Ai nghĩ cho em?

Thứ ba - 02/07/2024 00:03
 Đúng, cuộc sống của chúng tôi không giống nhau, tôi không phải là Kỳ thì làm sao mà hiểu được những gì mà nó đã trải qua. Nhưng khi nhìn vào ánh mắt đó, tôi cảm thấy cô không hề sẵn sàng cho chuyện này, không hề muốn thất hứa với chúng tôi. Nhưng biết làm sao đây?
***
Vào một ngày bình thường, tôi tan học trên trường và vừa về đến ký túc xá, ngã lưng lên giường rồi cầm điện thoại lên kiểm tra như thường lệ, thì thấy một tin nhắn từ nhóm bạn thân ba người. Là Kỳ, với dòng tin vỏn vẹn mấy chữ:
Tao sắp cưới rồi, tụi mày sắp xếp đến chung vui với tao nhé.
Khi đọc được những dòng đó, tim tui hẫng đi một nhịp mà ngay cả bản thân cũng không biết là tại sao.
Sau đó, Thanh đã trả lời, nói lên những ý kiến và suy nghĩ của riêng cô. Đại khái, Thanh không muốn Kỳ kết hôn sớm, bởi vì ba đứa chúng tôi đã từng hứa sẽ lên xe hoa cùng lúc và có lẽ cũng bởi vì cô nghĩ cho tương lai, hối tiếc cho thanh xuân của Kỳ. Riêng tôi thì không trả lời ngay.
Không biết nói sao nhỉ? Tuy là bạn thân, nhưng ba đứa chúng tôi lại đi những con đường khác nhau. Tôi sau khi tốt nghiệp cấp 3, thì tiếp tục lên thành phố học đại học như mong muốn của bản thân. Thanh thì qua một đất nước khác du học theo ý của cha mẹ, còn Kỳ thì nghỉ học từ sớm và đi làm khi còn rất trẻ.
Giữa xã hội rộng lớn này, ba đứa con gái với những hoài bão khác biệt đã tìm tới và ở bên cạnh nhau trong khoảng thời gian rất dài. Là tại vì sao? Nói theo kiểu lãng mạn một tí, có lẽ là do duyên số và định mệnh đã đưa chúng tôi đến gần nhau.
Ngay giây phút, biết tin Kỳ sẽ cưới ở độ tuổi 20, trong lòng tôi đã có rất nhiều suy nghĩ, cảm xúc cũng vô cùng lẫn lộn. Trước hết, cũng giống như Thanh, tôi không mong cô bạn thân của mình lại lập gia đình sớm như vậy. Là vì lời hứa? Không, đó chỉ là một phần nhỏ mà thôi, hạnh phúc của Kỳ mới là lý do chính đáng nhất.

Nói thật, tôi không ủng hộ việc kết hôn sớm, bởi vì trong khoảng thời gian lớn lên, được chứng kiến và lắng nghe nhiều câu chuyện về hôn nhân, tôi đã rút ra một kết luận rằng: Mọi sự chia tay và ly hôn của một cặp vợ chồng đa phần đều xuất phát từ nguyên nhân là họ chưa đủ trưởng thành và chín chắn khi đến với nhau.
Chính vì vậy, lời khuyên đầu tiên mà tôi dành cho Kỳ là:
Mày hãy suy nghĩ thật kỹ.
Tuy có hơi dư thừa khi nói như thế. Bởi vì, trước khi quyết định như vậy thì có lẽ cô bạn đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Thế nhưng, ngay giây phút đó, tôi không biết nên nói gì cho thỏa đáng nhất. Nói thật thì tôi sợ, sợ bạn của mình chưa nghĩ đến những trường hợp không tốt, sợ nó bị người khác tác động đến quyết định, sợ sau này Kỳ không được hạnh phúc và sợ tương lai của nó sẽ ngập tràn trong hối tiếc...
Nhưng vào một buổi tối nọ, trước khi cưới, tôi và Kỳ đã nói với nhau rất nhiều điều. Trong cơn say của một chút hơi men, ngồi trên sân thượng ngắm nhìn thành phố và bầu không khí lành lạnh của ban đêm, hòa cùng sự im lặng xung quanh. Kỳ đã tâm sự một cách thật lòng với tôi về nhiều thứ trong cuộc sống của cô, có một câu nói khiến tôi cảm thấy nên suy ngẫm nhiều hơn:
- Tại vì tao ra đời sớm hơn tụi mày.
Đúng, cuộc sống của chúng tôi không giống nhau, tôi không phải là Kỳ thì làm sao mà hiểu được những gì mà nó đã trải qua. Nhưng khi nhìn vào ánh mắt đó, tôi cảm thấy cô không hề sẵn sàng cho chuyện này, không hề muốn thất hứa với chúng tôi. Nhưng biết làm sao đây? Tôi không phải là kiểu người vô cảm đến mức chỉ biết bảo vệ ý kiến của mình mà mặc kệ nỗi lòng của bạn. Thật sự, tất cả những gì mà bản thân có thể làm là lắng nghe và thấu hiểu Kỳ, bởi vì tôi chính là bạn thân của nó. Những lúc như vậy, có lẽ chúng ta đều mong có một chỗ dựa tinh thần vững chắc và đáng tin, tôi nghĩ Kỳ cũng như thế.
Đối với tôi, hôn nhân phải luôn xuất phát từ tình yêu, tất cả mọi thứ đều phải đứng sau chữ “yêu” khi đưa ra quyết định kết hôn. Chẳng phải vì tình yêu mà chúng ta mới muốn gắn kết với nhau sao? Chẳng phải có tình yêu mới khiến chúng ta hạnh phúc trong hôn nhân sao? Tất nhiên, đến tận bây giờ tôi vẫn luôn giữ vững quan điểm đó và sẽ thực hiện theo đúng như vậy bởi vì tôi hiểu bản thân rất cần yêu và được yêu.
Nhưng đối với Kỳ thì khác, cô bạn có những ưu tiên không giống tôi, nó nói rằng:
- Tao chỉ muốn cưới một người khiến cho cha mẹ an tâm, một người mà tao cảm thấy có tương lai và giúp cuộc sống tao ổn định.
Và:
- Nếu bây giờ, tao không cưới thì cha mẹ tao sẽ khó xử và buồn lắm. Từ trước tới giờ tao chưa làm được gì cho họ cả nên bây giờ tao không còn lựa chọn nào khác.
Khi nghe những lời đó, tôi thật sự chỉ muốn chửi nó và phân tích góc nhìn của mình. Tôi muốn trách Kỳ vì nó không nghĩ cho hạnh phúc của bản thân và không biết tự bảo vệ sự tự do của mình. Là một người yêu bản thân và trân trọng giá trị của mình, tôi thật sự cảm thấy nó quá ngốc, thật sự quá ngốc.
Nhưng mà, tôi không thể làm như vậy được, vì suy cho cùng cũng vì chữ “hiếu”, lý do như vậy thì tôi làm sao mà cản được đây?
Có thể quan điểm của chúng tôi không giống nhau, suy nghĩ cũng chẳng tương đồng, thế nhưng, tôi lại không hề muốn phản bác lại. Không còn là một đứa bốc đồng, lúc nào cũng đấu tranh cho quan điểm của mình nữa, tôi muốn lắng nghe và thấu hiểu những người mà bản thân yêu thương. Mỗi người một cuộc sống, hoàn cảnh chúng ta đều không giống nhau nên chẳng thể áp đặt những suy nghĩ của mình lên bất cứ ai.

Có lẽ, trong khoảng thời gian tôi còn đang cùng bạn bè học tập và vui đùa trên ghế nhà trường, thì Kỳ đã phải đối mặt với nhiều vấn đề, suy nghĩ về tiền bạc ở ngoài kia. Thế nên, góc nhìn của chúng tôi mới khác nhau đến thế. Tôi đâu thể trách và cho rằng lựa chọn của Kỳ là sai, vì tôi biết mình là ai. Phải chăng cuộc sống của cô bạn đã trải qua quá nhiều thăng trầm và bấp bênh nên mới muốn được ổn định và yên bình? Có lẽ vậy. Kỳ và tôi không giống nhau, cô không muốn mạo hiểm còn tôi thì ngược lại.
Không chỉ vậy, trong buổi tâm sự ngày hôm đó, Kỳ đã nói với tôi như thế này:
- Anh ấy không phải là kiểu người mà tao thích, cũng không làm những điều mà tao muốn. Thế nhưng, anh đem lại cảm giác tin tưởng cho cha mẹ tao, họ rất mến anh. Nếu không cưới thì sau này tao sẽ cưới ai? Làm sao mà biết được ở ngoài kia có ai thật lòng yêu và cưới tao? Tao không có nhiều lựa chọn như vậy. Lỡ như gặp một người tệ hơn anh thì sao? Tao sẽ hối hận lắm, tao cũng yêu anh, chỉ là bản thân chưa cảm thấy đủ để sẵn sàng kết hôn.
Ừ nhỉ, chúng ta đâu thể biết trước tương lai, nếu Kỳ không phải người yêu cầu cao và thích mạo hiểm, thì đây rõ ràng là lựa chọn phù hợp nhất rồi.
Đó chính là điều mà tôi muốn học hỏi từ bạn của mình, biết hài lòng và suy nghĩ cho người khác. Tôi là kiểu người yêu bản thân hơn bất kỳ thứ gì khác và cũng là kiểu người quá cầu toàn với mọi chuyện. Nói theo cách khác thì tôi có phần hơi tham lam vì luôn muốn đạt được những mong cầu của mình. Vì vậy, tất nhiên tôi sẽ không cưới người mà mẹ chọn, thay vào đó tôi sẽ chọn người mà tôi muốn và chịu trách nhiệm hoàn toàn với quyết định của chính mình mà không đổ lỗi cho bất cứ ai. Không phải là tôi không biết hiếu thảo, chỉ là cách của tôi và Kỳ khác nhau, tôi không muốn hi sinh cuộc sống cả đời của mình nhưng tôi sẵn sàng làm những điều khác để khiến mẹ hạnh phúc.
Tôi có những lý lẽ của riêng mình và Kỳ cũng thế. May thay, ngay lúc đó, tôi đã không tranh cãi mà đã lắng nghe nó. Tôi thấy mình đã đúng khi làm như vậy, vì bản thân không thích người khác xen vào chuyện của mình nên tôi nghĩ Kỳ cũng có quyền tự lựa chọn cuộc đời của nó.
Nhưng thật sự, tôi rất muốn hỏi Kỳ một câu hỏi, cái câu mà tôi cũng muốn hỏi Thanh.
Bên cạnh Kỳ, Thanh cũng là một người bạn có tính cách tương tự, là người mà tôi quen từ rất lâu, trước cả Kỳ. Chúng tôi lớn lên trong cùng một xóm, học chung với nhau từ những năm tiểu học nhưng lại bắt đầu thân từ lúc lên cấp hai. Tính ra thì hai đứa chúng tôi đã làm bạn của nhau hơn 10 năm, vì vậy tôi có thể hiểu rõ cô.
Lý do khiến cho tôi muốn được làm bạn chung với Kỳ và Thanh chính là sự chân thành. Mặc dù, hai đứa tụi nó nói chuyện cộc cằn, không biết thể hiện tình cảm và cũng không hề dịu dàng thế nhưng lại luôn đối xử hết mình với bạn bè. Không biết nói sao nữa, ở bên cạnh tụi nó tôi lại luôn cảm thấy rất thoải mái và được là chính mình, không cần phải gồng mình lên và cố gắng nói thật nhiều. Dù cả ba rất lâu không gặp, nhưng nếu ở cạnh nhau mà không nói gì cả thì cũng không hề ngại ngùng hay ngột ngạt mà ngược lại rất tự nhiên, thoải mái và không cần nghĩ nhiều.
Hơn thế nữa, có lẽ Thanh đã không còn nhớ nhưng tôi làm sao mà quên được câu nói của cô trong tấm thiệp khi còn nhỏ. Ở trong đó, nét chữ còn rất non nớt, nó đã viết rằng: “Tuy mày không có ba bên cạnh nhưng mà luôn có tao ở đây”. Khi đọc những dòng đó, là một đứa trẻ khi ấy tôi cảm thấy rất hạnh phúc, nhưng bây giờ đã lớn, tôi lại cảm thấy xúc động và biết ơn. Ở đâu mà tìm được một người bạn như thế? Hiểu và sẵn sàng chữa lành, ôm lấy những tổn thương dù không phải nó gây ra. Thế nên là, dù ở đâu hay làm gì thì đối với tôi, Thanh luôn là một người bạn mà tôi rất trân trọng, cả Kỳ cũng vậy.

Tôi và Thanh đều lớn lên ở một vùng nông thôn, không phải thành thị nên hai đứa tôi hiểu rất rõ nơi đây. Nơi mà có những suy nghĩ khiến cho một đứa yêu thích tự do sẽ cảm thấy rất ngột ngạt, tuy yêu mến nơi này nhưng có một điều khiến tôi không thích, đó chính là cách nghĩ. Không biết bắt đầu từ đâu, ở nơi chúng tôi lớn lên thì những người mẹ, người cha luôn sống vì người khác. Họ không quá quan trọng việc con cái có hạnh phúc không mà chỉ lo sợ bị người khác đánh giá. Đó có lẽ là vấn đề ở rất nhiều bậc phụ huynh, nhưng tại vùng quê thì điều đó càng thể hiện rõ hơn.
Tôi may mắn là có một người mẹ rất tâm lý và thương yêu, có lẽ vì muốn bù đắp nên mẹ luôn cho tôi được sống một cách thoải mái, theo ý mình và chưa bao giờ áp đặt bất kỳ thứ gì lên người tôi. Thế nên, tôi mới có được ngày hôm nay, tự do quyết định tương lai của mình mà không sợ bị phán xét.
Nhưng Thanh thì khác, tôi nhìn ra sự chịu đựng và mệt mỏi của nó. Tôi biết chứ, cha mẹ yêu thương con nên mới muốn tốt cho con nhưng không phải ai cũng biết cách yêu thương cho đúng. Cha mẹ Thanh cũng không ngoại lệ, cô chú thương Thanh lắm, nhưng lại không hiểu Thanh. Là một người bạn thân, tôi biết nó không thật sự muốn đi du học nước ngoài, không sẵn sàng rời xa quê nhà và những người thân yêu. Thế nhưng lại một lần nữa vì chữ “hiếu”, Thanh đã nghe theo sự sắp xếp của cha mẹ và bay đến một đất nước khác để sinh sống và học tập.
Lúc biết tin, tôi và cả Kỳ đều rất buồn và muốn ngăn cản, vì nói thật lòng thì tôi không muốn xa tụi nó. Thế nhưng, hai đứa tôi đã không làm vậy, vì tôn trọng quyết định của Thanh và vì chúng tôi muốn bạn của mình có một cuộc sống thật tốt, biết đâu được ở đất nước kia nó có thể học tập và phát triển hơn. Và cuối cùng, ba đứa tôi đã không còn ở gần nhau nữa, mỗi đứa một nơi, mỗi đứa một việc.
Cứ thế, ngày qua ngày, hai đứa nó thường xuyên nói chuyện điện thoại trong nhóm, riêng tôi thì thỉnh thoảng mới tham gia vì bận bịu với chuyện học và làm thêm. Vậy mà, lần nào Thanh cũng có chuyện để kể, nào là về bạn cùng phòng, người làm chung,... Ở một đất nước xa lạ, phải đối mặt nhiều vấn đề một mình, có lẽ nó đã mệt mỏi lắm.
Có một hôm, vẫn gọi điện thoại như bình thường, tôi và Kỳ đã nghe cô bạn than thở về chuyện gia đình. Lúc đó, nó không nói lớn mà chỉ thì thầm vào loa điện thoại, vậy nên chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy trán và đôi mắt của Thanh. Giọng điệu hết sức mệt mỏi và đôi phần bất lực, nó nói về mong muốn của mình và nói rằng cha mẹ không ủng hộ.
Thanh muốn mua một số thứ hơi đắt để phục vụ cuộc sống bằng tiền của chính nó nhưng cô chú lại không đồng tình vì sợ người khác nói Thanh đua đòi. Dù là ở đâu, cha mẹ nó luôn sợ bị người khác đánh giá và hiểu sai, thế nhưng đó có phải là cách làm đúng không?
Tôi biết, mọi việc đều xuất phát từ tình yêu con cái, nhưng rõ ràng đó là điều không hợp lý. Sẽ không có ai rnh rỗi đến nỗi cứ ngồi đó và phán xét tính cách của nó, mà nếu có thì cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của Thanh cả. Cuộc đời là của cô, vậy mà lại được nhìn qua lăng kính của những người ngoài kia, như vậy là đúng sao?
Tôi và Kỳ đã ủng hộ Thanh làm theo ý mình và mặc kệ tất cả, nhưng nó nói rằng:
- Tao biết, nhưng mà... Nhưng mà tao muốn mọi quyết định của tao đều được cha mẹ ủng hộ, tao không muốn làm việc mà họ không thích, tao không muốn cãi lời và cũng không muốn làm cha mẹ buồn lòng.
Tất nhiên, tôi và Kỳ đã rất khó chịu vì cái suy nghĩ chịu đựng đó của bạn mình, nó lúc nào cũng là đứa như vậy từ trước tới bây giờ, nhưng cũng không thể làm gì khác, đâu thể khuyên nó chống đối cha mẹ. Vì suy cho cùng, cả ba đứa tôi đều sẽ yếu lòng khi nhắc đến gia đình. Nhưng từ tận đáy lòng, tôi muốn Thanh sống vì bản thân nhiều hơn và có thể tự do làm những điều nó thích. Tôi ước gì cha mẹ cô có thể hiểu và ủng hộ Thanh, vì ở đất nước xa lạ kia, Thanh cũng đã đủ tủi thân rồi. Tôi thấy mình may mắn và đồng thời tôi càng thương bạn của mình rất nhiều.
Rõ ràng, khi nhắc đến gia đình, chúng ta đều cảm thấy rất yêu thương và ấm ấp nhưng đôi lúc lại kèm theo những áp lực vô hình. Cả Kỳ và Thanh đều có những nỗi lo và cảm xúc riêng nhưng đến cuối cùng vẫn nghĩ cho gia đình. Giá như cô chú có thể hiểu được nỗi lòng của hai đứa nó thì hay biết mấy. Và câu hỏi mà tôi muốn hỏi Kỳ và Thanh chính là: “Vậy thì ai nghĩ cho mày?”

Tác giả: she - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập243
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm218
  • Hôm nay5,393
  • Tháng hiện tại35,741
  • Tổng lượt truy cập8,820,867
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây