thôi, phải có nghị lực để phấn đấu. Nghe lời Nguyên học tiếp đi Minh, hứa nha”.

“Chắc không học nữa rồi, chắc chắn như vậy, không hứa đâu. Minh phải lên đó để sống cùng gia đình, cha mẹ đi làm thuê ở Sài Gòn. Minh cũng phải lên đó, khi nào đủ tuổi rồi vào xí nghiệp làm luôn”.

Đoạn đường Minh và Thảo Nguyên đi từ huyện về xã khá dài cho cuộc trò chuyện không có cãi nhau, chỉ có quan tâm chia sẻ nhưng có đôi khi Thảo Nguyên im lặng như trước, trong một thời gian dài như đang nghĩ ngợi đến chuyện Minh sắp thôi học.

xoadau

“Minh nghỉ rồi. Ai chở Nguyên đi học đây?”.

“Nguyên đi cùng bạn bè lớp 9 của mình đó”.

“Nhưng... Nguyên chỉ muốn đi cùng Minh, mà khi nào Minh nghỉ?”.

Minh trả lời nhanh

“Ngày mai”.

“Cái gì, ngày mai sao, vậy hôm nay là ngày cuối cùng Nguyên đi học và về cùng Minh hả?”.

“Đúng là như vậy, Nguyên ở lại học tốt nha”.

Cô bé im lặng mãi cho đến khi tới nhà. Minh hỏi gì cô bé cũng chẳng trả lời, chẳng hiểu vì lý do gì. Khi đến nhà cô bé, Minh xuống xe, chào rồi ra về, bất ngờ cô bé gọi tên thật lớn

“Minh …”.

Minh quay lưng lại thấy Thảo Nguyên còn đứng đó với đôi mắt nhìn Minh như muốn nói.

“Có chuyện gì vậy Nguyên?”.

Cô bé nói, mà chẳng để ý đến ánh mắt của những người hàng xóm đang nhìn về phía hai người.

“Ngày mai là tạm biệt rồi. Minh vào nhà Nguyên ăn cơm cùng gia đình, học chung từ nhỏ đến lớn mà chưa có dịp mời Minh, vào nhà đi Minh. Lát Nguyên lấy xe máy đưa Minh về”.

Minh xua tay từ chối.

“Thôi để Minh về, còn phải chuẩn bị hành lý để ngày mai lên Sài Gòn nữa. Khi nào trở về sẽ ghé thăm Nguyên sau”.

“Vậy Minh có muốn cùng Nguyên, đi dạo trên chiếc xe đạp này lần cuối cùng không?”.

năm_tay_nhau

“Thôi, đã đi mấy tháng mấy nay rồi, Nguyên vào nhà đi, gia đình đang đợi. Chào Nguyên nha”.

“Minh …”.

“Chuyện gì hả Nguyên?”.

“Hồi xưa đi học Nguyên hung dữ lắm phải không?”.

“Đâu có, mà cũng có nhưng giờ thì đáng yêu hơn nhiều, Nguyên nói chuyện này làm gì?”.

“Không gì nhắc lại cho vui vậy mà, Minh làm thơ viết văn hay lắm đó”.

“Cảm ơn Nguyên, những gì Minh viết nó không mang ý nghĩa sâu sắc gì hết, chỉ duy nhất mình Nguyên khen thôi mà Nguyên viết thơ cũng có ý nghĩa lắm. Minh còn giữ bài thơ Sắc Son của Nguyên trong nhật ký nè”.

“Minh biết bài thơ đó, Nguyên viết tặng cho ai không? Minh có hiểu gì trong lời thơ ấy không?”

Minh gãi đầu suy nghĩ một lúc.

“Không biết, là ai vậy?”

“Ngốc thật, là Minh đó”.

Nói xong cô bé dắt chiếc xe đạp vào nhà, Minh tần ngần trước sân nói một mình.

“Ủa là mình sao, nhưng đó là bài thơ tình mà”.

Cô bé đi vội vào trong nhà như tránh đi tiếng gọi của Minh. Từ đó cái tên Thảo Nguyên nó mang dấu ấn trong lòng Minh, nó gợi lại cho Minh những kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời học sinh, trong sáng, tươi đẹp nhất.

Minh ra về với những dòng suy nghĩ chồng chất, không biết lời Thảo Nguyên nói có thật hay không vì một bài thơ tình tuy không da diết nhưng sao Minh thấy yêu và trân trong nó vô cùng.

hochanh

"Em như cánh chim trời

Theo anh đi muôn nơi

Gửi tình yêu về tổ

Xa tít bóng mù khơi”.

Trích bốn câu thơ trong bài Sắc Son, Minh đã thuộc lòng từ năm lớp 9. Minh chính là nhân vật trong bốn câu thơ mà từ lâu Minh không nghĩ ra, thậm chí không dám nghĩ vì Minh và Thảo Nguyên là hai người như nước với lửa, thì sao có thể cái cảm xúc ấy hóa thành cảm xúc yêu được.

Từ đó, Minh bỏ quê hương lên Sài Gòn. Cũng từ dạo đó dường như Minh không thể liên lạc được với cô bé nữa. Nguyên giờ ra sao Minh cũng chẳng biết.

Bốn năm sau, Minh ở Sài Gòn. Tháng Năm của Sài Gòn đầy nắng, những cây phượng bên ven đường của phố Sài Gòn như thắp lửa lên cây. Minh biết đây là mùa hè, Minh thấy nhớ Nguyên, nhớ một cách lạ thường mà không sao để tả thành lời được.

Mỗi khi nhớ đến cô bé học chung, Minh hay lấy nhật ký ra đọc, có dòng tự bạch của Thảo Nguyên và có luôn tấm ảnh dán đầu bài thơ Sắc Son. Lòng Minh nao nao muốn gặp cô bé tại đây, để vơi đi nỗi nhớ đang về trong lòng nhưng làm sao được khi Minh đang ở một nơi cách xa Nguyên.

Có thể Minh đã yêu thầm cô bé ở ngay lúc ban đầu mà chính bản thân cũng không hề hay biết vì cảm xúc của tuổi học trò chỉ đến trong một khoảng thời gian nào đó. Minh cứ trách bản thân mình và trách luôn ngày ấy vì không hiểu ra cái cảm xúc mình như thế nào.

Hai tháng sau, Minh có dịp về thăm quê, niềm vui như bất tận, niềm vui lớn nhất là sắp được gặp Thảo Nguyên. Nếu như được gặp cô bé, Minh sẽ nói ngay lời yêu từ thuở ấy mà không do dự, hay đắn đo suy nghĩ gì nữa.

namtaydem

Về đến quê. Ngay lập tức Minh tìm đến nhà Thảo Nguyên, đây con đường ngày xưa Minh hay đến chở Thảo Nguyên đi học giờ khác xưa nhiều quá, con đường đã rải nhựa và đẹp hơn, có không ít sự thay đổi của những năm từ khi Minh bước chân rời quê đến Sài Gòn. 

Ngôi nhà của Thảo Nguyên cũng khác đi hoàn toàn, màu sơn, cổng rào, không còn như trước nữa. Minh bước lại gần, bấm chuông cửa mãi đến một lát sau mới có tiếng bước chân của người phụ nữ ra mở cửa.

“Cháu tìm ai?”.

“Cháu chào cô. Cô cho cháu hỏi Thảo Nguyên có nhà không?”.

Người phụ nữ cười và nói.

“À Thảo Nguyên là con bé tròn trịa, da trắng, con của anh Ba chủ nhân cũ của ngôi nhà này phải không cháu?”.

“Dạ đúng, đúng là con của bác Ba. Chủ nhân ngôi nhà cũ, là sao hả cô?”.

“Vậy thì xin lỗi cháu, người cháu đang tìm gia đình nó bán căn nhà này lại cho gia đình cô rồi”.

Minh ngạc nhiên, lúng túng hỏi lại.

“Sao có thể như vậy được. Cô có biết gia đình bác Ba hiện đang ở đâu không, thật sự cháu rất muốn gặp Thảo Nguyên”.

“Cô nghe nói là gia đình anh Ba sang Mỹ định cư ở đó luôn. Chắc tại cháu lâu quá không về đây nên không biết”.

“Dạ cháu cảm ơn cô. Chào cô cháu về".

Minh quay lưng đi mà lòng buồn vô tận, đôi khi Minh đứng lại, nhìn thật lâu căn nhà Thảo Nguyên, có lúc buộc miệng gọi lớn "Nguyên ơi" như ngày ấy cứ mỗi lần đến chở Nguyên đi học. 

Biết bao nhiêu kỷ niệm thời chung lớp chung trường, một thời đầy mơ mộng, giờ đây nó như cơn gió bay qua người Minh, dù cố nắm giữ cũng không tài giữ được. 

Minh phải làm gì để về lại những tháng ngày năm xưa cùng với Thảo Nguyên cùng cãi vả, cùng trên chiếc xe đạp những khi đi học, những lần về, hết mưa rồi lại nắng. 

hoctro5

Hình bóng mà Minh lưu giữ, giờ Minh không bao giờ được nhìn thấy ngoài thực tế, Minh đang đứng đây còn Thảo Nguyên thì ở một nơi rất xa xôi, chỉ còn lại tấm ảnh chân dung của Nguyên trong trang nhật ký. 

Những nét chữ nhỏ xinh xắn trong nhật ký vẫn còn đây, thời áo trắng đẹp đẽ nhiều kỉ niệm bây giờ chỉ còn là kí ức. Minh nhớ Thảo Nguyên rất nhiều, một thời áo trắng như mây trời, nhặt cánh phượng hồng, gửi mơ ước vào những tiếng ve mùa hè. 

Một thời dưới sân trường nho nhỏ buồn vui kể nhau nghe. Tuổi học trò ngày đó, hễ thích một ai đó, cứ len lén viết tên người ấy vào trang nhật ký, khi bị phát hiện cứ e ấp, ngại ngùng rộ rõ nét thơ ngây, đó là những cảm xúc hồn nhiên nhất của tuổi học trò.

Minh trở lại trường cũ cấp Hai, nhìn qua cửa sổ cái bàn thứ hai nơi Nguyên ngồi, kí ức nào đó chợt ùa về, dữ dội, như cơn mưa hối hả của chiều nay. Nhìn lớp học thật lâu, đôi khi miệng của Minh thốt ra hai từ “Nguyên ơi”.

 

Tác giả: Quang Nguyễn - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Trợ giúp

Thông tin liên hệ

Lưu niệm
Dự báo thời tiết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập92
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm89
  • Hôm nay8,326
  • Tháng hiện tại181,183
  • Tổng lượt truy cập10,395,449
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây