Bâng khuâng ngày cũ
Thứ hai - 08/01/2024 03:51
Mà có ai biết được những món quà đơn sơ nhưng chứa chan tình cảm học trò trong đó đã ở mãi trong ký ức của chị, cũng như ngôi trường làng năm nào. Cũng như những học sinh của chị năm nào giờ đây đã thật sự lớn khôn, đã thật sự trưởng thành
***
Chị ngồi ôm mãi quyển lịch bàn trong tay, đôi mắt chị cứ dán chặt vào con số hai mươi đã được chị khoanh tròn ngay từ đầu tháng và lòng chị tự hỏi không biết đây là lần thứ bao nhiêu trong cuộc đời chị đón nhận một ngày nhà giáo. Ngày hai mươi tháng mười một hàng năm với biết bao cảm xúc cứ như được dồn nén lâu ngày rồi cứ trào lên từng nhịp một làm vỡ òa trái tim chị. Những mảnh ký ức có lớn có nhỏ và thật nhiều yêu thương chan chứa cứ tràn về và thi nhau chen nhau làm chật cứng cả khối óc và cõi lòng vốn rất mênh mông. Luôn tràn đầy nỗi nhớ về những tháng ngày còn được đến trường, đến lớp, còn được nhìn thấy nghe thấy rất nhiều những tiếng nói cười những gương mặt học sinh thân thương.
Chị đặt quyển lịch lại xuống bàn và nhìn qua khung cửa sổ. Giây phút này đây chị đang nhớ về các em học sinh của chị và nhất là chị nhớ khôn nguôi những món quà của các em tặng chị nhân ngày nhà giáo. Những món quà mà nếu nói ra chắc mọi người sẽ cười nhưng chị biết đó là cả tấm lòng của các em dành cho chị, một cô giáo luôn hết lòng yêu thương và tận tâm với các em.
Ngày đó chị là một cô giáo tiểu học của trường làng. Nói là trường làng nhưng đó là một ngôi trường khá lớn và được xây mới với những cơ sở vật chất được trang bị gần như đầy đủ. Có bàn ghế mới, có căn tin có thư viện có ghế đá và có cả những hàng cây xanh rợp bóng mát trong sân trường. Thời đó mà có một ngôi trường như vậy là nhất rồi, ai cũng nói vậy và ai cũng vui vì thấy các con các em mình được học tập được rèn luyện trong một môi trường, trong một ngôi trường như thế. Vì đời sống của bà con trong làng ngày đó còn nghèo lắm, gần như đa số các em học sinh đi học đều đi bộ, nhà nào khấm khá lắm thì các em mới có được một chiếc xe đạp để đi. Vậy mà các em, những học trò của chị vẫn chăm ngoan và học giỏi. Chị nhớ đã rèn được cho mấy em có mặt trong đội học sinh giỏi của thành phố, đó là một thành tích vượt bậc của trường chị lúc đó. Vì ai cũng quan niệm học sinh trường làng thì thường chậm hơn và kém hơn các bạn học sinh của các trường huyện và trường tỉnh lớn ở trên kia.
Chị nhớ mãi cảm giác xúc động và bồi hồi khi các em đến tận nhà và tặng chị mấy ổ bánh mì không, mà do em lớp trưởng trao tặng. Em nói ngày lễ lớn của cô mà các em chẳng có gì nên mua mấy ổ bánh đến để cô ăn cho vui, chị cầm chặt món quà đó trong tay mà cứ thấy nghẹn lòng. Và chị còn nhớ đã đãi các em một phong kẹo lạc chị đã mua để dành sẵn vì chị biết các em sẽ tới. Ngày hôm đó cả cô và trò đã có một hàn huyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất thật là vui. Chị cảm thấy chị không còn là một cô giáo thân thương của các em nữa mà còn là một người chị, một người mẹ lớn đang chăm sóc dạy bảo ân cần cho các con mình, luôn mong các con mình được nên người.
Chị nhớ mãi món quà của năm chủ nhiệm tiếp theo, chỉ có một nhóm khoảng bảy tám em gì đó xách một nải chuối lớn, là loại chuối bồ hương thật thơm mà chị vẫn thích ăn. Các em nói là cây nhà lá vườn mang đến tặng cô nhân ngày nhà giáo vì các em không có tiền để mua quà, rồi chị đãi các em một nồi chè đậu xanh thật lớn và bắt các em ăn cho hết. Với chị đó là những quả chuối ngon nhất trên đời, dù sau này chị vẫn hay mua chuối để ăn.
Mà có ai biết được những món quà đơn sơ nhưng chứa chan tình cảm học trò trong đó đã ở mãi trong ký ức của chị, cũng như ngôi trường làng năm nào. Cũng như những học sinh của chị năm nào giờ đây đã thật sự lớn khôn, đã thật sự trưởng thành, có những em còn ngồi ở nhiều vị trí quan trọng trong nhiều chỗ làm khác nhau. Điều đó làm chị thấy tự hào và thêm yêu thiết tha công việc của chị, một công việc như người ta nói là công việc trồng người.
Những năm tháng đầy khó khăn đã đi qua trong cuộc đời chị gắn liền với tình yêu công việc, gắn liền với tình yêu học sinh và cũng gắn liền với muôn vàn những nỗi bộn bề gian nan của gia đình nhỏ của chị, đến nỗi chị không lập gia đình. Chị sống vậy vừa đi làm vừa lo chăm sóc cho ba mẹ chị cứ ngày càng già yếu và hay đau bệnh, còn em gái chị thì chị lại hối thúc chuyện lấy chồng. Chị cũng xin ba mẹ xắn làm đôi miếng đất đang có của gia đình để cho em gái chị có được một chỗ riêng, có lẽ tình yêu lớn nhất của cuộc đời chị đã dành hết cho ba mẹm cho em gái và cho công việc là nỗi đam mê của chị ngay từ nhỏ. Chị rất vui vì em gái chị cũng nối nghệp chị luôn, cũng là một cô giáo dạy cấp hai của một trường ở thành phố.
Không biết có phải vậy không mà chị nhớ ngày nhà giáo năm đó trùng với thời gian em gái chị mang thai bé đầu tiên, vậy là học sinh đến thăm cô lại mang đến biếu cô một ký thịt heo. Các em nói để chị tẩm bổ để có sức khỏe để dạy tốt hơn nữa. Nhưng hôm đó có cả em gái chị qua chơi, vậy là chẳng hiểu sao các em cứ xúm lại nói chuyện với em bé trong bụng của em gái chị làm ai cũng mắc cười. Rồi chị tự hỏi không biết đó là món quà các em tặng chị hay tặng em gái chị, vì các em cứ nói em bé nhớ ăn nhiều vào nhen rồi chào đời khỏe mạnh, vậy là chị cho luôn ký thịt cho em gái mình.
Học sinh của chị thời đó đa phần toàn là con nhà nông nên em nào cũng ngoan ngoãn lễ phép và chăm học dù các em học không giỏi. Chị biết thời gian các em còn dành cho gia đình nữa, như phụ giúp ba mẹ trong công việc đồng áng, rồi lại rủ nhau mang đến tặng chị một rổ khoai sắn thật là lớn. Chị nhớ đã luộc ăn đến cả tuần mới hết. Đó là món quà ngày nhà giáo mà chị mãi mãi trân trọng và ghi nhớ, vì chị biết trong đó thấm đẫm những công sức những giọt mồ hôi của chính các em. Những học sinh ngày nào mà chị nhớ từng gương mặt, từng nụ cười, từng bài kiểm tra từng lúc các em bị điểm kém và chị buộc phải giảng lại bài, thật kiên trì bắt các em học thuộc cách giải toán từ những cách thức dễ nhớ và đơn giản nhất. Vì đó cũng là năm cuối của cấp tiểu học và các em chuẩn bị bước vào cấp hai, nếu nền tảng kiến thức không vững thì những kiến thức tiếp theo sẽ khó mà trụ được, và các em sẽ bị mất căn bản rồi sẽ dẫn đến chán học.
Sau này chị vẫn nhận được những món quà có nhiều giá trị hơn, có vẻ sang trọng hơn và cuộc đời hơn, chị không biết phải diễn tả sao nữa nhưng chị nhớ mãi những món quà năm ấy. Mà cứ mỗi năm cứ mỗi ngày nhà giáo đến thì chị cứ ngồi lặng một mình như vậy để nghe nỗi nhớ da diết tràn về, đến nỗi chị muốn ngồi ngay lên chiếc xe đạp cũ ngày nào và phóng một mạch đến ngôi trường làng năm xưa. Nhưng chiếc xe đạp ngày nào đã không còn nữa, thay vào đó là chiếc xe máy chị đã mua cách đây cả chục năm. Rồi những sách vở những giáo án quen thuộc ngày nào cũng được chị trao tay cho nhiều người vì chị đã nghỉ hưu và không còn tham gia dạy nữa.
Hôm nay lại là một ngày nhà giáo, điều làm chị nhớ nhất chính là những cảm xúc những yêu thương ngập lòng chị dành cho học sinh của mình. Với chị thì các em như những chồi non xanh biếc, chỉ cần người lớn chúng ta biết chăm tưới, biết chăm sóc đúng cách đúng hướng thì các em sẽ vươn được thật cao. Như hai đứa cháu chị bây giờ vẫn suốt ngày chạy qua gọi chị là dì ơi dì hỡi, mà ai cũng nói vì chị không lập gia đình nên hai cháu cũng xem chị như mẹ luôn và chị cũng xem hai cháu như con ruột của mình.
Chị nhớ nhất và mãi mãi nhớ món quà vô cùng độc đáo của ngày nhà giáo năm đó, lại rơi vào đúng dịp em gái chị đang mang bầu bé sau. Vậy là có một phụ huynh trong lớp biết nên đã nói thẳng với chị là tặng cho chị một đôi gánh than, vì nhà vị phụ huynh đó chuyên làm về than. Nhưng ông ấy nói ông ấy chỉ cho của chứ không cho công, nghĩa là chị phải đến tận nơi để chở than về.
Chắc mọi người không biết ngày đó người ta toàn nấu bằng củi bằng than, làm gì có bếp ga có nồi cơm điện như bây giờ, mà ngày đó than rất mắc nên gần như nhà nào cũng nấu củi. Em gái chị sắp sinh nên rất cần than để sưởi ấm hai mẹ con, vậy là chị âm thầm đạp xe gần mười mấy cây số để chở về một đôi gánh than đầy ắp. Mà về đến nhà thì chị cảm giác cả mồ hôi cả bụi đường và cả bụi than nữa cứ bám chặt lấy người chị, rồi chị vui sướng sắp xếp lại trong ngăn bếp để chờ ngày em mình sinh nở. Vậy đó, quà của chị nhưng cuối cùng lại là của em chị. Mà ai cũng nói chị sinh ra giống như để chăm lo cho những người than. Chị sinh ra là để có một đàn con đông thật đông là những học sinh của chị, để dạy dỗ cho các em nên người và biết bước đi rộng dài với bao người với thế giới ngoài kia.
Đã bao nhiêu lần ngày nhà giáo mà chị đã nghỉ hưu rồi. Chị đã thật sự xa công việc, xa học sinh, nhưng hơn ai hết chị biết rất rõ tình yêu chị dành cho các em, những thế hệ tương lai của đất nước cứ luôn đầy ắp trong chị. Và những món quà ngày nào cứ như vẫn còn đây, hương vị của mấy ổ bánh mì không, của nải chuối, của những củ khoai củ sắn và của cả mùi thịt heo được em chị nướng lên thơm lừng. Và luôn luôn là gương mặt của bé gái đáng yêu, là bé con được chào đời và được sưởi ấm bằng chính gánh than năm nào chị chở về cứ nhắc chị nhớ mãi về những ngày tháng còn được bên cạnh các em.
Bây giờ trong ngôi nhà nhỏ chỉ còn mỗi chị thôi, ba mẹ chị đã mất lâu rồi, và chị cứ sống lặng lẽ như thế bên những ký ức ngọt ngào của công việc đã đi cùng chị mấy chục năm. Bây giờ người ta gọi chị là bà giáo về hưu, và hạnh phúc của chị vừa giống vừa khác với mọi người. Vì người ta nói hạnh phúc lớn nhất của một người là được mang đến thật nhiều hạnh phúc cho những người khác. Còn chị, hạnh phúc lớn nhất của chị là được sống là chính mình, là biết nuôi dưỡng những gì tốt đẹp của ngày hôm qua mãi trong tim và biết trân trọng chúng. Dẫu tất cả đã là quá khứ rồi, nhưng chị biết rất rõ để có chị như hiện tại như hôm nay thì chính quá khứ đã làm nên điều đó.
Chị nhìn mãi về phía xa nơi cuối con đường và trong tim chị cứ hiện lên rất rõ nét con số hai mươi và một vòng tròn chị đã khoanh tròn thật đỏ. Với chị, đó là một ngày có nhiều nỗi nhớ và nhiều yêu thương nhất trong một năm, với vô vàn những cảm xúc chẳng thể viết hết bằng lời.
Tác giả: HẢI ANH - blogradio.vn