Cánh chim nhạn giữa trời mây

Thứ tư - 03/06/2020 00:51
Ngọc Thanh ngước nhìn lên bầu trời, những áng mây trôi thẫn thờ cùng những cánh chim nhạn màu đen tự do đan xen. Những con chim không sợ hãi, không e ngại, không chùn bước, cả đời bay lượn chinh phục những tầng cao.
***
Một hôm nọ, nhận được thư của em trai, Ngọc Thanh quyết định trở về quê cũ sau mười năm trời. Trên đường về, trong cô luôn nhộn nạo khó chịu, cảm xúc giằng xé không thể nói lên lời. Cô tựa đầu vào khung cửa kính xe ô tô, cảm thấy cái rét lạnh đáng sợ của vùng Tây Bắc xâm nhập vào từng tấc ra thịt.
Ngọc Thanh trước kia tên là A Lư, là một cô gái dân tộc, sống trên sườn núi sương mờ lạnh lẽo. Quá khứ về những ngày tháng lao động vất vả đến toàn thân đau nhức, nhớ đến đôi bàn tay căng cứng mỗi lần giặt quần áo ngày đông, nhớ đến những trận đòn roi, những lời nhục mạ xỉa xói từ chính mẹ của mình khiến tay chân lạnh ngắt.
Làng của A Lư trọng nam kinh nữ rất nặng, nam giới ở đây được coi trọng, còn nữ giới thì không được coi ra gì. A Lư còn nhớ khi cô còn bé, mẹ chưa một lần ôm cô, cho nên cả đời này cô nghĩ mình sẽ không hiểu được tình cảm mẫu tử thiêng liêng ấy.
Mẹ luôn nói: “Mày là đồ bỏ đi, nếu không sinh ra mày đời tao đã không khổ sở như thế.”
Khi còn ở nhà, mọi công việc, từ giặt giũ, dọn dẹp đến chuyện đồng áng đều một tay A Lư làm hết, khiến bàn tay cô nứt nẻ chảy máu, vết thương cũ chưa lành thì đã có vết thương mới. Da cô trắng bẩm sinh, nên những vết sẹo ấy lại càng hằn sâu rõ nét hơn, nhìn qua là biết có tuổi thơ không mấy yên bình.
 
 
Em trai của A Lư là A Cường, dù mẹ đối xử rất tệ với cô, nhưng A Cường không học theo họ, là một đứa trẻ ngoan, rất hiểu thảo, còn hay nói đỡ giúp cô.
canh-chim-nhan-7
A Lư nhớ vào đêm vào thừa, khi cô vẫn còn phải dọn dẹp rồi cất củi khô đi, không được ở trong nhà sưởi ấm cùng bếp lửa, A Cường đã chạy ra giúp đỡ, nhưng còn chưa được bao lâu thì A Lư nhận được một cái tát trời đánh của mẹ, khiến đầu óc như muốn văng ra ngoài, A Lư không dám khóc, cũng không biết mình sai ở đâu, quỳ sụp xuống đất xin lỗi.
 
“Con khốn nạn này, mày lại dám bắt A Cường làm việc hộ mày.”
 
 
A Cường thấy chị bị tát mạnh như vậy, sợ hãi khóc lóc, bám lấy tay mẹ lay lay:
“Mẹ, là con tự giúp chị, chị không có nhờ con.”
Mẹ nhìn A Cường yêu thương, nhỏ nhẹ nói:
“Mau đi vào trong nhà, ở ngoài này lạnh, ngoan.”
A Cường nhìn A Lư yếu đuối bất hạnh ngồi dưới nền đất như đóng băng, gương mặt đen lẻm đầy bụi bẩn, trái tim đau đớn bất lực. A Cường lúc đó chỉ mới 11 tuổi, nhưng trong lòng đã quyết định sẽ bảo vệ chị gái mãi mãi.
A Lư chỉ dám liếc nhìn A Cường đi chầm chậm vào trong gian nhà ấm áp, ánh lửa bập bùng, tựa như một chốn thần tiên tuyệt diệu. Mẹ lại tiếp tục mắng, tiếp tục chửi, cuối cùng đá đấm vào bụng, vào ngực cô.
“Mày nên nhớ mày là lí do vì sao tao phải sống khổ sở, đừng có lôi A Cường vào. Mày chỉ là đồ bỏ đi, A Cường mới là con trai tao.”
A Lư đã quen rồi, không còn thiết tha trống trả nữa, hai con mắt như chìm trong đáy vực sâu thẳm, cô cố gắng gượng mình dậy, kéo mấy khúc gỗ vào nhà kho trước khi trời sáng.
A Lư không được ngủ trong nhà chính, chỗ ngủ của cô cạnh gian bếp, A Lư thu dọn nốt đồ đạc thì đã qua giao thừa, qua thời khác vui vẻ hạnh phúc, gia đình sum vầy rồi. Lúc này cô mở sách vở ra, chăm chú học. Cô chỉ hi vọng thời gian nghỉ tết qua thật nhanh, để được trở lại trường lớp, như vậy sẽ không phải chịu khổ nữa.
A Lư học rất giỏi, liên tiếp đứng ở vị trí đầu tiên trong trường. Thầy cô giáo còn khen cô có tư chất thông minh xuất chúng, nếu được đi học ở thành phố có lẽ sẽ còn tiến xa hơn nữa. Nhưng khi thầy giáo chủ nhiệm đến nhà, bàn bạc với mẹ A Lư cho cô lên thành phố để đầu tư việc học, đã bị bà đánh rồi đuổi đi. A Lư hôm đó cũng bị một trận đòn roi nặng hơn những trận khác.
“Học hành giỏi thì có cái thá gì, mày vẫn không phải con trai. Mày là đồ của nợ.”
canh-chim-nhan-1
A Lư vẫn không quên được cái giảm giác tuyệt vọng hôm ấy, giống như bị ném xuống tận sâu đáy đại dương, không có một ánh sáng nào có thể chiếu rọi đến, xung quanh chỉ toàn là nước lạnh buốt thấu xương và một màn đêm đen đục, có vùng vẫy mãi cũng không thoát ra nổi.
Nhưng A Lư biết học hành là lối thoát duy nhất, sắp đến kì thi cuối cấp 3, nếu cố gắng hết sức cô có thể vào được trường sư phạm, sẽ không phải đóng học phí, sẽ không phải ở nhà làm cái gai trong mắt mẹ.
 
 
Tay A Lư mân mê những trang sách không nguyên vẹn. Lần trước bố uống say đã vứt quyển sách vào đống lửa tàn, khiến nó suýt nữa cháy rụi. Lúc đấy A Lư không kịp nghĩ nhiều xục tay vào trong đốm lửa lấy ra, sau này để lại sẹo như những con sâu tím đen trên mu bàn tay.  
Ngọc Thanh xoa nhẹ tay phải của mình, đã mười năm rồi nhưng dấu vết năm xưa vẫn còn. Cô nhớ khi người yêu lần đầu tiên nhìn thấy tận mắt, anh ấy đã khóc. Người con trai mạnh mẽ như thế cũng rơi nước mắt chỉ vì bàn tay của cô. Anh nói: “Em quả thực rất kiên cường.”
Ngọc Thanh đè nén những suy nghĩ ngổn ngang, lần theo trí nhớ tìm đường về nhà.
A Cường trong thư có nói, mẹ bệnh nặng lắm, nên muốn cô trở về thăm bà ấy. Ngọc Thanh không muốn về, quả thực trong lòng cô ngoài cảm giác chán ghét thì còn rất hận bà ấy, cả mười tám năm chưa từng yêu thương, chưa từng che chở, việc duy nhất mẹ làm chính là đánh mắng và sỉ nhục cô.
Nhưng Ngọc Thanh dù sao vẫn là con gái của bà ta.
A Cường từ đằng xa đã trông thấy cô, vẫy tay mừng rỡ, ánh mắt vô cùng lạnh phúc. Ngọc Thanh cũng chạy đến ôm em trai, dù xa cách mười năm nhưng hai người vẫn thường xuyên liên lạc, A Cường vẫn luôn là người mà cô biết ơn nhất.
A Cường nói:
“Chị, chị xinh lên nhiều quá.”
Ngọc Thanh cười:
“Ừ, em cũng thế, đã cao lớn như vậy rồi.”
A Cường nắm tay Ngọc Thanh, miệng ríu rít như chú chim non, kéo cô về nhà. Hai chị em cứ nói hết chuyện này đến chuyện khác, không khí vô cùng vui vẻ. Nhưng cả người Ngọc Thanh đang đổ mồ hôi lạnh, cô cũng không biết mình đang lo lắng, hay sợ hãi điều gì.
Ngôi nhà năm xưa không hề thay đổi, trước cổng vẫn có một cây hồng đang trổ hoa, hàng rào vẫn siêu vẹo. Ngọc Thanh từng nghĩ mình sẽ không bao giờ trở về nữa.
Cô chầm chậm bước từng bước đến cửa, tháo giầy, đi vào trong. A Cường đi cất hoa quả và đồ đạc ở trong bếp.
canh-chim-nhan-3
Ngọc Thanh nhìn thấy bóng người gầy gộc cô đơn của bố, nhìn xa như một tảng đá màu xám xịt. Ông nghe thấy tiếng bước chân, quay lại nhìn, mắt léo lên một tia sáng dù rất nhỏ. Giọng ông khàn khàn:
“A Lư đã về rồi đấy ư?”
Cái tên A Lư này mười năm rồi không nghe ai gọi, trái tim nhảy lên một nhịp, vừa như chú hươu sao mùa xuân, vừa như con chim nhạn bị chết rét giữa trời đông.
A Lư từng rất yêu bố, vì bố không giống mẹ, không đánh đập chửi bới, ông chỉ có tật uống rượu, và để mặc cho mẹ hành hạ cô. Nhưng cô vẫn biết trong lòng bố có đứa con gái này, thế là đã mãn nguyện rồi. Thế mà năm ấy khi mẹ ép gả cô cho lão Sứ đầu ngõ, ông không hề nói được một câu.
 
 
Ngọc Thanh vẫn đứng đấy, đáp một tiếng vâng lạnh lùng xa cách.
Có tiếng đàn bà chua chát vọng ra:
“Con đưa con đàn bà vô ơn bạc nghĩa về đây làm gì? Con khốn nạn ấy sao không chết đi cho rảnh nợ. A Cường, mau đuổi nó đi.”
Bố nhìn cô đầy ái ngại, ông nói:
“A Lư đừng để bụng, mẹ con bệnh nên tâm tình khó chiều.”
Ngọc Thanh nói:
“Không sao, ngày xưa những lời gay gắt hơn thế này con còn chịu được. Một vài câu thế này có là gì.”
Tiếng thở dài của ông kéo dài đến vô tận, tựa như mây bụi trên khắp núi non Tây Bắc rơi xuống.
“Thôi, vào thăm mẹ con một chút. Tuần trước thầy lang nói khó mà qua được trong tuần này, bác sĩ mà A Cường tìm tới cũng nói lành ít dữ nhiều.”
Ngọc Thanh gật đầu, chuẩn bị đi vào gian trong.
Bố cô lại nói:
“Đừng làm bà ấy tức giận.”
Ngọc Thanh đáp:
“Trước giờ con chưa từng làm mẹ tức giận, bà ấy vẫn luôn tức giận với con.”
 
Cô bước vào phía trong, không nghe được những câu chữ thì thầm của bố mình.
“Bà ấy cũng là có lí do.”
A Cường đang ngồi bón thuốc cho mẹ, cái tình cảm khăn khít giữa hai người khiến Ngọc Thanh vừa ghen tị vừa căm giận. Mẹ nhìn thấy cô, liền hất đổ bát thuốc, tay run run chỉ vào mặt cô:
“Con khốn nạn, cút, cút ngay cho tao. Mày về cái nhà này làm gì nữa? Mười năm trước mày nói mày sẽ không bao giờ xuất hiện trước mặt tao cơ mà, mày trở về làm gì?”
canh-chim-nhan-6
Ngọc Thanh đáp:
“Con về là vì A Cường, nó gửi thư muốn con về thăm bố mẹ. Nếu mẹ không thích thì con sẽ đi ngay bây giờ.”
Mẹ cô tức giận vô cùng, nhưng sức khỏe cạn kiệt, bà không có sức để đánh mắng cô nữa, chỉ liên tục ho những tràng dài vô tận.
 
Ngọc Thanh quay lưng bỏ đi.
Tối hôm ấy, A Cường đến tìm Ngọc Thanh, mắt thằng bé vẫn còn sưng, chắc là khóc rất nhiều. Ngọc Thanh đau lòng, cuối cùng vẫn vì em trai trở lại ngôi nhà kia. Cô thấy bố ngồi trước cửa nhà, tay cầm bình rượu, gương mặt thơ thẩn, mơ mơ hồ hồ.
Ông nhìn thấy Ngọc Thanh, nói:
“A Lư trở về rồi đấy ư? Lại đây con.”
Ngọc Thanh biết ông say, bảo A Cường vào lấy cho ông một tấm chân, rồi lặng lẽ ngồi cạnh.
“A Lư, có phải con rất hận bà ấy không, cho nên mười năm qua đều không chở về. Bà ấy cũng có nỗi khổ riêng, bây giờ gần đất xa trời, tha thứ cho bà ấy đi. Mấy năm nay con đi, bà ấy miệng nói vậy nhưng rất nhớ con.”
Ngọc Thanh không giống như A Lư ngày xưa, chỉ cắn răng im lặng chịu mắng chịu đánh, cô nói:
“Bố nói bà ấy sống khổ cực, thế còn con thì sao? Mười tám năm sống ở đây con bị đối xử thế nào, hai người có từng coi A Lư là con ruột không? Con có thể làm việc quần quật cả ngày thay A Cường, cũng có thể không đi học ở thành phố, nhưng tại sao năm ấy lại muốn bán con cho lão Sứ? Ông ta 40 tuổi rồi, vậy mà mẹ lại nói đấy là một mối lương duyên tốt. Còn bố thì không nói hộ con một câu. Chỉ có A Cường, chỉ có em ấy coi con là ruột thịt máu mủ, không để người khác ức hiếp con. Nếu không có em ấy, thực sự con đã chết không biết bao nhiêu lần rồi.”
“Mười năm qua ở Hà Nội, con chỉ là một đứa nhà quê, tiền không có, học lực chẳng bằng người ta, con phải đi rửa bát cho các quán hàng mới có tiền thuê nhà, rửa đến mức bị ghẻ lở, rửa đến mức nhìn thấy nước là buồn nôn. Con sống khó khăn vất vả như vậy, cố gắng từng chút để có công việc ổn định, nhưng bố mẹ cũng đâu có coi trọng con. Mẹ vẫn luôn bảo con cút đi, gọi con là khốn nạn, là đồ vô tâm, là đồ bỏ đi.”
“Cuộc sống khổ sở khó khăn như thế, con bị người ta lừa tiền, bị khinh bỉ vì là người dân tộc, bị bắt nạt, con làm sao dám kể với A Cường, nên đều tự một mình gánh hết. Điều con ghen tị nhất với người khác, không phải là tiền tài phú quý, mà là họ có bố mẹ để chở che an ủi, còn con đến một người cũng không có, thậm chí bố mẹ ruột còn muốn bán con cho một lão già.”
“Cho nên tha thứ, làm sao con có thể làm nổi đây?”
canh-chim-nhan-4
Không ngờ đến cuối cùng, Ngọc Thanh cũng có thể nói ra hết nỗi lòng đè nặng trái tim nàng bấy lâu. Tảng đá đè nặng lên ngực bao nhiêu năm cuối cùng cũng nhẹ dần đi.
 
Bố cô cầm bình rượu thở dài một hơi, nói:
“Con quả thực rất cực khổ rồi.”
Đúng vậy, rất cực khổ, rất vất vả mới có được ngày hôm nay. Sự thành công này là do Ngọc Thanh đánh đổi bằng máu và nước mắt, trải qua biết bao thăng trầm, vượt qua bao nhiêu cạm bẫy của cuộc đời. Cô cuối cùng vẫn vững vàng, không gục ngã, không bị những bóng tối dơ bẩn bao trùm.
Bố cô chầm chậm nhấp một ngụm rượu, mắt nhìn về phía bình minh, giọng khàn đục chậm rãi nói:
“Trước kia mẹ con là một thiếu nữ xinh đẹp tốt bụng, sau đó vì nợ ần mà bà ấy bị ép lấy ta, nên tính cách phần nào tệ đi, rồi sinh ra con. Con cũng biết tục lệ làng ta trọng nam khinh nữ, bà nội của con đối xử với bà ấy rất độc ác, đánh đập, bắt bà ấy nhịn ăn, thậm chí còn nhốt vào chuồng heo. Bà nội còn định bán con đi, mẹ con quỳ gối suốt một đêm mới giữ được con lại. Mãi về sau sinh được A Cường mới được đối xử tốt hơn. Cho nên bà ấy coi A Cường như vị thần cứu mạng, nhưng gánh nặng tâm lí quá lớn, mới coi con là chỗ để xả giận.”
Ngọc Thanh đứng hình, không ngờ trước kia mẹ lại chịu nhiều uất ức như thế.
Bố cô mắt xám xịt, giọng như cầu xin, nói:
“Chung quy lại vẫn là bố mẹ sai. Nhưng bà ấy sắp chết rồi A Lư, sau này con không cần về đây nữa.”
Đêm đó, Ngọc Thanh suy nghĩ một hồi, cuối cùng quyết định vào thăm mẹ, gương mặt bà ốm yếu già nua, lộ ra những lưỡi dao sắc nhọn của năm tháng, trong lòng cô nhói lên. 
canh-chim-nhan-5 
Mẹ cô mơ màng nhìn Ngọc Thanh, lạ thay, lúc này bà ấy không chửi rủa cô như mọi khi, lại nhẹ giọng gọi một tiếng:
“A Lư đã về rồi đấy ư?”
Giọng bà vô cùng yêu thương, dường như đã trũ bỏ tất cả gánh nặng đau khổ trước đây.
Bà ấy lẩm bẩm câu hát ru đứt quãng, nắm tay nàng, đôi mắt phủ mờ hơi sương, khóe miệng cười.
“A Lư con ngủ ngoan nhé
Để mẹ lên rẫy đi làm
Để mẹ nuôi gà câu cá
Mai này con lớn con ơi”
Ngọc Thanh trào nước mắt, cô gái A Lư ngủ say trong lòng cũng động đậy thoát ra.
 
“A Lư về rồi, mẹ xin lỗi A Lư.”
canh-chim-nhan-8
Mười tám năm A Lư luôn chờ đợi câu này.
Mười năm Ngọc Thanh cũng luôn chờ đợi câu này.
“Xin lỗi con. Mẹ là người mẹ tồi tệ. Mười năm nay con ở nơi đất khách quê người rất vất vả rồi. Con gái giỏi giang, không giống ta, lúc nào cũng sợ hãi chuyện quá khứ.”
Ngọc Thanh siết chặt tay bà:
“Mẹ ơi, A Lư về rồi, sẽ không đi nữa đâu.”
Bà lắc đầu, với tay vén tóc mái cô:
 
“Không, A Lư ngoan của mẹ sẽ bay như những cánh chim, như mây trời, như sương núi.”
Tiếng bà ấy mỏng dần, nhẹ dần, chỉ như một sợi tơ lơ lửng trong không khí, cuối cùng thì không còn nữa. A Lư òa khóc, dù lúc bị đánh, cũng chưa từng khóc dữ rội như vậy.
Con người là một loại động vật kì lạ, thường đem tất cả tính khí xấu xa độc ác đổ lên đầu người thân thiết nhất. Vì chỉ khi ở cạnh người thân, chúng ta mới tháo bỏ lớp ngụy trang của mình, bộc lộ bản thân thực sự, nhưng ít ai ý thức được điều này sẽ làm những người ta yêu bị tổn thương.
Ngày mẹ Ngọc Thanh chết, trên trời đã xuất hiện những cánh chim nhạn, và những đám mây trắng bồng bềnh trôi.
Sau tang lễ, cô hỏi A Cường có muốn lên thành phố làm việc không, thằng bé lắc đầu, nó bảo có chị mang ước mơ của mẹ đi xa là được rồi.
Cô đi hỏi bố, ước mơ của mẹ là gì? Ông nói: “Ước mơ của bà ấy là trở thành một con chim nhạn.”
canhchim
Ngọc Thanh ngước nhìn lên bầu trời, những áng mây trôi thẫn thờ cùng những cánh chim nhạn màu đen tự do đan xen. Những con chim không sợ hãi, không e ngại, không chùn bước, cả đời bay lượn chinh phục những tầng cao.
Cô cũng là một cánh chim nhạn tự do, vượt khó khăn gian khổ, vượt qua cái giá rét của Tây Bắc, mang trái tim yên bình trở về với mảnh đất quê hương dấu yêu. 
Ngọc Thanh và mẹ cô ấy đều là những người phụ nữ phải chịu cuộc sống bất hạnh, nhưng mỗi người lại lựa chọn một con đường chống chọi khác nhau, chịu khuất phục hoặc dũng cảm đối mặt. Cuộc đời mỗi người cũng giống như một thế giới thu nhỏ vậy, cho dù là những người bình thường nhất, cũng phải vì sự tồn tại của thế giới mình mà tranh đấu.
Có cố gắng nhất định sẽ hái được trái ngọt, nhưng trái ngọt không giống như quả thị cô Tấm biến thành, đọc câu thần chú là có thể rớt xuống bị của bạn, để hái được nó, phải trải qua biết bao khó khăn gian truân, cạm bẫy cuộc đời.
Cuộc sống muôn hình vạn trạng, mỗi một miếng ghép, một hình dáng lại cho đưa cho bạn một thử thách. Việc đối mặt với nó chính là động lực và sức bật để chúng ta tiến bước và trở thành một phiên bản tốt nhất của bản thân. Hãy trở thành cánh chim tự do mạnh mẽ, vượt gió vượt bão, vượt qua bầu trời để mở ra một thế giới mới cho riêng mình.

Tác giả: Phương Phương Nhỏ Nhắn – blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Trợ giúp

Thông tin liên hệ

Lưu niệm
Dự báo thời tiết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập381
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm376
  • Hôm nay10,229
  • Tháng hiện tại183,086
  • Tổng lượt truy cập10,397,352
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây