Blog Radio 763: Mùa hè năm ấy, em bước chân vào cuộc đời tôi

Thứ bảy - 02/07/2022 00:14
Trên thế gian này nhân duyên giữa người và người là điều kỳ diệu nhất.
Đôi khi tôi thấy địa cầu này chỉ đơn giản là một không gian tọa độ và cuộc đời mỗi người là một phương trình. Nếu xét như thế thì hai chữ "nhân duyên" chính là mối tương quan giữa phương trình này với phương trình khác. Nghe vĩ mô quá nhỉ?
Thật ra cũng đơn giản. Có người cả đời chỉ gặp chân ái đời mình một lần duy nhất rồi mang cái giao điểm ấy trong lòng đến hết đời cũng có người nhìn thấy mảnh ghép hoàn hảo của cuộc đời nhưng họ là hai đường song song có thể nhìn ngắm chứ không thể cắt được nhau. Còn tôi, tôi thì sao nhỉ. Hẳn là vì tôi là phương trình tiệm cận, còn em vô tình là giới hạn, là cận của tôi nên cả đời này tôi có cố tiến đến bao nhiêu cũng không thể chạm đến em.
Mùa hè lại đến rồi, Sài Gòn lại được dịp chói chang hơn. Là dân Sài Gòn, bạn sẽ hiểu được ở đây quanh năm hầu như chỉ có 2 mùa là mùa nóng và mùa nóng hơn. Xuân hạ thu đông gì đó trở thành vô nghĩa. Nhưng đối với đám người trẻ chúng tôi thì mùa hè này rất quan trọng. Tại sao hả? Đơn giản, chúng tôi được nghỉ hè.
Mùa hè năm nay dường như mang nhiều cát bụi hơn. Nếu không tại sao chúng tôi lại cảm thấy mù mịt như thế? À, vì chúng tôi dần lớn rồi. Tôi có đọc đâu đó rằng một ngày nào đó ta nhận ra ta không còn yêu ngày hè như trước nữa thì có nghĩa là ta đã dần trưởng thành. Vậy tức là tôi cũng đang trưởng thành nhỉ? Thật ra tôi thích mùa thu hơn, dù ở đây bốn mùa hệt nhau cả, có chăng là do tôi thích cái cảm giác mưa bắt đầu rơi, nhiệt độ bắt đầu giảm và một lý do nữa chắc là vì mẹ tôi sinh ra vào mùa thu.
blogradio763_muahenamay
Tôi là một “mommy boy” chính hiệu dù từ ngày bé tôi đã bị chọc ghẹo vì điều này. Tôi mặc gì cũng hỏi ý mẹ, đi đâu cũng hỏi ý mẹ đến cả việc mang theo bao nhiêu cây bút cũng hỏi mẹ nốt. Còn mẹ tôi, à chắc ai thấy tôi như vậy cũng nghĩ mẹ tôi là một người đàn bà độc đoán kèm cặp con mình nhất nhất phải vâng lời.
Không đâu, ngược lại đấy. Mẹ tôi hiền lắm, bà cả ngày làm lụng để nuôi tôi với chỉ một mong muốn duy nhất là tôi vui vẻ. Bà không ép tôi học, "học thì tốt cho con nhưng mà con không thích thì không cần". Bà cũng không để tôi làm nặng nhọc, "bươn chải cũng tốt nhưng con không thích thì không cần". Và tôi lớn lên với vô vàn những câu nói "... nhưng con không thích thì không cần" như vậy đấy.
Khoan trách bà vội, cách giáo dục này có vấn đề thật. Nhưng với bà, tôi là cái cọc duy nhất để bà tiếp tục sống. Bà khổ lắm rồi. Được rồi, tôi thừa nhận cái kiểu tư duy kỳ quặc và sai trái nhưng xin đừng phê phán mẹ tôi hoặc có xin nói sau lưng.
Mẹ tôi ngày trước 20 năm đầu cuộc đời chỉ sống với sách vở, bà học giỏi và tương lai lúc đó xán lạn lắm. Năm 21 tuổi cả gia đình ngoại gặp hỏa hoạn, mất bốn người. Năm 23 tuổi bà bị người ta bắt cóc rồi làm nhục. Cũng là năm 23 tuổi, bầu 4 tháng, bà đi làm thuê ở quán ăn nhỏ bị chủ tiệm xô sảy thai. Năm 25 tuổi bà yêu ba tôi, có với ông ấy một đứa con là tôi nhưng tôi còn chưa thấy ánh sáng thì ba tôi đã bỏ đi đâu biền biệt. Tôi lớn lên với người thân duy nhất là mẹ.
Đã có một thời gian dài mẹ rơi vào trầm cảm, quẫn bách. Nhờ có ba tôi, bà dần tươi tỉnh hơn, đắm chìm vào tình yêu. Tình yêu đó phải cao cả lắm đến nỗi ông ấy bỏ rơi nhưng bà vẫn không một lời oán trách. Bà chỉ tự nhủ rằng con bà phải luôn vui vẻ, chỉ được vui vẻ mà thôi.
Đời tôi chỉ có mẹ là quan trọng nhất, dường như chẳng có gì hấp dẫn hơn việc trò chuyện, mua cho mẹ mấy thứ ăn vặt linh tinh rồi cùng cười đùa xem tivi cả. Cuộc đời tôi suốt 16 năm trời luôn là như thế.
Vậy mà mùa hè năm 17 tuổi, có một cô bé ngang nhiên bước đến chen một chỗ bên cạnh mẹ tôi. Chẳng những thế còn ở lỳ nơi tim tôi rất lâu, dai dẳng.
 Nhà tôi có 2 tầng lầu, tầng trệt là phòng khách và phòng bếp, tầng 1 là phòng ngủ của mẹ và tầng trên cùng là phòng tôi, có thêm một khúc ban công tương đối rộng thừa ra đằng sau.
Tôi ngày nhỏ thích nhất là chui vào chiếc lều be bé đặt ngoài ban công rồi đọc sách trong ánh đèn LED mờ mờ gắn xung quanh. Lớn lên thói quen ấy dần thay đổi thành ngồi trên một chiếc ghế dài, bên cạnh là cái bàn gỗ lùn tịt đặt một chậu sen đá, một bình trà nguội và những chiếc tách xếp ngay ngắn. Chắc hẳn là thừa hưởng của mẹ, tôi thích đọc sách.
tinh-yeu-hoc-tro-2
Tôi đọc từ văn học đến khoa học, từ học thuật đến truyện tranh tiểu thuyết. Sách của tôi nằm la liệt trên sàn ban công nhiều vô kể. Có khi mẹ sẽ lên sắp lại ngay ngắn, còn không thì tôi cứ thích đặt chúng nó trên sàn linh tinh như vậy. Chúng được đặt chứ không phải ném hay vứt. Những quyển sách quý giá ấy trông thì bừa bãi nhưng là được chính tay tôi sắp. Tôi cảm thấy khung cảnh này thật tuyệt vời, hoàn mỹ. Nhưng vậy mà tôi chưa từng phát hiện nơi ban công này lại có những cảnh tượng còn đẹp hơn những quyển sách kia nhiều.
Hẻm bên cạnh hẻm nhà tôi có một gia đình vừa chuyển đến. Từ ban công chỗ tôi vừa vặn nhìn sang là thấy được một căn phòng xinh đẹp. Chiếc cửa sổ kính sát đất thường kéo rèm che hờ một bên. Tôi có thể nhìn thấy hầu như là bao quát hết căn phòng. Tường phết sơn màu hồng nhạt, hẳn là phòng của con gái. Một chiếc giường tròn với đầy rẫy những rèm trắng trắng vàng vàng hồng hồng trên đầu giường hệt như mấy chiếc giường cho công chúa quý tộc tôi hay xem trên tivi. Và một bộ xếp hình cỡ lớn nằm la liệt trên sàn, hệt cái cách tôi đặt những quyển sách vậy.
Nhưng mà lần đầu tôi gặp Như Sa là ở cổng trường, con bé học cùng trường cấp 3 với tôi. Tôi nhìn thấy trước cổng có cô bé mặc đồng phục học sinh áo trắng mới tinh cùng váy ngắn cũn cỡn, hẳn là chỉ đến giữa đùi. Em đeo ba lô màu hồng, mang giày búp bê màu vàng nhạt, đầu đeo băng đô xanh dương nhạt nổi bật giữa máu tóc ánh nâu xõa dài. Mãi sau này tôi mới biết đấy gọi là màu pastel, trông sao mà vừa nhu vừa đẹp, tràn đầy sức sống, rất là thanh xuân.
Trông cái bộ dạng lớp 10 vừa vào mà đã cắt váy nhuộm tóc như thế lại còn biết ăn mặc, con bé này chắc cũng dân chơi chị đại gì rồi. Ôi trông cái suy nghĩ mang đầy định kiến của tôi kìa, thật xấu hổ. Tôi lướt qua em, lướt mắt qua cái tên trên ngực áo "Như Sa".
Tên gì kỳ lạ quá nhỉ, giống như tên Trung Quốc hay tên của mấy nhân vật trong game. Tôi mang trong mình sự hiếu kỳ liền lên lớp hỏi thằng bạn xem con bé ấy là người phương nào. Bởi thằng bạn tôi đây là họ hàng với cô Phương trên văn phòng, nó hay lân la lên đó chơi không chừng sẽ điều tra được hẳn cả sơ yếu lý lịch của người ta. Cái tên này đặc biệt như vậy, chắc tìm ra cũng đơn giản thôi. Không phụ lòng mong đợi, chỉ mất một giờ ra chơi tôi đã có trong tay một bản photocopy sơ yếu lý lịch của một cô bé tên Trần Như Sa.
"Con bé này nổi rần rần bên lớp 10/3 đó, tên nó đẹp, nó cũng đẹp nhưng mà hám trai. Trông cứ õng à õng ẹo với mấy thằng con trai."
"Mày chê con gái nhà người ta vậy hả, tiếp xúc chưa mà phán như đúng rồi."
"Không cần tiếp xúc. Lúc mày nói tên tao nghi rồi, thì ra đúng là nó. Tao ngồi quán bà Mười nhìn rõ mồn một, mỗi ngày nó đi với một thằng, mỗi thằng mỗi kiểu. Hay ở chỗ nó cua được thằng Lâm nào giờ không biết mùi gái. Đã vậy thằng Lâm còn cho tao leo cây để đi với nó”.
tinh-yeu-10
Tôi đúng là nghe không lọt tai mấy lời này nhưng cảm thấy cũng quen rồi nên chỉ cười trừ cho qua. Ơ kìa, con bé cách tôi một hẻm. À, là căn phòng màu hồng đó. Thì ra người ta gần tôi đến vậy.
Như Sa bằng tuổi tôi nhưng do ngày bé sống cùng bà nội, bà không nhớ cháu mình đến tuổi nên cho con bé học trễ hơn 1 năm. Gớm nhỉ, sao thằng này nó điều tra ra cả lý do học trễ của người ta luôn vậy. Ồ, đội tuyển Tin học sao, nhưng không có giải thưởng. Như Sa này, đặc biệt đấy.
Một buổi sáng thứ bảy nọ, cầm trên tay quyển Rồi một ngày cuộc sống hoá hư vô, đầu óc tôi lênh đênh chiêm nghiệm những lời tác giả nói. Cầm tách trà hớp một ngụm, tôi lơ đãng nhìn sang căn phòng màu hồng xinh đẹp kia thì thấy một thân hình gầy gò lọt thỏm trong cái váy trắng rộng thùng thình đang nửa quỳ nửa nằm, một tư thế khiếm nhã khiến cái mông em ấy chổng lên, đang lắp từng mảnh ghép nhỏ.
Tôi đến gần hơn để cố nhìn xem bức tranh dở dang kia là gì nhưng không tài nào nhìn thấy được mà chỉ thấy một đôi mắt đen nhánh lờ đờ nhìn sang. Như Sa nhìn thấy tôi, em đặt mảnh ghép trên tay xuống, ngồi thẳng dậy rồi giơ một ngón giữa lên dùng khẩu hình chậm rãi truyền đạt đến hành lang bên đây một thông điệp ý nghĩa "Cút đi”.
Tôi giật mình phát hiện mình như một thằng biến thái đang nhìn lén con gái người ta thay đồ dù không phải như vậy. Sự xấu hổ đã thành công chia cắt tôi với quyển sách hay. Tôi thả sách xuống chui vào giường nằm mà mặt còn nóng như bưng. Hôm ấy trong đầu tôi chỉ toàn là khuôn mặt xinh đẹp của em.
Sau hôm đấy tầm 2 ngày, tôi chạm mặt em trên đường đi học.
"Ê nhìn lén, cậu nhìn được gì rồi?"
Sa vừa nói vừa cười mỉm châm chọc, em đút tay vào túi áo khoác nhìn tôi bằng nửa con mắt. Rõ ràng là người ta coi thường tôi.
"Không có. À thì, anh chỉ muốn xem em đang xếp hình gì thôi"
Thật ra tôi không nói năng trơn tru thế đâu, tay tôi gãi gãi đầu, mặt lại hơi nóng, lắp bắp mãi mới nặn được một câu như vậy.
"Phải không đó?"
Sa trề môi nhìn nhìn tôi rồi phì cười.
"Phải hay không cũng được. Cậu tên gì? Ồ, lớp 11, bằng tuổi, An Bình hả, ồ, tôi tên Như Sa lớp 10/3, dù gì cũng gần nhà có gì giúp đỡ nhau nhé".
Giọng điệu từ đầu tới cuối của em đều không vương một chút thân thiện nào nhưng tôi lại cảm nhận được sự vui vẻ muốn làm quen ấy. Hay do tôi đang say em rồi? Tôi không biết. Chỉ biết rằng lòng tôi đang nhảy múa vui vẻ, một cảm giác mới lạ đang từ từ đâm chồi vươn lên trong tim một chàng trai cả đời nhạt nhẽo. Tôi nhận ra à, tôi thích em rồi.
Tiếp xúc càng nhiều, tôi càng hiểu được lý do mà xung quanh em chỉ có nam sinh mà không có nữ sinh nào cũng như lý do mà em nổi tiếng cả trường với cái mác "lẳng lơ". Như Sa thích máy móc, thích lắp ráp lắp đặt, thích những gì liên quan đến kỹ thuật. Các cô bạn khác không thể đáp ứng nổi nhu cầu tiếp thu kiến thức của em và tất nhiên nam sinh thì có thể.
Em kể với tôi rằng em thật ra chẳng có người bạn nào cả. Em đi với hết anh này đến anh khác chỉ để có được một quyển sách em ưng ý, được dạy những thứ hay ho em chưa biết hoặc đơn giản là vì người ta mời em đi ăn. Thái độ của em thì chỉ có hờ hững.
ben-anh
Em cười mỉm, không phản đối ai cũng không tỏ vẻ yêu thích ai. Tôi cũng không ngoại lệ. Như Sa cùng tôi hẳn là thân thiết hơn một xíu xíu vì chúng tôi gần nhà và em thì thích mớ sách của tôi. Tôi cứ tưởng vẻ ngoài của em là mỹ lệ nhất rồi. Nhưng thật ra Sa đẹp nhất là khi đôi mắt em sáng rực lên sự thích thú mỗi khi học được thứ gì mới lạ, đôi khi lại mơ mơ hồ hồ suy nghĩ hướng giải quyết vấn đề, đôi khi lại ánh lên sự vui vẻ rực rỡ. Mỗi lần như thế tim tôi lại đập nhanh. Tôi càng ngày càng thấy thích em.
Mẹ tôi dường như đã nhìn ra sự khác biệt của tôi, bà cứ nói bóng nói gió bảo tôi nhanh tay không lại để mất người ta. Bà bảo tôi khi yêu vào trông rất vui vẻ, tràn đầy sức sống thanh niên. Bà nói nhiều lắm, nói về tình yêu, rằng bà đã hạnh phúc ra sao, đã chìm vào cõi mộng như thế nào. Song, bà không hé một chữ về mặt trái của nó, về việc nó sẽ đau đớn ra sao. Và tôi, một kẻ đang say say vì tình, càng không nhìn ra được mặt trái ấy, lòng tôi đúng thật chỉ là "một vườn hoa lá", "dậy hương và rộn tiếng chim". Tình yêu kỳ diệu vậy đó.
Tôi cùng Sa đang cùng nhau tạo nên mô hình robot dọn rác. Cứ tưởng rằng mấy thứ máy móc này không thu hút được tôi nhưng kỳ lạ là tôi lại càng chìm đắm vào nó. Tôi bắt đầu cắt bớt thời gian tận hưởng trên chiếc ban công xinh đẹp, thay vào đó là mày mò tìm hiểu làm sao để cải tiến tối ưu thành phẩm. Sa cũng vậy, hầu như hôm nào đi học về em cũng đến nhà tôi lục lọi trong mớ sách kia nhũng quyển có ích và một lý do nữa khiến em ở bên nhà tôi mỗi chiều là vì mớ đồ ăn vặt mẹ làm.
Mẹ tôi nổi tiếng yêu chiều con trai, nên bà cũng chiều chuộng nốt những người khiến con trai bà vui. Lúc nào rảnh rỗi mẹ liền đến giúp chúng tôi trong khả năng. Sa tất nhiên là rất phấn khích, em nhờ mẹ kiếm giúp những thứ sắt vụn, bìa carton thừa ngoài đường rồi dùng chúng để sửa chữa, cắt cắt mài mài tái sử dụng thành những bộ phận của robot.
