Chìm

Thứ tư - 15/05/2024 00:19
Nó chẳng biết thằng N quá yếu đuối để vượt qua mà lựa chọn buông bỏ cuộc đời khi mới 15 tuổi, hay là quá mạnh mẽ để dám thanh minh cho mình bằng tính mạng? Nhưng nó biết, nó từng rất nhiều lần đi học về trên con đập đó, giá mà lúc đó, nó cũng ở đó, biết đâu mọi chuyện đã khác đi…
***
Chín năm rồi, nhanh thật đấy, chín năm làm suy kiệt một đứa nhỏ, làm nó già mà chưa từng bước đến thanh xuân. Chín năm dài là những lần khóc giữa đêm, những lần tự an ủi, vỗ về mình, cũng chín năm đó, nó chịu đủ sự tổn thương, đủ lời sỉ nhục từ phía bạn bè và cả từ… mẹ nó. Nó như sống trong ác mộng, như chìm giữa biển đen sau lần chuyển trường đó.
Nó còn nhớ, năm đó nó chuyển đến sống với dì ruột lần thứ hai, cũng là lần thứ hai nó học ở trường X. Nó mới 8 tuổi, trong đáy mắt là sự ngây thơ đến tội nghiệp. Nó trở lại, học cùng những con sói đội lốt cừu đã từng nhốt nó vào góc tủ cuối lớp, chịu đủ sự cô lập, chọc phá, ức hiếp… Nhưng mà nó dại, chẳng dám nói dù dì rất thương nó. Nó bị các bạn ghét bỏ, tẩy chay, không ai thật lòng muốn làm bạn với nó. Nó bị bạn đẩy vào góc tủ cuối lớp dù rằng nó chẳng làm gì sai cả. Nó cố chịu, nhưng chẳng chịu nổi qua năm thứ ba. Nó bệnh nặng, sốt cao liên miên, mẹ nó qua chăm nó. Đợt thi giữa kì lần đó, ngoại trừ toán nó đều được 9  chín điểm, nhưng mẹ nó không quan tâm. Bà chỉ quan tâm cái điểm sáu của môn toán. Mẹ nó không chần chừ mà ném thẳng cái chảo vào người nó, mắng nó ngu. Nó chẳng dám nói gì, chỉ biết khóc.
Từ đó, lên trường nó sợ bạn, về nhà nó sợ mẹ. Nó càng lúc càng lầm lì ít nói, lũ bạn càng quá đáng hơn. Mỗi lần lũ bạn trộm bút nó, mẹ nó lại đánh nó. Trên người nó thường trực những vết bầm do bị đánh. Mẹ nó tưởng nó ham chơi, va phải bàn ghế, cũng chẳng quan tâm. Nó thậm chí còn bị kéo quần giữa đám đông, bị chế nhạo bằng những lời thậm tệ mà nó chẳng biết vì sao.

Nó càng ngày càng ít nói, ít cười rồi im luôn. Mẹ cuối cùng cũng thấy nó bất thường, đem nó đi bệnh viện. Khi có kết quả, mẹ nó bật khóc, còn nó thì vẫn còn hoảng sợ vì chuyện vừa xảy ra. Nó sợ đo điện não. Cảm giác bị thứ chất lỏng dinh dính bám vào đầu cùng một mớ dây dợ làm nó bất an. Nó ngồi đó, xung quanh là mẹ nó và bốn năm vị bác sĩ. Có người theo dõi màn hình, lúc thì bảo nó thở sâu, lúc thì bảo nó thở ra, thở vào, có người ghi ghi chép chép, lại có người kêu mẹ giữ chặt tay nó. Nó gào khóc vì bất an, các bác sĩ an ủi nó, bảo nó cố thêm chút nữa thôi. Trong năm đó, nó phải đi nhiều bệnh viện, phải đo điện não và uống hàng đống thuốc thần kinh. Đời này, thứ mà nó ám ảnh nhất ngoài những lần bạo lực học đường có lẽ là việc đo điện não.
Nó phải nghĩ học hai năm. Hai năm đó nó tự nhốt mình trong nhà. Tự lẩm nhẩm nhiều điều với bản thân. Ngày nào nó cũng ra sau vườn và ngồi đó đến tối khuya. Nó thích được trốn trong bóng tối, muốn ngồi lì một chỗ hàng giờ. Tự nó phán quyết mình ngồi tù hai năm. Nó thích đọc sách, đọc một quyển đến chục lần. Nó cũng thích tự nói chuyện với bản thân vì như vậy nó mới thấy mình còn tồn tại. Mẹ nó thấy nó không tốt lên, nghe theo người ta nói nó bị ma nhập, dắt nó lên Lâm Đồng mời thầy cúng. Thầy nhảy múa quanh người nó, khấn cầu lầm rầm rồi liên tục thổi mạnh vào người nó trông hết sức kì quái. May mà mẹ nó chỉ mời thầy một lần đó thôi.
Thực ra chính nó cũng đâu muốn mình bị bệnh. Thời gian là liều thuốc chữa lành hiệu quả nhất, những cơn đau của quá khứ cho dù có sâu, có day dứt cỡ nào thì cũng có ngày lành lại. Một lần nữa nó khao khát đến trường, khao khát có người làm bạn, dù chỉ là một người thôi cũng được. May mắn thay, ngôi trường mới này chào đón nó theo cách tốt nhất mà nó từng thấy. Mọi người vui vẻ mỉm cười với nó, nắm tay nó chạy khắp sân trường, cho nó biết thế nào là bạn, lần đầu tiên nó không muốn về nhà sau giờ học, suốt nhiều năm sau, đó vẫn là quãng thời gian mà nó trân trọng nhất. Nhưng niềm vui đó quá ngắn ngủi, nó chỉ học ở đó một năm rồi lại phải chuyển đi nơi khác. Ngôi trường mới một lần nữa có những kẻ thích bắt nạt người khác. Nếu là lúc trước, nó chỉ biết chịu đựng và tự hỏi liệu bản thân đã làm gì mà khiến người khác chán ghét đến thế. Nhưng khi lớn thêm chút nữa thì nó hiểu rồi. Chẳng phải tính tình nó không tốt, cũng chẳng có gì khác biệt so với các bạn. Có chăng là bởi vì nhà nó nghèo, đồng phục của nó là những bộ đồ nhăn nheo mà mẹ nó tự may cho trông xấu xí vô cùng. Và có chăng là mẹ nó cũng đã bằng tuổi bà nội, bà ngoại người ta, ngày ngày đèo nó đi học trên cái xe đạp củ rích, hoặc nó phải tự đi bộ suốt một quãng đường dài.
Ai đó nói không sai, trường học chính là một xã hội thu nhỏ, mọi vấn đề của xã hội đều có thể xảy ra trong nhà trường. Nó phản ánh đầy đủ mọi mặt của đời sống: quyền lực, tiền bạc, nhan sắc, gia thế… Dù là ở bất kì đâu, công bằng chưa bao giờ là tuyệt đối và chỉ có chính mình mới giành lại sự công bằng cho mình mà thôi. Nó hiểu rằng nó càng im lặng thì người khác càng được nước lấn tới, và sẽ thật ngu nếu nó còn tiếp tục chịu đựng. Nó nói chuyện với thầy cô, nhưng điều đó chỉ càng khiến mọi chuyện tệ đi mà thôi. Nó chẳng nói với mẹ vì mẹ nó đủ khổ vì cơm áo gạo tiền rồi. Sau lời nhắc của thầy chủ nhiệm, bọn bắt nạt lại quay sang trả thù nó. Mọi chuyện sẽ cứ thế kéo dài nếu như nó không phản khán theo cái cách mà nó chưa bao giờ nghĩ tới. Nó đánh nhau -  đánh lại những kẻ đánh nó, dùng những lời lẽ thô tục để mắng lại những ai từng buông lời dẽ bỉu nó. Từ một trò ngoan, nó biến mình thành một đứa chỉ biết bạo lực sau một năm.

Nó biết đó chẳng phải là cách khôn ngoan và rằng việc này cũng làm nó tổn thương nhưng đó lại là cách duy nhất: dùng bạo lực để chống lại bạo lực. Theo một cách nào đó, nó đã trở thành một kẻ mạnh. Dù rằng sau này nó luôn ước  giá như lúc đó có cách nào tốt hơn, nó không muốn mình cũng cư xử như một đứa chỉ biết ức hiếp người khác, và rằng làm một đứa mau nước mắt như nó trở nên mạnh mẽ thì thật là khó. Những trận đánh nhau cứ thế tiếp diễn, bất kì lúc nào cũng có những lời thách thức, hẹn gặp. Nó sợ, nhưng không từ chối, nó không muốn chỉ biết ngồi im chịu đau nữa. Những lần đi học sớm về nhà muộn và những vết bầm xước đầy tay chân. Cũng phải thôi, nó là con gái mà, sức có bao nhiêu, chẳng qua là nó lì đòn thôi.
Rồi nó chợt phát hiện, có cái gì đó lạ lắm. Những chiếc băng cá nhân được dán lên vết thương khi nó chảy máu, những lời bênh vực bo vệ nó được nói ra, và những lời an ủi động viên xuất hiện. Thì ra cũng có những người bạn chịu chống lại đám đông để đưa tay ra với nó, dùng những tờ bạc nhỏ để mua cho nó từng chiếc băng cá nhân, cùng nó nói những chuyện trên trời dưới biển. Nó vui lắm. Cảm giác có người ở bên cảm thông, chia sẽ đối với nó là một điều tuyệt vời. Những người bạn ấy, sau nhiều năm, có những người không còn thân thiết nữa, có người thay đổi và có người chưa gặp lại, nó vẫn luôn trân trọng và muốn nói ngàn lời cảm ơn.
Trong số những người bạn đó, có một người luôn gắn bó với nó đến bây giờ, có một người vì nó đi ngược đám đông, dù bao lần xa cách cũng chưa từng rời bỏ nó. Nó bắt đầu thân với T khi hai đứa ngồi cùng chỗ, tuy tính cách, hoàn cảnh khác biệt nhưng hai đứa luôn vui vẻ khi bên cạnh nhau. Dù rằng suốt bốn năm cấp hai cả hai không chung lớp nhưng T chưa từng xa cách với nó. Cả hai cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng cố gắng học tập và có những kỉ niệm đặc biệt. T mời nó về nhà chơi khi hai đứa làm bạn được 6 năm. Gia đình T là những người tốt, nó cảm nhận được một tình cảm khó nói, tình cảm ấy phần nào bù đắp những thiếu thốn tình cảm gia đình mà nó phải chịu. Đối với nó, T là đứa bạn thân nhất trên đời, không ai có thể thay thế được dù bây giờ hay mãi mãi về sau. Thành thật mà nói, nó có chút tham lam khi cảm thấy ghen tị vì T có những người bạn thân khác và khi thấy T tag người khác trên facebook thay vì mìnhnó cảm thấy có chút chạnh lòng. Vì đối với nó, quá khó để kiếm thêm một người bạn thật sự nữa. Có lẽ ngày đó, ông trời đã động viên nó bằng cách gặp được một người bạn thân như T.
Bốn năm học cấp hai dường như trôi qua rất êm đềm, nó cảm nhận được rất nhiều sự quan tâm, động viên từ thầy cô và bạn bè. Lúc nào cũng vui vẻ, yêu đời. Thật ra không phải vậy, nó cảm thấy mệt mỏi với mẹ, với chính ngôi nhà của mình. Mỗi ngày tan học nó đều ra về thật chậm và mong rằng mình không phải về nhà nữa. Nó quá mệt mỏi rồi. Từ nhỏ nó đã biết mình không có ba nên phải thương mẹ nhiều hơn. Trong tưởng tượng của nó, ba là một người đàn ông hiền lành, phúc hậu và tháo vát. Biết bao lần nó mong được gặp ba. Khi ngày đó đến năm nó 11 tuổi, nó cứ đinh ninh rằng mình đã có ba, đã có thể sống trong một gia đình hoàn chỉnh, đã có người bảo vệ nó. Nhưng không, ba nó lại lần nữa biến mất nhanh như lúc vừa xuất hiện. Sau vài lần hỏi han thì ba nó không bao giờ quay lại nữa.

Mẹ nó già rồi, sức khoẻ ngày càng suy yếu, trong nhà lúc nào cũng chỉ có vài đồng bạc l. Từ nhỏ mẹ nó đã luôn nói những lời cộc cằn, quát tháo nhưng nó biết chỉ là do mẹ nó quá áp lực thôi. Một mình mẹ nó lo cho nó đi học suốt bao năm nay mà. Nó cảm thấy thất vọng về ba, ông xuất hiện làm cho hình tượng người ba mà nó ấp ủ trong lòng sập đổ trong phút chốc. Áp lực kinh tế khiến mẹ nó ngày càng cực đoan hơn, những lời nói như sát muối vào tim mà mẹ nó nói chỉ vì những chuyện lông gà vỏ tỏi ngày càng nhiều. Nó chạnh lòng lắm. Mỗi khi nó bị bệnh mẹ nó luôn mắng nó nhà nghèo còn không biết lo cho cái thân, tốn tiền tốn bạc. Suốt thời gian dài, câu mà nó nghe được nhiều nhất mỗi khi về nhà có lẽ là: “Có trách chỉ trách mày vô phước, có thằng cha như vậy…” Mỗi lần như vậy, nó chỉ biết khóc thầm, đúng là nó vô phước thật.
Lần nọ nó bị té xe, cả người trầy xước, cả trên mặt cũng đầy máu, ấy thế mà khi về đến cửa nhà, mẹ nó ngồi đợi ngoài cửa lại hỏi nó: “Mày lấy tiền tao đem đi đâu rồi ?” Cánh tay mở cổng của nó khựng lại, giờ phút đó, cơn ê ẩm bổng rát trên người cũng không làm nó thấy đau nữa. Tim nó như vỡ vụn, nó thật sự muốn quay đầu chạy thật xa, mãi mãi không bao giờ quay lại cái nhà này nữa. Cũng không phải lần đầu tiên nó bị đổ oan như vậy, mỗi khi mẹ nó không thấy cái gì trong nhà là y như rằng nó bị hỏi tội, mà cái lý lẽ đưa ra cũng thật hợp lí: “Nhà này ngoài tao với mày ra còn ai vào đây nữa?” Mỗi lần như vậy, mẹ nó chẳng thèm nghe nó một câu, cứ mắng nó thậm tệ. Nó đã từng vì chuyện này mà không ít lần muốn kết thúc cuộc đời mình. Những lúc như vậy, chỉ có chính nó tự vỗ về bản thân, ai đó sẽ nói với nó rằng: nó đã cố gắng sống đến giờ rồi, chết đi thì làm sao bù đắp được những gì bản thân đã trải qua. Rồi khi nó chết, ai sẽ minh oan, ai sẽ đau xót cho nó hay họ chỉ xem nó là một đứa ngốc mà cười cợt cho qua chuyện. Cứ như vậy, nó tự cho mình chỗ dựa vững chắc nhất, tự mình ngày một lớn lên.
Lý do khiến nó cảm thấy mình hạnh phúc suốt những năm đó có lẽ là nó được các thầy cô, bạn bè quan tâm, giúp đỡ. Mọi người biết số nó khổ, ai cũng sn lòng giúp nó phần nào và rằng thành tích nổi bật giúp nó được thầy cô ưu ái ít nhiều. Những lời động viên, cảm thông của họ là động lực khiến nó vực dậy, không ngừng cố gắng mỗi ngày. Trong số đó, có ba người khiến nó lưu luyến, cảm thấy biết ơn vô cùng: một người cô, một người bạn và một… người trong lòng.
Ngày đầu tiên vào trường nó nghe mọi người bảo cô H dạy lý là một người rất khó tính và dữ dằn. Những lời đồn đó làm nó lo sợ và cứ mỗi lần tiết lý lại đến là nó lại thấy áp lực một cách nặng nề. Nhưng dần dà, chính nó nhận ra không phải vậy, cô H là một người giáo viên giỏi, luôn tràn đầy nhiệt huyết với công việc và luôn quan tâm, chăm sóc các học trò. Cô cũng không phải người thích dùng đòn roi và to tiếng mà ngược lại, cô chọn cách làm bạn với mỗi học trò mà cô dạy. Các anh chị đã ra trường cũng rất quý mến, thường xuyên ghé thăm cô. Khi biết hoàn cảnh của nó, cô luôn tìm cách giúp đỡ, cho nó ăn trưa ở nhà cô thay vì ngồi ăn cơm trắng một mình trên trường hay ghé về nhà thằng T khi nhà nó quá xa so với trường. Những lần mệt mỏi hay cần tâm sự, nó chỉ cần gục đầu lên vai cô, kể cô nghe mọi chuyện và được cô vỗ về là nó đã thấy nhẹ nhõm rồi. Cho dù đó là lúc nó đã ra trường thì cô vẫn luôn là chỗ dựa mà nó luôn nghĩ đến trong thời khắc mà bản thân không gượng dậy nổi. Thật lòng, trong thân tâm nó cô cũng là một trong những người mẹ tinh thần mà nó luôn kính trọng và yêu mến.

Nhỏ lớp trưởng cũng là một đứa bạn vô cùng đặc biệt trong lòng nó. Cô bé đó lúc nào cũng tốt bụng, sẳn sàng giúp đỡ mọi người xung quanh và đích thị là một lớp trưởng mẫu mực luôn tuân thủ các nề nếp và luật lệ. Một con người toàn diện về gia cảnh, học lực, đạo đức và có năng khiếu. Nó hiển nhiên rất quý mến cô bạn này và luôn đặt nàng vào một vị trí quan trọng trong lòng. Bởi nàng hiểu nó, sẳn sàng chia sẽ mọi điều với nó và dù cho đối với nàng nó cũng chỉ là một người bạn bình thường không hơn không kém. Tuy nhiên đối với nó, có được một người bạn chân thành như nàng đã là đáng trân trọng rồi.
Người khiến nó để mãi trong lòng còn có một cậu bạn nọ. Những năm cấp hai, hầu như cậu ấy luôn xuất hiện quanh nó trong bán kính hai mét. Từ một cậu bạn bàn trên lúc nào cũng trầm lặng, ít nói và có chút nóng tính rồi đến bạn cùng bàn, bạn ngồi đối diện… hai đứa dần thân nhau lúc nào không hay. Cậu ấy thường xuyên chở nó về nhà vì cùng đường, biết mẹ nó khó tính nên dừng lại cách nhà một khoảng. Cậu ấy giới thiệu bạn của mình cho nó, rủ nó đi chơi sau những giờ tan học, cùng nhau ngồi dưới ghế đá trong sân trường nói chuyện trăng sao. Nó còn nhớ như in câu nói ấy của cậu vào một trưa tháng ba năm ấy: Yên tâm đi, tụi nó đánh mày thì tao đánh lại tụi nó!” Nó rung động rồi, cậu trở thành người mà nó luôn trong ngóng mỗi khi đến lớp, cùng nhau song hành khi ra về và cùng nhau bước qua bốn mùa phượng nở. Nó thích thầm cậu bốn năm, khi mùa hè năm lớp 8 đến, nó tỏ tình cậu bắn một dòng tin và lời đáp lại của cậu khiến nó vui sướng như muốn nổ tung. Nó và cậu có một khoảng thời gian mà đối với nó rất ngọt ngào, ngọt như ly trà sữa đầu tiên của cậu và như những hộp sữa giờ ra về. Nhưng mối tình đầu ngọt lịm đó chỉ như là gió thoảng khi cậu nói lời dừng lại. Ngày đó nó đã khóc như mưa, và cho dù nó đã quen với việc đó thì cảm giác thổn thức, không cam lòng vẫn cứ như xúc tu đeo bám lấy cổ họng, tim phổi nó mà bóp nghẹt từng chút một. Nó ngồi nhìn món quà sinh nhật mà nó chắt chiu tiền để tặng cậu, nó buồn lắm, nhưng cậu trong lòng nó vẫn không thay đổi, vẫn mãi là người con trai chu đáo, dịu dàng, hơi nóng tính nhưng cực kì rộng lượng. Đến bây giờ, nó vẫn còn thương cậu nhiều lắm. Thời gian sau đó, khi nó gục ngã, cậu lại quay lại làm bạn với nó, an ủi nó, cộc cằn bảo nó cốc cần quan tâm lời nói của người khác, cứ cố gắng hết mình là được. Nó thấy nhẹ nhõm khi có cậu, dù ở tư cách là bạn hay người thương, cậu vẫn luôn làm đúng như những gì cậu đã hứa, giúp nó yên tâm.
Nó rất thích môn văn. Bởi “Văn học là cuộc đời” và qua những tác phẩm văn học đó giúp nó thấy có những cuộc đời còn đau khổ, bi thương hơn mình gấp trăm ngàn lần và mình vẫn chưa bị dồn đến bước đường cùng như những nhân vật số khổ trong đó, chưa phải nộp sưu thuế cho cai lệ, chưa cần rạch mạch ăn vạ, cũng chưa đến nổi bán chó để cầm cự qua ngày… Cũng có những cuộc đời làm nó biết mình phải cố gắng để đươc như thế, từ văn, nó học được nhiều điều. Ban đầu, nó bồi dưỡng lý, nhưng vì lời nó rằng nó rất có triển vọng của thầy mà nó thi văn. Mẹ nó lại không thích môn văn cho lắm. Suốt thời gian ôn luyện nó chưa hề nghe một lời động viên từ mẹ mà nó toàn nghe những lời khinh thường, mỉa mai. Khi có giải, nó vui lắm, cho dù là giải ba ở huyện thì nó cũng sung sướng lắm rồi, mẹ lại nói nó không ra gì vì không được giải nhất và rằng ba cái giải nhì ba thì cũng chẳng ra trò trống gì. Nó vốn rất mẫn cảm với những lời lẽ của người khác, và mẹ khiến nó mất dần tự tin, nó biết mình phải cố gắng cho mẹ thấy nhưng nó đã không làm được. Việc chính nó quá áp lực bản thân khiến thành tích môn văn của nó tụt dần. Đến khi thi lên lớp 10, văn nó vỏn vẹn có 6.5. Nó thất vọng tràn trề, hiển nhiên biết mình phải n lực lại từ đầu, dù rằng rất khó khăn nhưng nó chẳng muốn bỏ cuộc. Còn kết quả của cố gắng đó như thế nào thì tương lai sẽ trả lời cho nó.

Cách ngày lễ tốt nghiệp lớp chín một tuần, nó hay tin thằng N - bạn cùng khối tự tử trên con đập sau nhà mình vào tối qua. Cũng chẳng phải ai xa lạ, N và nó từng chơi chung hồi tiểu học, tuy không thân nhưng nó biết thằng oắt kia khá hiền lành, ngoan ngoãn. Mà nguyên nhân sự việc lại là nó bị chị họ đ oan ăn trộm đồ, ngay đến cả ba mẹ cũng chẳng bênh nó. Ai cũng thấy thằng N dại dột, hiện trường toàn những gương mặt hóng hớt, chẳng thấy ai ngoài người thân, bạn bè là thật sự đến chia buồn. Có người bảo thằng N chết lãng xẹt, ngay cả mẹ cũng bảo “cứ cho nó chết đi” khi nghe kể. Nhưng nó lại hiểu rõ hơn ai hết, cái cảm giác bị vu oan không thể giải thích mà ngay cả người thân trong gia đình còn không tin tưởng thật sự rất tuyệt vọng. Nó như một nhát dao chí mạng đâm vào tim, bào mòn đi lòng tự trọng của con người, đánh mất niềm tin, niềm hy vọng vào gia đình. Mà gia đình, luôn là sự phòng thủ cuối cùng của mỗi người, là chỗ dựa vững vàng nhất, một khi chỗ dựa sụp đổ, con người tự nhiên sẽ ngã xuống vực thẳm thôi. Điều quan trọng là ai có đủ mạnh mẽ để leo lên và ai sẽ yếu đuối chìm sâu xuống đó. Nó chẳng biết thằng N quá yếu đuối để vượt qua mà lựa chọn buông bỏ cuộc đời khi mới 15 tuổi, hay là quá mạnh mẽ để dám thanh minh cho mình bằng tính mạng? Nhưng nó biết, nó từng rất nhiều lần đi học về trên con đập đó, giá mà lúc đó, nó cũng ở đó, biết đâu mọi chuyện đã khác đi…
Sau sự việc đó, nó càng thấy dù có như thế nào, nó cũng phải sống, chỉ có sống mới có thể không uổng phí những ngày tháng khốn khó mà nó đã trải qua.
Dù sao nó cũng không phải chỉ có một mình.
Từ rất lâu rồi, chẳng biết từ khi nào trong lòng nó luôn có một giọng nói can thiệp vào cuộc sống thực tại. Những lúc nó buồn, giọng nói ấy an ủi nó, động viên nó, nói với nó chẳng sao đâu, cố lên đi. Những lúc nó nghĩ quẩn, giọng nói ấy ngăn cản nó, nhắc nó nhớ về những gì mình trải qua và rằng nó sẽ chẳng muốn tất cả thành công cốc, khi tức giận, giọng nói đó lại nói nó phải bình tĩnh lại. Nó chẳng biết đó là gì nữa, là nó độc thoại với linh hồn của mình hay là một cái tôi khác đang sống trong nó và dần chiếm lấy nó? Có người nói nó nên đi khám bác sĩ tâm lý và rằng nó không nên quá lạm dụng việc đó. Nhưng nếu không có giọng nói đó, ai sẽ bên cạnh nó những lúc nó tổn thương đây. Không phải lúc nào người khác cũng rảnh rỗi để an ủi, cứu giúp nó, chỉ có nó mới tự vực dậy được thôi. Tại sao nó phải xoá bỏ một phần của chính mình khi mà điều đó có thể giúp nó mạnh mẽ hơn dù chỉ chút ít? Nó biết điều đó có nghĩa là nó đang có vẫn đề về thần kinh nhưng chẳng sao cả, nó bị bệnh về hô hấp, dạ dày, đường ruột đủ cả rồi, có bị “điên” thêm tí nữa cũng chẳng sao. Nó có thể tự lo được mà. Nếu nó mà nói ra thì mẹ lại chng chì chiết nó mỗi ngày, nó chẳng chịu nổi đâu!
Trí nhớ nó khá tốt, nhớ rõ những kí ức từ năm 4 – 5 tuổi. Cũng bởi thế mà những lời cãi cọ to tiếng của mẹ với những người hàng xóm làng giềng xung quanh, những bữa trưa phải theo mẹ đi làm giữa trời nắng gắt hay những lần bị nhốt trong nhà không được đi chơi cứ thế in hằn sâu vào trong não. Đến khi lớn lên, mỗi lần ra đường, chỉ cần có người lớn giọng là nó đã nghĩ ngay tới đôi mắt trợn trừng và cây roi trên tay của mẹ. Nó nhận ra từ lâu hình như mình chưa bao giờ có những kỉ niệm đẹp ở nơi gọi là mái ấm. Nó đủ lớn để hiểu và không đua đòi gì cả, chỉ là không kìm được tủi thân khi thấy người ta có gia đình đủ đầy êm ấm mà thôi.
Sau này, có người trách nó quá hướng nội, lúc nào cũng im lặng ở trong nhà, không chịu đi đây đi đó. Rằng cách nó nói chuyện rất khó ưa, tính tình nắng mưa thất thường. Nó im lặng cười trong lòng. Thật sự nó chẳng biết phải làm bạn như thế nào cho đúng nữa. Có một thời gian dài bên cạnh nó không có lấy một người bạn, những người bạn bây giờ nó có đều hiểu nó nên nó sẽ nói năng không sợ bị ghét bỏ. Nhưng với người xa lạ, nó không dám nói gì nhiều vì sợ người ta không ưa. Và rằng tính tình nó không hướng nội tí nào cả, nó chỉ tự ti không dám thể hiện thôi. Ngày thường nó tỏ ra kì quặc, khó gần lại có chút kiêu căng để che giấu sự tự ti, yếu kém của mình. Nhưng dù thế nào, nó luôn đối xử chân thành với mọi người. Những người nó quan tâm, nó sẵn sàng cho đi tất cả, luôn yêu thương, quý mến và gìn giữ tất cả những gì nó có. Nó luôn muốn một ngày nào đó, nó có thể trao cho họ những bó hoa to cùng một lời cảm ơn sâu sắc từ tận đáy lòng.
Mai này, nó mong mình có thể tự quyết định cuộc đời mà mình muốn sống thay vì mẹ. Nó muốn được tự do theo đuổi cái mà mình muốn. Được đọc những cuốn sách nó chưa đọc, xem những bộ phim hay, chạy qua những ngọn đường bằng một chiếc xe phân khối lớn, đi du lịch vòng quanh thế giới cùng bạn thân hay đơn giản là có một ngôi nhà và một con cún dễ thương, cùng một công việc yêu thích sống bình yên đến cuối đời.

Tác giả: tranbo - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập32
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm27
  • Hôm nay27,809
  • Tháng hiện tại207,620
  • Tổng lượt truy cập8,735,662
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây