Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Đáp án của câu hỏi khó này được tiến sĩ Edward L. Deci trả lời cặn kẽ trong cuốn sách hay Sao ta làm điều ta làm (Why We Do What We Do). Đúc kết từ công trình khảo sát về tâm lý học hành vi của tác giả, cuốn sách làm rõ quá trình tạo ra, duy trì và thúc đẩy động lực lành mạnh và bền vững bên trong của con người.
***
Khi hành động xuất phát từ ý muốn bên trong, ta sẽ yêu thích những ‘nhiệm vụ’ của mình hơn. Còn khi ta bị gây sức ép hay tạo áp lực ‘phải làm’ một điều gì đó, niềm vui giảm đi và hiệu suất của hành vi cũng suy yếu rõ rệt.
“Hãy nghe theo sự lựa chọn của chính mình” là lời khuyên phổ biến mà con người vẫn hay nhắc nhở nhau. Thế nhưng, đứng trước những sự lựa chọn, chúng ta vẫn thường tự chất vấn liệu hành vi của mình là do bản thân tự quyết định hay bị ảnh hưởng bởi một điều gì khác.
Đáp án của câu hỏi khó này được tiến sĩ Edward L. Deci trả lời cặn kẽ trong cuốn sách hay Sao ta làm điều ta làm (Why We Do What We Do). Đúc kết từ công trình khảo sát về tâm lý học hành vi của tác giả, cuốn sách làm rõ quá trình tạo ra, duy trì và thúc đẩy động lực lành mạnh và bền vững bên trong của con người.
SỰ ĐỐI NGHỊCH GIỮA ‘TỰ CHỦ’ VÀ ‘BỊ KIỂM SOÁT’
Bàn về động lực của hành vi con người, Edward L. Deci đưa ra một sự phân biệt quan trọng – giữa việc nó là “tự chủ” hay “bị kiểm soát”. “Tự chủ”, trong bối cảnh cuốn sách này, là hành động đúng theo cái tôi của một người, một cách tự do và tự nguyện. Khi quyết định chọn làm theo ý muốn của bản thân thì bạn đang sống thật với con người của mình, vì hành động này bắt nguồn từ cái tôi bên trong bạn.
Đối lập với tự chủ là bị kiểm soát, nghĩa là bạn bị gây áp lực để hành xử, suy nghĩ hay cảm nhận theo một cách cụ thể nào đó. Lúc này, mọi hành động bạn đưa ra không còn xuất phát từ cái tôi của chính mình, vì cái tôi bên trong này đã bị khuất phục trước sự kiểm soát. Nhưng không phải lúc nào sự kiểm soát cũng do người khác tác động, đôi khi chính chúng ta có thể tự kiểm soát bản thân để thỏa mãn điều gì đó.
Để lý giải rõ hơn về sự đối lập của hai trạng thái, tác giả thực hiện cuộc thí nghiệm và kết luận: “Người được yêu cầu thực hiện một nhiệm vụ cụ thể nhưng được tự do lên tiếng về cách thực hiện nó sẽ toàn tâm toàn ý với hoạt động – họ thích nó – hơn là những người không được đối xử như những cá nhân độc lập”.
Như vậy, khi hành động xuất phát từ ý muốn bên trong, bạn sẽ yêu thích những “nhiệm vụ” của mình hơn. Còn việc bị gây sức ép hay tự tạo áp lực, thúc ép bản thân “phải làm” một điều gì đó, chính là hủy hoại sự tự chủ.
Theo tiến sĩ Edward L. Deci, sự tự chủ có vai trò rất quan trọng, nó là nhiên liệu cần thiết trong hành trình trưởng thành và phát triển lành mạnh. Khi tự chủ, chúng ta cảm nhận được bản thân đang sống với bản ngã chân thật nhất, và chính ta mới là nhân tố khởi xướng cho mọi hành động trong cuộc sống.
PHẦN THƯỞNG VÀ HÌNH PHẠT LÀM SUY YẾU SỰ TỰ CHỦ
Hiện nay, có rất nhiều phụ huynh sử dụng việc trao thưởng cho con cái như một cách để khuyến khích con làm bài tập. Nhưng đây có phải là phương pháp hiệu quả nhất để thúc đẩy hành vi? Trong “Sao ta làm điều ta làm”, Edward L. Deci thách thức lối suy nghĩ truyền thống, chỉ ra rằng phương pháp này khiến con người rơi vào hoàn cảnh “bị kiểm soát”, vì thế mà chống lại hiệu suất của hành vi.
Dẫn ra nhiều nghiên cứu, Deci tiết lộ rằng con người giải quyết vấn đề tệ hơn khi họ cố gắng vì một phần thưởng ngoại tại hơn là khi được thúc đẩy từ bên trong. Điều này chứng tỏ, phần thưởng chỉ là một tác nhân đến từ bên ngoài và không thể hoàn toàn xem nó như một phương tiện để thúc đẩy hành vi của con người. Thậm chí, khi sử dụng sai cách, phần thưởng sẽ làm suy yếu động lực nội tại trong quá trình trưởng thành.
Ngoài phần thưởng, còn có một yếu tố khác mà người ta vẫn hay hiểu lầm rằng nó có thể thúc đẩy hành vi, đó là hình phạt. Hiển nhiên hình phạt mang tính kiểm soát, có thể để lại nỗi ám ảnh rất lớn trong tâm trí và khiến động lực của con người bị xói mòn trầm trọng.
TRAO QUYỀN LỰA CHỌN
Nhằm thúc đẩy hành vi mà không bắt đầu với sự kiểm soát, nhà tâm lý Edward L. Deci đưa ra một tiến trình mới là ‘khuyến khích tự chủ’. Thay vì trao phần thưởng cho con cái để chúng hoàn thành bài tập, chúng ta nên thúc đẩy động lực bên trong con trẻ bằng cách trao quyền lựa chọn để bọn trẻ hành động một cách tự do mà không gò bó.
Trong “Sao ta làm điều ta làm”, Edward L. Deci giải thích rằng trao quyền là một trong những yếu tố then chốt của khuyến khích tự chủ, buộc người ở vị trí bề trên phải chia sẻ quyền lực hay sức mạnh của mình. Nói cách khác, các cá nhân nên được cho phép tham gia vào việc đưa ra những quyết định về các vấn đề liên quan đến bản thân họ.
“Khuyến khích sự tự chủ là xem người khác – con cái, học sinh và nhân viên của chúng ta – là con người, là những tác nhân chủ động xứng đáng được hỗ trợ, chứ không phải là những đồ vật bị thao túng để chúng ta cảm thấy hài lòng”, tác giả lý giải thêm.
Tuy nhiên, Deci cũng nói rõ ràng ủng hộ tự chủ không đồng nghĩa với sự dễ dãi. “Buông thả thì dễ, khuyến khích tự chủ mới khó”, ông viết. Điều này đòi hỏi người thực hiện phải rõ ràng, kiên định, lập ra các giới hạn theo cách đầy thấu hiểu và đồng cảm.
Với quyển sách hay Sao ta làm điều ta làm, tiến sĩ Edward L. Deci không đưa ra câu chuyện truyền cảm hứng để thúc đẩy động lực bên trong của bất cứ ai. Mà bằng cách khám phá những yếu tố trong tâm lý học và quá trình tạo động lực, tác giả dần mở ra cánh cửa để ta tự giải quyết những trăn trở trong hành vi con người.
Cuốn sách dành cho những ai quan tâm đến thúc đẩy hành vi có trách nhiệm và lành mạnh, trong học tập cũng như công việc, trong bản thân mình cũng như người khác. Sau cùng, bạn sẽ nhận ra rằng, học cách tạo động lực đúng cách cho bản thân và những người xung quanh cũng có thể chinh phục tự do và hạnh phúc đích thực.
Tác giả: Theo Elle
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn