Replay Blog Radio: Tháng 5, chúng ta chọn chia tay
Thứ sáu - 08/05/2020 07:54
Bạn thân mến! Tại sao người ta hay buồn mỗi khi đêm về? Tại sao người ta chia tay chọn chia tay mà trái tim vẫn không thôi nhung nhớ? Tại sao lại phải chia tay vào tháng 5? Mời các bạn lắng nghe lá thư:
Chúng ta chọn chia tay, chia tay chọn nỗi nhớ, nỗi nhớ chọn em (được gửi đến từ bạn Trần Khánh Minh Sơn)
Mình chia tay, anh đã không nói gì thêm nữa. Sau lần cuối cùng chúng ta đi bộ trên con đường nhỏ dẫn về phía nhà em. Lần cuối cùng em được cầm tay anh. Anh bảo chia tay nhưng em đừng buồn. Em không buồn vì anh đã làm tròn đầy một chữ YÊU trong mối quan hệ của chúng ta. Anh vẫn vậy, vẫn chờ em bước vào nhà rồi lặng lẽ một mình trở về. Em vẫn vậy, bước vào nhà và lặng nhìn anh qua khung cửa sổ. Lần cuối cùng mình gặp nhau, khung cửa sổ vẫn thoáng nhẹ những bông lộc vừng màu đỏ…
Mình chia tay, ngày thứ bảy của tuần đầu tiên em ở nhà và không ra ngoài như những ngày còn có anh. Mẹ bảo, sao anh không đến như những tuần trước. Em chỉ gượng gạo “Tụi con chia tay rồi ạ”. Mẹ không nói gì. Em im lặng. Những bông lộc vừng bên cửa màu đỏ vẫn đung đưa theo những cơn gió nhẹ của mùa hạ.
Mình chia tay, ngày thứ bảy của tuần thứ hai.
Facebook anh bật sáng. Em chỉ nhìn vào những dòng text của những ngày đã cũ. Từ hồi chúng mình còn Yêu. Những icon mỗi sáng, những icon chúc em ngủ ngon mỗi tối. Những đoạn nhạc anh làm trên nền của lời bài hát em thích. Bao giờ cũng vậy, em là người được nghe đầu tiên. Em chẳng nhớ, em đã nghe bao nhiêu bài hát anh viết nhạc nữa. Em chẳng nhớ, bao nhiêu lần em ngủ quên trong những bài hát anh gửi. Em không muốn nhớ mà sao cứ nhớ…
Mình chia tay, ngày thứ bảy của tuần thứ ba.
Em đi bộ một mình qua con phố mà anh vẫn đưa em về mỗi tối thứ bảy hàng tuần. Những cơn mưa mùa này đến bất chợt quá. Em một mình dưới mưa. Tháng 5, ai sẽ cùng em đi bên cạnh một ngày mưa. Ai sẽ bảo với em rằng “Những cơn mưa mùa thật đáng ghét”. Ai sẽ bảo với em rằng “Yên tâm đi, có anh là mưa sẽ mau tạnh thôi”. Em một mình dưới mưa. Chiếc ô che chẳng đủ em cảm thấy khô. Những vệt nước thi thoảng vẫn thổi vào cùng những đợt gió mát lim. Sẽ lại là một đoạn đường rất dài nữa, khi em không có ai đi cùng dưới những cơn mưa…
Mình chia tay, ngày thứ bảy của tuần thứ tư.
Ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 5. Anh đăng status với ly coctail với một người giấu mặt. Em không nói chỉ mỉm cười trong lòng mình thôi. Anh xứng đáng được ai đó yêu thương. Anh xứng đáng được ai đó ngồi bên một ngày thứ bảy mà. Em im lặng. Mẹ nhìn thấy em bên chiếc laptop và màn hình là ảnh của anh một ngày thứ bảy lúc mình còn bên nhau. “Cậu ấy xứng đáng được yêu thương, chẳng có ai không xứng đáng cả. Con cũng vậy nữa”. Nhưng anh có biết rằng em đã khóc nhiều lắm khi mẹ bước ra ngoài không.
Tháng 5, Có một tháng năm đã đi qua là ngày chúng ta chia tay. Một năm sau đó, mọi thứ cũng dần khép lại. Anh cũng đã có người thương và em không còn quên và nhớ nữa. Mẹ bảo em đã trưởng thành hơn. Mẹ bảo em đã cứng rắn hơn. Mẹ bảo anh sẽ vui khi thấy em như vậy. Anh có tin điều đó không?
Tháng 5, “Em nhớ anh phải không?” tin nhắn của anh gửi em, hơn một ngày sau đó, em không trả lời. Liệu anh có nghĩ điều đó là thật? Liệu anh có nghĩ em đã quên, quên hết rồi sao. Liệu anh có nghĩ, người ta dễ quen và dễ quên như vậy ư. Em gửi lại tin nhắn “ Em ổn, Em quên anh rồi, đừng nhắn cho em nữa”.
Tháng 5, Ở một thành phố xa lạ, em vẫn làm những công việc yêu thích của mình ở quán cà phê mà mọi người lạ vẫn thường ghé đến. Sẽ chẳng có ai biết em là ai, sẽ chẳng có ai đọc được những suy nghĩ của em. Sẽ chẳng có ai để em phải lưu nhớ quá nhiều.
Vậy mà, những giấc mơ ở thành phố này chẳng thể làm em thôi nhớ. Dù giờ này, em biết mọi thứ chẳng thể thay đổi. Anh chẳng thể thay đổi lựa chọn của mình. Những lựa chọn đã trở thành quá khứ của ngày hôm qua để rồi ngày hôm nay, em biết rằng, anh đã rời xa em thật sự. Lựa chọn người này mà không phải người kia cũng là điều dễ hiểu. Vậy mà, giữa nhớ và quên, em chẳng thể lựa chọn được. Giữa giận và thương, em chẳng thể lựa chọn.
Em biết anh trách em vì em đã đi theo con đường mà ta chẳng thể đến với nhau. Em biết anh trách em vì em đã lựa chọn cho chính mình mà chẳng nghĩ đến những suy nghĩ của anh. Em biết anh trách em vì ích kỷ với chính bản thân mình phải không anh?
Ngày anh ra đi, em chẳng buồn đến thế bởi tình yêu của chúng ta chẳng như thiên đường mà mọi người vẫn nghĩ. Chỉ là đêm hôm đó, em đã khóc. Chỉ là một vài đêm nữa, chợt buồn em đã khóc.
Tại sao người ta cứ buồn về đêm, vậy anh?
Tại sao người ta cứ lặng lẽ chia tay mà những cồn cào nơi trái tim vẫn ngày ngày dậy sóng?
Tại sao người ta cứ hết nhớ là vẫn còn thương vậy anh?
Những câu hỏi em chẳng thể trả lời. Những bản vẽ mà em đang thực hiện cũng chẳng có màu nào nói lên tất cả những suy nghĩ của chính mình. Còn nếu màu sắc nhạt dần, em sẽ vẽ anh với màu nỗi nhớ…
Có những tháng 5 đã từng đi qua, người không còn quên và nhớ nữa. Chỉ là một cảm giác mong muốn có một ai đó ở bên em mà thôi. Dù người đó không phải là anh…
Một vài tháng 5 đã từng đi qua chúng ta và để lại những ký ức khó có thể phai mờ. Chúng ta chọn chia tay. Chia tay chọn nỗi nhớ. Nỗi nhớ chọn em. Em chọn tháng 5 của một mùa đã cũ.
Bạn vừa lắng nghe lá thư của bạn Trần Khánh Minh Sơn. Bạn thân mến! Đừng bao giờ nói lời tạm biệt nếu bạn vẫn muốn cố gắng, đừng bao giờ bỏ cuộc nếu bạn cảm thấy còn có thể tiếp tục. Và, đừng bao giờ nói bạn không yêu ai nữa nếu ánh mắt ai đó vẫn còn có thể giữ chân bạn! Tiếp theo chương trình mời bạn lắng nghe.
Truyện ngắn: Muguet tháng năm (của tác giả Nguyễn Minh Hiền)
Tôi trở lại Paris vào một chiều tháng năm bỏng rát nỗi nhớ. Đón tôi, chỉ có Tháp Eiffel cao vời vợi, vườn hoa Luxembourg và những đài phun nước rì rầm chảy. Tôi đi bộ trên phố, chiếc vali kéo lê ở tay, dáng điệu mệt mỏi. Lần trở lại này của tôi, nhanh thôi, rồi tôi sẽ về Sài Gòn, và biến mất hoàn toàn khỏi cuộc đời em, như cái cách em đã chọn lựa. Chọn lựa một cuộc sống không có tôi, và không có loài hoa muguet.
Check–in ở một khách sạn nhỏ trên khu phố sầm uất, tôi đón lấy chiếc chìa khóa phòng từ tay cô nhân viên lễ tân và từ chối lời đề nghị xách đồ lên phòng giúp của người phục vụ. Không phải tôi kẻ cả gì đâu, chỉ là túi đồ quá nhỏ, và tôi chẳng muốn phiền hà gì. Thói quen tự làm lấy mọi thứ đã ăn sâu vào nếp nghĩ của tôi, bắt đầu từ khi quen em, và yêu em.
Paris giữa tiết trời tháng năm. Đi trên phố nghe lòng mình xào xạc nắng, bâng quơ gió, và da diết nỗi nhớ không tên. Tôi thèm được nhấc điện thoại và bấm số gọi cho em. Hoặc leo lên chiếc tàu điện ngầm và đến ga cuối cùng quen thuộc, rồi đi bộ qua một khu vườn nhỏ, là đến học xá của em. Trước khi rời Sài Gòn sang đây, tôi tự nhủ với lòng sẽ chỉ sang lấy bằng thạc sĩ và kết thúc đợt học của mình, rồi nhanh chóng trở về Việt Nam, đi làm, hẹn hò với một vài cô nàng chân dài nào đấy. Và quên em. Thế nhưng, khi vừa đặt chân đến thành phố của tình yêu này thôi, tôi đã biết mình nhầm, một sự nhầm lẫn to lớn. Tôi sẽ chẳng thể quên em, chẳng thể hết yêu em, và chẳng thể ngăn mình kiếm tìm em giữa hàng triệu người trong cái thành phố sầm uất và tráng lệ này.
Tôi quen em rất tình cờ và có phần do duyên số. Quán cafe quen nơi tôi thường đến cũng là nơi em làm part-time vào mỗi giờ nghỉ. Lần đầu nhìn thấy em, thấy một dáng người và cử chỉ rất “Châu Á”, tôi đã không khỏi ngạc nhiên, vồn vã làm quen bằng mấy câu tiếng pháp nhạt toẹt của mình - thứ ngôn ngữ từ khi sang đây đã trở thành thứ tiếng duy nhất được nói ra, được hiểu và được giao tiếp.
Em nhìn tôi. Ba giây. Rồi khẽ cười. Chào tôi bằng một câu hỏi thăm kiểu Việt Nam, bằng giọng Hà Nội thật nhẹ:
- Ấy có khỏe không? Mình cũng là người Việt Nam đấy.
Bất cứ kẻ xa quê hương nào cũng hiểu được rằng, điều quý giá nhất khi ở giữa nơi đất khách quê người xa xôi, đó là được nghe, được nói thứ tiếng mẹ đẻ quen thuộc của mình. Tôi, những tưởng đã vỡ òa cái sự sung sướng trong lồng ngực mình, mà nhào tới ôm lấy em, lắc lắc đôi vai gầy nhẳng của em, mà hỏi han, mà nói cho đủ đầy sự nhung nhớ của thứ ngôn ngữ “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, thứ ngôn ngữ tôi chỉ được nói trong những cuộc điện thoại đường dài gọi về cho gia đình vào mỗi tối thứ bảy cuối tuần.
Lam Giang. Tên của em nghe có chút gì đó ủy mị mà vời vợi, mà đầy màu sắc. Tôi vẫn hay trêu em, tên của em là Sông Xanh. Những lúc ấy, em chỉ cười, hồn nhiên mà rằng, dòng sông của em, là dòng sông Việt Nam, xanh màu Việt Nam, chứ không phải màu xanh của sông Nil.
Tôi vẫn đến quán cafe đều đặn, thậm chí còn nhiều hơn trước. Để nhâm nhi cốc cafe nóng hổi nhận từ tay em. Để hỏi han dăm bảy câu này nọ về Việt Nam, về Hà Nội. Và để được nhìn em rổn rang nói cười, ê a hát ca bồng bềnh bằng thứ ngôn ngữ thuần khiết nhất và trong sáng nhất.
Tôi hay kể cho Lam Giang nghe về Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa nắng, về cảm giác thèm đến quay quắt mùa đông khi nhìn trong tivi các bạn Hà Nội xúng xính nào khăn nào áo. Những lúc ấy, Lam Giang chỉ cười, rồi nheo mắt lắng nghe. Có đôi khi, nắng Tháng năm xiêng ngang hắt lên óng ánh trên khuân mặt cô bạn gái, tôi thấy yêu đến lạ, và rất lâu sau đó chẳng thể quên.
Mãi sau này tôi mới biết, mẹ Lam Giang là nhà báo, bố là dân quay phim truyền hình, nên từ nhỏ, em đã được theo bố mẹ đi khắp nơi. Việc em sang Pháp du học ngay từ khi bước vào lớp mười cũng là một điều hiển nhiên cho thỏa khao khát được đi xa, được vẫy vùng, khám phá. Tôi hỏi em có nhớ nhà hay không? Em cười. Nhớ Việt Nam, nhớ Hà Nội thì có, chứ nhà thì không. Khi ấy, tôi thấy mắt em thật buồn, và hoe hoe đỏ. Có điều gì đó xa xăm quá, mà tôi chẳng thể chạm tay vào.
Rồi tôi và Lam Giang yêu nhau. Như những kẻ cô đơn giữa chốn xa lạ tìm thấy nhau. Cứ đều đặn mỗi buổi chiều, sau khi kết thúc ca học trên lớp, tôi lại chạy nhanh ra trạm xe bus, và bắt chuyến bus dài đến khu học xá của em. Trong cùng Thành phố, khoảng cách chẳng bao xa, nhưng Paris sầm uất, và giao thông Paris không bao giờ lộn xộn như Hà Nội, nên thời gian đi bus để đến gặp em cũng khá mất thời giờ.
Chúng tôi thường nấu cho nhau một bữa tối. Rồi đi dạo ở khoảng sân dưới chân khu học xá của em. Nói cười vu vơ. Trao đổi về cuộc sống, về việc học của em và những khó khăn của tôi trong thời gian nghiên cứu bảo vệ luận án. Chúng tôi nói bằng Tiếng Việt, và thổ lộ tình cảm với nhau bằng Tiếng Việt. Những khi ấy, tôi thấy trái tim mình mỉm cười. Và thấy em cũng mỉm cười. Nụ cười lấp lánh màu xanh của những dòng sông Việt Nam hiền hòa, thơ mộng.
Khi ấy, Paris đang là tháng năm. Và người ta thường tặng nhau loài hoa mang tên Muguet, vì người Pháp cho rằng đó là hoa của sự thương yêu.
Mỗi buổi chiều đến phòng Lam Giang, tôi luôn mang tặng em một bó hoa muguet màu trắng tinh khôi. Với tôi, em đã là loài hoa như hàng ngàn chiếc chuông nhỏ này rồi, leng keng, và thuần khiết vô ngần trong trái tim tôi.
Những ngày cuối cùng tôi ở Paris trước khi về nước, chúng tôi gặp nhau nhiều hơn, dành thời gian ở bên nhau nhiều hơn. Khi đó, tôi chợt nhận ra sự thay đổi đột ngột ở em. Em ít nói hơn, trầm tĩnh hơn, thường im lặng trước những câu chuyện tôi kể, hoặc ậm ừ cho qua. Có đôi khi để em gối đầu lên ngực mình, hờ hững hát một bản Trịnh ca, tôi thấy em khóc, những giọt nước mắt nóng hôi hổi rơi ướt vòm ngực trần của tôi. Em, vẫn luôn như thế. Xa xăm quá và vời vợi quá, mà tôi dù cố gắng cách nào cũng chẳng thể chạm vào.
Đêm cuối cùng trước khi tôi rời khỏi nơi đây, em mua hoa muguet về cắm ngợp trong phòng. Những bông hoa nhỏ bé như những chiếc chuông nhỏ, trắng muốt, đung đưa trong gió sớm. Bất giác, tôi có cảm giác nhớ da diết Việt Nam, nhớ những chiếc chuông chùa văng vẳng đánh trên núi Yên Tử của mỗi dịp đầu năm đi lễ cùng bà nội.
Bữa cơm chia tay. Không ai nói gì. Sâm panh đỏ rót đầy ly. Bàn bày la liệt đồ ăn Pháp. Tôi hỏi em sao không nấu đồ ăn Việt Nam như mọi khi. Em cười, bảo “Nấu cho anh ăn đồ Pháp nốt hôm nay, kẻo mai anh về nước rồi, quên mất Paris, quên mất em”. Tôi nhấp một ngụm sâm panh, khẽ vuốt tóc em, thì thầm:
- Anh sẽ chẳng bao giờ quên em. Anh sẽ đợi em, Sông Xanh ạ.
Em im lặng một hồi lâu. Rồi nhìn sâu vào mắt tôi, nhẹ bẫng:
- Đừng đợi em, anh đừng đợi em, anh nhé.
-Vì sao? - Ngụm sâm panh thứ hai vừa chảy đến cổ, suýt nữa bật ra đắng ngắt.
- Em sẽ không về đâu. Paris là nhà của em rồi.
Tôi thở hắt ra, buông ly rượu trên tay và nắm lấy bàn tay xương gầy của em.
- Về đi mà em. Anh đợi em. Và Hà Nội của em, cũng đợi em. Em không nhớ Hà Nội sao?
- Em nhớ Hà Nội nhiều lắm. Và sẽ nhớ anh suốt cả cuộc đời, nhiều lắm.
Em vẫn ương bướng trước lời nói dịu dàng của tôi. Đôi mắt xa vời, buồn đến thế.
Đứng dậy, rời khỏi bàn, bước đến phía sau và vòng tay ôm chặt lấy em. Cơ thể em lạnh toát, giữa tháng năm mà sao có cảm giác nước đá đang ngấm qua từng tế bào trong cơ thể, rồi truyền lạnh giá ra ngoài. Xoay người em lại phía mình, nhìn sâu vào đôi mắt hun hút nỗi buồn như mùa thu Hà Nội. Em rướn người, và hôn vào môi tôi. Nụ hôn có vị rượu vang đắng ngắt nơi khóe miệng, nhưng ấm nồng, và ngọt lịm mãi về sau.
- Ba mẹ chia tay nhau rồi. Rời bỏ em rồi. Nhà, chẳng còn là nhà nữa. Chỉ là một khái niệm mơ hồ thôi.
Đêm hôm ấy, tôi ôm em trong tay. Nghe em rủ rì kể về cuộc sống của mình, về lí do tại sao ngay từ lớp 10 em đã sang Pháp sống. Cuộc hôn nhân không hạnh phúc của ba mẹ, những chuyến đi dài của cả ba và mẹ đã đẩy mỗi người ra xa nhau hơn, và đi tìm vùng trời riêng của mỗi người. Em sống một mình trong căn nhà lớn. Thi thoảng gặp mẹ trong mỗi bài báo, bài phóng sự trên truyền hình. Thi thoảng gặp ba trong mỗi bộ phim ông làm đạo diễn, trong những lần trả lời báo đài. Tiền được gửi về đều đặn trong tài khoản, chỉ có thương yêu là chẳng có ai gửi về cho em.
Rồi qua một vài người bạn trong nhóm tình nguyện xanh của thành phố, em tìm được một học bổng sang Pháp du học, và liên hệ được một gia đình nhận em làm con nuôi. Đó là một người phụ nữ trung niên, sống bằng nghề vẽ tranh và trợ cấp xã hội. Em gọi bà là mẹ, và ở với bà được hai năm thì bà mất vì một tai nạn. Em chuyển vào kí túc xá của trường, và sống bằng số tiền đi làm thêm cùng học bổng toàn phần của mình. Em quên gia đình từ đó. Gia đình chỉ còn là cái bóng mờ mờ trong kỉ niệm. Có ngôi nhà với chú mèo lông xù ham ngủ, với những dây điện mắc ngang qua cửa trên phố Hàng Mành. Kỉ niệm và gia đình trong em, gom hết lại trong nỗi nhớ Hà Nội.
Em thích hoa muguet. Yêu đến da diết loài hoa này, vì nó chỉ nở vào tháng năm, tháng em chào đời, và tên gọi của nó, có nghĩa là yêu thương, những điều em đã thèm khát bấy lâu nay.
Tôi lên máy bay về nước. Em không ra sân bay tiễn tôi. Chỉ tặng tôi một bó muguet trắng tinh khôi, và nói với tôi rằng, đừng đợi em, cũng đừng liên lạc với em, vì em sẽ không trở về nữa đâu, mãi mãi.
Trở về nước. Với giấy chứng nhận thạc sĩ của mình (tôi đã bảo vệ xong nhưng đang chờ phía bên Pháp cấp bằng), tôi dễ dàng xin được vào làm trong một cơ quan trực thuộc Chính phủ. Tôi hẹn hò với nhiều cô gái khác nhau. Chân dài có. Hoa khôi, hotgirl có. Nhưng có lẽ, chưa lúc nào tôi thật sự yêu. Có đôi lúc, tôi vẫn tự hỏi mình câu hỏi: Tôi quên em chưa? Tôi không rõ, và không thể nào cho mình được một lời giải đáp thỏa đáng. Chỉ biết rằng trong tim mình từ đó đọng lại một nỗi nhớ xa xôi, vời vợi, với dòng sông xanh ngọt ngào mang nỗi buồn của mùa thu Hà Nội, và những ám ảnh từ hình chiếc chuông nhỏ của loài hoa linh lan – hoa lan chuông.
Tôi trở về khách sạn khi đường phố Paris đã ngập choang ánh đèn. Đẩy cửa ban công và bước ra ngoài, bất chợt tôi bắt gặp hình ảnh một cô gái nhỏ bé đang ôm trong tay bó muguet trắng muốt. Tự nhiên, tôi nhớ em nhiều quá.
Điền nốt những con số cuối cùng vào tấm bưu thiệp, cũng là số điện thoại của khách sạn, tôi trao tấm bưu ảnh với hình một đóa lan chuông cho người phục vụ, mỉm cười và dúi vào tay cho anh ta một ít tiền boa. Tôi biết, chỉ một lát nữa thôi, tấm bưu thiếp sẽ đến được nơi cần đến, và cơ hội mang em về bên tôi, mang em về cho Hà Nội, là năm mươi phần trăm.
Những con chữ nghiêng nghiêng viết bằng thứ mực đen loại đắt tiền, ngắn gọn, nhưng đủ làm cô gái trẻ nhận nó vỡ òa vì hạnh phúc trong những giọt nước mắt của thương yêu: “Anh là hoa muguet của em nhé!”.
Tác giả: Trần Khánh Minh Sơn, Nguyễn Minh Hiền
Giọng đọc: Titi, Sand
Thực hiện: Hằng Nga
Thiết kế: Hương Giang