Trưởng thành là khi đến với hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều

Thứ sáu - 18/10/2024 23:53
Cuộc đời này vốn dĩ không công bằng nếu tập làm quen được với điều đó thì bạn sẽ nhận ra rằng “Sau cơn mưa, trời lại sáng”.
***
Trên chuyến tàu ngày hôm ấy, tôi vô tình chứng kiến một cuộc hội thoại thú vị của hai ông cháu nọ. Câu hỏi ngây ngô của đứa bé và câu trả lời của người ông khiến tôi cứ phải suy nghĩ mãi.
- Ông ơi, cháu muốn làm người lớn! – Cậu bé hồn nhiên bảo.
- Haha, làm con nít không phải sẽ sướng hơn sao? – Người ông tò mò.
- Người lớn thì được làm nhiều việc mình thích mà không sợ bị mẹ la mắng. – Cậu bé giải thích.
- Ai rồi cũng phải bị la mắng thôi, ông cháu ạ. Người lớn hay trẻ em cũng thế. Hơn hết, đối với những bà mẹ dù ta có lớn đến đâu thì chỉ mãi là đứa con bé bỏng của họ mà thôi. Nếu không muốn bị la mắng, có lẽ, cháu nên trở thành một người trưởng thành thay vì là một người lớn. – Ông cụ từ tốn.
- Người trưởng thành? – Cậu bé ngạc nhiên.
- Đúng, người trưởng thành! – Ông cậu nhấn mạnh.
- Khi nào thì chúng ta là người trưởng thành hả ông?
- Ừm, khi nào nhỉ? – Ông cụ trầm ngâm – Có lẽ là khi chúng ta đến với hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều chăng?
Ông cháu họ xuống ga ngay khi câu chuyện còn dang dở. Cuộc đối thoại dễ thương ấy khiến tôi phì cười. “Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều ư?” “Cũng khá thú vị chứ nhỉ?”. Trong tâm trí của một đứa nhóc khi ấy thì tôi làm gì có thời gian mà ngẫm nghĩ cái câu trả lời rất đỗi thâm thuý. Tôi có lẽ cũng như đứa cháu nhỏ của ông cụ, câu trả lời của ông sẽ nhanh chóng bị phai mờ trước cảnh đẹp hay những thứ mới lạ sắp hiện lên trước mắt tôi mà thôi. Nhưng bây giờ, khi chập chững bước chân vào đời, cuộc sống đại học xa gia đình khiến câu nói của ông cụ bất giác từ đâu hiện rõ mồn một trong tôi. Nó lặp đi lặp lại và gần như vang vọng bên tai vào những lúc tôi buồn bã nơi đất khách quê người. Bây giờ, nếu có ai hỏi tôi câu hỏi của cậu bé năm xưa: “Khi nào chúng ta là người trưởng thành?” Tôi chắc chắn sẽ đáp lại ngay mà không cần suy nghĩ: “Khi chúng ta đến với hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều”.

Điều buồn cười nhất ở đây là với lý thuyết này, một đứa trẻ hoàn toàn có thể trưởng thành hơn một cậu trai 20 tuổi. Trẻ con thường dễ dàng được tha thứ hay bỏ qua những lỗi lầm vụn vặt vì người lớn bao dung chúng với suy nghĩ “Con nít mà!” Đối với người lớn, con nít thì hay mắc lỗi, con nít hay bộc lộ những cái tôi bản năng, con nít sống chân thật với bản ngã bởi vì chúng còn nhỏ và nhìn theo một khía cạnh khác thì đó là lại điểm đáng yêu của tụi con nít. Cái mà người ta hay gọi là hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng. Tuy nhiên, không phải tụi con nít không có suy nghĩ mà suy nghĩ của chúng chưa sâu sắc và thấu đáo. Con nít nhìn mọi thứ xung quanh với lăng kính của trí tưởng tượng, lăng kính của cha mẹ chúng, lăng kính của những người xung quanh,… một chiếc kính vạn hoa đúng nghĩa. Những suy nghĩ non nớt của chúng mang lại cho chúng ta cảm giác dễ chịu, như làn gió thu mơn man nhẹ trong tâm trí. Thế giới của trẻ con có thể muôn màu, vạn trạng nhưng nhìn chung thì chúng vẫn đơn giản, có hai trường phái rõ ràng: tốt – xấu, trắng – đen, thiện – ác,…
Tuy nhiên, khi trưởng thành con người ta sẽ nhận ra cuộc sống vốn phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ và việc đơn giản hoá sự phức tạp đó chính là bản lĩnh của một người trưởng thành – một kẻ nghĩ nhiều. Trưởng thành là khi những suy nghĩ sâu sắc và phức tạp bắt đầu xuất hiện vào những lúc ta đối mặt với các tình huống khó khăn, phải đưa ra những quyết định khó nhằn, và thường xuyên tự vấn bản thân về ý nghĩa của cuộc sống. Một đứa trẻ được sống đúng với lứa tuổi của mình là một điều may mắn và bản thân tôi thầm nguyện mong cho tất cả trẻ em đều có được cái hạnh phúc nhỏ nhoi ây. Thực tế cho thấy có những đứa trẻ lại phải trưởng thành sớm hơn so với độ tuổi của chúng. Nguyên nhân đến từ nhiều phía khác nhau góp phần tác động lên suy nghĩ và tâm tư của đứa trẻ, khiến nó đưa ra quyết định để bản thân trưởng thành hơn bạn bè cùng trang lứa. Ví dụ, một đứa trẻ có thể phải tự lập sớm do hoàn cảnh gia đình, chẳng hạn như phải tự học, tự chăm sóc bản thân từ nhỏ hay chúng có thể học được cách kiểm soát cảm xúc, hiểu và chấp nhận nỗi đau, từ đó trở nên mạnh mẽ hơn. Đứa trẻ này biết cách đối mặt với cảm xúc của mình và giúp đỡ người khác trong những tình huống tương tự. Những đứa trẻ này thường phát triển kỹ năng sống nhanh chóng và biết cách tự mình giải quyết vấn đề.
Liệu đó có phải là con người bất hạnh? Đó là những đứa trẻ có tuổi thơ bất hạnh. Ở cái lứa tuổi mà bạn bè còn ham chơi ham học thì các em đã buộc phải trưởng thành, buộc phải suy nghĩ nhiều thứ hơn so với cái tuổi của mình. Nhưng nếu các em đủ sức mình để vượt lên trên hoàn cảnh thì các em sẽ sớm có được thành công vì xuất phát điểm các em đã được trang bị nhiều hơn những bạn khác. Cái suy nghĩ sâu sắc, cái nỗi lo âu về các vấn đề lớn hơn là có một chiếc bánh hay một món quà sinh nhật,… Cuộc đời này vốn dĩ không công bằng nếu tập làm quen được với điều đó thì bạn sẽ nhận ra rằng “Sau cơn mưa, trời lại sáng”.
Thế mới nói một cậu bé có thể trưởng thành hơn so với một chàng trai 20 tuổi bởi lẽ sự trưởng thành của con người không phụ thuộc độ tuổi của người đó. Khi nói đến trưởng thành, thường người ta nghĩ đến sự phát triển về mặt thể chất, tài chính, hoặc xã hội. Tuy nhiên, khái niệm này đặt ra một góc nhìn khác: sự trưởng thành thực sự có thể là khi chúng ta bắt đầu suy nghĩ sâu sắc, tự vấn bản thân và đối diện với những suy tư phức tạp. Một kẻ nghĩ nhiều có thể hiểu là người luôn có nhiều suy nghĩ, có nhiều vấn đề để suy nghĩ, hay đôi khi chỉ là một vấn đề nhưng phải suy nghĩ theo nhiều khía cạnh của vấn đề, suy nghĩ với nhiều vai trò khác nhau, đó gọi là suy nghĩ thấu đáo, toàn diện. Trưởng thành không chỉ là việc đối mặt với các trách nhiệm bên ngoài, mà còn là việc đối diện với thế giới nội tâm của chính mình. Chúng ta bắt đầu tự hỏi những câu hỏi sâu sắc về bản thân, như: "Mình là ai?", "Mình muốn gì trong cuộc sống?", "Giá trị cốt lõi của mình là gì?" Đây là những câu hỏi mà người suy nghĩ nhiều thường đặt ra, và việc đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi này là một phần quan trọng của quá trình trưởng thành.

Bên cạnh đó, trưởng thành là khi chúng ta nhận ra rằng suy nghĩ của mình không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn đến những người xung quanh. Chúng ta bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về hậu quả của hành động và quyết định của mình, biết đặt bản thân của mình vào vị trí của người khác, từ đó học cách chịu trách nhiệm nhiều hơn, học cách bao dung, tha thứ và thấu hiểu – hình thành lòng trắc ẩn. Đôi khi trưởng thành là cô đơn, ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Điều này xuất phát từ việc nhận ra rằng mỗi người đều có những suy nghĩ và cảm xúc riêng, không ai có thể hoàn toàn hiểu được tất cả những gì diễn ra trong đầu mình. Nói cách khác, hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều có thể là một nơi cô đơn, nơi mà chỉ có mình bạn với những suy nghĩ của chính mình và trưởng thành là chấp nhận sống cùng với sự cô đơn này, đồng thời tìm cách hòa hợp với nó, thay vì tìm cách thoát khỏi nó. Đây là dấu hiệu của sự mạnh mẽ trong tâm hồn.
Trưởng thành là khi chúng ta đến với hành tinh của những kẻ nghĩ nhiều, tuy nhiên, chúng ta không được đánh đồng giữa việc suy nghĩ nhiều với suy nghĩ quá mức (overthinking). Nghĩ nhiều thường liên quan đến việc suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề nào đó. Đây có thể là việc phân tích, đánh giá, hoặc cân nhắc các khía cạnh khác nhau của một tình huống. Nghĩ nhiều có thể giúp chúng ta nhìn nhận mọi việc từ nhiều góc độ, từ đó đưa ra những quyết định tốt hơn và hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống. Suy nghĩ trong trường hợp này thường mang tính chất xây dựng, với mục đích hiểu rõ hơn, tìm giải pháp hoặc đưa ra quyết định. Kết quả của việc nghĩ nhiều thường là sự nhận thức sâu sắc, quyết định chính xác hơn, hoặc sự hiểu biết toàn diện hơn về một vấn đề. Mặc dù có thể tiêu tốn thời gian và năng lượng, nhưng nghĩ nhiều thường không gây ra sự căng thẳng quá mức. Nếu được kiểm soát tốt, nó có thể là một quá trình tích cực, giúp tăng cường sự tự nhận thức và khả năng giải quyết vấn đề.
Ngược lại, suy nghĩ quá mức là tình trạng suy nghĩ quá mức về một vấn đề, đến mức nó trở thành ám ảnh hoặc gây lo âu. Overthinking thường dẫn đến việc lặp đi lặp lại những suy nghĩ tiêu cực, tưởng tượng các kịch bản xấu nhất, hoặc lo lắng về những điều không thể kiểm soát. Nó không nhất thiết phải mang lại cái nhìn sâu sắc hơn, mà ngược lại, có thể khiến người suy nghĩ bị mắc kẹt trong vòng lặp của sự lo âu. Những suy nghĩ quá mức thường mang tính chất tiêu cực, và có thể khiến người suy nghĩ cảm thấy choáng ngợp, bối rối, hoặc tê liệt trong hành động. Kết quả của overthinking thường là sự trì trệ, cảm giác lo âu, hoặc việc không thể đưa ra quyết định vì có quá nhiều yếu tố gây nhiễu loạn. Chính vì vậy, suy nghĩ quá mức có thể gây ra căng thẳng tâm lý, lo âu, và đôi khi là các vấn đề về sức khỏe tâm thần như mất ngủ, đau đầu, hoặc trầm cảm. Overthinking thường làm tăng cảm giác lo âu và giảm khả năng thư giãn hoặc tận hưởng cuộc sống. Vì vậy, chúng ta hãy cân bằng những suy nghĩ của bản thân để đảm bảo sức khoẻ tinh thần cho chính mình bởi ranh giới giữa nghĩ nhiều và nghĩ quá mức rất mỏng manh.
Tóm lại, trưởng thành không chỉ là sự phát triển về mặt vật chất hay xã hội, mà còn là sự phát triển về mặt nội tâm, khi chúng ta học cách đối diện với chính mình và thế giới xung quanh một cách chân thật và sâu sắc hơn. Do đó có thể nói, trưởng thành là khi bạn bước vào "hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều", nơi mà sự suy tư, tự nhận thức, và khả năng đối diện với sự phức tạp và cô đơn trở thành những yếu tố chủ đạo trong cuộc sống của bạn. Đây không phải là một quá trình dễ dàng, nhưng đó là một hành trình cần thiết để đạt được sự trưởng thành thực sự.

Tác giả: Đá Cuội - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập94
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm91
  • Hôm nay14,558
  • Tháng hiện tại142,432
  • Tổng lượt truy cập9,848,284
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây