Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Vượt qua thử thách lớn nhất là sự lạc quan, hôm nay bạn có thể mắc phải một chuyện buồn không có nghĩa là cả cuộc đời bạn như thế. Muốn hạnh phúc, muốn yêu đời hay muốn đau khổ là do bạn chọn lựa. Không vì khó khăn này mà than trách thượng đế bất công, có bất công hay không đều nằm ở đôi chân của bạn.
***
Năm 17 tuổi, tôi phát hiện mình bị gan trong một buổi đi hiến máu tình nguyện. Vào Đại học, một cô bé năng động luôn xung phong tham gia vào những hoạt động của khoa, của trường. Thế nhưng bỗng chợt cô phải sống trong một khoảng thời gian tối mịt của cuộc đời.
Tôi của những năm ấy buồn bã giữa thành phố đông người, một mình lẽ nhìn trong biển người mênh mông. Không người thân bên cạnh, không có nhiều bạn bè, thời điểm đó chỉ mới vào Đại học tôi rất ít bạn mà cũng chẳng thân thiết với ai.
Tôi sống một mình, nhìn có vẻ sẽ cô đơn nhưng đó là một không gian tôi rất yêu thích vì lúc ấy sẽ là chính mình. Hòa đồng với mọi người nhưng lại là một người sống nội tâm, dồn nén cảm xúc trong lòng, dù vui hay buồn cũng đều mỉm cười với mọi người. Họ không biết là tôi có vui thật không nữa là đằng khác, ngụy trang bằng những nụ cười có lẽ là vai diễn mà tôi thành công nhất từ trước đến nay.
Buổi sáng hôm ấy là ngày các tình nguyện viên được hiến máu, tôi cũng là một trong số đó. Cảm giác háo hức lắm, nghĩ mình sẽ giúp được một ai đó trong lúc khó khăn thì hãnh diện vô cùng. Những nụ cười trên đôi môi cô gái trẻ ấy cũng làm cho người khác phải cười theo.
Có lẽ tôi vẫn chưa biết được mình sắp xảy ra chuyện gì nữa. Vui vẻ chờ đến lúc gọi tên, mời bạn T lên bàn số 1, hớn hở chạy lên phía bàn. Bác sĩ khám sàng lọc cho tôi, mọi thứ đều ổn cho tới khi lấy máu xét nghiệm xong. Chờ một lát khoảng 15 phút, bác ấy gọi tôi đến bên cạnh và nói bằng một giọng nói nhẹ nhàng “Bé con à, bác rất tiếc khi phải nói rằng con không đủ điều kiện để hiến máu”. Tôi vội đáp “Sao thế ạ bác, sức khỏe con rất tốt bác ạ”
Một ánh mắt trìu mến lẫn một chút buồn từ bác, bác xoa đầu và bảo rằng “Con à, con bị gan nên không thể tiếp tục được, con về nhà nghỉ đi nhé. Hãy ăn uống đầy đủ vào.”. Tôi lúc này còn chưa nhận ra được mình đang găp vấn đề gì nữa, tôi cảm ơn bác ấy và rời đi ngay.
Các bạn hỏi tôi sao vậy, tôi chỉ cười đáp “Máu tao quý ấy mà, bác sĩ bảo giữ kĩ và không cho ai” một nụ cười trên câu nói ấy. Tôi rời khỏi trường, lê đôi chân bước thật nặng trĩu trên con đường về phòng. Vừa đi đôi mắt rưng rưng hai giọt lệ, tôi lúc này đã không thể nào nở một nụ cười được nữa, cúi gằm mặt xuống đường và lặng lẽ đi. Không một ai biết trong gương mặt đó nước mắt đã đẫm ướt cả chiếc khẩu trang, không một tiếng thút thít nữa là.
Về đến phòng, vẫn còn chút bình tĩnh, nhấc máy gọi cho ba. Bên đầu dây kia một giọng nói quen thuộc “Ba nghe đây con, con khỏe không?”
Lúc này không còn một chút bình tĩnh nào nữa, tôi òa khóc nức nở không nói được một lời nào cả, muốn mở miệng nói lắm nhưng sao có vật gì cản ở cổ không tài nào nói được. Bên kia ba tôi vội vàng an ủi “Sao đấy con gái, sao lại khóc, nín đi con, nói ba xem con xảy ra chuyện gì nào”
“Dạ, con nhớ ba thôi ạ”.
“Con bé này, đi học rồi về thôi mà nhớ cái gì cơ chứ. Có phải con đi không về đâu”.
Tôi quyết định sẽ không nói với người nhà về chuyện này, bởi vì tôi không muốn vì tôi mà ba mẹ phải lo lắng thêm nữa. Những năm tháng vừa qua ba mẹ đã lo cho tôi nhiều rồi, bây giờ đã đến lúc tự bản thân phải biết nỗ lực tự đứng lên từ đôi chân của chính mình. Và tôi cũng hiểu rằng đến cuối cùng người đồng hành trên con đường này chính là bản thân ta, ba mẹ cũng chỉ đi cùng ta một quãng đường ngắn mà thôi.
Nói chuyện một lát hỏi thăm sức khỏe của gia đình xong, tôi cúp máy và một mình chịu đựng nỗi đau này. Tôi nằm vật ra sàn nhà, cảm nhận được cái lạnh của nền gạch. Nhưng lúc này với tôi cảm giác ấy không ảnh hưởng gì cả, chẳng qua chỉ là một cái lạnh buốt da mà thôi. Với cái tuổi 17 với biết bao hoài bão, bao dự định chưa kịp thực hiện, bây giờ lại mắc một căn bệnh không thể chữa khỏi mà phải mang theo cả cuộc đời này. Nằm thiếp đi một lúc, trong cơn mê tôi nhìn thấy mình lúc nhỏ vẫn còn chưa biết gì, vẫn vui vẻ và rất hạnh phúc khi có ba mẹ ở bên cạnh. Tôi của bây giờ lại khác, đến xảy ra chuyện như vậy cũng không muốn làm phiền đến ba mẹ. Tối hôm đó tôi lên mạng tra những gì liên quan đến bệnh gan, chỉ cần thấy những bài viết có tác hại nghiêm trọng tôi sẽ lướt qua, khi đọc qua những thông tin mà không có tác hại nghiêm trọng tôi sẽ lưu lại. Cứ mỗi lần như thế tôi lại tự an ủi rằng mình không sao đâu.
Sáng hôm sau là thứ 7, một ngày nắng nhẹ trong cái se lạnh của mùa đông, tôi bước đi trên con đường quen thuộc, không suy nghĩ mình sẽ đi đến đâu, cứ đi và đi. Được một lúc tôi dừng lại thấy mình đang đứng trước một tiệm sách cũ, tôi vào đó nhìn lướt qua một lượt và thấy cuốn sách “Đừng để tương lai chết trước tuổi 30”. Mở ra xem những trang đầu cuốn sách với câu nói “Khi còn trẻ phải sống hết mình, khi về già hãy sống tự tại”. Các bạn nghĩ câu này ý nghĩa là gì, còn đối với tôi khi đọc nó là nghĩ về cuộc sống của mình vẫn còn rất trẻ không vì một chút khó khăn nào mà chùn bước.
Bệnh gan của tôi chữa khỏi cũng được mà không khỏi cũng chẳng sao, bắt đầu tôi biết rằng mình và nó là một, chúng ta cùng một cơ thể hãy sống song hành với nhau, ta biết cách hòa quyện thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Khi già rồi ta sẽ có một cuộc đời như ta muốn, không bận tâm gì đến những ham muốn của lòng người nữa. Ta sống hôm nay không chỉ để ngày sau mà ta sống hôm nay là ngày hôm nay ta được sống. Trong đầu tôi lúc này đã phấn chấn hơn rất nhiều, tôi mua quyển sách này, nó cũng là một động lực giúp tôi xóa bỏ những phiền não về căn bệnh.
Đây là bài học đầu tiên trong cuộc đời tôi, phải biết chấp nhận cuộc sống này, hôm nay ta không may mắc một căn bệnh không có nghĩa là ta đã kết thúc cuộc đời mình này bằng căn bệnh đó, mà chúng ta phải dùng chính nó là động lực sống. Ở ngoài kia có rất nhiều người còn mắc những căn bệnh quái ác hơn tôi nhưng họ vẫn sống tốt, vậy tại sao tôi phải gục ngã như thế. Tôi sẽ là một cô gái 17 tuổi hiểu chuyện và không một lời oán than.
Điều kiện gia đình không được tốt nên tôi phải đi làm thêm, giúp được ba mẹ khoản nào thì hay khoản đó. Tôi đi làm ở một quán cà phê, lương thì cũng không cao khi làm một ca vì vậy khi nào không đi học tôi sẽ đi làm. Năm đó học cũng không nhiều nên đa phần tôi dành hết thời gian cho việc làm thêm, sáng- trưa- tối cả ba ca tôi đều làm. Làm đến mức không thể đứng nổi được nữa, nhưng vẫn cố gắng.
Tôi không dám nghĩ mình là người bị bệnh và phải được nghỉ ngơi, phải được chăm sóc vì lúc này tiền thuê nhà của tôi cũng cao. Vì muốn phụ giúp ba mẹ được phần nào nên tôi phải nỗ lực hết mình. Có lẽ đây là thời gian mà tôi nhớ mãi, mắc bệnh lại đi làm kiếm tiền, làm việc gấp đôi người bình thường thì vì để trang trải cuộc sống. Cũng nhờ sự cố gắng đó mà tôi đóng được học phí đại học và đóng tiền thuê nhà, đôi khi cũng có dư một ít để dành lại khi nào cần sẽ dùng. Cuộc sống lúc ấy cũng có chút khó khăn nhưng tôi vẫn vui vẻ đón nhận.
Đôi lúc ngẫm nghĩ về căn bệnh của mình liệu có làm cho tôi dừng cuộc đời này lại không, nhưng cũng phải gạt suy nghĩ đó qua một bên, bởi nếu cứ nghĩ như thế thì chắc tôi sẽ không mạnh mẽ được.
Đã trôi qua ba năm kể từ ngày tôi phát hiện bệnh của mình, tôi vẫn giữ kín chuyện này với gia đình. Tôi của ngày ấy và bây giờ rất khác nhau, cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn không còn suy nghĩ gì về vấn đề ấy nữa. Tôi biết cách tự chăm sóc mình, ăn uống khoa học hơn và thường xuyên tập thể dục để có một sức khỏe tốt.
Năm đó tuy vượt qua được nhưng trong lòng vẫn có chút không nỡ, không nỡ vì tại sao ta phải chịu sự đau đớn của cuộc đời này. Bây giờ vẫn là tôi, 20 tuổi nhưng phải sống trong con người của 30 tuổi, cố gắng làm việc để cuộc sống sau này đỡ vất vả hơn. Nếu như được chọn sống nhà hạ vậy ngoài kia ai lại chọn cuộc sống khó khăn để ta có thể nhàn hạ đến thế. Ta không có quyền chọn lựa nơi mình sinh ra nhưng ta có quyền chọn cách sống cho riêng mình.
Mỗi lần về nhà tôi đều vui vẻ, những năm cố gắng làm việc của mình tôi cũng có dư một phần tiền nhỏ. Tôi gửi tặng mẹ, tuy nó không nhiều nhưng cũng khiến mẹ vui và không còn lo lắng cho tôi nữa. Không phải vì ta bị cái này mà dừng lại những ước mơ của mình, mỗi thời gian tôi trải qua đều là bài học xương máu mà chính mình lại là người thầy dạy điều đó.
Bây giờ tôi đã học xong Đại học, trang trải 4 năm học bằng tiền của mình làm ra điều đó khiến tôi rất hãnh diện, tôi cũng đã đi làm và phụ giúp ba mẹ nhiều hơn. Tôi có được một cơ thể khỏe mạnh để theo đuổi những hoài bão, những ước mơ của bản thân. Tôi bây giờ đã chiến thắng.
Vượt qua thử thách lớn nhất là sự lạc quan, hôm nay bạn có thể mắc phải một chuyện buồn không có nghĩa là cả cuộc đời bạn như thế. Muốn hạnh phúc, muốn yêu đời hay muốn đau khổ là do bạn chọn lựa. Không vì khó khăn này mà than trách thượng đế bất công, có bất công hay không đều nằm ở đôi chân của bạn.
Tác giả: HỒNG THẮM- blogradio.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn