Đến khi tôi nhận ra mình đã thay đổi rồi, tôi mới thấy tôi đã không còn là cô gái nhỏ bé năm nào nơi huyện nhỏ ấy nữa. Một chốc thoáng buồn trong lòng như vương vấn sự hồn nhiên, tự do ngày thơ bé. Nhưng hơn cả đó là sự khởi đầu mới trong cuộc đời tôi, là bước chân đầu trên con đường trưởng thành.
***
Hạt giống nhỏ rồi cũng ươm mầm thành cây lớn, nụ hoa xinh rồi sẽ nở bung thành đoá hoa đẹp, chú chim non rồi sẽ một ngày rời tổ bay đi, cũng như con người rồi một ngày sẽ phải trưởng thành. Tôi đang từng bước tập tành làm người lớn, còn đó bao sự bỡ ngỡ, bao nỗi lo và sợ hãi nhưng tôi thấy vui vì mình đang trưởng thành. Hơn tất cả chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc tinh tuý từ chính quá trình mình dần trưởng thành và thành công.
Hạt giống nhỏ rồi cũng ươm mầm thành cây lớn, nụ hoa xinh rồi sẽ bung nở thành đoá hoa đẹp, chú chim non rồi sẽ một ngày rời tổ bay đi, cũng như con người rồi một ngày sẽ phải trưởng thành.
Khi tiếng trống trường cuối cùng trong đời học sinh của tôi vang lên, cách cổng trường mở ra, tôi hiểu rằng khi bước qua cánh cổng trường, tôi đã là người lớn. Lang thang trên con đường đã đi đến quá quen thuộc, tôi lại nhớ về những ngày tháng qua.
Khi còn nhỏ ai cũng có ước mơ, người mơ làm cô giáo, người mơ làm bác sĩ rồi kĩ sư, rồi phi công. Ước mơ khi ấy chỉ là khát khao cháy lên từ đam mê, từ niềm vui, từ những mong muốn thành “người lớn”. Khi lớn lên một chút, bản thân đã hiểu rằng ước mơ đi với số điểm, đi với cánh cổng trường đại học. Đã không biết bao nhiêu người rời khỏi con đường ước mơ ban đầu của mình, họ nhận ra ước mơ mình thật là viển vông biết nhường nào. Khi đến với cánh cổng trường cấp ba, bản thân lại lớn thêm một chút. Lúc này bản thân mới hiểu mình phải kiếm thật nhiều tiền, mới hiểu cuộc sống bên ngoài còn nhiều thứ hơn là những điểm số. Rồi lại rất nhiều người bỏ lỡ con đường mình mong ước vì nhận ra ước mơ ấy thật nghèo nàn. Đến khi tiếng trống trường vang lên, kì thi đại học kết thúc, lúc này đây tôi cũng như bao nguời khác sẽ đối diện với “trưởng thành”.
Đứng trước muôn vàn ngã rẽ tôi vẫn mông lung trước con đường tiếp theo mình chọn, tôi không có ước mơ hay đam mê nào cả, tôi không có dự định gì như các bạn khác. Gia đình tôi là một gia đình rất đỗi bình thường, tài chính cũng là một vấn đề khó khăn với việc tôi đi học đại học, nhưng ba mẹ tôi, cũng như bao phụ huynh khác, đều sẵn sàng đầu tư cho con cái họ đi học dẫu họ có vất vả thế nào. Với họ, đại học không phải con đường duy nhất nhưng là con đường an toàn nhất cho tương lai của con cái họ. Mang theo những kì vọng ấy và cả những thấu hiểu về khó khăn của ba mẹ, những đứa con như chúng tôi chưa từng nghĩ đến mình thích công việc gì, mình yêu điều gì hay đam mê của mình là gì, điều duy nhất tôi nghĩ đến khi bấm vào đăng kí ngành học là liệu ngành ấy có hot không, hay liệu ngành ấy có cơ hội việc làm trong những năm tới không, mức lương của ngành này có cao không. Dù ba mẹ luôn nói với tôi rằng: “Con muốn học gì chả được?”, nhưng tôi không đủ cam đảm đi theo điều mà trong tim mình mong muốn, tôi sợ mình thất bại. Khi đăng kí cấp ba, tôi chưa từng nghĩ nhiều đến vậy, chỉ đơn giản là đăng kí trường nào có tiếng trong huyện và gần một chút là được, nhưng khi đứng trước trang web đăng kí nguyện vọng, tôi lại lo lắng vô cùng. Tôi sợ mình trưởng thành.
Cuối cùng, tôi đăng kí chọn ngành ngôn ngữ Trung Quốc, một ngành học có nhiều cơ hội trong tương lai và thu nhập ổn định. Nhà tôi ở tỉnh lẻ nên để đi học trên Hà Nội, ba mẹ phải chở đồ ra tận thủ đô để lo phòng trọ, chỗ ở cho tôi. Ngồi sau xe ba, tôi nhìn thấy những sợi tóc bạc hiện lẩn trong mái tóc đen. Lần đầu tôi nhận ra ba mẹ đã già rồi, tôi nhận ra mình lớn rồi, và tôi sợ, tôi sợ bản thân phụ kì vọng của ba mẹ đặt lên tôi, tôi sợ không thể lo được cho ba mẹ khi về già. Những suy nghĩ ấy cứ dai dẳng theo tôi từ nơi quê nhà lên đến Hà Nội. Ba mẹ giúp tôi thu xếp trong một phòng trọ điều kiện khá ổn, lại ở gần trường. Họ cứ đi xung quanh rồi lại kiểm tra một lượt đồ đã mang, họ lo rằng tôi sẽ mang thiếu gì đó lại lo chỗ ở không thoải mái. Dù tôi đã lớn nhưng với ba mẹ tôi, tôi mãi là một đứa trẻ. Đúng là không ai yêu con hơn cha mẹ cả, rứt ruột rứt gan đẻ con ra, vất vả nuôi con lớn khôn, yêu thương bảo bọc con từng ngày từng tháng, và đến bây giờ khi đứa trẻ đã đến lúc ra khỏi cánh cửa nhà, lòng cha mẹ chẳng thể yên được, dù biết sẽ có ngày này nhưng ai mà không thương con được chứ. Cũng có lẽ vì thế, trước khi phải ra về, mẹ ôm tôi thật chặt, dặn tôi đủ điều và nhắc đi nhắc lại tôi phải gọi điện về nhà. Ba không nói gì nhiều chỉ dặn tôi “lớn rồi phải biết chăm sóc bản thân mình tốt hơn, có gì thì gọi cho bố mẹ”. Đứng bên cửa nhìn bóng ba mẹ khuất dần, tôi nhận ra mình sắp xa ba mẹ. Lên đại học rồi thì cả tuần về một lần, khi đi làm rồi thì có khi cả năm về được vài lần, rồi sẽ có một ngày, một ngày tôi không thể nhìn thấy mẹ cha được nữa. Thời gian luôn vô tình như vậy, khi tôi lớn rồi, ba mẹ sẽ già đi, tôi sợ ngày ấy sẽ đến, tôi sợ mình trưởng thành.
Những ngày đầu ở Hà Nội, một nơi lạ lẫm và cô đơn, không có bạn bè trò chuyện, tôi chỉ lủi thủi từ nhà đến trường rồi lại từ trường đến nhà. Những tiết học cứ mỗi ngày lại mỗi ngày đè nặng kiến thức. Học đại học không còn giống như cấp ba, mỗi ngày một bài học, thầy cô luôn sát sao tận tình; khi lên đại học, môi trường học mới đòi hỏi sự tự chủ của sinh viên, một buổi học có thể học hết cả chương sách. Không chỉ là các môn đại cương, môn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng trung, một ngôn ngữ hoàn toàn mới với tôi. Tôi không phải một người có năng khiếu về ngoại ngữ. Ngay từ những buổi đầu tiên đến với ngôn ngữ này, tôi cảm giác như mình thua xa các bạn. Những buổi tối cật lực học bài nhưng bản thân cứ như bị xoay mòng mòng trong đống kiến thức. Nhìn các bạn mỗi ngày đều hưởng thụ những điều mới mẻ ở Hà Nội, năng nổ tham gia hoạt động mà vẫn theo kịp tiến độ bài học, tôi thấy mình thật kém cỏi. Cứ những khi đêm về, tôi lại nghĩ bản thân mình phải làm gì đây?
Tôi chẳng biết mình cần làm gì, không có định hướng, không có kế hoạch, tôi cứ hay lo sợ vẩn vơ về những điều sắp đến, lo về học tập, lo về cuộc sống sinh viên và cả suy nghĩ về tài chính nữa. Gia đình tôi vốn không khá giả, tôi đã nghĩ bản thân phải ra ngoài kiếm việc làm thêm để có tiền phụ ba mẹ nhưng chính tôi không biết vì sao lại sợ hãi vô cùng. Tôi không biết làm gì, bản thân thì luôn trong một trạng thái rối ren vô định. Làm người lớn phải nghĩ nhiều quá, không chỉ nghĩ về mình mà còn nghĩ cả những điều tương lai mà chính mình chưa biết thế nào nữa. Dân gian vẫn bảo “lửa thử vàng, gian nan thử sức” nhưng khi bản thân đối mặt với áp lực trưởng thành mới biết mình bất lực như thế nào. Tôi đã ước mình đừng lớn nữa, hãy cứ bé nhỏ như cô bé ngày nào còn trong vòng tay mẹ, cứ vui vẻ như cô học sinh ngày nào còn trò chuyện bên chúng bạn. Tôi sợ trưởng thành.
Thấm thoát mùa đông đã đến, tôi đã đến với Hà Nội được ba tháng rồi. Đã rất lâu rồi, tôi mới đi lang thang đây đó ở nơi mới lạ này. Tôi nhận ra Hà Nội lạ quá nhưng cũng thật gần gũi biết bao, tôi đã dần quen với khung cảnh đường xá nhộn nhịp, tôi đã quen với những cửa hàng, những góc phố nơi đô thị phồn hoa. Tôi cũng dần quen với ngôi trường mới, quen bạn, quen lớp và quen với cả tiếng Trung. Tôi dần có nhịp độ sinh hoạt mới, cũng học được cách mở lòng mình hơn, thoát khỏi con người luôn bao bọc trong vòng tay bố mẹ và cứ níu kéo mình trong quá khứ kia. Tôi đã biết chia sẻ, tôi đã học được cảm thông, tôi biết chăm sóc chính mình. Lần đầu tiên tôi thấy mình thực sự lớn cũng là lần đầu tôi yêu Hà Nội, nơi tôi bắt đầu cho dấu chân trưởng thành.
Tôi không còn nông nổi và hành động theo cảm xúc như hồi bản thân 15, 16 tuổi, tôi đã dần định hình được bản thân thích gì, muốn gì, yêu gì. Dường như khi bắt đầu “lớn”, tôi đã bắt đầu hiểu bản thân mình hơn. Tôi không còn ham vui với những video, clip trên mạng xã hội, những trend, những drama biến cố hay ho nữa. Thay vào đó, tôi bắt đầu thích đi hơn, tôi muốn đi đây đi đó, đi đến công viên, đến thư viện, đến nơi yên bình.Tôi chưa từng nghĩ bản thân sẽ thay đổi nhiều như vậy. Tôi bắt đầu thích trồng cây hơn là nằm dài ngủ nướng, tôi đọc sách thay vì ngồi lướt điện thoại trong nhàm chán, tôi dần hình thành thói quen học từ mới và tự lập hơn trong cuộc sống cũng như việc học. Sau những bộn bề ngày đầu mới lớn, tôi học được cách bình tâm trước khó khăn, học được cách sắp xếp thời gian, cách để cân bằng cuộc sống của mình. Đến khi tôi nhận ra mình đã thay đổi rồi, tôi mới thấy tôi đã không còn là cô gái nhỏ bé năm nào nơi huyện nhỏ ấy nữa. Một chốc thoáng buồn trong lòng như vương vấn sự hồn nhiên, tự do ngày thơ bé. Nhưng hơn cả đó là sự khởi đầu mới trong cuộc đời tôi, là bước chân đầu trên con đường trưởng thành.
Cứ mỗi tuần tôi lại về nhà một lần, và lần này cũng vậy. Vẫn là những cảnh quê hương quen thuộc, vẫn là hình bóng ba mẹ bên ngôi nhà nhưng lòng tôi giờ không còn buồn bã và khao khát quay về tuổi thơ nữa. Sau những nỗi vất vả và lo toan của ba mẹ, tôi còn thấy cả niềm tự hào mà ba mẹ đặt lên vai tôi. Họ không cần tôi phải vội vã đi làm, không cần tôi phải vội vã trưởng thành, điều cha mẹ luôn mong muốn nhất là thấy con hạnh phúc, thấy con từng bước lớn lên, mạnh mẽ hơn, vui vẻ hơn, trưởng thành hơn. Tôi đã hiểu được những điều mà người lớn hiểu, thấu được những vất vả lo toan mà tôi chưa từng cảm nhận. Tôi lại càng yêu ba mẹ mình hơn. Ngoài thấu hiểu được những vất vả, gian truân của một người lớn, tôi còn cảm nhận được sự kiêu hãnh của tuổi trẻ. Đó là niềm kiêu hãnh về sức sống và đam mê cháy bỏng với những khát khao mới, tuổi trẻ thanh xuân mang bao giấc mơ và nỗi niềm, mang bao nhiêu sức mạnh để từng bước vào đời. Đó là cái cảm giác không gì không làm được, bao năng lượng thanh xuân đều tập trung trong thời khắc đó, hoá thành niềm kiêu ngạo của tuổi trẻ. Tuổi trẻ còn nhiều lắm những thiếu sót và áp lực, nhưng bên cạnh những nỗi lo toan tuổi mới lớn còn là đam mê khám phá điều mới lạ, còn là nhiệt huyết cháy bỏng chinh phục những mục tiêu trong đời, còn là khát vọng được cống hiến cho đời những điều đẹp đẽ. Tôi yêu sự mạnh mẽ và tràn đầy sức sống của người trưởng thành.
Tôi rời quê lên Hà Nội vào cuối ngày, trong lòng mang bao tâm tư nhưng hơn cả là hạnh phúc khi bản thân đã ngày một trưởng thành.
Có lẽ bạn cũng như tôi, đang đặt những dấu chân đầu tiên trên con đường đời mở rộng của mình. Sẽ có những khó khăn, có những nỗi lo, sẽ có những bộn bề nhưng bạn đừng lo lắng, hãy bình tĩnh rồi mọi chuyện sẽ qua. Mỗi người có con đường đi riêng, cách họ trưởng thành cũng khác nhau, có những người nhanh chóng đi vào đời bằng bước chân vội vã những có những người lại từng bước đi lên. Sau tất cả chúng ta sẽ học được những điều mới, những điều bản thân chưa từng nghĩ đến, tận hưởng những điều mà bản thân đã lãng quên và khám phá chính mình. Đứng sợ hãi, đừng từ bỏ, trưởng thành là một con đường dài, hãy tận hưởng từng bước trên con đường ấy. Hạnh phúc không chỉ đến khi ta có được kết quả mà còn là cảm thụ quá trình đến với thành công. Đừng so sánh chính mình với người khác, đừng mặc cảm, tự ti. Mỗi người có con đường của riêng mình, có tốc độ của riêng mình, có những hạnh phúc và lo lắng riêng, hãy học hỏi từ họ những điều hay và tự tin đi trên con đường của mình. Khi đến được với những thành công, bạn sẽ nhận ra mỗi người có niềm tự hào riêng, có mục tiêu riêng nhưng hơn tất cả mọi người đều hướng đến hạnh phúc trọn vẹn nhất.
Tôi cũng đang từng bước đi trên con đường trưởng thành. Có lúc tôi vấp ngã, cũng có lúc tôi bỏ quên chính mình, nhưng mỗi lần bước ra khỏi nỗi lo và khó khăn, tôi lại thấy mình khác đi một chút, tôi vui vì mình dần trưởng thành hơn từ ấy. Sẽ có nhiều lúc ta mong cầu xa vời, có nhiều lúc ta khát khao nhiều quá, cũng có nhiều lúc ta lại tự giam mình lo sợ, níu lấy quá khứ như một bến bờ nương tựa. Nhưng hơn hết tất cả những mong cầu về tiền tài, địa vị, tình cảm, thứ ta hướng đến vẫn là hạnh phúc ở cuối con đường, vì thế đừng đánh mất chính mình để đi vào một con đường tăm tối vì dục vọng của bản thân. Hẹn gặp lại bạn ở nơi chúng ta hạnh phúc viên mãn nhất trên con đường đi đến trưởng thành.