Những bước đường trưởng thành

Thứ ba - 22/03/2022 00:07
Trưởng thành là khám phá ra được rằng vượt ra khỏi những lời khuyên xen lẫn ý răn đe của bố mẹ là một thế giới khác đầy những cung bậc đợi chờ ta trải nghiệm. Thất bại ư? Lựa chọn sai ư? Hãy dũng cảm mà thừa nhận sai lầm và bước tiếp.
Chỉ vì mọi người không đứng ở vị trí bạn nên sẽ chẳng thể nào tưởng tượng nổi những gì bạn trải qua…
Mỗi một cô, cậu bé khi đến với thế giới này hẳn sẽ đều mang trong mình những giấc mơ, mộng tưởng về một “miền đất hứa”- nơi chỉ có niềm vui và tiếng cười, nơi ta có thể bay bổng, thả hồn trôi lững lờ giữa những đám mây, chao lượn cùng với cánh chim trong khoảng trời bao la, rộng lớn; nơi mà mọi mơ ước một ngày nào đó sẽ trở thành hiện thực. Thế nhưng đến một ngày, ta bỗng giật mình nhận ra, những ước muốn ngày bé dường như chỉ là “giấc mộng Nam Kha”, hoặc như bong bóng xà phòng: đẹp đẽ mà dễ vỡ, thoáng chốc đã tan biến vào hư vô.
Mọi đứa trẻ vốn nên là những thiên thần hồn nhiên, trong sáng nhất nay đã bị hiện thực tàn khốc mài mòn, buộc phải trở nên hiểu chuyện, chín chắn trước tuổi. Tương lai đối với chúng đã không còn là một viên kẹo ngọt ngào, chỉ cần nũng nịu, mè nheo một tí là người khác sẽ dỗ dành rồi mua cho mà lại như một màn sương mù mờ ảo, ẩn chứa những điều kỳ bí khiến người ta phải ngập ngừng, hoang mang. Như một bản năng, chúng sà vào lòng cha mẹ, bày tỏ hết những băn khoăn, trăn trở, nói ra những tâm sự nặng trĩu trong lòng nhưng thay vì sự ủi an, một lời giải thích thì tất cả những gì chúng nhận được lại là: “Chỉ có ăn với học thôi mà bày đặt! Trẻ con thì có áp lực gì chứ?” - Một câu nói tưởng chừng vu vơ của người lớn nhưng cũng đủ để huỷ hoại thế giới tâm hồn mỏng manh, yếu ớt của trẻ thơ.
blogradio_nhungbuocduongtruongthanh
Có chứ! Cho dù là trẻ con đi nữa thì chỉ cần là một đứa trẻ hiểu chuyện đều sẽ có những nỗi lo riêng. Có lẽ đó là lúc bạn phát hiện ra tuy nhà rất nghèo nhưng lúc nào trong bữa cơm mẹ cũng kho một dĩa thịt nhỏ dành riêng cho bạn; hoặc đó là khi cha đưa đôi bàn tay chai sạn, đầy cáu bẩn do phải cấy lúa ngoài đồng lên để nựng cặp má phúng phính của bạn. Tất cả khoảnh khắc đó khiến bạn chợt nhận cuộc sống hạnh phúc, ấm no của mình đổi chác từ những giọt mồ hôi, nước mắt của cha mẹ. Trẻ con vô tư chứ không vô tâm, vô phế! Chúng cũng muốn cha mẹ có thể vui vẻ, an nhàn, có được cuộc sống vô ưu, vô lo. Thế nhưng một đứa trẻ thì có thể làm được gì chứ? Ngoại trừ ngoan ngoãn, hiểu chuyện, học tập siêng năng để không trở thành gánh nặng thêm cho gia đình ra thì cũng chẳng gì nhiều.
Nếu bạn là một con “mọt phim”, hẳn sẽ biết đến nhân vật Tử Thu trong “Lấy danh nghĩa người nhà” nhỉ? Mẹ bỏ đi, để cậu lại cho người ngoài. Từ nhỏ luôn bị đám nhỏ trong xóm trêu chọc là ăn nhờ, ở đậu, còn dì hai thì luôn nhắc nhở rằng cậu chỉ là người ngoài - một đứa cô nhi may mắn được nhận nuôi. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ tuổi, cậu đã là một đứa trẻ hết sức hiểu chuyện, có tâm sự cũng chỉ biết giữ trong lòng, cậu phụ giúp bố Lý việc nhà, luôn nhường nhịn em gái, ăn cơm cũng chẳng dám tự ý gắp thịt, nửa đêm còn lọ mọ dậy giặt quần áo giúp cả nhà. Điều gì đã khiến cho một đứa trẻ đang độ tuổi ăn, tuổi chơi lại có thể trưởng thành, hiểu chuyện đến mức khiến người ta đau lòng như thế chứ?
Hay nói về bạn đi? Áp lực của bạn là gì? Mong muốn có thể san sẻ gánh nặng tài chính cho cha mẹ nhưng vẫn chưa có khả năng sao? Cố gắng trở thành một cô, cậu học sinh gương mẫu, trở thành niềm tự hào của cha mẹ nhưng chẳng thể đạt kết quả mong muốn? Hoặc đơn giản chỉ là những điều vụn vặt thường ngày, khúc mắc với bạn bè xung quanh khiến bạn bỗng cảm thấy bất lực? Không phải Đen Vâu từng nói đấy sao:
“Nhưng cũng có lúc mọi thứ không như là những gì ta muốn
Thế giới này vận hành theo cái cách luôn ghì ta xuống”
Trẻ con cũng có áp lực, không chỉ riêng người lớn. Và cũng chẳng có gì xấu hổ nếu cảm thấy chán nản, tuyệt vọng khi thất bại cả, nhất là khi ta mới chỉ là những đứa con nít chưa trải nhiều sự đời. Điều quan trọng là sau khi vấp ngã rồi thì phải tự biết đứng dậy, biết thiếu sót của mình ở đâu để rút kinh nghiệm không tái phạm nữa, và quan trọng nhất là đừng để gian nan, thử thách có cơ hội dìm bạn xuống đến mức không trở được mình. Cũng đừng buồn nếu nghe những câu như: “Một đứa trẻ rốt cuộc thì có áp lực gì chứ?”. Chỉ vì mọi người không đứng ở vị trí bạn nên sẽ chẳng thể nào tưởng tượng nổi những gì bạn trải qua, những sức ép trên vai bạn. Hơn nữa chúng ta cũng không thể bắt ép ai phải thấu hiểu hoặc cảm thông cho mình, bởi ai cũng có những mối bận tâm riêng, mỗi người cứ sống thật tốt phần mình, đừng để trở thành gánh nặng cho người khác là được.
Đây vốn chẳng phải là một bài than vãn, đặt bút xuống viết những lời này bởi lẽ tôi muốn nói hộ tiếng lòng của những bạn trẻ như tôi - một đứa trẻ bình thường đôi lúc sẽ chán chường, thất vọng, không biết phải đương đầu với áp lực như thế nào, luôn tò mò, hoang mang với tương lai phía trước, luôn nỗ lực tìm kiếm câu trả lời cho bài toán cuộc đời mình. Bạn biết đấy, người có thể cứu ta ra khỏi tuyệt vọng, giúp ta mạnh mẽ đối diện với thử thách, áp lực, sóng gió chỉ có thể là chính ta mà thôi.
Và câu hỏi cuối cùng: Mộng tưởng của bạn tan vỡ chưa? Bởi lẽ đã đến lúc thức dậy rồi đấy. Cho dù ngày mai có ra sao đi nữa, hãy dũng cảm đối mặt hiện thực. Hãy luôn nhớ rằng bạn không cô đơn, phía sau sẽ luôn có gia đình, bạn bè quan tâm, ủng hộ mọi quyết định của bạn, luôn sẵn sàng nâng đỡ khi bạn vấp ngã. Không có con đường trải đầy hoa hồng hay một món quà bất ngờ từ trên trời rơi xuống, mọi thành công đều phải do bạn tự nỗ lực giành lấy mà áp lực sinh ra cũng chỉ là để bạn có thể trân quý thành quả sau này.
anh-co-danh-roi-nhip-nao-12
***
Tôi đã lớn lên mà không hề chia sẻ bất kỳ tâm sự nào với bố mẹ mình.
Bởi vì tôi đã thử vài lần và bố mẹ luôn quan trọng hóa vấn đề hơn mức cần thiết. Điều đó khiến tôi lúng túng và xấu hổ. Tại thời điểm đó tôi còn cho rằng đó hoàn toàn là lỗi của mình. Nếu mình không nói ra thì mình đã không rơi vào tình huống khó xử này.
Bởi vì những điều tôi tò mò cần sự giải đáp lại là những điều mà ngày nào bố mẹ tôi cũng nói đó là những việc không phù hợp với những thiếu niên như tôi. Không có điều gì quan trọng hơn việc học cả. Nếu bố mẹ luôn phản đối thì việc nói ra cũng có ích gì đâu.
Bởi vì bố mẹ luôn dành những lời phán xét nghiệt ngã và vô tình cho những cảm xúc khó khăn mà tôi mong muốn tâm sự và được giúp đỡ. “Có mỗi việc ăn với học mà cũng mệt, cũng kêu vất vả, sướng quá hóa rồ” - những lời này khiến tôi tắc nghẹn, nuốt nước mắt ngược vào trong.
Bởi vì bố mẹ luôn né tránh những vấn đề nhạy cảm về giới tính. “Con nít quan tâm gì chuyện người lớn,” “Sao tự nhiên lại hỏi những chuyện này. Có chuyện gì rồi hả? Học không lo học…”. Những thắc mắc thay đổi tâm sinh lý tuổi trưởng thành chỉ vừa mở lời hỏi đã bị các bậc phụ huynh quy chụp là đang làm chuyện gì xấu xa, dấu diếm, không an phận. Vậy là tôi lặng lẽ đè nén những nỗi sợ mơ hồ về tuổi dậy thì.
Bởi vì mỗi lần tôi nói lên ước mơ nghề nghiệp của mình thì bố mẹ đều nói, “Không được đâu con ạ. Ngành đó không kiếm ra tiền, ra trường khó xin việc. Bố mẹ biết điều gì là tốt nhất cho con.” Nếu những điều bố mẹ nói là tốt nhất, tại sao tôi lại thấy hoang mang và mệt mỏi, chán chường với nó đến vậy?
Bởi vì mỗi lần tôi có chuyện muốn kể, một chuyện vui trong ngày, nhưng bố mẹ luôn nghe một cách hờ hững, vừa nghe vừa làm một chuyện gì đó, không có câu nói phản hồi, như tôi đang trò chuyện với cái bóng của mình vậy. Hoặc trả lời một câu bâng quơ, “Thế à! Bố/mẹ đang dở việc. Lát chúng ta nói chuyện tiếp nhé.” Và thế rồi chẳng bao giờ có ‘lát sau’. Tôi tự vui buồn với những câu chuyện của mình.
Bởi vì khi bố mẹ giận nhau, tôi ở giữa sẽ trở thành nơi trút giận. Những lúc như vậy, tôi đã học được cách quan sát bầu không khí gia đình và rút vào một góc im lặng để tránh cho mình khỏi những lời mắng nhiếc, trách móc giận dỗi hằn học, tổn thương. Điều này từng khiến tôi tin rằng chính mình phải chịu trách nhiệm, tôi không ngoan, không biết giúp đỡ bố mẹ cho nên bố mẹ mới bất hòa.
ang-may-troi
Bởi vì mỗi khi có một ai đó khen ngợi tôi với bố mẹ, bố mẹ tôi lại trả lời rằng, “Nó thì giỏi gì đâu. Học kém bỏ xừ. Ở nhà thì chẳng biết làm điều gì cả.” Tại sao bố mẹ không công nhận tôi? Tôi đã làm rất tốt mà. Tại sao lại nói những điều khiến tôi xấu hổ với người khác như vậy. Vậy là tôi đã từng ghét được khen, ghét nổi bật, ghét ai đó hỏi han điều gì trước mặt bố mẹ. Tôi cố thu mình lại để không phải nghe những lời ‘vạch trần’ từ chính bố mẹ mình.
Bởi vì mỗi khi tôi thất bại, tôi cần sự an ủi, một nơi bình yên để liếm láp vết thương thì bố mẹ lại luôn mắng tôi rằng, “Thấy chưa, bố/mẹ đã bảo mà. Trứng cứ đòi khôn hơn vịt. Sáng mắt ra chưa?”. Những trải nghiệm cay đắng là quá đủ, bố mẹ có cần phải khắc sâu thêm những vết thương để mong tôi luôn luôn nhớ về bài học? Điều đó có cần thiết hay không?
Tôi đã lớn lên như vậy đó. Những điều này không hiếm gặp ở các gia đình. Một điều được các bậc phụ huynh coi là hết sức ‘bình thường. Nhưng chính những điều ‘bình thường’ này đã khiến tôi chật vật, tự ti về bản thân suốt cả quãng thời gian thiếu niên, kéo dài sang cả giai đoạn ‘làm người lớn’ sau này. Tôi đã phủ nhận những cảm xúc và quan điểm của bản thân khi còn nhỏ và trở thành một ‘người lớn’ luôn bối rối và hoang mang.
Tại sao là ‘người lớn’ mà không phải là ‘trưởng thành’?
Tất cả những điều trên đã dạy cho tôi biết rằng độc lập về tài chính, dọn ra ngoài ở hay có gia đình riêng không có nghĩa là đã trưởng thành. Trưởng thành cũng không liên quan đến tuổi tác. Ở cái tuổi mọi người gọi là trưởng thành, tôi vẫn đang bị kiểm soát bởi cái bóng quá khứ ám ảnh từ bố mẹ mình.
Trưởng thành là nhận ra những vấn đề của bản thân trong hiện tại, thừa nhận rằng nó được kế thừa từ cha mẹ mình, và chẳng điều gì có thể biện minh cho chúng hết. Trưởng thành là có tư duy độc lập, có chính kiến, hoàn toàn thoát khỏi cái nhìn hạn hẹp trong chiếc lồng an toàn mà bố mẹ đã dựng lên bao bọc xung quanh. Trưởng thành là khám phá ra được rằng vượt ra khỏi những lời khuyên xen lẫn ý răn đe của bố mẹ là một thế giới khác đầy những cung bậc đợi chờ ta trải nghiệm. Thất bại ư? Lựa chọn sai ư? Hãy dũng cảm mà thừa nhận sai lầm và bước tiếp.
Và cuối cùng, trưởng thành là yêu thương và hãy biết thể hiện tình yêu thương đúng cách. Đừng yêu thương ‘đầy gai góc’ như cách mà bố mẹ đã từng yêu thương chúng ta.
Bài viết: Những bước đường trưởng thành
Tác giả: Lam Nguyệt
Giọng đọc: Hà Diễm
Thực hiện: Hằng Nga
Thiết kế: Hương Giang

Nguồn tin: Blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Trợ giúp

Thông tin liên hệ

Lưu niệm
Dự báo thời tiết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập145
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm138
  • Hôm nay13,370
  • Tháng hiện tại190,603
  • Tổng lượt truy cập10,404,869
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây