Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Đã bao giờ bạn trải qua một biến cố lớn trong đời, bạn tuyệt vọng và không biết làm thế nào để vực dậy tinh thần? Những lúc như vậy, bạn sẽ ngụp lặn trong khổ đau, đổ lỗi cho hoàn cảnh hay đứng dậy và bước tiếp?
***
Đã bao giờ bạn trải qua một biến cố lớn trong đời, bạn tuyệt vọng và không biết làm thế nào để vực dậy tinh thần? Những lúc như vậy, bạn sẽ ngụp lặn trong khổ đau, đổ lỗi cho hoàn cảnh hay đứng dậy và bước tiếp?
Trong khi một số người “trượt dài” trên những nỗi đau, một số khác lại có thể đứng vững trên nghịch cảnh. Bí mật đằng sau sự kiên cường, mạnh mẽ này nằm ở sức bật tinh thần. Vậy sức bật tinh thần là gì và làm thế nào để nâng cao sức bật tinh thần? Cùng nhau đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.
Sức bật tinh thần là gì?
Sức bật tinh thần là sức mạnh tâm lý giúp chúng ta vượt qua những nghịch cảnh trong cuộc sống. Khi có sức bật, chúng ta được tiếp thêm năng lượng để phục hồi sau những khó khăn. Bên cạnh đó, sức bật tinh thần còn là khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh, những bi kịch, các mối đe dọa, khủng hoảng… Nhiều nhà khoa học cho rằng những người sở hữu sức bật tinh thần mạnh mẽ sẽ có năng lực xử lý vấn đề hiệu quả và tái thiết lập trật tự cuộc sống một cách dễ dàng.
Một trong những ví dụ điển hình cho sức bật tinh thần đó là hành trình vực dậy sau thảm họa thiên tai của dân tộc Nhật Bản. Suốt nhiều năm qua, đất nước Mặt Trời mọc thường xuyên đối mặt với động đất, sóng thần, bão lũ… Nơi đây phải gánh chịu quá nhiều mất mát về mặt kinh tế lẫn con người. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, cả thế giới đã phải “ngã mũ” trước sự phục hồi kỳ diệu của Nhật Bản từ những tan hoang, đổ nát.
Hiện tại, sức bật của mỗi người càng được minh chứng rõ ràng hơn trong thời kỳ đại dịch hay thiên tai, khi mà cả nhân loại đang đứng trước một cuộc khủng hoảng. Cùng một vấn đề, nhưng có người sẽ giữ được sự bình tĩnh, hướng vào những điều tích cực, một số khác thì lại đầy sợ hãi và lo âu.
Những nhân tố làm nên sức bật tinh thần
1. Di truyền
Theo một số nghiên cứu, khả năng phục hồi sau khó khăn của con người được tạo nên bởi yếu tố di truyền. Bà Khestan Koenen, giáo sư dịch tễ học tâm thần của đại học Harvard, khoa sức khỏe cộng đồng cho hay: “Theo tôi, nhân tố di truyền hình thành những khác biệt trong tính cách, khả năng chấp nhận rủi ro, hoặc quyết định bạn là người hướng nội hay hướng ngoại”.
2. Môi trường sống
Giáo sư Koenen tin rằng di truyền ảnh hưởng đến sức mạnh tinh thần, nhưng nó không chi phối toàn bộ khả năng vượt qua nghịch cảnh. Bởi vì sức mạnh tinh thần còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như điều kiện sống, cách giáo dục…
Theo Bessel van der Kolk, giáo sư tâm thần học tại Đại học Y khoa Boston, cảm giác được yêu thương khi còn nhỏ là một nền tảng tuyệt vời để chúng ta vượt qua những khó khăn, trắc trở trong đời.
Vị giáo sư này cho biết 20 năm đầu đời đặc biệt quan trọng. Bởi những trải nghiệm lần đầu tiên tác động rất sâu sắc đến não bộ và nhận thức của chúng ta. Ngoài ra, sức bật tinh thần còn phụ thuộc vào cách chúng ta được dạy dỗ, nuôi nấng, những người mà chúng ta thường xuyên tiếp xúc.
3. Niềm tin
Niềm tin có một sức mạnh vô cùng mãnh liệt. Nó là nguồn động lực vô hạn khiến con người vượt qua mọi nghịch cảnh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những người đặt niềm tin vào tôn giáo, các khía cạnh tinh thần hay tin vào những điều tích cực đều có khả năng phục hồi và sở hữu sự linh hoạt trong suy nghĩ. Bên cạnh đó, họ thường là những người lạc quan, dễ vị tha và đồng cảm với những người xung quanh.
Làm thế nào để nâng cao sức bật tinh thần?
1. Tìm thấy mục đích sống
Sẽ không dễ để bạn vượt qua những biến cố nếu bạn không thể ý thức được mục đích sống của bản thân. Cuộc sống như một bức tranh nhiều màu sắc. Khi đi qua những “mảng màu tối”, mục đích sống chính là ngọn hải đăng soi sáng cho hành trình của bạn.
Hãy tự mình trả lời câu hỏi: “Tôi đang sống và nỗ lực vì điều gì?”, “Những việc mà tôi đang làm, đang hướng đến thực chất mang ý nghĩa gì?”.
Đi tìm ý nghĩa cuộc sống cũng chính là cuộc hành trình khám phá chính mình. Do đó, bạn hãy quan sát bản thân, “kết nối” với con tim mình nhiều hơn để thấu hiểu và chọn cho mình câu trả lời.
Mỗi người sẽ tìm thấy một đáp án riêng. Đó có thể là mưu cầu hạnh phúc, được tự do tinh thần, hay đơn giản chỉ là những ngày tháng êm đềm bên gia đình và người thân… Dù mục đích của bạn là gì, thì những khi tràn ngập trong “bóng tối”, đừng quên bật sáng “ngọn đèn” của mình lên, bạn nhé.
2. Xây dựng kết nối tích cực
Ngạn ngữ Anh có câu: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào”. Những mối quan hệ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên lối sống và tính cách của một người.
Hãy xây dựng kết nối với những người tích cực thay vì những người thích than vãn. Biết cách thể hiện cảm xúc không đồng nghĩa với hành động luôn phàn nàn mọi lúc, mọi nơi.
Bạn có thể tham gia vào các hoạt động xã hội để có thể giúp đỡ cộng đồng, đồng thời có cơ hội chiêm nghiệm cuộc sống và nuôi dưỡng lòng trắc ẩn. Ngoài ra, hãy ưu tiên gia nhập những tổ chức, hội nhóm có cùng mục tiêu, chí hướng để được tiếp thêm động lực.
3. Duy trì lối sống lành mạnh
Cơ thể khỏe mạnh là nền tảng cho một trí tuệ minh mẫn. Hãy duy trì lối sống tích cực bằng việc có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ giấc, uống đủ nước và tập thể dục thường xuyên. Bằng cách này, bạn không những có một cơ thể khỏe mạnh mà còn có thể cân bằng, hóa giải những cảm xúc như lo lắng hoặc trầm cảm…
Lối sống lành mạnh không chỉ đến từ bên ngoài mà còn khởi nguồn từ suy nghĩ của bạn. Cuộc sống không phải lúc nào cũng “chiều” theo ý muốn của chúng ta, sẽ là vô ích nếu bạn tiêu tốn năng lượng của mình vào những việc không thể thay đổi.
Vì thế, hãy học cách chấp nhận sự thật, dành thời gian để nhìn nhận vấn đề và học hỏi từ quá khứ. Mặc dù thử thách khiến chúng ta không mấy dễ chịu, nhưng đó lại là cơ hội để bản lĩnh và sức bật tinh thần của ta được tôi rèn.
Thực hành chánh niệm sẽ giúp bạn lấy lại được sự cân bằng trong cảm xúc. Ngoài ra, viết nhật ký, tập yoga và các phương pháp khác như cầu nguyện hoặc thiền định cũng có thể giúp bạn khôi phục sức khỏe tinh thần và tìm về sự bình yên vốn có.
Để quá trình nâng cao sức bật tinh thần được suôn sẻ, bạn cần tránh những mối quan hệ độc hại, những chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá…
4. Tìm kiếm sự giúp đỡ
Đừng ngại đưa ra yêu cầu giúp đỡ khi bạn cảm thấy tinh thần mình không ổn định. Bạn hãy thử trò chuyện với những người thân thiết, bác sĩ tâm lý hay những người bạn tin tưởng. Dám chia sẻ và bộc lộ những “góc khuất” mình đang gặp phải không phải là yếu đuối mà còn là một sự dũng cảm.
Giống như xây dựng cơ bắp, việc tăng sức bật tinh thần cần có thời gian, ý chí bền bỉ và lòng kiên nhẫn. Kết quả sẽ không đến trong một sớm một chiều, mà là sự tiến bộ qua từng ngày. Vì vậy, hãy quan sát sự thay đổi của bản thân và lấy đó làm động lực để tiến lên bạn nhé.
Tác giả: Theo Elle
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn