Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Trong hình hài của người trưởng thành, mỗi chúng ta đều mang trong mình một “đứa trẻ” tổn thương cần được lắng nghe, quan tâm và chữa lành. Hồi ức tuổi thơ là “nguồn nước ngầm” dung dưỡng, tưới mát cho tâm hồn ta, nhưng đôi khi cũng là những “khoảng tối” đồng hành cùng chúng ta cho đến khi lớn lên. Tổn thương khiến “đứa trẻ” nội tâm hồn nhiên, trong sáng trở thành đứa trẻ sợ hãi, tự ti, đau buồn.
***
Trong hình hài của người trưởng thành, mỗi chúng ta đều mang trong mình một “đứa trẻ” tổn thương cần được lắng nghe, quan tâm và chữa lành. Hồi ức tuổi thơ là “nguồn nước ngầm” dung dưỡng, tưới mát cho tâm hồn ta, nhưng đôi khi cũng là những “khoảng tối” đồng hành cùng chúng ta cho đến khi lớn lên. Tổn thương khiến “đứa trẻ” nội tâm hồn nhiên, trong sáng trở thành đứa trẻ sợ hãi, tự ti, đau buồn.
Khám phá “đứa trẻ” nội tâm
“Đứa trẻ” nội tâm chính là bản chất chân thực, tinh khôi của mỗi con người. Đây cũng là phần chứa đầy sức sống, sự vui tươi, sáng tạo và niềm an bình nội tại trong sâu thẳm tâm hồn.
Khi một người trải qua một tuổi thơ không mấy vui vẻ, những nỗi đau thuở bé sẽ giống như lớp vỏ trong cùng của củ hành. Lớp vỏ ấy bị trầy xước bởi những định kiến lâu đời của cộng đồng, những mô thức hành xử sai lệch của gia đình, xã hội hay những tổn thương giấu kín.
Thời gian trôi đi, củ hành lớn lên và được bọc thêm nhiều lớp vỏ khác, nhưng vết thương cũ thì vẫn ở đó. Bởi vì được che chắn qua nhiều “lớp áo” nên chúng ta thường không nhận thức được sự tồn tại của những nỗi đau ẩn sâu. Từ đó, ta vô tình “cưu mang” những nỗi đau ấy và tạo điều kiện cho chúng “ăn sâu” vào tâm hồn mình.
Nguồn gốc của sự tổn thương trong “đứa trẻ” nội tâm
Trẻ em như những trang giấy trắng và cha mẹ, người nuôi nấng là những người đầu tiên viết lên trang giấy đó. Vì vậy, giáo dục gia đình ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của con trẻ. Việc thiếu hiểu biết trong cách nuôi dạy hay những sự kiện tiêu cực sẽ kìm hãm sự phát triển tự nhiên của “đứa trẻ” nội tâm.
“Đứa trẻ” tổn thương thường dễ tự ti, hổ thẹn, sợ hãi, thậm chí tê liệt tinh thần và mắc phải các vấn đề tâm lý nặng nề. Một số ví dụ về sự thiếu sót trong cách hành xử và những điều đau buồn xảy ra trong quá khứ làm ảnh hưởng đến tinh thần của “đứa trẻ” có thể kể đến như:
- Sự nghiêm khắc, trừng phạt, phán xét cực đoan.
- Sự cầu toàn.
- Ngược đãi về thân thể, tinh thần.
- Sự độc đoán.
- Không được công nhận.
- Thiếu công bằng.
- Cha mẹ ly hôn.
- Những lời nói mang tính “sát thương”.
Cách chữa lành “đứa trẻ” nội tâm
Để hàn gắn những vết thương lòng, chúng ta cần rất nhiều sự kiên nhẫn, lòng bao dung, tình yêu thương để kết nối với nội tâm và lắng nghe tâm tư của “đứa trẻ”.
1. Chấp nhận và đối diện cảm xúc
Trẻ em lớn lên trong hoàn cảnh bất ổn thường mang nhiều rối loạn về tinh thần. Những vết thương lòng khiến chúng ta sợ hãi và tìm nhiều cách để chạy trốn hay chống đối. Dần dà, chúng ta trở nên chai lì, mất kết nối với mọi người và với chính mình.
Thay vì chạy trốn cảm xúc, ta cần học cách chấp nhận và đối diện với những tổn thương. Việc chối từ nỗi đau chỉ càng làm ta chìm trong những vết thương của quá khứ. Hãy thường xuyên quan sát cảm nhận của chính mình mà không nên “dán nhãn” hay phán xét.
2. Chia sẻ câu chuyện ký ức
Bạn hãy chia sẻ những ký ức khiến bạn tổn thương cho một người nào đó mà bạn cảm thấy tin tưởng. Sự chia sẻ không chỉ giúp bạn sắp xếp lại những sự kiện đã xảy ra mà còn cho bạn cái nhìn bao quát về hành vi và tinh thần của mình. Từ đó, bạn sẽ tự chủ hơn trong cảm xúc và không bị những câu chuyện đau buồn chi phối.
3. Giao tiếp với “đứa trẻ”
Bằng cách “giao tiếp” với “đứa trẻ” bên trong, chúng ta có thể kết nối với nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi, ám ảnh trong hiện tại. Bạn hãy thực hành viết nhật ký để trò chuyện với bản thân, tâm sự với chính mình về những niềm đau, nỗi buồn mà bạn đã trải qua ở quá khứ. Thông qua việc viết lách, bạn sẽ hóa giải năng lượng tiêu cực và chữa lành những tổn thương của “đứa trẻ”.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tập trung phát triển những sở thích, đam mê thuở nhỏ của mình như ca hát, vẽ tranh, chơi nhạc cụ… hoặc dành thời gian chơi đùa với trẻ em, thú cưng, tiếp xúc với thiên nhiên, cây cỏ.
Hãy ôm đứa bé vào lòng với tất cả sự trìu mến và hứa rằng từ nay trở đi sẽ không bao giờ phụ bạc, bỏ rơi bé nữa.
(Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
4. Thiền định
Thực hành thiền định giúp tâm trí tĩnh lặng, bình an. Từ đó, chúng ta có thể dễ dàng đi vào chiều sâu của những “miền ký ức”. Khi thiền định, bạn hãy nhớ lại những sự kiện khiến bạn bị tổn thương. Hãy tưởng tượng mình đang sống và tồn tại trong kí ức ấy, hãy ôm “đứa bé” vào lòng và nói rằng: “Tôi đang lắng nghe bạn”, “Tôi thật tiếc vì những gì đã xảy ra với bạn trong quá khứ”, “Bạn đừng lo lắng vì tôi luôn ở bên cạnh bạn”, “Cảm ơn vì bạn đã là bạn”, “Tôi yêu bạn”.
Tác giả: Theo Elle
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn