Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Có những thứ đổi thay rồi sẽ trở nên tốt đẹp hơn, cũng có những thứ vẹn nguyên từ đầu đến cuối vẫn chẳng mất đi giá trị vốn có của nó. Dẫu cho đã trải qua nhiều thăng trầm đổi thay, đau thương chồng chất đau thương nhưng tôi vẫn luôn giữ cho mình một trái tim ấm nóng, chưa bao giờ ngừng trao đi và nhận lại yêu thương cùng sự tử tế. Thay đổi là để trưởng thành. Thay đổi nhưng không đánh mất chính mình, các bạn nhé.
***
Bạn không thể lựa chọn cách mình sinh ra, cũng chẳng thể lựa chọn một cuộc sống trong mơ mà nhiều người hằng mong ước, bạn chỉ có thể chấp nhận những gì mà mình có, thay đổi và cùng nó trưởng thành.
Mỗi khi nhắc đến tuổi thơ – điều chúng ta nghĩ tới đầu tiên thường sẽ là quãng thời gian đã qua để lại cho mình ấn tượng sâu sắc nhất, dù có tràn ngập niềm vui, nước mắt hay đủ đầy, cơ cực thì ký ức ấy vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí mỗi người mãi tới tận sau này. Thế nhưng, tuổi thơ của tôi lại là những ký ức khá rời rạc, tôi không nhớ được quá nhiều và hầu hết chúng đều gắn với một gam màu buồn ảm đạm.
Tôi cũng không hiểu lý do vì sao, là bởi tuổi thơ của tôi bị chững lại quá sớm, hay bởi quá đau thương mà những ký ức thay nhau biến mất để giữ cho tâm hồn tôi sự bình yên nhất có thể?
Năm tôi lên năm, cái tuổi vừa mới biết ê a đọc bảng chữ cái, còn trẻ thơ non dại chưa biết chút gì về cuộc sống đang vận hành xung quanh mình thì bỗng một ngày, biến cố ập tới. Biến cố lớn nhất trong cuộc đời, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống và hình thành nên tính cách của tôi cho tới thời điểm hiện tại. Còn gì đau đớn hơn việc, chứng kiến một trong hai người sinh thành ra mình không còn trên cõi đời này, bước sang một thế giới khác mà mọi người vẫn thường gọi là “thế giới bên kia” hay “lên thiên đàng".
Lúc đó, với lượng tri thức ít ỏi của mình, tôi ngơ ngác không hiểu mọi người đang nói đến điều gì, chỉ biết là kể từ ngày ấy tôi không còn được nhìn thấy bố nữa và mẹ nói bố đã bay lên bầu trời cao rộng kia.
Tôi nhớ mình được gửi cho nhà hàng xóm ở đối diện trông hộ suốt nhiều ngày liền, và thứ tôi thường xuyên bắt gặp là những giọt nước mắt, những lời than khóc của các thành viên còn lại trong gia đình cùng hình ảnh người người tấp nập ra vào nhà của tôi với vẻ mặt buồn bã.
Thỉnh thoảng được một ai đó bế về nhà, đập vào mắt tôi là một màu trắng bao trùm, về sau tôi mới biết là màu trắng của tang thương, những dải băng thương tiếc tiễn đưa mà tôi vẫn chưa đọc hiểu và di ảnh của bố tôi đặt ở trên bàn thờ. Câu nói tôi nghe nhiều nhất chính là “Thương con quá, mới năm tuổi chưa biết gì cả”, còn điều tôi không bao giờ quên được là dáng vẻ mẹ tôi khóc đến bơ phờ, kiệt sức, sau này đã trở thành điểm yếu chí mạng của tôi, hễ nhìn thấy giọt nước mắt của mẹ là tôi sẽ bật khóc ngay lập tức.
Nỗi đau nào rồi cũng qua đi, tới thời điểm tôi bắt đầu cắp sách vào lớp một, vẫn chưa cảm nhận được nhiều cảm giác không có bố bên cạnh, vẫn giữ cho mình sự vô tư hồn nhiên đúng lứa tuổi. Mẹ tôi từng kể, có lần đi làm về nhìn thấy tôi đang ngồi bên cạnh bàn thờ thỏ thẻ nói chuyện với bố, không rõ là nói chuyện gì nhưng hào hứng lắm. Có lẽ, đấy là một trong vô số lần độc thoại giữa tôi và bố, là cách để tôi vẫn cảm nhận được sự hiện diện của bố trong căn nhà mình.
Thấm thoát mới đó đã chạm ngưỡng 10 tuổi, khi trong đầu dần hình thành những suy nghĩ riêng, những cảm xúc chưa từng biết đến, tôi mới nhận ra “À, mình không còn bố nữa rồi chỉ còn một mình mẹ thôi”, cũng là lúc tôi bắt đầu có sự thay đổi. Bản tính nhút nhát từ từ bộc lộ rõ, tôi trở nên ít nói hơn, ít vui vẻ lại và sống khép mình.
Hồi đi học tôi khá lười, không phải kiểu “cần cù bù thông minh” mà trái ngược lại nên thường bị mẹ mắng suốt. Tôi nhớ như in một câu mẹ nói luôn khiến tôi khóc trong ấm ức, căm phẫn và tự nhủ sẽ chứng minh cho mẹ thấy điều đó không phải sự thật là “Người ta nói con không cha như nhà không nóc cũng đúng, con nhà này rồi cũng chẳng ra gì”.
Tôi chưa bao giờ nói ra điều này, rằng không ít lần mẹ làm tôi vô cùng tổn thương, xát thêm muối vào vết nứt nơi tim dẫu cho đó có thể chỉ là lời nói lúc nóng giận, thực chất mẹ vẫn rất yêu thương tôi và tôi dĩ nhiên không thể trách mẹ. Nhưng với tôi, từng câu từ vẫn mang tính sát thương không hề nhỏ, gây nên những lỗ hổng thật khó để chữa lành.
Càng lớn tôi càng trở nên hướng nội, suy nghĩ cũng trưởng thành hơn các bạn cùng tuổi, không còn vô lo vô nghĩ như trước. Tôi thường nén nỗi đau vào trong, nhìn lên bầu trời xanh trong với ánh mắt đượm buồn, ở nơi ấy có một người mà tôi vô cùng nhớ. Khi nỗi đau đi kèm nỗi nhớ dần xâm chiếm lấy trái tim nhỏ bé, tôi đã cảm nhận sâu sắc như thế nào là chia xa, là sự mất mát – một sự mất mát không thể nào khỏa lấp nỗi, không thể diễn tả bằng lời, ảnh hưởng cực lớn đến sự thay đổi trong tính cách của tôi.
Bao nhiêu nỗi niềm chất chứa chẳng có người để giãi bày, một mình chịu đựng ngày này qua tháng nọ, đã có lúc vấp ngã, có lúc tuyệt vọng nhưng bản thân lại không được phép buông xuôi, phải mạnh mẽ đứng dậy tiếp tục hành trình vượt qua chính mình, phải trở thành trụ cột, chỗ dựa tinh thần cho mẹ, người phụ nữ vất vả hơn tôi gấp nhiều lần khi buộc phải gồng gánh quá nhiều gánh nặng trên vai.
Áp lực phải cố gắng, phải nỗ lực hơn nữa khiến tôi ngột ngạt đến nghẹt thở, khiến tôi đã từng muốn buông bỏ tất cả để được thanh thản. Bạn có hiểu cảm giác, một người cực kỳ yếu đuối bị hoàn cảnh bắt buộc phải trở nên mạnh mẽ tức là họ đã phải dùng hết hai trăm phần trăm sức lực của mình để người ngoài có thể thấy rằng họ ổn, nhưng sâu bên trong năng lượng của họ đã bị rút đến cạn kiệt. Đau lắm, mệt mỏi lắm là cách để con người ta tồn tại được trên thế gian đầy rẫy chông gai này.
Và rồi cái gì cần đến cũng phải đến, kỳ thi Đại học lớn nhất trong đời, đánh dấu thành quả suốt 12 năm đèn sách của mỗi học sinh, đồng thời là bước ngoặt tiếp theo trong quá trình tôi trưởng thành. Dù kết quả đạt được không quá cao nhưng tôi cũng có thể một lần khiến mẹ tự hào vì bao công sức mà mình đã bỏ ra.
Lần đầu tiên sau 18 năm cuộc đời tôi rời xa quê hương đến một vùng đất xa lạ, học cách sống tự lập, tự mình làm tất cả mọi việc mà không có mẹ bên cạnh. Lần đầu tiên bao giờ cũng khó khăn và lại thêm lần nữa tôi buộc phải thay đổi để hòa nhập với cuộc sống giảng đường đầy mới mẻ, đầy hoài bão cùng tương lai tươi sáng phía trước.
Từ khi nào tôi bắt đầu biết tự đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ, từ khi nào tôi lại đủ dũng khí bắt chuyện với một người lạ không hề quen biết, từ khi nào tôi sẵn sàng nói chuyện thoải mái với những người mới lần đầu gặp mặt, và từ khi nào tôi có thể một mình bắt chuyến tàu trở về nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi có ngôi nhà thân thương đang chờ đợi?
Bốn năm học Đại học ở nơi đất khách đã tôi luyện cho tôi những điều đó, cho tôi những trải nghiệm đầu đời, học cách biết chịu trách nhiệm với cuộc sống của bản thân, để tôi phải bước ra khỏi vùng an toàn, cởi bỏ lớp vỏ bọc trở thành một tôi hoàn toàn khác với ngày xưa nhưng theo chiều hướng tích cực, đồng thời đạt được những thành tựu cho riêng mình.
Đúng vậy, ai rồi cũng đến lúc thay đổi, nỗi đau hay vết thương lòng có thể khiến bạn phải thay đổi. Thế nhưng thay đổi cái gì, theo chiều hướng nào thì quyết định vẫn nằm ở bạn. Có những thứ đổi thay rồi sẽ trở nên tốt đẹp hơn, cũng có những thứ vẹn nguyên từ đầu đến cuối vẫn chẳng mất đi giá trị vốn có của nó. Dẫu cho đã trải qua nhiều thăng trầm đổi thay, đau thương chồng chất đau thương nhưng tôi vẫn luôn giữ cho mình một trái tim ấm nóng, chưa bao giờ ngừng trao đi và nhận lại yêu thương cùng sự tử tế.
Thay đổi là để trưởng thành. Thay đổi nhưng không đánh mất chính mình, các bạn nhé.
Tác giả: Cao Đồng - blogradio.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn