Thực dưỡng cho tâm hồn

Chủ nhật - 01/10/2023 08:40
Chiếc bụng đói không làm đôi mắt tôi bớt đi sự đa sắc và ham muốn khám phá thế giới.
***
Người ta nói kí ức dài hạn của một đứa trẻ chỉ bắt đầu từ năm lên ba, mà theo Sigmund Freud thì là “Chứng Quên Tuổi Thơ Ấu - Childhood Amnesia”, thật là một cái tên mỹ miều cho một điều mất mát. Sự “mất mát” ấy diễn ra theo nhiều chiều hướng, có tốt, có xấu, đôi lúc lại chẳng có ý nghĩa gì. Người ta thường quên đi những kí ức không tốt và nhớ mãi những điều tốt đẹp. Đó là sự vận hành thông thường của con người dưới sự xúc tác của trái tim và khối óc, cảm xúc tiêu cực cũng là một loại “virus” mà cơ thể sẽ kích hoạt cơ chế phòng vệ, đào thải và chữa lành. Cơ chế ấy luôn hoạt động trơn tru, nhưng máy móc tinh vi cỡ nào cũng có lúc hỏng hóc, huống chi là hình hài máu thịt cơ bản. Thực ra không quên đi cũng là một món quà.
Ấu Thơ như một miền diệu vợi, có những hôm bão ghé nhưng hẳn nhiên cũng có ngày đẹp trời tươi mới. Trái tim và Khối óc của tôi vận hành theo một phương thức rất lạ, mọi người đa số sẽ nhớ rõ mọi thứ vừa diễn ra mà quên đi những điều xa vời vợi, nhưng kí ức cùa tôi thì ngược lại. Khoảng thời gian xa xăm ấy in đậm trong tôi, mà chỉ cần một nhân tố tác động là sẽ bật mở ra, về từng con người, địa điểm, sắc thái, hiện hữu rõ nét một cách diệu kì. Còn thật lạ lùng là khoảng ngày thiếu nữ và hiện tại, với tôi chúng mơ hồ và nhạt nhoà một cách kì cục.

Tôi có một nốt ruồi nho nhỏ gần miệng, mà Mẹ vẫn hay nói là nốt ruồi lộc ăn uống, có lẽ bởi vì thế mà hồi ức về thức ăn luôn in đậm trong tôi. Là cơn đói của dạ dày hay cơn đói của trái tim không rõ, nhưng dường như thức ăn không chỉ là nguồn dưỡng chất duy trì sự sống, đó còn là sự di dưỡng tinh thần.
Giống như bao đứa trẻ nhà nghèo sinh ra vào những năm 90, gia đình tôi cũng bỏ quê vào thành phố lập nghiệp,trên chuyến xe đò xóc nảy. Năm ấy tôi mới lên hai, hàng ngàn cây số xuyên Trung vào Nam, cũng đã qua hơn hai mươi năm, nhưng lạ lùng là tôi vẫn nhớ mãi từng chi tiết. Chuyến xe rạng sáng chật ních người, không gian ken đặc thứ mùi vị và âm thanh hỗn tạp, tôi ngồi trong lòng Mẹ cạnh ô cửa sổ mờ bụi, trong tay ôm một bịch trứng gà Nội luộc. Năm đó tôi chưa hiểu những bộn bề trong ánh mắt của Ba, những trĩu nặng trong tiếng thở dài của Mẹ, chỉ thấy sự mới lạ và háo hức trẻ con. Ánh dương ló dạng sau những ngọn lúa, rồi treo cao trên đồi, Mẹ kéo mạnh cửa sổ xe cho gió tràn vào xua đi ngột ngạt trên chiếc xe chật chội. Hương lúa quyện vị sắc lạnh của sương làm bùng lên cảm giác cồn cào đói bụng, tôi ôm chặt hơn bọc trứng và giấu nhẹm nó vào bụng. Số trứng ấy tôi chẳng ăn được chút nào, vì ngủ quên mà đè lên đến nát bươm, nhưng tôi vẫn nhớ mãi mùi trứng thơm và những giọt nước mắt nuối tiếc thèm thuồng, hơn cả là cảm giác đói cồn cào khi ấy.
Câu chuyện của những con người mưu sinh nơi đất khách luôn diễn ra giống nhau với người ngoài, còn khác biệt ra sao chỉ có những người trong cuộc mới nếm rõ ngọt đắng. Những ngày còn sống trong căn nhà trọ tồi tàn, nắng thì đổ lửa mà mưa thì đọng nước, tôi vẫn có những niềm vui trẻ thơ trong veo, thứ kí ức mà về sau dung dưỡng chữa lành những tổn thương tuổi trưởng thành.
Bao quanh phòng trọ nhỏ là hàng rào Râm Bụt hoa đỏ, vài dây Mồng Tơi già cỗi uốn quanh. Đó vừa là đồ chơi của tôi mà đôi lúc cũng là những bữa cơm dân dã. Những chiều nắng rót xuống lòng đường thứ ánh sáng vàng cam ấm nhưng không bỏng cháy, tôi với mái tóc hoe vàng cháy nắng và khuôn mặt đen nhẻm rúc đầu trong hàng Râm Bụt để bẻ vài lá non rồi giã nát ra trộn với nước, lấy một sợi cỏ cuộn tròn lại, thế là có trò thổi bong bóng, ngày nào trộm được của Mẹ xíu nước rửa chén thì tôi có thể chơi cả chiều. Đôi khi vài trái Mồng Tơi chín nẫu quẹt qua gò má một màu tím phớt hồng, thế là hôm sau nó trở thành sơn móng tay của tôi, quàng thêm cái chăn con công, giả làm công chúa múa khắp căn phòng nhỏ, bởi thời điểm đó tôi không có bạn. Điều hạnh phúc nhất là cuối ngày Mẹ nấu một bữa cơm có tô canh cua Mồng Tơi mà nước nhiều đến độ có thể đếm từng miếng rau, ấy thế mà ngon lành lạ lùng. Mùi cơm mới thơm tho tràn ngập căn phòng nhỏ ẩm thấp leo lét vài sợi nắng rọi qua ô cửa gỗ đã mục, xa xa vọng lại vài tiếng nô đùa của trẻ con quanh xóm.

Trẻ nhỏ đôi lúc ác và vụng dại, bởi lẽ còn thơ trẻ nên chưa hình dung rõ ràng những điều mình gây ra tồi tệ cỡ nào. Một đứa trẻ ngụ cư nhà nghèo, nhỏ thó đen nhẻm có cái miệng điêu ngoa thật khó kết bạn, dễ hiểu là tôi luôn là đứa bị đánh. Vậy mà càng đánh, tôi càng chửi hăng hơn. Mà có lẽ đánh mãi nghe mãi bọn trẻ đã đau tay và đau cả tai, thế là cũng chán, không thèm đánh nữa, nên tôi và chúng lại thành bạn. Ôi con trẻ, ngây thơ kì lạ. Tuổi nhỏ, trong những khối óc ấy hãy còn tươi mới và dễ dàng tưới tắm vun trồng sự tử tế, điều mà vốn dĩ đứa trẻ nào cũng có. Tuổi thơ tôi khởi đầu bằng sự nghèo khó, nhưng vun xây bằng niềm vui và trải nghiệm.
Sau này, Ba Mẹ mua miếng đất trăm mét vuông xây căn nhà, năm ấy tôi vừa vào lớp một. Lũ trẻ con quanh xóm mới đều trạc tuổi nhau, và cứ gọi nhau bằng bạn như lẽ tự nhiên cuộc sống vốn thế.
Thời điểm đó vùng xung quanh toàn là đất trồng cây lâu năm, nên được bao bọc bởi vườn Điều, tôi và bọn trẻ lúc ấy giữa trưa tan học hay rủ nhau cầm cây khều trộm Điều nhà hàng xóm, dù nhà đứa nào chẳng có vài cây trong sân hoặc trước cổng. Theo như tư duy của bọn tôi khi ấy thì cây nhà hàng xóm ăn ngọt hơn thơm hơn, cả bọn châu đầu bàn luận rồi cười khì gật gù phụ họa. Dù nói thật ra, những trái Điều ấy chát ngòm và tắc bứ chẳng thể nuốt trôi qua cổ, chỉ được mỗi vị ngọt và mùi thơm như níu lấy tinh hoa của đất trời gửi gắm vào. Nhắc đến quà vặt tụi trẻ con ngày ấy, thì toàn mấy món chẳng no nê bổ béo gì, có hôm ăn vào còn bị Tào Tháo rượt như Mít non trộn nước mắm, trái Chùm Bao, cuống hoa Râm Bụt, ấy thế mà nhớ mãi.
Ngày nhỏ tôi không đủ đầy về vật chất, nhưng thú thật thì giai đoạn đó ai cũng thế, cái thời điểm mà cứ mười đứa trẻ thì hết chín đứa rưỡi nằm trong diện suy dinh dưỡng rồi. Chiếc bụng đói không làm đôi mắt tôi bớt đi sự đa sắc và ham muốn khám phá thế giới. Những chạng vạng nhá nhem sau khoảng đất rộng sau xóm nhỏ, bọn nhóc chúng tôi ngồi cạnh nhau sau khi vật lộn với đủ trò chơi, đưa mắt ra ngóng trông theo từng chiếc xe đẩy bán hàng rong, mơ ước về sự ngọt ngào no nê của tương lai, khi mà chúng tôi lớn lên và có tiền mua bất cứ thứ gì mình muốn. Nhưng hẳn nhiên đó là những mộng mơ tương lai, mùi thơm của xe hàng rong luôn làm xáo trộn chiếc dạ dày đói meo. Thế là cả bọn nhất trí đứa nào về nhà đứa đó, làm một tô cơm nguội trộn đường. Đường Ngọt là dưỡng chất cho những chiếc bụng đói, cũng là xúc tác xoa dịu sự thiếu hụt của cảm xúc. Trước hiên nhà bằng gạch đỏ, bọn trẻ chúng tôi ngồi cạnh nhau, cố sức nén chặt phần cơm trắng rồi rắc đường lên, đợi nó tan ra đến khi tách riêng phần nước đường và cơm. Khi đó phần nước ấy sẽ là “nước ngọt” và phần cơm sẽ là “bim bim”. Rồi cả bọn thi nhau uống một miếng nước đường, rồi múc một muỗng cơm, niềm thỏa mãn chỉ đơn giản có ngần ấy. Cái niềm thỏa mãn mà sau này dù uống bao nhiêu nước ngọt, ăn bao nhiêu loại bim bim khác lạ trên đời cũng chẳng thể cảm nhận được, bởi lẽ thức ăn cũng là một hồi ức quá vãng, mà chỉ có thể hồi tưởng chứ mãi chẳng thể tái hiện.

Hồi nhỏ tôi nằm trong diện vừa lười vừa dốt, chẳng ham học hành gì, có thể hiểu nôm na là lớp bốn mốt bạn thì tôi xếp thứ nhất từ dưới lên. Và sau này có một sự cố khiến tôi phải thay đổi cách học hành, nhưng thôi đó là một câu chuyện dài, mà nếu có cơ hội sẽ được mở ra vào một ngày đẹp trời khác. Quay lại chuyện vừa lười vừa dốt, còn nhớ cô giáo có dạy cách tính tháng năm bằng đầu ngón tay và cách xem đồng hồ, nhưng tôi chẳng buồn ghi nhớ. Bởi với tôi khi ấy tháng ngày được đong đếm bằng những bước chuyển rất lạ lùng, rất con trẻ, như cái cách tôi ghi nhớ những kí ức. Tôi đong đếm những bước chuyển thời gian bằng thức ăn.
Mùa Xuân đến khi Mẹ mua nước ngọt và bánh kẹo đóng sẵn trong thùng cat-tong tích dần từng ngày bởi lúc ấy chưa có điều kiện mua một lần, phải đợi tới sáng Mùng Một bày biện ra khay mới được ăn, thế nên tôi luôn lén ăn vụng vài cái kẹo cái bánh. Có một loại kẹo hình dạng trái bắp, mùi thơm thoang thoảng và dai mềm ngọt lịm, tôi đã từng ăn nhiều đến độ qua ngày hôm sau mặt phù lên vì nạp quá nhiều đường. Ngày nay có ngàn vạn loại nước ngọt khác nhau, mà muốn thì tôi có thể uống thỏa thích. Thế nhưng chai nước ngọt ngon nhất với tôi là vào một đêm Giao Thừa, tôi giả vờ sốt để nài nỉ Mẹ một chai. Những thứ kẹo bánh nước ngọt ấy, chúng ngập đường và sặc sỡ những màu chói lóa, mà ngẫm nghĩ lại chẳng nếm ra được vị gì ngoài ngọt sắc tận chân răng, ấy vậy mà ngon lành diệu kì. Bởi ngày ấy thèm ngọt thì chỉ có hũ đường trong bếp và vài trái táo tàu trong gói thuốc Bắc của Mẹ.
Mùa Hè đến trong tiếng leng keng của xe siro đá bào và kem kí, mà cũng chỉ thỉnh thoảng ngóng trông nhìn Mẹ mới cho tiền mua. Từng que siro đá bào được nén thành đủ loại hình dạng, mà nếm một xíu đã nhuộm đủ màu sắc lên lưỡi, đôi lúc tôi sẽ mím môi lại một lúc trên phần có siro màu đỏ, thế là có một đôi môi hồng hào. Cái vị thỏa mãn tâm can, cái mát lạnh như xua đi sự nóng bức và làm xao nhãng đôi tai đang đinh lên vì tiếng ve kêu.
Rồi mùa Thu của lũ trẻ nhà nghèo không thơm mùi bánh Trung Thu, chỉ phảng phất mùi tre trúc, tiếng loạt xoạt giấy màu, tay chân luôn có màu đỏ đỏ vàng vàng của giấy kiếng. Đêm Trăng Rằm bất kể mưa hay gió, xóm nhỏ lại kéo nhau “Tết Trung Thu em rước đèn đi chơi…” Mùa Thu của tôi nó sực nức mùi bánh Chị, loại bánh bột trộn hành và tôm khô chiên lên, chấm tương. Bởi lẽ chỉ có những ngày hiếm hoi đặc biệt Ba Mẹ mới có thời gian chở tôi đi ra trung tâm, ăn thức bánh đặc trưng nơi tôi sống.
Miền Nam không có mùa Đông, không lạnh, không heo may, chỉ im ắng hơn những mùa khác. Không khí phảng phất mùi nước xả vải những sáng tinh sương, có lẽ do im lặng nên cái vị thơm ngai ngái ấy càng dễ cảm nhận hơn. Những vòng xe đạp lộc cộc xuyên qua hơi sương chưa tan, kéo theo mùi nước xả vải hòa cùng mùi khoai nướng bọc trong một miếng giấy báo, thơm nức và xao xuyến tuyệt diệu.
Mùa của tôi, thời gian của tôi đong đếm và tính toán bằng những “vị” như thế.

Thời gian chảy xuôi và con người đổi thay, dần dà tôi dường như mông lung với thực tại và không còn cảm giác hiện hữu rõ ràng. Có phải chăng thay vì “Childhood Amnesia” thì tôi lại là “Adult Amnesia” mất rồi? Tôi cũng không rõ, nhưng tôi chắc chắn rằng, tuổi thơ đã di dưỡng tâm hồn tôi và không quên đi những hồi ức ấu thơ cũng là một món quà vô giá.
Miền Kí Ức như một mảnh đất, có ngày mưa dẩm cũng có lúc đẹp trời tươi mới. Nhưng hãy nhớ rằng mưa hay nắng cũng là yếu tố cần thiết cho hạt giống đã vun trồng tách hạt, nảy mầm, ra lá kết hoa, tạo quả. Người ta không thể mong một đời toàn nắng đẹp, chỉ cần vượt qua âm u ngày mưa thì bạn sẽ phát hiện, ngày nắng rực rỡ làm sao.
Nếu Ấu Thơ cho bạn một tấm vé khứ hồi, bạn có lên chuyến tàu đó? Riêng tôi thì không, mặc dù hiện tại chưa hoàn hảo và quá khứ thật ngọt, nhưng mọi hồi ức đều đáng được vẹn nguyên không lặp lại và điều gì quá hoàn hảo thì chẳng còn giá trị vốn có.
Thực, Sắc, Tính, Dã là bản chất con người, mọi thứ trần trụi nhưng cũng thiêng liêng theo cách riêng của nó.
Tâm Hồn cũng cần thực dưỡng, thức ăn nuôi dưỡng cơ thể và cũng nuôi dưỡng tâm hồn.
Thật hạnh phúc nếu bạn có một miền kí ức tươi đẹp, một khối óc đầy tri thức, một trái tim tràn yêu thương và một chiếc bụng no nê.
THÂN MẾN.

Tác giả: Én - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Trợ giúp

Thông tin liên hệ

Lưu niệm
Dự báo thời tiết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập156
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm144
  • Hôm nay8,710
  • Tháng hiện tại194,937
  • Tổng lượt truy cập10,409,203
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây