Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu
Thứ năm - 01/04/2021 00:19
Sự thật thì giữ được bản tính thiện lương của một người mới khó, chứ biến một người thiện lương thành một kẻ lưu manh thì chả mất nhiều công sức cho lắm. Giống như việc xây một ngôi nhà đẹp đẽ có khi mất đến cả năm, nhưng để biến nó thành đống gạch vụn thì không cần đến một giờ đồng hồ.
***
Tôi là một gã trai khá lười biếng và sống tùy tiện. Với suy nghĩ của tuổi mười tám, tôi tự ngụy biện rằng đó là một cách để hưởng thụ cuộc sống. Chả nhớ tôi nghe ở đâu hai câu thơ mà tôi vô cùng tâm đắc, và thuộc đến tận bây giờ, mặc dù tôi không hề yêu thích thơ văn cũng như bất cứ một môn học nào:
“Nhân sinh bất hành lạc
Thiên tuế diệc vi thương”
(Sống mà không biết hưởng lạc thú/ thì sống đến ngàn năm cũng chỉ là kẻ đáng thương)
Chả ai muốn mình là kẻ đáng thương cả, nên tôi coi hưởng lạc là phương châm sống của mình.
Còn gì vui thích hơn được nằm dài cả buổi để cày hết từ Clash of Clans, Clash Royale đến Liên minh huyền thoại? Còn gì vui thích hơn được rong ruổi khắp nơi, lê la khắp các quán xá với lũ bạn cùng chí hướng? Đời người mấy nỗi, sự sống vô thường, nay sống mai chết ai lường trước được, nên cứ là phải vui hết mình, chơi tới bến. Chỉ những kẻ ngốc mới vùi mình vào sách vở, công việc, rồi sống một kiếp sống vô vị, sống mà không biết mình sống.
Cha mẹ tôi rầu rĩ vì tôi, như bất cứ những đấng sinh thành mẫu mực nào luôn mong muốn con mình ngoan ngoãn, vâng lời mà đứa con thì ngang tàng, ngỗ ngược. Bé thì họ dùng roi vọt, và dù lươn lằn dọc ngang trên cơ thể, họ cũng không lấy được của tôi một giọt nước mắt. Tôi đã nổi tiếng lì lợm từ nhỏ. Thấy mấy ngón võ đòn này không mấy hiệu quả, họ chuyển sang dùng võ mồm. Họ mắng, họ quát, họ chửi bới... bằng thứ ngôn ngữ gần như không bao giờ tìm thấy trong bất cứ một cuốn từ điển nào nhưng cũng chả thay đổi được tôi, mà chỉ làm điếc tai mấy bác hàng xóm. Thành thử nhà tôi – ngày nào cũng như ngày nào, thật là ầm ĩ. Điều kì lạ là năm nào cũng thấy bác trưởng thôn mang giấy chứng nhận gia đình văn hóa đến trịnh trọng trao tận nhà. Và họa chăng, chỉ có duy nhất ngày hôm đó, dàn giao hưởng mắng, quát, chửi... mới tạm thời lắng xuống những nốt trầm nhất. Họ vẫn mắng, vẫn quát, và vẫn chửi bới, nhưng volum đã được vặn xuống cái mức đủ chỉ để tôi nghe, và đủ để không phải bẽ mặt với hàng xóm láng giềng sau khi vừa mới được dập mác “văn hóa”.
Bằng mọi thứ mánh khóe, cơ hội, nên dù thành tích học tập, rèn luyện vô cùng bất hảo, tôi cũng trúng tuyển và học được lên tới cấp ba. Cha mẹ tôi không bao giờ tin rằng tôi có thể thi đỗ, họ thường ca bài ca muôn thuở: “Mày mà thi đỗ vào cấp ba thì có mà mặt trời mọc đằng tây”. Cầm phiếu báo điểm về đưa cho bố mẹ, tôi vênh vênh tự đắc:
- Đấy, bố xem mặt trời có mọc đằng Tây không?
Đó là lời cảnh tỉnh cho những ai vẫn coi tôi chỉ là một kẻ hư hỏng, bất tài vô dụng, trong khi tôi đã làm được cái việc mà không một ai tin tôi có thể làm được. Đẳng cấp của tôi là đẳng cấp của một người không cần tuân theo những trật tự thông thường mà vẫn làm nên chuyện.
Từ ngày vào cấp ba, cha mẹ tôi đến mắng chửi cũng không thèm, chứ nói gì đến chuyện động thủ. Vì nghĩ đến sĩ diện của tôi chăng? Hay sĩ diện của họ? Ồ, không! Càng không phải vì tôi đã thay đổi, mà vì họ bất lực thì đúng hơn. Khi người ta không thể làm được cái điều mà người ta muốn, thì chỉ còn cách là buông xuôi, mặc cho nó đến đâu thì đến. Trong mắt họ tôi đã trở thành đứa con hư hỏng chính hiệu, hư hỏng và vô phương cứu chữa.
Không chỉ bố mẹ, mà mọi người xung quanh đều không còn chút hi vọng gì vào sự thay đổi của tôi. Một kẻ chỉ biết học hành là phụ, hưởng thụ là mục tiêu, ăn chơi tỏ mọi điều, chỉ biết điều là thiếu như tôi thì ai còn tin có ngày sẽ đổi khác?
Trong nhóm tôi có một gã trai nhà giàu, tên Hiếu. Tên này vốn dĩ là thằng học cực giỏi, con nhà có điều kiện nên được chăm bẵm, đầu tư từ trong trứng mà. Và trước khi sa ngã, thì nó cũng ngoan ngoãn, hiền lành như bất cứ một kẻ con nhà có nề nếp nào. Tiếc thay, nề nếp của cái nhà ấy, lại không đủ vững chãi để đảm bảo cho sự chăm ngoan của nó phát triển đến kì bình ổn. Lẽ ra, bố mẹ nó phải đợi được đến lúc tâm sinh lí nó tới kì bình ổn, mới lôi nhau ra tòa. Đằng này, họ lại phạm sai lầm nghiêm trọng ấy đúng vào cái tuổi chông chênh nhất của cuộc đời thằng con họ.
Nhưng tôi không muốn nói thêm lời nào về sai lầm của họ, mà tôi muốn nói về thằng Hiếu như một kẻ mà tôi mỗi lần nghĩ đến là không khỏi ân hận sâu sắc tận đáy lòng bởi những gì mà tôi gây ra cho cuộc đời khốn khổ của nó. Giá thử xa xôi đã đành, đằng này, mỗi ngày, tôi vẫn phải giáp mặt nó ngày hai buổi đi học. Cái chân thấp thểnh, mái tóc để dài phủ kín một bên tai nhắc nhớ tôi những điều tồi tệ mà tôi đã làm trong cái tuổi bồng bột nhất của cuộc đời mình.
Với con mắt trải đời vô cùng nhạy bén, lũ chúng tôi nhận ra ngay những tín hiệu của đồng bọn khi thấy thằng Hiếu học hành bỗng chốc tụt dốc không phanh, và tỏ ra vô cùng bàng quan trước mọi sự việc xảy ra xung quanh nó. Nó bỏ học nhiều hơn, nợ bài nhiều hơn, lì lượm khó bảo hơn, và hầu như cả buổi học nó hoặc cúi gục, hoặc chúi mặt vào chiệc điện thoại chẳng thèm bắt chuyện với ai,... Tóm lại là những biểu hiện chưa hề thấy ở nó trước khi xảy ra biến cố gia đình.
Thế là chúng tôi tận dụng cơ hội này để biến nó từ một tên sắp hư hỏng thành một kẻ hư hỏng thật sự. Chúng tôi lôi kéo nó vào những cuộc chơi vô bổ của nhóm, phần vì muốn làm hùng hậu thêm đội quân vốn dĩ đã đông đảo khiến bất cứ một kẻ máu mặt trong trường nào cũng phải kiêng nể, phần vì muốn có thêm một thằng sẵn sàng rút tiền ra thanh toán cho cái sự ăn uống chơi bời của cả lũ.
Và sự thật thì giữ được bản tính thiện lương của một người mới khó, chứ biến một người thiện lương thành một kẻ lưu manh thì chả mất nhiều công sức cho lắm. Giống như việc xây một ngôi nhà đẹp đẽ có khi mất đến cả năm, nhưng để biến nó thành đống gạch vụn thì không cần đến một giờ đồng hồ. Và chỉ sau mấy lần nhập bọn, chúng tôi đã thành công rực rỡ trong kế hoạch đào tạo “đàn em”, một thằng có IQ cao nhất lớp nhưng cũng không đủ thông minh để miễn dịch với những con vi rút hư hỏng.
Và tôi tưởng chừng như nó còn biết ơn chúng tôi lắm lắm vì đã cho nó tận hưởng những điều vui thú mới mẻ mà bất cứ thằng học sinh chăm ngoan nào cũng không hề biết đến.
Biến cố xảy ra vào đúng ngày sinh nhật một thằng trong bọn. Với bản tính thích thể hiện của những thanh niên mới lớn, chúng tôi tụ tập ở quán rượu ốc quen thuộc. Lời chúc, tiếng “dô” cứ gọi là vang banh nóc. “Dô” xong rồi uống, uống xong lại “dô”, thật là một cảnh tượng vui vẻ và đoàn kết hết mức, cảnh tượng mà khiến ai nhìn vào cũng phải phát ghen tị lên.Tàn cuộc, cả lũ chập choạng ra về. Tôi chở thằng Hiếu về nhà nó sau con chiến hữu lụa.
Chúng tôi lướt êm êm trên cung đường vắng. Gió mát, trăng thanh, tôi mơ màng tưởng mình đang đi trên thảm đỏ của sàn catwalk, giữa biết bao nhiêu những ánh mắt tán dương, ngưỡng mộ. Đôi tay vươn ra ôm lấy bó hoa mà một em xinh tươi trao tặng... Tôi vẫn ấp ủ giấc mơ sau này thành nhà thiết kế thời trang cơ mà. Bỗng “rầm”, tôi choàng tỉnh, cơn đau tê dại bên sườn cho tôi biết mình vừa tông xe vào dải phân cách. Tôi nằm cạnh ngay chiếc xe, còn thằng Hiếu? Thằng Hiếu đâu, tôi hốt hoảng đảo mắt tìm. Nó kia, nằm bất động bên kia dải phân cách. Cố trườn qua, tôi lay nó, nó vẫn nằm im. Nó chết rồi sao? Tôi sợ hãi, hoảng loạn, đầu không còn nghĩ được gì, chỉ biết lấy điện thoại ra, gọi. Không một thằng đồng bọn nào bắt máy, thành ra người đến cứu chúng tôi, rút cục lại là bố mẹ tôi.
Chúng tôi được đưa vào bệnh viện ngay sau đó. Hú vía, không đứa nào mất mạng, cái thằng tôi thì gãy hai rẻ xương sườn, mặt sứt sẹo. Còn thằng Hiếu bị dải phân cách bén sắc gọt mất mảng gót chân và một miếng nhỏ bên tai trái, đầu đập xuống đất, nhưng may chưa đi luôn hộp sọ. Giá thử nó mà chết thì không biết tôi sẽ ân hận đến bao giờ. Và giá thử, tôi là thằng chết thì ngay cả cái cảm giác ân hận cuối cùng tôi cũng không còn được trải qua. Tôi rùng mình khi nghĩ đến cái chết vì tai nạn giao thông của bạn học cùng trường cách đây không lâu. Chưa bao giờ tôi thấy sự sống lại mong manh đến thế.
Đôi khi phải đánh đổi một thứ gì đó, ta mới có thể nhận thức được những gì mà ta đã làm. Gần tháng trời đau đớn nằm viện, không một thằng chiến hữu nào đến thăm tôi, để tôi hiểu rằng chúng nó “tốt” với tôi cỡ nào, tình bạn thực sự là như thế nào. Gần tháng trời nằm viện, chỉ có bố mẹ chạy đôn chạy đáo lo lắng cho tôi, để tôi hiểu rằng, những người thân yêu nhất mới là những người không bao giờ bỏ rơi mình lúc hoạn nạn. Và cũng ngần ấy thời gian, đủ để tôi hiểu rằng, sự sống là vô thường, nếu không trân quý nó, thì một sự vô lí tình cờ hay một tai họa bất ngờ ập đến có thể sẽ khiến ta vĩnh viễn không còn được thấy mặt trời nữa.
Tuổi trẻ không tránh khỏi những sai lầm, lạc lối. Không một ai sống trọn vẹn cuộc đời mà chưa từng mắc sai lầm. Sai lầm không đáng sợ, cái đáng sợ là bản thân biết mình sai nhưng cố chấp không chịu sửa sai, ngụy biện cho nó bằng những thứ ngôn ngữ mĩ miều như “khẳng định cá tính”, “giữ vững lập trường” hay “được là chính mình”... Cứ như vậy, con người sẽ trượt dài trên bờ vực thẳm của sự sa ngã. Còn khi đã nhận thức được lựa chọn của mình là sai, dám chấp nhận từ bỏ, sửa sai, thì bản thân mới dần dần hoàn thiện, chạm đến những điều tốt đẹp. Cuộc đời mình còn dài lắm, không thể lãng phí nó cho những điều xấu xí, vô bổ.
Trải nghiệm không mấy “êm ái” của lần này khiến tôi vỡ lẽ ra nhiều điều như thế! Có lẽ rằng tôi sẽ phải thay đổi, chín chắn hơn, kỉ luật hơn, bớt ngông cuồng hơn, trân trọng cuộc sống và những người xung quanh hơn... Tôi sẽ xây dựng một hình ảnh khác về bản thân mình.
Và, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu...
Tác giả: An Hạ - blogradio.vn