Blog Radio 713: Dìu nhau qua mùa dịch
Thứ bảy - 10/07/2021 00:01
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” Ai cũng mong an ổn đi qua dịch bệnh, nhưng nếu ai cũng muốn bình yên thì ai sẽ là người đương đầu với gian khó? Khi chúng ta vẫn ngồi đây, an toàn và bình yên thì tức là ngoài kia đã có ai đó kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió. “Ai đó” chính là những người có nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với cộng đồng, như đội ngũ bác sĩ, quân nhân. Hoặc ai đó là những người tự nguyện, sẵn sàng xông pha vào tâm dịch, bất chấp khó khăn và nguy cơ phơi nhiễm. Nếu ai cũng muốn ngồi yên trong vòng tròn an toàn và giữ khư khư người thân bên mình, thì ai sẽ là người đứng ra gánh vác trách nhiệm nặng nề là bảo vệ bình yên cho đất nước, nhân dân.
Sự thật là chúng ta chỉ có thể yên ổn khi Bắc Giang, TP. HCM và những vùng dịch khác được yên ổn. Có cô gái đã một hai đòi chia tay người yêu khi anh này tình nguyện đến tâm dịch, cho đến khi nơi cô ấy sống trở thành ổ dịch và phải cần đến sự trợ giúp của những tình nguyện viên. Lúc đó cô ấy mới nhận ra bản thân mình ích kỷ đến thế nào. Nhưng đó cũng là tâm lý chung của nhiều người.
Trong không khí cả nước chống dịch Covid-19, tác giả quen thuộc Thanh Lam đã gửi đến truyện ngắn Dìu nhau qua mùa dịch, kể về chuyện tình của cặp đôi yêu nhau thời Covid. Mời bạn lắng nghe.
1. Tin nhắn của Minh tới, nhấp nháy trên màn hình điện thoại “Anh sẽ đi Bắc Giang hỗ trợ”. Lại chuyện gì nữa đây? Tôi ngay lập tức nhấc điện thoại gọi cho Minh.
- Anh đây.
Không biết Minh đang ở đâu mà bên kia đầu dây ồn ào quá đỗi những tiếng người nói xôn xao.
- Tin nhắn của anh là sao? Anh từ chối đề cử đó đi, ngoài ấy đang nguy hiểm lắm. Một ngày tới mấy trăm ca dương tính với Covid.
- Là anh tự nguyện đăng ký đi. Bắc Giang bùng dịch, nhân lực vật lực đều đang thiếu thốn, anh chỉ mong…
- Anh điên rồi! Nếu anh vẫn quyết đi thì chúng ta chia tay! - Tôi quát, cắt ngang lời Minh.
Tôi ngắt cuộc gọi, tắt luôn nguồn điện thoại trong cơn giận và hoang mang cực độ. Khi ngẩng mặt lên, tôi thấy chị Hà trưởng phòng đang nhìn mình với đôi tay khoanh trước ngực khó chịu và những ánh mắt quan ngại từ đồng nghiệp xung quanh. Tôi lí nhí xin lỗi, rồi chăm chú vào màn hình máy tính nhưng dãy số trên ấy mờ dần, nổi lên những cụm từ rời rạc cứ xoay vòng Minh, Bắc Giang, dịch bệnh, cái chết. Minh sẽ đi Bắc Giang hỗ trợ. Anh ấy có nghĩ về tôi khi đưa ra quyết định này không trong khi chúng tôi đã đinh ninh năm sau sẽ cưới.
Khi tôi về tới phòng trọ thì Minh đã đứng đợi ở trước cửa từ bao giờ.
- Em về rồi, hôm nay có mệt lắm không?
Tôi nhìn đôi mắt ngập tràn sự hối lỗi của Minh, cảm thấy yên lòng đôi chút, chắc là anh đã thay đổi ý định vì thái độ quyết liệt của tôi chiều nay. Tôi tra chìa khóa vào ổ, hỏi:
- Sao anh không vào nhà mà lại đứng ngoài này?
Minh nắm tay tôi, thả vào bên trong lòng bàn tay mở mảnh kim loại, ánh sáng từ đèn đường hắt vào khiến nó ánh lên tia xanh xám rõ nét.
- Tuần sau anh bay.
Tôi nghe xung quanh mình như sụp đổ. Tôi siết mạnh chiếc chìa khóa, mặc kệ những cạnh nhọn cứa vào tay đau nhói:
- Anh vẫn quyết định đi dù em đã bảo nếu anh đi chúng ta sẽ chia tay sao?
Minh cúi đầu, im lặng. Tôi cảm giác anh đang ở một nơi xa tôi lắm dù thực ra Minh của tôi vẫn đang ở trước mặt tôi, với hình dáng và khuôn mặt quen thuộc.
- Anh là trưởng khoa sao? Anh là bác sĩ tài năng có thể chữa được bách bệnh không ai thay thế được sao? Nếu anh không đi, vẫn có hàng chục con người ra đấy mà. Tại sao nhất định phải là anh? Tại sao?
Những câu hỏi của tôi không nhận được hồi đáp. Tôi lao vào phòng, khóa cửa và ngồi bệt xuống sàn khóc tức tưởi. Tôi đoán Minh vẫn đang bên ngoài dù anh không nói gì cả. Gía như anh hút thuốc, tôi sẽ ngửi được mùi thuốc vấn vít quanh đây. Minh cai thuốc lá từ hai năm trước khi tôi bảo mình không chịu được mùi thuốc. Anh bỏ luôn thói quen ăn thức ăn nhanh mỗi tối vì tôi không thích và lúc nào cũng gọi hai phần không hành khi ăn ngoài do tôi ghét ăn hành, anh sợ quên nên cũng bắt đầu không ăn hành lá từ khi quen tôi. Nhưng khi đứng trước lời thề Hippocrate thì tôi thua trắng tay. Minh vẫn quyết định đi vào tâm dịch hỗ trợ mặc kệ điều đó có thể là dấu chấm hết cho mối quan hệ đến kỳ hái trái ngọt của chúng tôi. Mãi một lúc lâu sau, tôi nghe Minh thì thầm:
- Anh xin lỗi. Cả nước đang tham gia cuộc chiến chống dịch, là một bác sĩ anh không thể chỉ đứng ngoài mà nhìn.
Tôi hé cửa nhìn theo bóng lưng anh khuất dần trong màn đêm, ước gì mình có đủ can đảm đuổi theo và ôm chầm Minh nỉ non bảo anh ở lại.
2. Từ khi Minh đi, ngày nào tôi cũng cập nhật tình hình bệnh dịch của Bắc Giang bên cạnh thông tin về Thành phố Hồ Chí Minh. Những ngày con số F0 được phát hiện tại Bắc Giang tăng vọt, cũng là những ngày tôi đứng ngồi không yên. Còn bao nhiêu F0 chưa phát hiện nữa? Còn bao nhiêu F1, F2,… đang mang mầm bệnh trong người, chỉ cần sơ xuất một chút là con số nhiễm sẽ nhân đôi nhân ba trong một đêm. Minh đang ở nơi đó với nguy cơ nhiễm bệnh trong gang tấc, khi vắc xin và con số phần trăm hiệu quả vẫn là câu hỏi khó.
Suy nghĩ Minh đang ở tâm dịch làm tim tôi bồn chồn không yên. Tôi tự hỏi có bao nhiêu người thân của đội tình nguyện tới tâm dịch 100% cổ vũ con em mình lên đường. Cuộc đời riêng làm người ta do dự trước những sứ mệnh, hi sinh vì cộng đồng, nhất là khi chúng quá gian nan và hiểm nguy. Rồi tôi tự cười mình, tôi đang suy bụng ta ra bụng người đấy sao? Hay tôi đang tìm một cái cớ để biện hộ cho việc mình cản ngăn Minh làm một điều mà chính bản thân cũng cho là đúng đắn? Dù là lý do gì tôi cũng không thể lấp liếm việc mình quá ích kỷ. Tôi chỉ muốn Minh ở đây, bên tôi, vào lúc này và an toàn.
Trong một cuộc họp nhóm vào năm trước, có người bạn cũ hỏi Minh thích điều gì ở tôi. Chắc hẳn đây là thắc mắc chung của rất nhiều người, vì so với Minh, tôi là một cô gái quá đỗi bình thường cả về ngoại hình, tài năng và gia cảnh. Anh đã trả lời rằng tôi là người tốt bụng, luôn quan tâm đến mọi người xung quanh. Tôi biết được khi nghe Thanh kể lại sau đó. Chắc hẳn vào lúc này Minh bỗng nhận ra cô gái anh yêu hóa ra lại ích kỷ đến vậy, và tôi chưa bao giờ xứng đáng với anh.
Tôi và Minh không liên lạc gì với nhau sau khi Minh rời nhà tôi. Tôi bị xoay quanh bởi hai luồng suy nghĩ hoặc là Minh quá bận, hoặc là anh đã làm theo đúng lời tôi nói, chúng tôi kết thúc rồi. Tuy nhiên, tôi vẫn theo dõi tất cả các trang về Bắc Giang, lòng như lửa đốt vì lo cho anh. Một lần, loạt hình ảnh hoạt động của các tình nguyện viên Thành phố Hồ Chí Minh tại Bắc Giang được chụp lại và chia sẻ rộng rãi, tôi nhìn thấy ảnh Minh đang lấy mẫu xét nghiệm. Tôi nhận ra Minh dù anh đang mặc đồ bảo hộ kín mít từ đầu tới chân nhờ vào đôi mắt hiền khô và dòng chữ viết tay Bắc Giang cố lên trên vai áo. Bên dưới bức ảnh có một comment nhận được rất nhiều lượt yêu thích “Tình nguyện viên chống dịch là auto đẹp trai nha”, và những comment trêu đùa như “Bắc Giang hết dịch thì vào lại Sài Gòn với em anh nhé”, “Các chị đừng khen chồng em nữa”… Tôi muốn dùng hết sức hét lên “Anh ấy là người yêu cả tôi”, nhưng khi nhìn thấy hình ảnh những chiến sĩ áo xanh nằm la liệt trên chiếc giường đơn sơ, những bữa cơm nhanh nhanh chóng chóng, khi nghe tin có ngày họ phải lấy mẫu hơn 10 tiếng chẳng nghỉ ngơi, có người còn ngất xỉu vì làm việc giữa thời tiết nắng nóng với bộ đồ bảo hộ sát da, tôi chỉ mong Minh bình an, vậy là đủ rồi.
3. Khi tình hình kiểm soát dịch bệnh của Bắc Giang bắt đầu có những tín hiệu khả quan thì Thành phố Hồ Chí Minh lại nhận liên tiếp tin dữ với công cuộc truy vết gắng sức. Công ty của tôi xuất hiện F0, chỉ trong một đêm, tôi nhận được hàng tá thông báo từ ban lãnh đạo và những nhóm có liên quan. Công ty tạm ngưng hoạt động và chỉ định ngày dự kiến làm việc với hi vọng nhiều hơn là sự chắc chắn. Cán bộ công nhân viên được sắp xếp cả một ngày để lấy mẫu, ai cũng nơm nớp lo sợ. Chưa bao giờ tôi thấy dịch bệnh lại gần mình đến vậy.
Ở những đợt dịch trước, tôi vẫn còn có thể đi làm, thậm chí mua sắm và ăn uống bên ngoài. Tôi chưa hình dung được covid có thể tàn phá một doanh nghiệp, một thành phố dữ dội đến mức nào dù vẫn theo dõi thông tin mỗi ngày, cho đến hôm nay, khi hàng loạt hàng quán, công ty đóng cửa không biết khi nào hoạt động trở lại, đường xá vắng tanh, số khu vực bị phong tỏa ngày càng tăng. Tôi bắt đầu sợ tiếng còi xe cấp cứu hơn bao giờ hết.
Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính tại công ty chưa lâu, tôi được tổ trưởng khu phố yêu cầu xét nghiệm thêm lần nữa do hẻm nhà trọ tôi đang ở có người dương tính. Lần thứ hai xét nghiệm tôi không còn sợ như lần đầu, nhưng sự lo lắng lại tăng lên, nhất là khi nhìn các anh dân phòng đang giăng dây cách ly hai đầu con hẻm. Người dân xếp hàng dài để lấy mẫu trong im lặng giữa cái nắng chói chang của mùa hạ. Tôi bỗng nhớ Minh da diết, anh cũng lấy mẫu cho bao nhiêu người dân Bắc Giang, giữa cái nóng, cái ngột ngạt và sự lo lắng còn hơn những gì tôi đang gánh chịu. Anh nhân viên lấy mẫu nhìn mắt tôi ngân ngấn nước, động viên:
- Chị ngửa đầu, ngồi im, em lấy nhanh, không đau lắm đâu chị.
Trong khi tôi vẫn chưa quen với việc nằm lì ở nhà, cửa đóng im ỉm cả ngày thì Minh cập nhật trạng thái đầu tiên trên facebook kể từ khi anh tới Bắc Giang “Về với Sài Gòn thân yêu thôi!”. Chắc hẳn anh quay về để tham gia công tác hỗ trợ thành phố chống dịch, tự nhiên tôi nghe tim mình đánh độp rồi òa khóc nức nở. Minh vẫn an toàn, và chúng tôi lại cùng hít thở chung một bầu không khí tại thành phố này.
