Đó mới là sự bật dậy mạnh nhất của tính chiến đấu của con người, và đó cũng là những ý nghĩa đẹp nhất sống động nhất của một thời tuổi trẻ, của cuộc đời. Mà khi người ta nhiều tuổi hơn người ta lớn tuổi hơn thì người ta mới nhận thấy mới nhớ lại và mới lắng đọng được.
***
Tôi viết vậy nhưng thật ra cánh cửa tương lai của các con đã mở ra được mấy năm rồi, là con đường học tập hay rẽ lối sang một ngã khác sau khi tốt nghiệp mười hai năm đèn sách. Mà những trường hợp tôi đã gặp và đã trực tiếp được nói chuyện cùng các con thì tất cả đều giống nhau là theo con đường đại học, nhưng tất cả lại khác nhau ở cánh cửa đi tiếp sau khi tốt nghiệp đại học.
Vì đây là những chuyện có tính riêng tư có tính tế nhị và có tính nhạy cảm rất cao nên tôi không nói tên cũng không muốn thay đổi tên các con, tôi chỉ xưng hô chung chung. Mà có lẽ tôi đã trải qua đã đi qua cái thời của các con lâu quá rồi, có lẽ những suy nghĩ trong tôi vẫn đăm đắm về lứa tuổi của các con vì dù sao tôi cũng đã có một thời gian không quá dài làm việc trong môi trường đại học và được trực tiếp gặp gỡ và lắng nghe các con rất nhiều. Rồi sau mấy năm xa vắng tưởng chừng như quên lãng, một lần nữa tôi lại có cơ hội để gặp và để biết thêm những tâm tư những góc khuất còn lắm bộn bề đằng sau cánh cửa tương lai mà các con đã bước đi và sẽ bước đi.
Đó là một chàng trai có vẻ bề ngoài điển trai và thư sinh, với dáng vẻ nhanh nhen và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác khi cần. Chàng trai ấy tạo cho mọi người ấn tượng rất tốt về một người luôn nhiệt tình với công việc luôn nhiệt tình với mọi người xung quanh. Còn tôi lại bất ngờ khi lần đầu tiên gặp thì chàng trai bé con, tôi gọi vui như vậy vì cậu nhóc đó cũng trạc tuổi con tôi, và hiện tại cậu đang làm một công việc về du lịch cũng được mấy năm rồi, tôi bất ngờ vì cậu ấy chủ động chào tôi và nói chuyện trước. Cậu bé học một ngành về môi trường nhưng lại xin được việc trong một công ty về du lịch. Cậu nói cậu cũng muốn được làm công việc đúng vói ngành nghề mình đã học nhưng xin mấy chỗ rồi vẫn không được, rồi cậu quyết định nộp hồ sơ vào công ty này khi công ty đăng tin tuyển người. Cậu nói cũng có chút khả năng về ngoại ngữ nên cứ nộp đại, ai dè đâu cậu trúng tuyển ngay sau lần phỏng vấn đầu tiên vậy là đi làm luôn, cũng được mấy năm rồi. Mà thời điểm đó là dịch đã có dấu hiệu lắng xuống nhiều và có thể hết hẳn trong thời gian tới nên cậu tự tin xông vào công việc luôn. Cậu nói vui với tôi là thôi thì nghề không chọn mình thì mình phải chủ động chọn nghề chứ sao bây giờ cô.
- Rồi con có nghĩ đến chuyện sẽ chuyển lại qua ngành con đã học không? Có lúc nào con thấy tiếc không? Là cô muốn nói đến quãng thời gian học đại học của con, mà lại là trong một trường tốp đầu tên tuổi nổi tiếng cả nước.
- Dạ có chứ cô, con nghĩ nhiều là đằng khác, con nghĩ nhiều đến ba mẹ của con kìa. Con học mười hai năm rồi thêm bốn năm đại học tốn bao nhiêu của ba mẹ mà bây giờ lại làm trái ngành trái tay như này. Nhưng không hiểu sao càng ngày con càng thấy thích công việc này và con cũng đã có một chút kinh nghiệm rồi, con đã thông thạo công việc và thấy gắn bó nhiều nữa nên ba mẹ con cũng động viên con. Có khi nào con có duyên có phận với công việc này không cô?
Câu hỏi của cậu bé làm tôi chợt bật cười, tôi chỉ nghe người ta nói duyên phận hay số phận là trong tình duyên là trong chồng vợ, là trong nhà cửa và trong chuyện an cư. Vậy nhưng cậu bé nói đúng, công việc cũng là một lĩnh vực lớn của cuộc sống cũng có duyên có số trong đó, nếu không sao người ta lại nói là nghề chọn người. Mà bây giờ chuyện đó cũng trở nên quá đỗi bình thường rồi, con tôi cũng hay nói với tôi trước khi nhóc vào đại học nữa kìa. Con tôi nói chuyện học ngành này mà đi làm ngành khác thì bây giờ đưa tay ra là bốc lên một nắm đó mẹ, nên con cũng chuẩn bị tinh thần trước. Con thấy mấy anh chị trước con hay vậy lắm, nhưng dù sao con cũng sẽ cố hết sức để theo được với công việc mà con đam mê. Rồi con kể tôi nghe là anh này tốt nghiệp đại học kinh tế nhưng lại đi dẫn chương trình cho đám cưới rồi kiêm luôn ca hát nữa, rồi chị kia tốt nghiệp bách khoa nhưng lại trở thành nhân viên của một shop thời trang. Tôi lắng nghe hết những gì con nói để hiểu về con nhiều hơn chứ thật ra những điều đó tôi và cả mọi người nữa cũng biết nhiều rồi. Mà tôi không thể viết hết ra đây chứ nói thật tôi có mười người bạn thì hết tám người đã có con đi làm công việc trái ngành học, mà ai cũng xem điều đó là bình thường. Miễn là con làm được việc và thấy yêu thích là được, nhiều bạn tôi nói vậy, tôi cũng động viên vậy.
Cứ xem đó là bản chất của cuộc sống là quy luật bình thường của cuộc sống này cho nhẹ lòng cho bớt nghĩ ngợi ha mọi người. Mà suy ra nếu tất cả đều được đi theo một đường thẳng tăm tắp đã được cuộc đời vẽ sẵn và định sẵn từ trước thì cuộc sống này bằng phẳng quá, dễ dàng quá, giống như những vòng tay luôn rộng mở đón chào vậy đó, sẽ chẳng có gian nan gập ghềnh nữa. Lúc xưa tôi cũng vậy, tuổi trẻ mà, cứ hăng hái căng tràn sức sống và có lúc là lăn xả vào công việc. Mãi sau này tôi mới nhận ra đó mới là những thú vị những trải nghiệm mạnh mẽ nhất bổ ích nhất. Đó mới là sự bật dậy mạnh nhất của tính chiến đấu của con người, và đó cũng là những ý nghĩa đẹp nhất sống động nhất của một thời tuổi trẻ, của cuộc đời. Mà khi người ta nhiều tuổi hơn người ta lớn tuổi hơn thì người ta mới nhận thấy mới nhớ lại và mới lắng đọng được.
Tôi lại đi lan man lại muốn lạc đề rồi đây, tôi đang nói về tương lai của các con. Tôi đang nhìn lại chính tôi qua hình ảnh các con của hôm nay, và điều làm tôi ấm lòng nhất là tôi luôn thấy tôi trong đó, tôi luôn thấy tôi hiện diện trong từng lời nói trong từng bước đi trong từng hành động công việc dù là nhỏ nhất của các con. Ngày xưa mình cũng vậy, suy nghĩ đó luôn bật dậy trong tôi. Tôi thấy xót lòng nhất cho cậu bé này, đó là một sinh viên của trường đại học kiến trúc. Cậu bé tốt nghiệp xong rồi xin mãi không được việc, cuối cùng cậu bé chạy grab để kiếm sống. Tôi quen cậu bé trong một ngày nắng nóng như đổ lửa trước lễ một chút, và những gì tôi biết về cậu bé là qua lời kể của mẹ cậu bé. Cậu đã dùng chính phương tiện đi học của cậu là chiếc xe máy để mưu sinh để tự lo được cho bản thân mình, cậu nói không thể sống dựa hoài vào ba mẹ nữa vì đã dựa mười mấy năm rồi. “bây giờ việc trước mắt là phải có tiền trước đã rồi con vẫn tìm kiếm cơ hội công việc cho mình chứ không bỏ cuộc nên mẹ đừng lo.” Mà cũng thật lạ là cậu bé mới vào nghề nhưng lại có nhiều khách hàng hơn mọi người nên nhìn cậu bé phấn khởi hẳn lên. Tôi lắng nghe câu chuyện của cậu bé mà không thể mở miệng nói bất cứ điều gì. Có lẽ phải biết chấp nhận cuộc sống là như vậy, môt sinh viên tốt nghiệp kiến trúc đang chạy grab suốt ngày ngoài nắng kia. Rồi còn biết bao những sinh viên khác nữa mà tôi không biết, các con đã biết lao đi cùng với những áo cơm của cuộc đời. Đã biết phải tự đứng lên phải tự sống được bằng chính đôi tay bằng chính đôi chân của mình, bằng chính trái tim và khối óc của mình, đó mới là điều quan trọng nhất, tôi nghĩ vậy. Các con đã nhìn đã hiểu được điều đó vậy là tốt rồi, chỉ cần các con không dừng lại sự cố gắng.
Cậu bé đó vừa tốt nghiệp đại học kinh tế loại giỏi, mà ngay từ năm thứ hai khi cậu bé đi thực tập thì người ta đã chấm cậu rồi. Công ty nơi cậu thực tập đã ghi tên cậu vào danh sách chờ và nói thẳng với cậu là sau khi tốt nghiệp nhớ về đây làm việc. Cậu bé là một trường hợp cũng không hiếm hoi lắm, tôi nghĩ vậy, ở thời điểm bây giờ, là nhiều công ty đã ngắm nghía và đã đặt hàng trước. Rồi đứng trước nhiều những cánh cửa rộng mở khác nhau thì cậu bé đang đắn đo suy nghĩ. Vấn đề của cậu giờ đây không phải là tìm việc không phải là xin việc giống các bạn mình mà là nên chọn cái nào phù hơp nhất. Cậu nói với tôi công việc cậu thích thì công ty lại quá xa ở tận ngoài kia còn cái cậu không thích thì lại ở ngay sát bên, mà cậu phải chọn sao để vừa đi làm vừa đi học tiếp được vì cậu muốn học cao hơn nữa. Khi tôi viết những dòng này thì cậu bé đã có quyết định cuối cùng rồi, tôi chúc cho cậu được vững bước. Chúc cho con đường tương lai của các con có được nhiều ánh sáng nhất và các con luôn giữ được niềm tin, tin vào chính mình, vì cuộc đời còn dài lâu vì tương lai còn bao điều không thể nói trước được.
Tôi dừng lại ở đây dù còn có nhiều những trường hợp khác, với những góc sáng và cả những góc tối mà tôi không tiện chia sẻ them. Chỉ mong các con đã cất cánh bay thì hãy biết giữ vững đường bay của mình, không run tay, không chùn bước. Cho dù có bất cứ điều gì xảy ra, cánh cửa tương lai của mỗi người mỗi khác, hãy sống và hãy làm như các con suy nghĩ như các con cảm xúc.
Tôi hát cho các con những câu này:
“Hãy sống như đời sống
Để biết yêu nguồn cội
Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao
Hãy sống như biển trào, như biển trào
Hãy sống và ước vọng, để thấy đời mênh mông”.