Từ lúc nào mình biết lắng đọng

Thứ ba - 24/12/2024 23:08
 Cô đã làm hết sức mình và đã làm được là nhờ cô luôn nghĩ luôn nhớ đến anh, là nhờ cô luôn có sự giúp đỡ của mọi người xung quanh, và nhờ đất nước này đã thật sự thống nhất, cô nói vậy.
***
Chiến tranh đã qua đi mấy chục năm rồi mà cứ mỗi lần nhớ lại nhắc lại, nhất là vào những dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước thì đôi vợ chồng ấy vẫn còn tràn ngập những cảm xúc không thể quên được của cuộc chiến tranh, khi họ là những người đã trực tiếp chiến đấu bên những đồng đội thân yêu của họ. Rồi họ yêu nhau, rồi họ thành chồng thành vợ. Mà bây giờ họ đã ở vào cái tuổi như người ta hay gọi là thất thập chứ chưa cổ lai hy thì họ vẫn còn nguyên một tình yêu rực sáng với quá khứ tươi đẹp của họ. Và họ vẫn từng bước với cuộc sống hiện tại, là những người già với mái tóc đã bạc nhiều, vẫn cùng nắm tay nhau giữ một tình yêu cho cuộc sống hôm nay.
Khi đất nước được giải phóng thì họ đang ở lứa tuổi hai mươi, tôi gọi họ là anh và cô cho dễ viết. Anh là một chiến sĩ biệt động thành đã chiến đấu quả cảm trong một trận chiến một mất một còn với quân thù. Rồi trong giây phút hiểm nguy anh đã chạy vào nhà cô, khi đó rất tình cờ cô đang mở cửa nhà đi đổ rác vào lúc tối muộn. Lúc đó giặc đang tiến sát và vây ráp rất chặt, rồi cũng trong một giây phút cô chợt hiểu, vậy là anh được an toàn lần đó, vậy là cô trở thành một chiến sĩ chiến đấu bên cạnh anh cũng từ đó.
Khi đất nước được giải phóng họ mới chỉ hai mươi mấy xuân xanh, anh được đơn vị cho đi học một lớp bác sĩ để tiếp tục công việc sau này. Còn cô, cô trở lại là một cô công nhân ngày đêm miệt mài bên xưởng máy. Tình yêu của họ cũng theo thời gian cứ lớn dần lên, ngỡ đâu sắp được bên nhau lâu dài thì đùng một cái chiến tranh biên giới lại nổ ra, một lần nữa anh lại nhận nhiệm vụ lên đường theo mệnh lệnh theo tiếng gọi của non sông. Chỉ hơn một năm sau khi đất nước giải phóng thì anh và những đồng đội năm xưa lại tiếp tục với cuộc chiến, vậy là anh bị dở dang chuyện học hành. Nhưng lúc chia tay anh lại không hề nói về những hẹn hò, những nhớ mong với cô mà điều anh nói lại là những gởi gắm thiết tha, những lo lắng trăn trở của anh về lớp học đó. Là anh đã đứng lớp dạy các em, những đứa trẻ gần như bị thất học đến một chữ cái cũng không biết. Những đứa trẻ mà sau này cô mới biết được tất cả chúng được gọi là những đứa trẻ bụi đời lang thang đầu đường xó chợ. Mà khi trực tiếp đứng lớp thay anh khi được tận mắt tận tai lắng nghe các em thì cô mới hiểu hết cái gọi là những tàn dư của chế độ cũ để lại.
Bây giờ cô vẫn còn hay nhắc đến lần đó, lần cô tiễn anh đi.
- Em hãy thay anh quan tâm chăm sóc và dạy dỗ chúng, chúng thật sư rất cần tình yêu thương, rất cần có anh và có em. Anh gời lại chúng cho em, anh tin em được chứ?

Cô không bao giờ nghĩ có một ngày cô lại trở thành một cô giáo đứng lớp trước mấy chục học sinh. Cô là một công nhân chỉ biết công việc chỉ biết máy móc, cô không được học không được biết để làm một cô giáo là phải như nào, và phải dạy những gì đây. Đó là một lớp học cũng có bàn ghế bảng đen phấn trắng cũng khá tươm tất như những lớp học trong những ngôi trường, chỉ đặc biệt là lớp được học vào ban đêm trong một căn phòng khá rộng của đội dân quân tự vệ hồi đó. Mà cô thấy tự tin và ấm lòng khi cô biết dù anh đã đi xa, dù cô còn biết bao lạ lẫm và bỡ ngỡ với lớp học nhưng xung quanh cô luôn có đầy những động viên, những sự ủng hộ và những tấm lòng nhiệt tâm hết mình với tất cả chúng, là những đứa trẻ những đứa học sinh quá xa lạ với cô. Cô nhớ đứa lớn nhất là mười ba tuổi còn đứa nhỏ nhất là năm tuổi, tất cả chúng đều ngồi vòng tay ngoan ngoãn trên bàn và ngước nhìn chờ đợi cô.
- Cô sẽ thay thầy từ ngày hôm nay vì thầy đang đi chiến đấu, các em sẽ học bài học của tối nay là về cách chào hỏi, sự lễ phép và cách giao tiếp với mọi người.
Cô đã nói với lớp học như vậy, vì anh cũng đã nói sơ qua cho cô biết, vì chúng cũng chưa bỏ được thói quen cứ mở miệng ra là nói tục chưởi thề đến rợn người. Anh nói vậy với cô, anh còn nói rất may mắn là chúng không bị nhiễm tệ nạn xã hội, và những người lớn chúng ta phải có trách nhiệm với chúng. Cô nói từ lúc cô biết anh và được anh hướng dẫn dìu dắt theo con đường chiến đấu cùng anh thì anh đã truyền qua cô lòng yêu thương đất nước và sự căm thù quân giặc ngoại xâm. Anh và cô đã cùng sánh vai bên nhau đã cùng một nhịp đập một hơi thở cũng vì điều đó, là cùng biết yêu thương cùng biết căm thù, chỉ vậy thôi. Nhưng bao nhiêu đó cũng cho cô hiểu cuộc sống có ý nghĩa biết bao khi ta góp vào công sức góp vào bàn tay khối óc mình, cùng mọi người trên một mặt trận chung là dành lai hòa bình cho đất nước.
Cô nói chính ở lớp học đó chính từ những giờ phút được gặp gỡ, được nghe chúng nói cứ đều đặn mỗi tối trong tuần. Dần dần cô thấy cô đã biết mình có thêm một cảm xúc một tình yêu khác nữa, đó là sự lắng đọng, điều mà từ trước đến nay cô chưa hề có, cô chưa hề biết. Cô nói mỗi tối khi cô tập đánh vần tập làm toán cho lớp học cho mỗi đứa trẻ, khi cô hỏi chúng về gia đình của chúng thì trái tim cô đã lắng đọng bao điều. Những trăn trở những xót xa trong cô bây giờ đã thành tình thương dành cho học sinh, những đứa học sinh của lớp học vô cùng đặc biệt của năm xưa ấy mãi mãi cô không quên. Cô cũng đã lớn thêm lên cũng đã trưởng thành đã vững vàng chờ đợi anh là nhờ có lớp học đó. Là nhờ có chúng, những đứa học sinh mà cứ mỗi lúc gần bên cô lại thấy lòng mình lắng đọng đến xúc động. Những đứa trẻ lang thang lêu lổng chỉ biết chơi bời, chỉ biết đến sự lạc loài xua đuổi của bao người thì nay đang được học hành tử tế trong một lớp học với đúng nghĩa tình thương, với đúng nghĩa quan tâm và chăm sóc. Cô đã làm hết sức mình và đã làm được là nhờ cô luôn nghĩ luôn nhớ đến anh, là nhờ cô luôn có sự giúp đỡ của mọi người xung quanh, và nhờ đất nước này đã thật sự thống nhất, cô nói vậy.

Anh viết thư cho cô rất đều đặn, cô cũng bất ngờ và hạnh phúc khi anh cũng có những tâm trạng những cảm xúc rất giống với cô. Anh nói bao nhiêu năm anh chiến đấu với lý tưởng tất cả vì tổ quốc thân yêu, thì trong tim anh chỉ có yêu thương và căm thù. Nhưng ở cuộc chiến lần này khi anh được đứng trong những ca cấp cứu những ca mổ để hổ trợ đồng đội của mình thì sự sống chết như một lằn ranh mỏng manh đã cho anh biết được thế nào là lắng đọng. Thế nào là trái tim mình quặn lại trong một nỗi xúc động vô bờ, trong một niềm sung sướng đến trào nước mắt khi biết tính mạng đồng đội của mình đã được giữ lại, đã đươc an toàn, trong một nỗi đau cũng trào nước mắt khi nhìn đồng đội của mình mãi mãi ra đi. Anh nói tất cả những điều đó đã được lắng rất sâu rất mạnh trong tim anh, để cuối cùng được lắng đọng lại thành những hồi ức những ký ức không thể nào quên.
Vậy đó, họ đã cùng biết lắng đọng. Họ cách xa nhau thăm thẳm nhưng công việc họ làm, nhưng nhiệm vụ họ đang mang trên vai đã giúp họ luôn được gần bên nhau. Khi cô gởi thư lại cho anh và cô cũng viết về những lắng đọng của mình trong những ngày xa anh thì anh thấy hạnh phúc. Cô nói không biết bây giờ những đứa trẻ của lớp học đó của những tháng năm đó đang ở đâu. Bây giờ anh và cô đã là những người già của cuộc sống, nhưng anh vẫn luôn nắm tay cô trong suốt chặng đường còn lại. Điều tuyệt vời nữa là họ đều khỏe mạnh và đều sống lạc quan mỗi ngày.
Có thể tôi viết tôi kể lại chẳng được cuốn hút chẳng được hấp dẫn, nhưng sự thật của câu chuyện là như vậy. Còn điều này nữa, tôi thấy câu chuyện của họ cứ giống giống với một bộ phim mà tôi đã được xem và rất yêu thích. Một bộ phim trắng đen cách đây cũng mấy chục năm mà tôi nhớ khi phim ra mắt và được trình chiếu thì các rạp phim đều kín chỗ, một bộ phim đã chạm đến trái tim của tất cả mọi người:
“Bài ca không quên”.
Tôi cũng biết có nhiều những tình yêu những câu chuyện rất đẹp của chiến tranh, của cả những năm tháng sau chiến tranh nữa. Mà những người lính đã cùng chiến đấu đã cùng có những hy sinh thầm lặng thì ai chẳng giống nhau, chỉ là trong những dòng viết nhỏ này tôi muốn nhấn mạnh về sự lắng đọng của trái tim họ, của anh và cô, những người đang hơn cái tuổi bảy mươi. Mà tôi nghĩ họ đã là những người lính với trái tim khao khát tự do, khao khát hòa bình thì những lắng đọng đã có trong tim họ cũng từ lâu rồi. Cũng từ những ngày đó, những ngày trong khói bom bão đạn trong những hiểm nguy những cửa tử cứ chực chờ, thì họ đã mãi chiến đấu nên đã quên đi đó thôi. Vì trái tim của những người lính luôn có những lắng đọng nhiều nhất, sâu lắng nhất, cháy bỏng nhất, về tất cả những gì họ đã trải qua. Những đau khổ, những cách xa, những chết chóc, những dặm đường hành quân trong trùng trùng khí phách trong hừng hực những ngọn lửa sáng ngời trong tim họ. Để những lúc lặng im xuất hiện, buông xuống, nhẹ nhàng, từ tốn, lúc đó họ mới thấy những lắng đọng trong họ trỗi dậy sống dậy. Tôi tin anh và cô, hai nhân vật chính trong câu chuyện tôi vừa kể ở trên, họ thích hỏi vậy chứ thật ra họ biết rất rõ trái tim họ luôn lắng đọng từ rất lâu rồi, vì họ là những người con là những người lính của đất nước. Và sau này họ gặp lại rồi thành chồng vợ có một cuộc sống trong hòa bình họ lại được lắng đọng thật nhiều điều khác nữa.
Trái tim của một người, nơi chất chứa rất nhiều những nỗi niềm, rất nhiều những bí ẩn mà chỉ mỗi người đó biết. Tôi tin tất cả những trái tim những con người luôn sống cho những điều tốt đẹp thì những lắng đọng sẽ mãi đi cùng.
“Bài ca tôi không quên tôi không quên
Những người đã ngã
Bài ca tôi không quên tôi không quên
Bước dồn đường khuya đói lả
Làm bạn cùng trăng và ôm súng ngắm sao khuya
Có một bài ca không bao giờ quên”.

Nguồn tin: Quantrimang.com:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Trợ giúp

Thông tin liên hệ

Lưu niệm
Dự báo thời tiết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập95
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm91
  • Hôm nay3,910
  • Tháng hiện tại176,767
  • Tổng lượt truy cập10,391,033
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây