Trưởng thành là không ngại cô đơn
Thứ ba - 08/12/2020 23:14
Trưởng thành là khi ta thôi than phiền, thôi đổ lỗi và bắt đầu hành động để thay đổi. Suy cho cùng, người trưởng thành không sợ không có bên cạnh, không ngại cô đơn. Người trưởng thành sợ không có tiền, mà sợ nhất là không có nhiều tiền khi bố mẹ bắt đầu đã già đi.
***
Trưởng thành rồi sẽ không ngại cô đơn (Hương Xuyến Chi)
Ngày còn trẻ, ta thích một bạn cùng trường. Tìm đủ mọi cách mới có thể làm quen. Khi đó chẳng sợ gì, chỉ sợ người ta không thích mình nhưng cũng thật may, người ta thích cũng thích ta. Thế là nắm tay nhau đi hết những năm tháng sinh viên.
Lúc đó chẳng có gì trong tay cả mà có đầy tình yêu ở trong tim. Nhiều khi cuối tháng lỡ tiêu hết tiền, phải ăn mì tôm vẫn có thể yêu đời. Những buổi hẹn hò đôi khi cũng không cần quán xá, đi xem phim hay những chuyến dạo chơi đắt tiền. Đôi khi chỉ cần đèo nhau đi khắp thành phố, lúc về trao nhau một cái ôm, như vậy mà vui buồn có nhau suốt thời tươi đẹp.
Ngày ra trường, ta cần phải xác định tương lai của mình. Định hướng nghề nghiệp như thế nào. Một là chúng ta tiếp tục nắm tay nhau, hai là chúng ta sẽ cố gắng vượt qua những ngày cô đơn ở phía trước.
Ngày đó anh đã buồn tìm đến men say suốt tuần liền, em tối nào cũng khóc ướt đẫm gối. Nhưng ngày ấy chúng ta cũng mạnh mẽ mà bước tiếp. Tất cả rồi cũng qua, điều tốt đẹp giữ lại là những kỷ niệm đã cùng nhau một thời vô lo vô nghĩ.
Mãi đến sau này, chúng ta có một công việc, sống bon chen trong thành phố. Vẫn cố gắng tiết kiệm, tăng ca, làm thêm việc ngoài để sau này có cuộc sống tốt hơn.
Bạn bè, người quen xung quanh chúng ta, người đã lập gia đình, người thì đã mua nhà, mua xe. Điều đó trở thành áp lực để chúng ta cố gắng hơn trong từng bước đi của mình.
Những đổi thay và khó khăn trong cuộc sống giúp chúng ta chín chắn hơn, biết cam chịu và nỗ lực hơn từng ngày. Ngay cái thời khắc người ta gọi là "tập trung sự nghiệp" chúng ta lại lỡ đem lòng thương một người.
Lúc này điều chúng ta sợ không phải là “Người mình thích có thích mình hay không?” Điều ta sợ đó là “Lúc bản thân chưa có đủ khả năng, lại gặp người mình muốn chăm sóc cả đời”.
Thay vì cố gắng theo đuổi như ngày còn đôi mươi, ta lại lặng lẽ theo dõi cuộc sống của người ấy, lặng lẽ quan tâm. Vài ba tuần mới có thể tìm ra lý do để nhắn tin hỏi thăm người ấy sống thế nào, lướt facebook thấy người ấy đăng bài cũng chỉ nhẹ nhàng nhấn like, đặt ở chế độ xem trước và không bỏ lỡ bất cứ story nào của người ấy.
Nhiều lúc muốn có một cuộc hẹn cũng không biết nên mở lời như thế nào. Ta tự hỏi “Mình là gì của nhau?”. Là bạn bè thì không có đủ lý do để gặp nhau thường xuyên, là người yêu thì chưa từng. Đôi khi muốn lấy hết can đảm để nói lời tán tỉnh, thổ lộ hết lòng mình, lại sợ người ta phải lòng, sợ mình không đủ tốt để bắt đầu một mối quan hệ mới.
Ngày còn trẻ ta ước được lo toan, được gánh vác cuộc sống này, ước được bận rộn, ước được đối mặt với khó khăn. Nhưng khi đã đủ hai mươi mấy năm cuộc đời, ta lại muốn trở về thời dám nghĩ dám làm, dám yêu say đắm một người mà không phải đánh đổi bất cứ thứ gì.
Mỗi sớm thức dậy, ta không được phép nghỉ làm mà không báo trước, sợ trễ hợp đồng với đối tác, sợ không kịp deadline. Ta lại thấy thời còn trẻ ấy vậy mà hiên ngang, nợ môn cũng chẳng sợ, đẹp trời thì cúp tiết đi chơi. Và lúc ấy thích ai thì nói, yêu ai sẽ theo đuổi đến cùng, không do dự cũng không phải bận tâm nhiều thứ khác.
Có thấy đáng tiếc không khi ta ngại yêu, khi ta không đủ dũng khí để đặt tên cho mối quan hệ ta vốn dĩ khao khát có được. Cũng đồng nghĩa với việc ta tước đi tư cách của bản thân. Đó là tư cách được đồng hành, được yêu thương, được ghen, được chăm sóc và được chịu trách nhiệm với người mình thương, thay vào đó chỉ lặng lẽ nhìn người ấy tìm được bến đỗ.
Thế là ta tự gom lấy cho mình những tổn thương và nuối tiếc, những nỗi niềm khóa chặt trái tim ta lại, cô đơn mỗi đêm cũng chỉ là thử thách để con tim kiên cường hơn.
Ta dậy sớm, thức khuya, cuối năm vẫn cố gắng nhận thêm việc. Ta chỉ mong đến một ngày, có thể lo lắng được cho cha mẹ và tự tin chăm sóc người mình thương cả đời. Hóa ra, đó chính là trưởng thành.
Trưởng thành là khi ta thôi than phiền, thôi đổ lỗi và bắt đầu hành động để thay đổi. Suy cho cùng, người trưởng thành không sợ không có bên cạnh, không ngại cô đơn. Người trưởng thành sợ không có tiền, mà sợ nhất là không có nhiều tiền khi bố mẹ bắt đầu đã già đi.
Trưởng thành và cô đơn, dường như bao giờ cũng gắn liền với nhau. Cô đơn theo một chiều hướng tích cực để giúp chúng ta vượt qua cảm giác chênh vênh trong cuộc sống dễ dàng hơn. Đối với những người trưởng thành, thì nỗi cô đơn được xem là một điều vô cùng đẹp đẽ.
Khi bước qua cái bóng của thanh xuân, chúng ta phải học cách bước đi trên con đường dành cho những người trưởng thành thật sự. Một ngày dài trôi qua, hòa mình vào đám đông xa lạ, mọi người đều hối hả để lướt qua cuộc đời nhau một cách vội vã như đang chạy đua với thời gian hữu hạn của chính bản thân mình.
Thời gian chẳng bao giờ được gọi là đủ cho cuộc sống bộn bề của một người trưởng thành. Mỗi ngày thức dậy, ý nghĩ đầu tiên mà chúng ta hình dung trong đầu là hôm nay có bao nhiêu công việc đang đợi mình giải quyết. 24 giờ đồng hồ tích tắc trôi qua đi, mọi việc vẫn đang dở dang. Chúng ta cảm thấy mệt mỏi trước những điều đang xảy ra, rằng bản thân đã cố gắng nhưng dường như cuộc sống chưa bao giờ là ổn cả.
Những tiếng thở dài tuyệt vọng, những ánh mắt đăm chiêu nhìn vào những khoảng lặng vô hồn. Có phải chăng, chúng ta đã quá cô đơn trong cuộc sống hiện đại này? Tôi cũng chẳng biết, có nên xem nó là nỗi cô đơn tiêu cực hay không. Những gì tôi thấy, chỉ là những hình ảnh mơ hồ về cuộc sống này, tôi chẳng thể nào lưu giữ những điều khiến mình vui vẻ như lúc trước đây. Tất cả giống như một cuốn phim cũ kỹ đang được tua chậm trong đầu tôi vậy.
Chắc hẳn, chúng ta ai lớn lên mà chẳng thấy cô đơn chênh vênh đến lạ lẫm. Nỗi cô đơn mà chúng ta không thể than vãn với bất kỳ ai, cũng không thể nhờ ai đó giúp đỡ, càng không thể khóc òa lên như một đứa trẻ khi xung quanh đây là thế giới của những người lớn. Họ sẽ chỉ nhìn bạn và cho rằng bạn là một kẻ yếu đuối mà thôi.
Khi ngồi một mình lặng lẽ, nhìn thành phố chuyển động và khép mình sống trong nỗi cô đơn của bản thân. Tôi lại nghĩ “Chỉ khi trưởng thành như thế này, chúng ta mới biết đích thực nỗi cô đơn là gì?” Là tự tạo cho mình một vỏ ngoài rất ổn, nhưng sâu thẩm bên trong lại tự phá vỡ từng mảnh ghép tâm hồn chính mình. Áp lực giữa cuộc sống đầy những điều toan tính và ganh đua lẫn nhau, khiến chúng ta càng dễ cô đơn hơn bao giờ hết. Đôi khi cảm thấy sợ hãi, vì không biết trong dòng đời xô bồ và phức tạp như thế này, liệu chúng ta còn là chính mình nữa hay không?
Nhưng càng ngày tôi càng thấy rằng, dường như càng trưởng thành càng khiến tôi thích cảm giác cô đơn này hơn bao giờ hết. Mặc dù bề ngoài chúng ta vẫn nghĩ, tạo ra nỗi cô đơn trong cuộc sống chính mình chẳng hề tốt chút nào. Nhưng trái lại, cô đơn cũng là một cái hay. Bởi vì, chỉ khi cô đơn chúng ta mới biết được rằng, nên lắng nghe cảm xúc bên trong mình nhiều hơn, để có thêm động lực tiếp tục bước tiếp.
Bất kỳ một ai, bước đến tuổi trưởng thành đều cảm nhận được sự cô đơn của bản thân. Nếu như bạn, không nhận ra mình cô đơn đến nhường nào, thì chắc chắn rằng bạn chỉ là đứa trẻ trong cơ thể của một người lớn mà thôi.
Từ khi nào, con người lại cảm thấy mình dễ cô đơn đến thế. Bài hát của ca sĩ Tóc Tiên đoạn điệp khúc cứ như ngân vang mãi trong đầu những người trưởng thành như tôi “Hôm nay sao tôi cô đơn quá” Cô đơn ở đây không được xem là nỗi cô đơn trong tình yêu đôi lứa, mà đó là nỗi cô đơn của những con người trưởng thành. Nhưng nghịch lý là, chúng ta chẳng hiểu vì sao mình lại cô đơn.
Thật ra nỗi cô đơn này, giống như một người bạn thầm lặng tìm đến và an ủi chúng ta vào những lúc tâm trạng bạn trở nên tồi tệ nhất. Thay vì, bâng khuâng suy tư với chính mình, thì chúng ta có một người sẵn sàng lắng nghe và đồng cảm, chính là sự cô đơn. Thậm chí, ngay cả lúc chúng ta vui vẻ cười nói với mọi người, vẫn tưởng mình sẽ rất ổn.
Nhưng chắc rằng, sâu thẳm trong tâm hồn đâu đó chúng ta vẫn thấy mình thật cô đơn. Chẳng biết vì sao, nỗi cô đơn vẫn luôn hiện diện kể cả khi bạn vui vẻ cơ chứ. Bạn có biết vì sao không? Vì nó giúp bạn nhận ra, dù bạn có thể giả dối với bao nhiêu người đi chăng nữa, thì cũng không thể nào giả dối với chính bản thân mình được, thật ra bạn không hề vui như bạn đã nghĩ.
Nếu xét mặt tích cực thì cô đơn một chút cũng không sao. Vì khi cô đơn, bạn sẽ có thời gian hiểu rõ bản thân mình đang nghĩ gì và cần gì. Bạn sẽ biết cách lặng lẽ chiêm nghiệm cuộc sống, theo cách mà mình nghĩ. Điều đó, không phải thú vị hơn so với việc phải hòa mình vào sự hào nhoáng lung linh của cuộc sống hiện đại ngoài kia hay sao.
Dường như khi trưởng thành, chúng ta không chỉ lớn về ngoại hình mà còn lớn về suy nghĩ. Nỗi cô đơn bất chợt, sẽ cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời này. Thậm chí, khi nhớ về hình ảnh của mình ngày xưa bạn sẽ không khỏi bật cười và nghĩ, thì ra mình cũng đã từng một thời vui tươi và yêu đời đến thế. Vì đó là thanh xuân là tuổi trẻ, bạn có quyền như thế. Nhưng khi trưởng thành, bạn sẽ nhận ra muốn vui vẻ như thời gian trước đó cũng là một điều khó khăn.
Có thể bạn của bây giờ, đã hoàn toàn khác xa bạn của ngày xưa, chín chắn và trưởng thành hơn trong mọi suy nghĩ lẫn hành động. Những thứ ngày xưa bạn từng rất thích, nhưng bây giờ bạn lại vô cùng thờ ơ với nó. Không phải là vì bạn không thích nó nữa, hay cảm thấy nó đã trở nên nhàm chán, mà đơn giản bây giờ nó không còn quan trọng với bạn nữa mà thôi.
Trưởng thành và cô đơn, dường như bao giờ cũng gắn liền với nhau. Cô đơn theo một chiều hướng tích cực để giúp chúng ta vượt qua cảm giác chênh vênh trong cuộc sống dễ dàng hơn. Vì vậy, nếu nỗi cô đơn tìm đến bạn, đừng vội xua đuổi nó mà hãy để nó giúp bạn nghe thấy tiếng nói trong lòng mình. Đối với những người trưởng thành, thì nỗi cô đơn được xem là một điều vô cùng đẹp đẽ.
Chương trình được thực hiện bởi nhóm sản xuất blogradio
Sản xuất: Thanh Lam
Giọng đọc: Ti Ti
Thiết kế: Hương Giang