Một buổi tối mưa gió nọ, tôi đang ngồi hàn lại các khớp chân của robot thì nghe thấy tiếng đập cửa dưới nhà. Sợ đánh thức mẹ nên tôi chạy xuống mở cửa. Ồ nhìn kìa, con chuột ướt rượt nước mưa kia là Như Sa sao? Em mặc một cái đầm dài màu vàng tươi, chân đất không giày, đầu tóc xõa rũ rượi, son phấn trên mặt lấm lem.
Em dường như vừa bước ra từ những hỗn loạn nào đó. Chỉ riêng khóe miệng mỉm cười kia là không thích hợp. Rõ ràng trông em nhếch nhác đáng sợ nhưng nụ cười rạng rỡ kia lại xuất hiện trên sự nhếch nhác đó, trông em có chút kỳ quặc.
Tôi mở cửa cho em vào, chạy đi lấy khăn cho em lau khô người.
“Sao anh không hỏi?”.
“Giờ này mưa tầm tã mà em đứng trước cửa nhà anh gọi, sao anh không hỏi? Không thắc mắc hả?”.
“Đợi em bớt xấu xí rồi sẽ tự nói thôi mà, lau nhanh không là bệnh đó”.
Rồi em cười khúc khích không nói gì. Tầm chừng 15 phút sau, Sa xinh đẹp mộc mạc đã trở lại. Em mặc trên mình chiếc áo sơ mi nâu của tôi, thứ mà tôi chỉ mặc trong đời được tầm ba lần, cùng chiếc quần đùi cũ, chiếc quần nhỏ nhất mà tôi có, và phối một chiếc dây nịt ngang hông. Em bảo như vậy trông mới nghiêm chỉnh, kẻo lỡ mẹ tôi thức dậy thấy em ăn mặc như vậy thì lại không hay. Thật ra em lẳng lơ hay không mẹ tôi cũng không quan tâm đâu, nụ cười của tôi sẽ khiến bà mừng rơn ấy chứ.
Như Sa rất tự nhiên vào phòng tôi, chễm chệ ngồi trên chiếc ghế uống trà hằng ngày, tự lấy cho mình một quyển sách rồi an tĩnh ai làm việc nấy. Tôi đang chú tâm vào những vết hàn, không để ý lắm mặc em làm gì làm. Rồi bỗng dưng giọng nói của em vang bên tai tôi.
hoc-tro-2
“Em muốn đặt tên cho nó là Bisa”.
“Được, để anh khắc lên tay nó. Sắp xong rồi, hàn xong phần này anh sẽ khắc lên”
“Ngoan. Em nói gì là anh làm theo đó hả?”
“Ừ, anh cũng không nghĩ ra cái tên nào hay hơn”
Rồi lại im lặng.
Tôi đã hàn xong rồi. Trông con robot hơi méo mó sần sùi vì vết hàn vụng về của tôi nhưng nó lại khiến tôi thỏa mãn đến kỳ lạ. Tôi thầm nghĩ để lại cái này cho Sa mài lại là đẹp ngay, hoàn hảo. Rồi nghĩ đến cô bé này mài sắt thì đẹp nhưng viết chữ lại xấu như gà bới liền mang giấy bút viết mẫu trước tên lát nữa khắc lên luôn.
“Sai rồi. Em đọc Bisa mà, sao anh viết Pisa, là bờ i bi, bờ bò đó. Robot của em sao lại có tên của tòa nhà nghiêng ngả ở Ý đó hả”
“Tên Bisa cũng kỳ lạ quá, anh chưa nghe ai tên Bisa bao giờ”
“Tên của em cũng kỳ lạ đây. Không phải ý kiến, viết lại cho em”
Tôi bật cười. Được rồi, em thích như nào cũng được, tôi chiều em.
Thế là hì hục cả buổi tối, Bisa của chúng tôi đã có một cơ thể hoàn chỉnh bằng sắt cùng dòng chữ mà tôi cho là đẹp nhất “Bisa - not Pisa”. Đừng hỏi tôi vì sao có dòng chữ kỳ quặc như vậy, là Sa bắt tôi viết đó, lý do thì tôi chịu. Ơ tôi lại vừa nhớ ra em chưa nói lý do em ở đây lúc này nhỉ. Nhưng tôi cũng không tò mò gì, chỉ thấy thành tựu vì đã tạo được một bộ dáng Bisa rất tuyệt vời.
Kết thúc những tháng ngày làm việc với sắt vụn, máy móc, Chúng tôi chuyển sang quá trình cốt lõi cũng như gian nan nhất, lập trình. Ngày trước tôi có đọc qua về thuật toán nên cũng biết chút ít nguyên lý của những thứ này, liền nghĩ “chậc, chắc cũng đơn giản thôi”. Nhưng lý thuyết một đằng, thực hành một nẻo. Lập trình khó, mà đi dây để lắp vào Bisa lại càng quá sức với tôi. Còn Sa hả, em thì siêu rồi, viết được lệnh rất nhiều nhưng cứ vướng lỗi, lỗi đỏ cả màn hình. Có hôm chúng tôi thức suốt đêm ở nhà em để sửa mớ lỗi đó đến nỗi hôm sau đi học tôi bị phạt vì ngủ gật trong giờ.
Những ngày như vậy diễn ra tầm 3, 4 lần thì mẹ tôi xót. Nhưng bà không khuyên tôi dừng lại. Bà chỉ hỏi tôi một câu hỏi quen thuộc “Con có vui không?”, nghe được câu “Dạ có” của tôi bà chỉ thở dài rồi chuẩn bị nào đồ ăn nào nước uống để tôi mang qua nhà Sa dùng. Như Sa thì thích thú ra mặt, em thích mẹ tôi lắm, cực kỳ quý bà. Chắc là vì ba em cho rằng mấy thứ máy móc chúng tôi đang làm là vô bổ, tuổi này chỉ cần học hành đàng hoàng hoặc em chỉ cần làm cô công chúa xinh đẹp trong nhà là đủ. Cũng vì lẽ đó mà mỗi lần tôi sang nhà em đều phải lén lút hệt ăn trộm.
Tôi phát hiện lúc mình chú tâm vào Bisa thì dần không nhận ra khoảng giữa chúng tôi đã thu hẹp rất nhiều. Tôi mơ hồ cảm thấy Sa thân thiết với tôi hơn nhưng cũng mơ hồ cảm thấy em không hài lòng gì đó ở tôi. Không biết nữa, đôi lúc em lại có vẻ giận dỗi nhưng không nói câu câu nào, tôi định bụng sẽ hỏi lý do hoặc nếu em không nói lý do cũng sẽ xin lỗi dỗ em vui nhưng cứ mỗi lần như vậy em lại lái sang chuyện chính sự. Chà, hẳn là do tâm tư mới lớn thôi, không gì đáng ngại.
Hôm nay em không về cùng tôi nữa, vì em đang đi cùng một anh lớp trên hỏi thăm về cách lắp dây cho bảng đèn LED. Tôi không vui một xíu nhưng nghĩ đến mình không có quyền không vui liền tự đánh lạc hướng bản thân. Tôi tự thưởng cho mình một buổi chiều yên tĩnh trên giường, bên tai là tiếng nhạc du dương êm ái.
tinh-yeu-hoc-tro-1
Có vẻ từ khi quen biết Sa, tôi đã không có những giây phút như thế này. Tôi biết em được bao lâu rồi nhỉ? Gặp em là những ngày hè nhưng chính thức nói chuyện hẳn là hồi giữa tháng 8, đến nay đã là đầu tháng 10. Tháng 10 mưa cứ dai dẳng không nguôi, trời trưa vẫn cứ nóng mà trời chiều thì vẫn cứ mưa. Tôi lặng lẽ phiêu diêu vào tiếng nhạc, cảm nhận chút không khí ẩm đầu đông rồi dần mê man trong những giấc mơ đẹp.
Một ánh sáng đỏ chói đánh thức tôi. Tôi mở mắt ra và thấy trên mắt của Bisa là một bảng đèn LED đang chạy chậm chậm dòng chữ “Tỉnh dậy đi đồ lười biếng”, lâu lâu lại nháy lên hai cái đèn đỏ hai bên, thứ kéo tôi ra khỏi những giấc mộng đẹp. Như Sa đang nằm nửa người trên giường tôi, nhoài người đến ôm Bisa dí dí vào mặt. Em cười tinh nghịch, nhướng chân mày khoe tôi thành quả vừa làm rồi vỗ vỗ mặt tôi cười thích thú.
“Cái mặt ngái ngủ”.
 “Đừng đừng, tránh ra anh đi rửa mặt”
Em vẫn tư thế đó cười khúc khích miết.
Sau một hồi lâu tầm sư học đạo, Sa đã biết cách đi dây cho bảng đèn, em dùng laptop đánh đánh để đổi chữ chạy khác, đổi màu chữ, đổi cả kích cỡ. Như thường lệ, ánh mắt em sáng lên sự vui thích. Tôi nghĩ nếu má em có một chút hồng hồng thì dáng vẻ em bây giờ sẽ cực giống mấy nhân vật trên phim anime, đáng yêu cực kỳ.
“Anh Quân chỉ em làm đó. Ảnh chỉ làm một lần thôi là em tự làm theo được rồi. Cái này là một mình em tự tay làm. Bisa ơi mẹ của con giỏi quá!”
 Rồi tôi thấy em nhìn mình chằm chằm, chờ đợi điều gì.
“Sao vậy? Sao anh không khen em?”
“Anh phải khen em nữa hả? Có thừa thãi quá không?”
“Sao lại thừa thãi? Em tự học tự tay làm đó. Đây là lần đầu tiên em làm mà đã đẹp như vậy, anh phải khen em chứ”
“Ờ rồi rồi. Em giỏi lắm, thông minh, xinh đẹp, ham học hỏi, được chưa?”
Vừa khen tôi vừa vỗ vỗ đầu Sa, kết thúc chữ “chưa” tôi liền xoa lọn mái tóc dài đấy.
Chúng tôi cùng cười vui vẻ rồi lại cùng thảo luận nên làm gì tiếp hay nên cải tiến chỉnh sửa gì thêm. Tháng 10 cũng không còn ẩm ướt nữa, nhiệt huyết của tuổi trẻ đã khiến đêm tháng 10 Sài Gòn nóng hừng hực như ban trưa tháng 6.
Những ngày vừa thi xong là những ngày buồn chán nhất. Thật, cứ mỗi mùa thi qua tôi lại có tầm vài ngày chông chênh kỳ lạ. Giống như vừa sống sót ngáp ngáp sau trận cuồng phong trên biển nay đã cập bờ nhưng lại không biết phải làm gì những ngày tháng tiếp theo. Cảm giác bỗng dưng quá rảnh rỗi cũng khiến tôi khó chịu, tôi đích thực là một thằng khó chiều.
Bisa đang tạm ngưng cho mùa thi cử. Chúng tôi dừng lại ở việc hoàn thiện những cử động cơ bản của một cỗ máy. Tức, Bisa hiện giờ chỉ là một con robot đồ chơi bình thường, chẳng có chức năng gì. Đợi Sa viết xong lệnh cho cảm biến chúng tôi sẽ bắt tay vào đi dây gắn từng cái cảm biến vào. Chà, nghe chuyên nghiệp quá, có vẻ dễ, búng tay là xong hoàn tất. Nhưng cứ mỗi giai đoạn lại khiến chúng tôi tốn cả lít chất xám. Vậy mà không ai trong hai đứa muốn từ bỏ cả, có lẽ Bisa đã trở thành một phần trong cuộc sống của chúng tôi, là nỗ lực và giá trị của tuổi trẻ.
Mùa thi năm nay sát với Tết. Sau khi thi xong chúng tôi có một tuần đi học, thật ra chẳng ai thèm học cả, và sau đó là nghỉ Tết. Tết năm nay được nghỉ 8 ngày, người người nhà nhà nô nức mua quần áo mới, tất bật cho một cái Tết êm ấm. Riêng nhà tôi, Tết cũng chỉ là một chuỗi những ngày chủ nhật kề nhau. Vì nhà ngoại đã mất do hỏa hoạn mà tôi lại không có ba nên chúng tôi chẳng phải đi thăm thú ai cả. Đoàn viên gì gì đó thì lại càng không cần, tôi cùng mẹ thân thiết mỗi ngày, sao phải đợi một năm để ngồi lại cùng nhau chứ? Thế nên mẹ con tôi tâm vẫn cứ an yên giữa cơn bão Tết xung quanh.
ngay-cuoi
Lần cuối tôi gặp Sa là lúc hỏi thăm em qua khung cửa sổ. Em nói em phải về quê, sẽ mang Bisa và laptop về làm tiếp phần dang dở. Em vẫn cười đó nhưng tôi thấy ánh mắt lờ đờ của em có chút khang khác. Em không vui. Nụ cười xinh đẹp của em không thể cứu được sự mệt mỏi trong ánh mắt. Tôi chần chừ muốn hỏi, em lại cười nói buôn đủ thứ chuyện trên đời. Tôi nghe chữ được chữ không, dẫu sao khoảng cách vẫn còn đó, chỉ có trái tim tôi là đã nằm ngoan ngoãn ở căn phòng màu hồng xinh đẹp bên kia rồi.
Ngày mùng hai Tết, tôi nhận được một phong thư gửi qua bưu điện không đề người gửi. Bên trong là một phong bì nhỏ dày cộm, hai bao lì xì đỏ và một tấm bùa thêu hoa màu hồng nhạt, trên sợi dây có móc tờ giấy nhỏ cùng dòng chữ nguệch ngoạc "lá bùa xinh đẹp dành riêng cho người phụ nữ xinh đẹp". Tôi còn lạ gì nét chữ này sao. Âm thầm gỡ tờ giấy nhỏ kẹp vào sổ tay, tôi mang bao lì xì cùng lá bùa xuống cho mẹ. Mẹ tôi vui mừng lắm. Bà lâu rồi chưa từng có cảm giác "Tết" đến như vậy, miệng nhoẻn cười suốt. Hay có lẽ tôi nhầm rồi? Rằng mẹ tôi năm nào cũng mong chờ một cái Tết vui vẻ như bao người, rằng bà cũng sẽ chạnh lòng khi xung quanh đều gia đình êm ấm riêng bà thì không còn ai. Dường như tôi cũng bắt đầu thích Tết rồi, phải không?
Tết qua rồi nhưng tâm hồn mọi người thì vẫn còn dư âm. Những ngày sau Tết là tha hoá nhất, nào bài bạc nào cắt nhuộm đầu đỏ đầu vàng móng hồng móng xanh. Tôi thì thường sẽ cùng tham gia nhóm này nhóm kia góp vui cho đỡ nhàm chán hoặc ngồi nghe thằng bạn lắm chuyện kể lể cả kỳ nghỉ Tết của nó. Riêng năm nay tôi chả tha thiết gì cả, chỉ ngồi hóng hớt cô bé trong tim. Tôi đã trốn tiết sang lớp 10/3 lần thứ 4 rồi vẫn không nhìn thấy bóng dáng kia. Tôi buồn thiu suốt cả một ngày hôm ấy.
Một tuần lễ trôi qua mà Sa vẫn chưa về, tôi bắt đầu bồn chồn lo lắng. Tôi bất an suốt cả tuần lễ, ăn không ngon, luôn nhớ nhung về em.
Đáp lại sự nhớ nhung của tôi là một bưu kiện khác từ bưu điện. Lần này vẫn là một phong bì dày và một cái móc khóa hình cỏ bốn lá bằng nhựa và dòng chữ quen thuộc "Cô có nhớ con không? Lỡ quên thì nhìn cái cây này rồi nhớ nhé!".
Lần này tôi bắt đầu giở chiếc phong bì dày lần trước ra. Bên trong là một xấp ảnh và những tờ giấy đầy chữ. Có ảnh của mẹ và tôi mà em lén chụp, có ảnh của em tự chụp mình trong gương và sau đó là một loạt ảnh của Bisa.
Ảnh Bisa đầu tiên là hình dáng cuối cùng tôi nhìn thấy lần ấy, tờ giấy kẹp bên ngoài ghi "Con của chúng ta đây. Anh nhớ nó rồi chứ gì?". Lần lượt những tấm ảnh và dòng chữ sau đó là quá trình hoàn thiện Bisa của em. Tôi không hiểu, sao em lại gửi nó về đây. Phải chăng em không thể quay về nữa? Cả em, cả đứa con chung của chúng tôi đều sẽ rời xa tôi sao? Tôi sợ hãi, tôi không muốn chấp nhận.
(Còn nữa)
Truyện ngắn: Em là mùa hè tuyệt nhất của tôi
Tác giả: Ẩn danh
Giọng đọc: Sand
Thực hiện: Hằng Nga
Thiết kế: Hương Giang

Nguồn tin: Quantrimang.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Trợ giúp

Thông tin liên hệ

Lưu niệm
Dự báo thời tiết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập60
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay10,239
  • Tháng hiện tại196,466
  • Tổng lượt truy cập10,410,732
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây