Tính chừng mực

Thứ tư - 28/09/2022 00:03
Trong ăn uống, giao tiếp hay thưởng thức cái đẹp, người biết chừng mực là người điềm đạm, trầm tĩnh, lịch sự. Nó khiến cho bạn được tôn trọng, yêu quý.
***
Ngày nay, một trong những yếu tố của văn hóa ứng xử đang được cả xã hội quan tâm ấy là tính chừng mực. Dù bạn giao tiếp với người khác bằng ngôn ngữ, cử chỉ, hành động hay ánh mắt không lời thì tính chừng mực cũng rất cần thiết. Và để làm được điều đó quả không phải là dễ dàng.

Chừng mực được hiểu là sự vừa phải, là không thái quá cũng không quá ít về thái độ, hành vi trước một vấn đề nào đó. Tính chừng mực thể hiện rất rõ trong mọi lĩnh vực của đời sống và dần trở thành nét tính cách, tập tục sống in sâu vào mỗi con người. Nhịp sống hiện đại bắt buộc mỗi người cần phải tạo cho mình một dấu ấn, cá tính, phong cách và thẩm mỹ riêng. Nếu không, bạn sẽ khó có thể thu hút được sự chú ý của người khác. Nhưng để thu hút sự chú ý, quan tâm của người khác không có nghĩa là chúng ta bất chấp thực hiện bằng mọi cách. Ngược lại, cái gì cũng nên dừng lại ở khoảng chừng mực nhất định.
Nếu mỗi người tự xây dựng cho mình một thói quen chừng mực thì cũng có nghĩa là đang xây dựng hình tượng đẹp cho bản thân mình. Trong giao tiếp, chừng mực được thể hiện thông qua cách ứng xử không quá ồn ào cũng không thờ ơ, lạnh nhạt mà phải chân thành, vừa đủ. Ba tôi đi xe đạp trên đường, chẳng may bị người ta đụng phải té ngã, xe sang vành, đứt phanh, chân tay ba bị trầy xước, thế mà thay vì la lối, trách móc, ba chỉ nhắc nhở người ta từ lần sau nên đi đứng cẩn thận hơn. Trong khi nhiều cửa hàng cơm bên đường đều có người đứng ngoài cổng vồn vã chào mời, săn đón thì cửa hàng của Thím Ba tôi lại cứ chậm rãi, từ từ. Góp ý thì Thím bảo, làm ăn cũng phải biết chừng mực! Trong ăn uống, giao tiếp hay thưởng thức cái đẹp, người biết chừng mực là người điềm đạm, trầm tĩnh, lịch sự. Nó khiến cho bạn được tôn trọng, yêu quý.
Nhưng không phải ai cũng biết dừng lại đúng chừng mực. Ông bà ta nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hay “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Vậy mà nhiều khi, từ trẻ con đến thanh thiếu niên khi trò chuyện với người lớn tuổi thì cứ nói trống không, ngang hàng, không phân biệt trên dưới, thứ bậc. Học trò gọi ba mẹ, thầy cô là “ông nọ”, “bà kia”. Người phụ nữ đẹp, sang trọng khi cách ăn mặc, đi đứng phù hợp với chuẩn mực văn hóa, đạo đức truyền thống.

Thế nhưng thay vì cho người ta thấy cổ ba ngấn thì họ lại “phóng khoáng” cho thấy luôn bộ ngực thông qua cái cổ áo được khoét sâu quá đà. Trong khi ngồi cùng bạn bè cả nam lẫn nữ, anh bạn tôi kể ra mấy câu chuyện cười rồi lái sáng chuyện mấy cô gái ăn vận hở hang, để lộ cái này cái khác. Trong khi đám mày râu thì bò lăn bò lóc ra cười, thản nhiên bàn luận thì chị em phụ nữ ai đỏ mặt, im lặng. Bữa rồi đi đám cưới bạn, ai cũng xì xào, thậm thụt vì cái váy ngắn quá mức của một vị khách nữ. Chiếc váy hở bạo phần trên và thiếu vải phần dưới khiến khách khứa phải ngượng ngùng, lơ đãng...
Tôi muốn nhấn mạnh đến sự thiếu chừng mực trong vui chơi, ăn uống của con người thời hiện đại. Cách đây không lâu, để mừng con đỗ đại học, một gia đình nọ đã gửi thiệp mời và tổ chức linh đình suốt cả ngày chẳng khác gì đám cưới. Có những nhà, ngày giỗ, kỵ của người thân lại thuê cả giàn nhạc sống về hát hò inh ỏi. Rồi thì nào là xem bóng đá, nào chơi game, nào nhậu nhẹt,... thâu đêm suốt sáng. Biết rằng với họ, đó là niềm vui, và như cách mà giới trẻ bây giờ hay nói, đó là “Mình thích thì mình làm”. Nhưng thiết nghĩ, vui mà vẫn đảm bảo công việc, sức khỏe thì mới là vui, chứ vui theo kiểu quên hết, bỏ bê mọi thứ xung quanh dẫn đến mê mệt và kéo theo bao hệ lụy không đáng có thì quả là đáng trách. Vợ chồng tôi mới xây nhà. Bạn bè tới chơi. Người bảo: Sao xây bé thế? Người khuyên sao không xây to luôn một thể! Rồi thì sao không xây thế này thế khác… Tôi chỉ biết cười trừ rồi ngẫm bụng: Nhà mình, mình làm mình ở, miễn hợp với sở thích và điều kiện của mình là được.
Trong cuộc sống, tính chừng mực cũng không phải tự nhiên sẵn có. Để hoàn thiện bản thân, để tiến xa hơn nữa trong sự nghiệp cũng như được người khác tôn trọng, mỗi người cần phải ý thức và rèn luyện tính chừng mực ở mọi lúc mọi nơi.

Tác giả: Xanh Nguyên - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Trợ giúp

Thông tin liên hệ

Lưu niệm
Dự báo thời tiết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập130
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm126
  • Hôm nay13,370
  • Tháng hiện tại191,037
  • Tổng lượt truy cập10,405,303
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây