Trên thực tế, rất hiếm khi có ai tính cách hoàn toàn hướng nội hoặc hoàn toàn hướng ngoại. Đa phần chúng ta sẽ có cả hai phần tính cách này, chỉ là đôi khi một trong hai phần tính cách này sẽ nổi trội hơn mà thôi.
***
Bạn thân mến, đã bao giờ bạn cảm thấy ai đó xung quanh, hoặc tính cách chính bản thân mình có phần không ăn khớp với cuộc sống bận rộn này hay chưa? Bạn cảm thấy ngại ngùng khi phải nhận điện thoại của người lạ, bạn sẽ thoải mái hơn nhiều khi được đi thang máy một mình, hay bạn cảm thấy lạc lõng giữa những bữa tiệc đông người,… Có lẽ đó chính là phần tính cách hướng nội mà người ta hay nhắc đến.
Trên thực tế, rất hiếm khi có ai tính cách hoàn toàn hướng nội hoặc hoàn toàn hướng ngoại. Đa phần chúng ta sẽ có cả hai phần tính cách này, chỉ là đôi khi một trong hai phần tính cách này sẽ nổi trội hơn mà thôi. Tuy là thế nhưng xã hội ngày nay khiến chúng ta có cảm giác dường như chỉ những phần tính cách hướng ngoại mới được đề cao, ví dụ điển hình như: quảng giao, khéo ăn nói, ưa thích các sự kiện xã hội, vv… Như vậy liệu có nghĩa là bạn cần “loại bỏ” hay che dấu đi những phần hướng nội trong mình hay không?
Câu trả lời chắc chắn là “không”! Dưới đây sẽ là những lí do vì sao bạn sự hướng nội của bạn hoàn toàn xứng đáng được đề cao và trân trọng nhiều hơn, cũng như làm sao để cân bằng trong một thế giới hướng ngoại.
1. Nhận diện lợi ích của việc hướng nội
Người thiên về hướng nội thường hay bị hiểu nhầm rằng họ không thích giao tiếp hay khó gần, lạnh lùng. Việc này bắt nguồn từ việc họ dễ cảm thấy ngại ngùng, ít khi nhanh chóng bày tỏ cảm xúc hay nói ra suy nghĩ của mình, hoặc tham gia vào các cuộc bàn luận, tranh cãi với mọi người xung quanh. Một người cũng dễ dàng được mọi người xếp vào dạng hướng nội nếu họ có xu hướng ưa thích việc dành thời gian một mình cho bản thân thay vì các cuộc vui bên ngoài.
Nhưng cũng nhờ những đặc điểm này, những người có thiên hướng này sẽ có nhiều thời gian hiểu bản thân hơn. Bản thân từ “hướng nội” cũng có nghĩa là tìm kiếm giá trị từ bên trong, vì vậy việc hướng nội còn giúp con người ta sâu sắc hơn, có sức sáng tạo, cũng như giữ một tinh thần ổn định và có chính kiến, không dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động từ bên ngoài.
Người hướng nội cũng có thói quen suy nghĩ kĩ trước khi bày tỏ cảm xúc hay ý kiến, và chính vì không vội vàng bày tỏ bản thân, người hướng nội cũng có không gian để quan sát mọi người xung quanh. Nhờ đó, họ thường là những người bình tĩnh, đáng tin cậy cũng như tinh tế, biết quan tâm đến người khác.
Ngoài một số tình huống cuộc sống, chuyên môn cụ thể cần sự quảng giao, hay chuyện, thì còn rất nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống mà ở đó sự tinh tế, chững chạc thường thấy ở những người hướng nội sẽ được tỏa sáng.
Ví dụ như khi trong lòng có tâm sự, đương nhiên chúng ta sẽ thích trải lòng với những người bạn biết lắng nghe, không nhanh chóng phán xét và đưa ra những lời khuyên sau khi đã suy nghĩ kĩ càng. Hay trong một nhóm làm việc chung, ngoài những thành viên sôi nổi, nhiều ý kiến thì ta cũng cần những thành viên ít nói, bình tĩnh hơn, người có thể đưa ra những ý kiến có thể trung hòa cả nhóm. Giống như việc làm bài tập nhóm, đương nhiên ta cần người có thể thuyết trình, nhưng cũng không thể thiếu các thành viên có khả năng tổng hợp, phân tích thông tin, hay làm slide, đó đều là những phần việc yêu cầu khả năng có tính nhẫn nại, làm việc cá nhân cao.
2. Cho bản thân một giới hạn cụ thể
Chúng ta mỗi người đều là một cá thể riêng biệt, vậy nên mỗi người chúng ta cũng có một giới hạn cá nhân khác nhau. Đối với những người thiên về hướng ngoại, giới hạn của họ sẽ rộng hơn, có nghĩa là họ có thể và muốn dành nhiều thời gian hơn với mọi người xung quanh. Và ngược lại, những người thiên về hướng nội sẽ có giới hạn cá nhân hẹp hơn, họ chỉ có thể dành một khoảng thời gian nhất định với người khác, phần còn lại họ giữ cho bản thân để nạp lại năng lượng tinh thần.
Tương tự như vậy, hãy tự tìm hiểu xem giới hạn của bản thân bạn là ở đâu. Đừng cảm thấy bản thân có gì sai nếu sau một ngày dài mệt mỏi, bạn muốn ở nhà nằm dài xem phim thay vì ra ngoài ăn uống, cà phê với bạn bè. Hãy thành thật nói với mọi người xung quanh về giới hạn của bạn, cũng như tôn trọng giới hạn của người khác, có như vậy chúng ta mới giữ cho sức khỏe tinh thần được khỏe mạnh và ổn định.
3. Hãy thử thách bản thân khi có thể
Đối với những người dễ ngại ngùng, thì riêng việc gọi điện đặt bàn ở nhà hàng thôi cũng đã là một thử thách lớn, trong khi với một số người bạo dạn, thì việc bắt chuyện với người lạ lại không có gì khó khăn cả. Nhưng ngược lại, có những người cảm thấy không có gì để ngại, hay thậm chí là vô cùng thoải mái khi đi ăn, đi xem phim một mình, nhưng có những người thì lại cho rằng bản thân không thể làm được như vậy.
Dù là bạn thấy mình có thiên hướng về hướng nội hay hướng ngoại, thì đôi khi cũng hãy thử thách bản thân bằng cách làm những điều nằm bên “ngoài vùng an toàn” của mình, đương nhiên là theo hướng tích cực nhé. Hãy làm những điều bạn biết sẽ đem lại lợi ích, ví dụ như giúp bản thân bạn tự tin hơn hoặc biết lắng nghe thấu hiểu hơn, nhưng thông thường bạn vốn vẫn ngần ngại không dám làm.
Nếu bạn là người ngại giao tiếp, thì đôi khi cũng hãy nói lên ý kiến của bản thân nếu bạn biết chắc chắn chúng đem lại lợi ích cho bạn và cả tập thể nói chung. Đừng quá lo lắng bởi vì nếu bạn đã suy nghĩ kĩ, thì khi lên tiếng, ý kiến của bạn rất có khả năng được lắng nghe và coi trọng bởi lẽ những người xung quanh cũng biết, khi bạn lên tiếng có nghĩa là điều đó thật sự cần thiết. Còn nếu bạn là người hay nói, quen biết nhiều bạn bè và có nhiều mối bận tâm, thì việc cố gắng dành ra một buổi không để bản thân bị xao nhãng bởi chiếc điện thoại, yên lặng lắng nghe những điều mà người thân yêu của bạn đang giữ trong lòng sẽ khiến họ cảm thấy họ thật sự được bạn yêu thương, trân trọng và sẽ càng dành nhiều tình cảm cho bạn hơn bao giờ hết.
4. Không quan trọng là bạn đi đâu, mà quan trọng là bạn đi với ai
Dù bạn cho rằng bản thân là người hướng nội hay người hướng ngoại, thì một điều chắc chắn rằng thế giới này luôn có chỗ cho bạn. Điều đó có nghĩa là không có gì “sai” ở bạn, kể cả khi bạn có cảm thấy bản thân hơi ít nói hay hơi nói nhiều hơn trung bình đi chăng nữa, bởi lẽ mỗi người chúng ta đều khác nhau nên không có gì thật sự là trung bình cả.
Quan trọng là hãy tìm đến những người yêu thương và hiểu được tính cách, con người thật sự của bạn đằng sau tất cả những thủ tục giao tiếp thông thường. Khi ở cạnh những người hiểu và ủng hộ bạn, họ sẽ giúp bạn tìm được những công việc thật sự phù hợp với bản thân bạn, trở nguồn động lực giúp bạn phát triển bản thân tốt đẹp hơn và là nguồn năng lượng giúp bạn cân bằng cuộc sống.
Giọng đọc: Titi
Sản xuất: Thanh Bình
Thiết kế: Hương Giang
Nguồn tham khảo: time.com, saltysoulsexperience.com, spacesworks.com, introvertdear.com