Tầm 9 giờ đêm, bỗng có tiếng gọi kèm theo tiếng gõ cửa từ bên ngoài phòng tôi:
- Chị ơi, em gửi đồ.
Tôi hé cửa nhìn ra thì thấy cậu thanh niên dân quân tầm trên 20 đang đứng trước cửa với túi gồm một phần gạo nhỏ, mấy gói mì, dầu ăn, nước tương, nước mắm, trứng và vài củ khoai.
- Của mạnh thường quân gửi xóm mình chị ạ.
Tôi rưng rưng đón lấy, chưa kịp cảm ơn thì cậu ấy đã chạy sang gõ cửa những nhà khác. Dịch bệnh khó khăn mới thấy những món quà nho nhỏ trao nhau sao mà quý và ấm áp quá chừng. Tôi bỗng nhớ đến người dân Bắc Giang những ngày Bắc Giang còn bị gọi là ổ dịch lớn phức tạp. Bây giờ, khi thành phố đang cảm nhận những gì Bắc Giang đã trải qua, tôi mới biết lúc này những trợ giúp, một nhóm tình nguyện viên can trường hay chỉ là câu động viên từ một người xa lạ trở nên quý giá biết bao. Và tôi lại một lần nữa bật khóc vì nhớ Minh và cảm giác xấu hổ dâng trào.
Sáng hôm sau, lại có tiếng gõ cửa từ bên ngoài:
- Chị ơi, ra nhận đồ ạ.
Vẫn là cậu dân quân tối hôm qua.
- Mạnh thường quân lại cho đồ nữa hả em? Chị đã đủ dùng rồi, em phân cho các nhà khác nhé.
- Không, cái này của một anh gửi riêng cho chị.
Tôi nhận túi đồ từ tay cậu thanh niên, nhanh chóng cảm ơn trước khi cậu ta chạy vụt đi. Bên trong là một hộp phở vẫn còn ấm nóng, một số loại thuốc đau bụng, cảm sốt thông thường và mảnh giấy gấp gọn.
“Em gắng giữ sức khỏe, đừng sợ, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Anh xin lỗi vì đã để em một mình thời gian qua. À, anh đã tiêm vắc xin rồi, em đừng lo lắng nhé.”
Tôi lập tức bấm số gọi cho Minh.
- Anh đây!
Vẫn là giọng nói mà tôi ngỡ mình đã mong chờ từ rất lâu. Em nhớ anh. Em lo lắng cho anh biết bao. Em xin lỗi do em quá ích kỷ. Bao nhiêu suy nghĩ đầy ứ trong đầu tôi nhưng không tài nào thốt nên lời được, cổ họng tôi nghẹn lại đắng ngắt.
- Em khỏe chứ, có sốt đau gì không?
Tôi đáp lại giọng Minh đang lo lắng:
- Em khỏe, anh đừng lo cho em. Bên ngoài, vẫn còn rất nhiều người cần anh giúp.
- Hết đợt giãn cách này, mình đăng ký kết hôn em nhé.
Tôi gật đầu, quên mất mình đang gọi điện, nhưng tôi tin Minh sẽ hiểu lòng tôi.
Thành phố rồi sẽ vượt qua dịch bệnh như đã từng. Người với người gặp nhau sẽ lại cười nói rôm rả chứ không còn ngại ngần gật đầu sau những chiếc khẩu trang. Lúc đó, tôi sẽ cùng anh đi dạo trên những con đường ngập nắng dọc bờ kè sông Sài Gòn, tôi sẽ siết chặt tay, nhìn sâu vào mắt anh và bảo rằng tôi tự hào về anh biết bao.
Bạn vừa lắng nghe truyện ngắn Dìu nhau qua mùa dịch của tác giả Thanh Lam. Hãy để lại bình luận cảm nhận của bạn nhé. Chương trình được thực hiện bởi Hằng Nga, thiết kế Hương Giang, với các giọng đọc Hà Diễm và Sand. Blog Radio được cập nhật hàng tuần tại website và kênh youtube Blog Radio. Cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi. Xin tạm biệt và hẹn gặp lại.
Truyện ngắn: Dìu nhau qua mùa dịch
Tác giả: Thanh Lam
Giọng đọc: Hà Diễm, Sand
Thực hiện: Hằng Nga
Thiết kế: Hương Giang