Cái Kết Cho Kẻ Phản Bội (Blog Radio 869)
Thứ hai - 02/10/2023 07:34
Xin chào các thính giả mến thương của Blog Radio. Bạn biết đó, ai cũng mong muốn có một gia đình hạnh phúc, sống bình yên bên cạnh những người mình yêu thương và được yêu thương. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho hạnh phúc lại là sự quen thuộc nhàm chán. Trong khi đó, cuộc sống hiện đại luôn ngập tràn cám dỗ, nếu không vững lòng chúng ta sẽ sa chân vào con đường theo đuổi những mới lạ cảm xúc cho thoả bản năng.
Sẽ có đôi lần ta đứng trước những phút giây yếu lòng, xao động. Quan trọng là ta cần tĩnh tâm để tự vấn mình và nhắc nhở bản thân rằng đó chỉ là cảm xúc nhất thời. Tuy nhiên, để có được phút giây vui vẻ bên ngoài ấy có khi ta phải đánh đổi hạnh phúc khó tìm đang sở hữu và cả sự nghiệp, danh dự đã dày công vun đắp trong kiếp này. Ngay sau đây mời bạn đến với truyện ngắn “Cái kết cho kẻ phản bội” của tác giả Thanh Lam.
Tôi vừa tụng xong bài Chú đại bi lần thứ ba thì Hải về. Cái dáng khắc khổ của anh khác hẳn ngày đầu chúng tôi gặp nhau. Hai má anh hóp lại, mắt thâm quầng trũng sâu và làn da xám xịt nhìn không khác gì một xác chết khiến tôi đã từ lâu không dám nhìn thẳng anh. Tôi không còn tìm thấy bóng dáng người đàn ông lịch lãm, phong thái hào hoa của anh ngày trước nữa.
Tôi biết, bản thân mình cũng đổi khác nhiều. Chỉ trong vòng một năm, tôi sụt hẳn 20 ký. Nếp nhăn chằng chịt ngang dọc trên khuôn mặt và da dẻ mất đi sự hồng hào, lúc nào cũng nhợt nhạt, tím tái khiến tôi như già đi thêm chục tuổi. Tôi cũng không còn nhận ra chính mình trong gương. Bây giờ tôi không đủ tiền cũng như tâm trí để chăm chút cho nhan sắc của mình như trước. Tất cả mọi sức lực còn lại tôi đã bám víu vào trong kinh kệ và những bài sám hối để mong sao giảm bớt tội nghiệt của mình.
Hải nhìn tôi chán ghét rồi bảo:
Cho tôi mượn 10 triệu.
Tôi chầm chậm mở mắt nhìn Hải, nhỏ nhẹ nói:
Em không có nhiều tiền đến vậy. Tháng này chúng ta vẫn còn chưa đóng tiền nhà.
Hải nghiến răng kèn kẹt, túm tóc tôi lôi đi xềnh xệch. Một cái tát, một cú đá, lại thêm một cái tát, thêm một cái tát nữa,… bao nhiêu cái tôi cũng không nhớ rõ. Tôi không đếm cũng như không kêu la mỗi khi bị Hải đánh. Những lúc đó, tôi thường niệm Phật trong tâm tưởng, nguyện hồi hướng công đức cho người đàn ông khắc khổ trước mặt mình.
Khi đã đuối sức, Hải bỏ mặt tôi nằm sõng soài trên nền nhà, bước thẳng tới tủ, đập vỡ cửa và lấy hết tiền tôi dành dụm trong hộp.
Con đàn bà xấu xa. Cô hại tôi ra nông nỗi này, tôi lấy có vài triệu bạc mà cô còn dám mở miệng từ chối.
Nói rồi Hải đi thẳng ra cửa. Chẳng mấy chốc tôi đã nghe tiếng xe máy vang lên rồi xa dần. Tôi biết Hải đi đâu. Hôm nay anh ta đi gặp con trai. Hải sẽ dùng số tiền lấy từ chỗ tôi đãi con trai ăn tất cả những gì nó thích, mua tất cả những món đồ nó cần và dúi vào tay nó tất cả tờ giấy bạc còn lại.
Tôi hiểu tại sao Hải làm vậy. Nếu như tôi được gặp con gái, tôi cũng sẽ làm vậy, để bù đắp cho những tổn thương đã gây ra cho con trẻ và xoa dịu chút nào tội lỗi trong lòng mình. Nhưng tôi không có cơ hội đó. Nam, chồng cũ của tôi và cả gia đình hai bên đều không cho tôi gặp lại con. Con gái tôi căm hận tôi hơn hết thảy mọi thứ trên đời. Tình cảnh hiện tại khiến tôi không ngừng hối tiếc về khoảng thời gian mình đã có một gia đình hạnh phúc.
Tôi và Nam yêu nhau từ thời sinh viên. Chúng tôi bằng tuổi nhau. Anh dù không điển trai, tài năng cũng không có gì quá nổi bật nhưng lại rất lành tính và cưng chiều tôi hết mực. Gia đình Nam khá yêu mến tôi. Còn gia đình tôi thì xem Nam như con cái trong nhà. Sau khi chúng tôi ra trường và đã tìm được việc làm, với sự hối thúc từ hai bên gia đình, chúng tôi cưới nhau. Nhờ sự trợ giúp từ họ hàng, hai năm sau chúng tôi mua được căn chung cư nhỏ ở ngoại thành. Nam vẫn như những ngày đầu yêu nhau, luôn nhường nhịn và nuông chiều tôi trong mọi việc. Hầu như mọi người xung quanh đều bảo tôi có phúc mới lấy được người chồng như Nam. Tôi nửa đùa nửa thật đáp trả, phải là Nam có phúc lắm mới cưới được tôi chứ. Những lúc đấy, Nam đều âu yếm nắm tay tôi, dịu dàng nói “Kiếp trước anh phải giải cứu cả dải ngân hà nên kiếp này mới có vợ vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang như em.”
Một năm sau khi mua nhà chúng tôi quyết định sinh em bé. Lúc đó chuyện nhà cửa đã đâu vào đấy, công việc của Nam và tôi cũng khá tốt. Nam là Trưởng phòng thu mua của một công ty nội thất. Còn tôi cũng ổn định với việc hành chính văn phòng. Chúng tôi quyết định sau khi sinh bé xong, tôi sẽ nghỉ việc ở nhà chăm con đến khi bé vào cấp 1. Dù gì trước giờ Nam cũng là người chi tiêu mọi thứ trong gia đình, tiền lương của tôi chỉ mua sắm và tiết kiệm cá nhân. Nam chẳng bao giờ hỏi đến lương lậu của tôi mà tháng nào cũng vài lần chuyển khoản cho tôi mua quần áo, mỹ phẩm. Sống bên cạnh anh, tôi như cô công chúa nhỏ, không có gì phải lo lắng hay buồn phiền.
Trong suốt thời kỳ tôi mang thai, công việc trong nhà anh giành làm hết toàn bộ. Anh còn siêng đọc sách chăm sóc mẹ và bé hơn cả tôi. Anh chăm lo cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ, xoa bóp và cắt móng tay móng chân cho tôi. Tôi tăng vèo lên mười mấy ký, sợ là sau sinh sẽ khó lấy lại vóc dáng nhưng ngày nào Nam cũng rủ rỉ với tôi, khen tôi là bà bầu đẹp nhất. Ngày tôi sinh bé, cả hai bên gia đình đều đến bệnh viện. Trong số các anh em nội ngoại, chúng tôi là cặp đôi có con sớm nhất nên ai cũng quan tâm.
Nam nằng nặc đòi vào phòng sinh cùng với tôi. Trong cơn đau chết đi sống lại, tôi thấy anh khóc như một đứa trẻ. Sinh thường nên tôi nhanh chóng hồi phục sức khoẻ và về nhà. Mặc dù mẹ tôi vẫn ở lại chăm sóc cho tôi và cháu ngoại nhưng đa phần vẫn là Nam làm, từ việc cho bé ngủ đến thay bỉm. Ngày nào anh cũng dành cả tiếng đồng hồ để vừa xoa bóp vừa nói chuyện giải khuây cho tôi. Quà tôi nhận được từ anh còn nhiều hơn cả thời hai vợ chồng son. Tôi không phải trải qua giai đoạn trầm uất vì có chồng như không có của nhiều chị em bỉm sữa.
Mẹ tôi cứ tấm tắc khen con rể từ trong nhà ra ngoài xóm. Nghe thấy những lời xuýt xoa ghen tỵ từ chị em bạn dì vì tôi có được tấm chồng lý tưởng khiến tôi cảm thấy hãnh diện vô cùng.
Ngày bé Tâm đầy tháng, họ hàng đến dự tiệc vui vẻ thì anh họ của Nam đã ngà ngà say hỏi:
Cậu với em dâu định khi nào sinh thêm đứa nữa đây. Tranh thủ lúc còn trẻ kiếm thêm cu cậu nữa cho vui nhà vui cửa.
Giữa những ánh mắt mong chờ tán thưởng, Nam thẳng thừng đáp:
Bọn em không sinh nữa. Một mình bé Tâm là đủ rồi.
Anh họ Nam đưa mắt nhìn sang tôi:
Em dâu không chịu sanh chứ gì. Phụ nữ các em bây giờ nghĩ cho bản thân nhiều quá mà tầm nhìn thì lại ngắn hạn. Em dâu xem anh nói như vầy có phải không. Con gái là con người ta, sau này lấy chồng thì phải lo cho nhà chồng. Chỉ có con trai mới ở bên cha mẹ phụng dưỡng sớm hôm. Với lại, con một khổ lắm, phải có anh em cho có người bầu bạn.
Nam gằn giọng:
Không liên quan gì đến Lan, đây là ý của em, anh đừng có hồ đồ. Với lại, bây giờ là thời đại nào rồi mà anh còn mang tư tưởng trọng nam khinh nữ như vây. Do suy nghĩ hạn hẹp của anh nên chị dâu mới phải cắn răng đẻ và chăm ba cô con gái đó. Anh nói như vậy mà không sợ chị dâu và con mình buồn à? Anh nên lo chuyện nhà mình đi, việc của gia đình em, chúng em tự lo được.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Nam giận đến vậy. Tất cả mọi người, kể cả anh họ Nam đều im lặng. Phải đến khi chú Nam bước tới giảng hoà và bảo mọi người cụng ly chúc mừng thì bầu không khí mới bớt căng thẳng hơn.
Tối đó, sau khi đã cho con ngủ, tôi hỏi Nam:
Anh Minh say rồi nên lắm lời một chút. Tính của anh ấy chúng ta còn lạ gì nữa, sao anh lại giận như vậy?
Anh ấy muốn nói gì anh cũng được, nhưng nói oan cho em thì anh không thể nhịn.
Tôi phì cười, ôm lấy vai Nam:
Chồng của em là nhất. Vậy, anh có muốn vài năm nữa mình sinh thêm cho nhà có nếp có tẻ không?
Anh không giống như anh Minh.
Thì ra là chồng em thích con gái hơn con trai.
Nam kéo tôi ngồi đối diện anh, mắt Nam nhìn tôi trìu mến:
Lan, anh thắt ống dẫn tinh rồi. Chúng ta không sinh nữa.
Tôi sửng sốt nhìn Nam:
Từ khi nào? Sao anh không nói gì với em?
Anh dịu dàng vuốt tóc tôi:
Anh định đợi khi nào em khoẻ hẳn mới nói với em. Anh biết là hôm sinh bé Tâm em đã đau đớn thế nào, khó nhọc ra sao. Hôm ấy, khi bác sĩ nói có nguy hiểm, em biết anh lo lắng thế nào không? Anh không muốn cả anh và em phải trải qua cảm giác đó thêm lần nào nữa. Thật may là em đã làm rất tốt. Cảm ơn em đã mang đến cho anh một cô con gái, với anh như vậy là quá đủ đầy rồi.
Anh không sợ con mình không có anh em sẽ rất buồn sao?
Chúng ta sẽ làm bạn với con. Anh đã nghiên cứu vấn đề này rồi, sẽ không ảnh hưởng gì đến tâm lý của con cả.
Tôi nghe mũi mình cay cay, vùi đầu vào lòng anh. Tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc và xúc động đến vậy. Tôi tự nhủ kiếp này sẽ yêu thương anh nhiều hơn nữa và đối xử với anh thật tốt.
Cuộc sống hạnh phúc của gia đình tôi kéo dài được mấy năm thì công việc của Nam xảy ra biến cố. Do suy thoái kinh tế, công ty Nam phá sản, anh từ một Trưởng phòng trở thành kẻ thất nghiệp không có đến một đồng trợ cấp từ công ty. Sau khi xin việc nhiều nơi nhưng chỗ thì từ chối, chỗ thì mức lương quá thấp, Nam quyết định hùn vốn mở công ty với bạn bè. Thời gian ấy Nam thường xuyên đi sớm về khuya, vừa về đến nhà là ngủ ngay, có khi còn không ăn nổi cơm.
Lúc đó bé Tâm mới 5 tuổi. Tôi phải cáng đáng hết việc nhà chứ không có sự trợ giúp của Nam như trước nữa. Những món quà bất ngờ, những bữa ăn tối lãng mạn cũng không còn. Nam cứ trấn an tôi qua được thời kỳ khởi đầu khó khăn, khi công ty anh ổn rồi mọi chuyện sẽ tốt hơn. Tôi không biết điều Nam nói khi nào mới xảy ra. Chúng tôi dường như mất hẳn những kết nối thân thiết và ân ái thuở đầu, những cuộc chuyện trò vơi dần và tôi thấy cuộc sống của mình ngày càng tăm tối.
Dự cảm chẳng lành của tôi cuối cùng cũng trở thành sự thật. Công ty Nam phá sản sau một năm hoạt động. Chẳng kiếm chác được gì ngoài một đống nợ và một Nam suy sụp. Chúng tôi bán căn hộ đang ở để trả nợ và thuê một căn hộ nhỏ hơn. Tôi không còn cách nào khác phải nhanh chóng quay lại công sở làm việc. May mắn là có Hà, một cô bạn thời Đại học giới thiệu cho tôi công ty của cô đang làm. Với ngoại hình và khả năng ăn nói của mình, tôi nhanh chóng thông qua vòng phỏng vấn thư ký giám đốc.
Nam nhốt mình ở nhà cả tháng trời mà vẫn chưa vực dậy được tinh thần. Tôi không khuyên anh, mà cũng chẳng còn hơi sức khuyên nổi anh khi còn bị bủa vây bởi công việc, con cái và bao nhiêu thứ cần chi tiêu. Và không thể không thừa nhận, tận sâu trong đáy lòng tôi trách Nam vì anh quá yếu kém khiến mẹ con tôi từ người sống trong nhung lụa phải rơi vào cảnh khốn cùng này.
Nếu không nhờ có Hải thì với đồng lương ba cọc ba đồng của chân thư ký, tôi khó lòng chu toàn được mọi việc. Lần đầu tiên gặp Hải ở buổi phỏng vấn tôi đã bị ấn tượng mạnh mẽ bởi phong thái đàn ông nơi anh. Lãnh đạm, quyết liệt và quyền lực. Những điều tôi chưa bao giờ bắt gặp ở Nam.
Do công việc thường xuyên phải đi công tác và tiếp khách, tôi và Hải có dịp tâm sự với nhau nhiều hơn ngoài công ty, nơi chúng tôi có thể bớt phần nào bị trói buộc bởi những luật lệ khó nhằn nơi công sở. Biết tôi phải chăm con nhỏ, chồng lại chưa vượt qua được cú sốc khởi nghiệp thất bại, Hải tự làm đề xuất tăng lương cho tôi và thi thoảng còn tặng tôi những món quà đắt tiền. Đi cùng anh, tôi chưa từng phải chi một đồng nào cả.
Mấy tháng sau, Nam mới tươi tỉnh trở lại. Nam ôm tôi vào lòng và nói lời xin lỗi, hứa hẹn anh sẽ xốc lại tinh thần để gồng gánh gia đình cùng tôi. Giây phút đó, tôi không chút mảy may xúc động trước lời Nam nói. Tôi tưởng tượng nếu mình đang nằm trong vòng tay của Hải sẽ như thế nào. Khi Nam ngày càng bệ rạc, trở lại làm nhân viên quèn với mức lương ba cọc ba đồng, tôi lại càng điên cuồng bị thu hút bởi vẻ đĩnh đạc của Hải. Những món quà rẻ tiền của Nam khi đặt bên cạnh những thứ đắt tiền Hải tặng tôi lại càng thêm kệch cỡm.
Khi Nam trở về với việc chăm con và nấu nướng sau giờ làm thì cũng là lúc tôi ra ngoài nhiều hơn. Đôi khi Nam nhắc khéo:
Dạo này công việc bận lắm sao em? Lâu lắm rồi cả nhà mình chưa cùng ăn tối.
Tôi gắt:
Đương nhiên là bận rồi. Anh nghĩ công ty rảnh hơi mà trả tôi từng ấy tiền lương để đến văn phòng ngồi chơi xơi nước à.
Mức lương của tôi đã gấp ba lần lương Nam hiện tại. Dù tôi không nói ra con số nhưng nhìn cách tôi chi tiêu, mua sắm, chưng diện, Nam chắc chắn cũng có thể đoán được. Nam thở dài, nhưng dịu dàng nói:
Em chú ý sức khoẻ một chút. Công việc quan trọng nhưng cũng cần ăn uống điều độ thì mới có sức mà làm.
Tôi không đáp lời mà quay lưng ra khỏi nhà. Tôi chán ngấy cái kiểu ưa càm ràm của Nam rồi. Giá như Nam được một chút phong thái của Hải thì đã tốt. Thực sự, công việc của tôi đương nhiên là bận. Nhưng không phải lúc nào tôi ra ngoài cũng vì công việc. Ví dụ như hôm nay.
Vừa bước vào nhà hàng tôi đã trông thấy Hải. Anh nheo mắt nhìn tôi:
Em cứ ra ngoài thường xuyên như vậy chồng em không nói gì à?
Có kêu ca nhưng em không thèm quan tâm, em chán ngấy anh ta rồi. Còn anh? Chị nhà không hỏi anh đi đâu sao?
Hải nhoẻn cười:
Không! Hai vợ chồng anh chỉ là hai kẻ xa lạ sống dưới một mái nhà. Nhưng anh không thể ly dị với cô ấy được. Gia đình hiện tại là một vỏ bọc hoàn hảo cho anh làm những gì mình muốn.
Tôi hiểu những gì Hải nói. Tôi cũng không muốn ly dị với Nam. Con gái tôi vẫn cần cha. Và mặc dù tôi không còn cảm xúc yêu đương gì với Nam nhưng xét về vai trò làm chồng, làm cha, Nam không có gì đáng chê trách cả.
Anh thấy tình cảnh của chúng ta thật giống nhau. Em nghĩ sao nếu chúng ta có với nhau một thoả thuận ngầm?
Thoả thuận ngầm?
Tôi lặp lại lời của Hải. Mắt Hải nhìn tôi nóng rực. Tôi biết mắt mình hiện tại cũng giống như anh, đầy khao khát. Hải cất giọng trầm đục:
Đúng vậy, xoa dịu nhau giữa cuộc sống hôn nhân nhàm chán này. Chắc chắn anh sẽ không để cho em phải chịu thiệt. Chỉ cần… em không hé răng về thoả thuận giữa hai ta.
Tôi và Hải đồng thời nâng ly, đánh dấu cho một bước tiến mới trong mối quan hệ đã có nhiều phần mờ ám. Chúng tôi bên nhau nhiều hơn, và cũng liều lĩnh hơn. Tôi thậm chí còn nói dối Nam mình đi công tác để có thể tận hưởng chuyến du lịch dài ngày bên người tình. Tôi mê đắm Hải và anh lúc nào cũng dùng ánh mắt đê mê nhìn tôi. Lần nào đi du lịch về, tôi cũng mua hàng tá quà đắt tiền cho Nam và con gái để khoả lấp chút cảm giác tội lỗi trong tôi.
Ban đầu con gái tôi vui lắm khi nhận những bộ quần áo và đồ chơi xinh đẹp. Nhưng thời gian sau nó lại buồn bã nói:
Con không cần quà đâu, con chỉ cần mẹ ở bên cạnh thôi.
Mẹ còn phải đi làm, không thể ở nhà chơi với con được. Nếu như mẹ ở nhà thì lấy đâu ra tiền để con ăn ngon, mặc đẹp và học ở trường tốt. Ngoan!
Sau khi bé Tâm ủ rũ vào phòng ngủ, Nam ngồi xuống bên cạnh tôi, nhỏ nhẹ:
Em đừng nói như vậy với con. Con sẽ nghĩ rằng mình là nguyên nhân khiến mẹ phải làm việc vất vả.
Tôi trừng mắt nhìn Nam:
Vậy thì tôi phải nói thế nào? Hay anh cho rằng với mức lương ba cọc ba đồng của anh có thể lo đủ đầy cho gia đình này. Anh không tự xem lại bản thân và hỏi tại sao một người phụ nữ như tôi lại phải lăn lộn bên ngoài kiếm sống như vậy? Không phải do anh làm chồng làm cha bất tài sao?
Mắt Nam khẽ động nhưng anh chỉ thở dài. Dạo gần đây anh thường xuyên thở dài, anh già đi thấy rõ với gương mặt lo âu không còn sức sống:
Có nhiều người nói với anh họ trông thấy em đi cùng một người đàn ông, cử chỉ của hai người vô cùng thân mật.
Tôi chột dạ, ngay lập tức giả vờ tức giận để làm Nam xao động:
Đấy là giám đốc của tôi. Chúng tôi làm việc cùng nhau đương nhiên phải đi chung rồi. Tôi đi làm đã mệt mỏi rồi, về nhà còn phải chịu đựng thêm thói ghen bóng ghen gió của anh nữa sao?
Anh không có ý đó. Anh tin em. Nhưng anh cũng mong em có thể cố gắng giữ khoảng cách với anh ta. Chuyện này không chỉ ảnh hưởng đến danh dự của em mà còn làm anh và con buồn lòng nữa.
Thì ra anh cũng chỉ lo lắng mình bị người ta cười nhạo nên rào trước đón sau với tôi. Tôi chẳng làm gì để phải xấu hổ nên tôi sẽ không thay đổi gì cả.
Nói xong, tôi đứng dậy vào phòng ngủ, để mặc Nam ngồi lại một mình.
Và quả thật tôi đã không thay đổi gì cả. Những thứ bị cấm đoán luôn có sức hút mãnh liệt. Mối tình vụng trộm mang đến cho tôi và Hải những niềm vui vượt quá hạnh phúc cõi người. Chúng tôi ngày càng bạo gan hơn, gặp riêng nhau nhiều hơn và cùng tận hưởng những chuyến du hí xa xỉ hơn. Đồng nghiệp cũng có người bàn ra tán vào nhưng chúng tôi mặc kệ. Dù gì bọn họ cũng chẳng thể làm gì được chúng tôi, nếu bọn họ dám hé răng thì sẽ nhận được một quyết định thôi việc hoặc cũng chẳng thể sống yên ổn nơi công sở.
Nhưng giấy vốn không gói được lửa. Vào trước thời điểm tôi được xét thăng chức thì một đoạn video đã được đăng lên trang web công ty. Đó là video tôi và Hải cùng nhau đi du lịch lại một Resort đắt tiền, chúng tôi đã ôm hôn nhau cuồng nhiệt mà không hay biết có kẻ đang rình rập mình.
Chuyện này chẳng mấy chốc tới tai ban lãnh đạo. Video trên web công ty bị xoá nhưng điều này chẳng có ý nghĩa gì khi nó đã lan tràn trên mạng xã hội một cách chóng mặt. Tôi bị sa thải, còn Hải thì bị cách chức và điều chuyển sang chi nhánh khác.
Nam đòi ly dị dù tôi đã hết lòng van xin anh tha thứ. Anh không mắng tôi một câu, chỉ lạnh lùng nói “Cút”. Bé Tâm khoá trái cửa trong phòng, không chịu ra gặp tôi. Nó khóc nói “Con ghét mẹ lắm!”.
Cả thế giới xung quanh tôi đổ sụp. Tôi bỗng chốc từ người có tất cả mọi thứ trở thành kẻ trắng tay. Ba mẹ chồng và cả ba mẹ ruột đều từ mặt tôi. Tôi biết tôi đã làm cho những người yêu thương mình thất vọng và đau lòng đến cùng cực.
Tôi thuê một phòng trọ tồi tàn cách xa nơi ở cũ. Tôi không dám đi làm, thậm chí tôi hạn chế cả việc đi ra ngoài vì tôi luôn có cảm giác người ta đang chỉ trỏ, khinh khi mình. Tôi nhận hàng gia công về phòng trọ làm và sống bằng tiền lãi tiết kiệm ít ỏi. Tôi nhiều lần gọi cho Nam và con gái nhưng họ đều đã chặn số tôi. Tôi chỉ dám lập một facebook ảo, âm thầm theo dõi cuộc sống của họ.
Trong những ngày tháng sám hối dài đằng đẵng, tôi chỉ mong có một phép màu khiến thời gian quay trở lại, tôi chắc chắn sẽ trân trọng gia đình nhỏ của mình và không chạy theo những ham muốn nhất thời.
Khoảng một tháng sau đó, Hải chuyển đến sống cùng tôi. Hải bỏ việc ở công ty vì xấu hổ và cũng vì chẳng còn ai xem trọng anh nữa. Vợ Hải cũng quyết định ly dị dù anh đã quỳ gối van xin tha thứ. Nhưng Hải may mắn hơn tôi vì anh vẫn được gặp con trai hằng tháng. Hải làm đủ thứ nghề và cả chạy xe ôm công nghệ để kiếm sống qua ngày. Anh không còn vẻ hào hoa phong nhã ngày xưa mà biến thành gã đàn ông cục súc, hay to tiếng và ưa động tay động chân.
Chúng tôi bên nhau nhưng niềm vui trước kia đều biến mất. Có chăng chỉ là hai kẻ lầm lỡ cùng nhau sám hối tội lỗi của mình. Tôi biết, anh cũng hối hận như tôi. Nhưng tất cả những gì chúng tôi có thể làm hôm nay là cầu phúc cho những người đã tổn thương vì mình và mong chờ một ngày nào đó họ sẽ rộng lòng tha thứ.
Gây dựng hạnh phúc thật khó khăn, nhưng để đánh mất thì chỉ cần một giây phút lầm lạc, tham lam, mưu cầu quá phận. Nhiều lúc ngồi một mình trong căn phòng trọ nhỏ, tôi nghĩ rằng nếu như lúc trước tôi học được cách trân trọng những gì mình sở hữu thì tôi đã không rơi vào tình cảnh khốn khổ hiện nay. Để vượt qua cám dỗ, không chỉ cần trí tuệ, còn cần vun dưỡng lòng biết ơn với những gì mình có. Những điều đó, ai may mắn nhận ra được càng sớm thì cuộc sống sẽ càng tươi đẹp.
Tác giả: Thanh Lam - blogradio.vn