Người thầy thiện lương
Thứ tư - 24/02/2021 21:08
Một năm vừa qua, thầy đã vất vả biết bao nhiêu để vừa dạy, vừa qua làng trẻ em SOS để ôn tập cho các bạn. Thầy dạy bằng cái tâm, cái đức và nhiệt huyết của nhà giáo khi không đòi hỏi một khoản học phí bồi dưỡng nào từ học sinh của mình. Ba tháng hè, thầy không hề thảnh thơi.
***
Với tuổi trẻ năng động, đầy nhiệt huyết và sự thiện lương, thầy đã đem đến nguồn năng lượng tích cực và lối sống đẹp cho rất nhiều những thế hệ học sinh. Trở thành thần tượng của biết bao cô cậu thủa cắp sách đến trường. Và đó cũng chính là người thầy khiến tôi cảm nhận được những giá trị đích thực của cuộc sống...
“Hello, Mr.t Ngọc Nam Nguyễn!”
Cái tên ấn tượng ấy nhanh chóng đi vào đầu tôi. Như phản xạ, tôi quay đầu lại. Trước mắt tôi là hình ảnh một người đàn ông cao gầy, mái tóc cắt ngắn gọn gàng và đặc biệt, đôi mắt rất sáng. Tôi nhanh chóng hiểu ra, đây là giáo viên của trường. Chắc sẽ có nhiều người đang nghĩ “Ồ, giáo viên trong trường mà không biết thì thật là buồn cười”. Nhưng khoan chớ hiểu nhầm, bởi tôi là học sinh mới vừa thi đậu vào ngôi trường THPT Chuyên của tỉnh, và địa điểm mà tôi đang đứng ở đây là căng tin trường. Một ly nước và một dĩa đầy đồ ăn, tôi háo hức thưởng thức nó với vẻ đắc chí vì nghĩ rằng sáng hôm nay nhập học thật suôn sẻ. Thật trớ trêu, người ta thường bảo “Ba mươi chưa phải là tết” và thực sự nó linh nghiệm với tôi. “Rầm”, tiếng động rõ to, một dòng nước mát ngọt chảy từ trên đầu xuống khiến tôi tỉnh hẳn. À thì ra tôi là nạn nhân vừa hứng chịu thảm kịch vừa rồi. Chưa kịp định thần, một cái khăn trắng tinh được đưa đến trước mặt tôi :
- Em lau đi kẻo ướt! Chắc bạn không cố ý đâu…
- À… Dạ… Dạ vâng…!
Nhận cái khăn được gấp gọn gàng, tôi nhanh chóng lấy lại thần thái vốn “Không có gì” của mình. Mải mê lau đầu, tôi không hề mảy may đến xung quanh. Để rồi suốt những năm tháng sau đó, chiếc khăn tay ấy đã trở thành món quà vô giá và động lực học tập cho tôi ở nơi đất khách quê người…
Lẽ dĩ nhiên, tôi phải ở ký túc xá trong khuôn viên trường. Với đống đồ lỉnh kỉnh trên tay, tôi nặng nhọc nhích từng thứ một. Cha mẹ đã già yếu, tôi muốn tự lập. Vừa nhấc đống đồ lên được nửa cầu thang thì như một phép màu - thầy xuất hiện. Bàn tay nhanh thoăn thoắt nhấc bổng cái valy của tôi lên. Vậy là lần gặp gỡ này giữa hai thầy trò có vẻ lâu hơn lần trước. Chí ít tôi cũng biết thêm một vài thông tin nhỏ về thầy. Mẹ tôi thường bảo: “Ấn tượng ban đầu là ấn tượng không bao giờ lấy lại được… Nên khi gặp một ai đó dù xa lạ, con vẫn phải đối xử thật tử tế với họ”. Và ấn tượng ban đầu thầy để lại trong lòng tôi tử tế và tốt đẹp như lời mẹ đã nói. Tôi cứ nghĩ sau lời chào vội vàng ấy, thầy sẽ đi giải quyết công việc cá nhân. Nhưng không, thầy đang giúp những học sinh khác ở ký túc chuyển đồ. Vì học sinh ở các nơi khác chuyển vào đây học rất đông. Và nó tương đương với đống đồ mà thầy đang hì hục xách, đẩy, vác. Tôi sững lại, không nghĩ thêm được gì.
Tạm ổn - cuộc sống sinh hoạt và học tập của tôi trong một tuần đầu tiên ở ngôi trường mới này. Nhưng chưa, khi bước vào chương trình học chính khóa đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới và chuyên sâu khiến tôi đôi lúc rơi vào bế tắc. Tôi vô tình đọc được một bài đăng của “Ngọc Nam Nguyễn” chia sẻ kinh nghiệm giải bài tập các môn cho các em tân học sinh của trường. Thật trùng hợp, tôi nhớ lại ngày đầu tiên nhập học cũng cái tên “Ngọc Nam Nguyễn” mà đồng nghiệp gọi ùa về trong ký ức. Tôi nhắn tin hỏi thăm. Nhận ra cô học trò với đống “thảm kịch” ngay lần đầu nhập trường, thầy vui vẻ trò chuyện cùng tôi. Hiểu ra những lo lắng, trăn trở và bỡ ngỡ khi “chân ướt chân ráo” vào học, thầy tận tình chỉ cho tôi những bài học bổ ích, những lời khuyên chân thành.
Ngày qua ngày, tôi và thầy dần trở nên thân thiết. Mọi khó khăn, thắc mắc trong học tập tôi đều nhờ thầy giúp đỡ. Không chỉ tôi mà tất cả các bạn học sinh khác trong trường cũng vậy. Những khoảnh khắc thầy đang thắt lại khăn quàng cho một bạn nam hậu đậu; lúc thì cười tươi khi gặp những học sinh yêu quý cúi đầu chào; lúc thì đầu tóc rối bù, quần áo lấm lem vì lao động cùng lớp… Mỗi khoảnh khắc đó chúng tôi đều trân quý. Hay nói đúng hơn, thầy giờ như trở thành người cha trẻ tuổi mà trong mắt chúng tôi trở nên đáng yêu và nhân hậu biết chừng nào. Bởi như Usinxki đã từng nói: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”.
Kỳ thi học kỳ năm đầu tiên tại đây của tôi đã đến. Tâm trạng hồi hộp, lo lắng là điều mà không một ai tránh khỏi. Với đống sách vở, đề cương tôi ngán ngẩm không biết bắt đầu từ đâu. Đúng là “dở khóc dở cười”. Đang méo mó nhìn tập tài liệu thì Ngọc Anh - cô bạn gái học Chuyên Sinh giọng lanh lảnh từ phòng bên nói vọng ra:
- Ê! Các cậu ơi… Chiều nay tớ đi học thầy Nam có bảo rằng trong kỳ thi này thầy sẽ luôn túc trực bên cạnh chúng ta. Buổi tối thầy cũng sẽ thức túc trực cạnh máy 24/24 để lỡ may bạn nào thắc mắc vấn đề gì cần đáp án thì thầy sẽ lý giải ngay.
Cả ký túc xá như vỡ òa. Quả thật, thầy đã thức cùng chúng tôi như lời đã hứa. Môn Sinh là môn học không hề đơn giản bởi có rất nhiều công thức phức tạp và khó nhớ, đòi hỏi sự tập trung cao độ. Tối đó, chúng tôi cùng nhau học nhóm. Và đôi lúc rơi vào thế bí, lập tức “trưởng nhóm” nhắn tin “cứu trợ” tới thầy. Tôi nghĩ thầm: “Các bạn học sinh trong trường rất đông, chắc thầy đau đầu lắm đây khi cứ phải chiến đấu với “mười vạn câu hỏi vì sao”. Hăng say cùng thầy giải gần hết bài tập, chúng tôi tá hỏa khi nhìn lên đồng hồ - đã gần nửa đêm! Cả nhóm quyết định nghỉ ngơi để dồn hết năng lượng cho trận chiến ngày mai. Chúng tôi không quên cảm ơn thầy và nhắc nhở thầy nghỉ ngơi. Thầy chỉ ừ rồi bảo: “Các em cứ ngủ đi, ngủ thật ngon! Còn về phần thầy, đừng lo gì cả!”. Thương thầy, không biết phải làm gì, chỉ cầu mong cho thầy có thật nhiều sức khỏe và động lực để tiếp tục đồng hành cùng các “sỹ tử”
“Lặng xuôi năm tháng êm trôi
Con đò kể chuyện một thời rất xưa
Rằng người chèo chống đón đưa
Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều”
(Thầy và chuyến đò xưa - Nguyễn Quốc Đạt)
Sáng hôm sau, bước vào phòng thi tôi ngỡ ngàng vì thầy là giám thị phòng mình. Đôi mắt ấy sau một đêm thức trắng đã xuất hiện những quầng thâm và khuôn mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi nhưng vẫn gượng cười với tôi. Xót xa thật, chỉ vì chúng tôi mà… “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới” - thầy đã từng nói với tôi. Và tôi tin mãi mãi là như vậy!
Bước ra khỏi phòng, học trò vây quanh thầy, tíu tít nói cười rạng rỡ. Thầy hỏi thăm từng bạn một.Cả đám như trẻ con vây quanh mẹ đòi quà. Rồi thầy bảo phải giải tán ngay để còn có thời gian ôn tập cho môn thi tiếp theo. Tên “Hiếu Mập” học giỏi nhất khối ra hiệu, tất cả chúng tôi bỏ tay lên trán theo kiểu quân đội, đứng chỉnh tề, đồng loạt hô vang hai tiếng “Tuân lệnh” rồi cùng nhau bỏ chạy. Thầy chỉ cười trừ: “Đúng là nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”.
Đời người như một thước phim quay chậm mà có những lúc nhìn lại, ta ngỡ ngàng không biết liệu nó đã từng xảy ra. Hay đôi lúc, ngồi bên cửa sổ, tôi tự đặt cho mình hàng trăm những câu hỏi rằng cuộc sống này sẽ thế nào nếu thiếu tình yêu thương. Bởi một nhà văn Nga vĩ đại đã từng nói rằng: “Nơi lạnh giá nhất không phải ở Bắc Cực mà là nơi thiếu tình yêu thương”. Đó là điều mà tôi luôn tâm đắc và ghi nhớ trong lòng. Tìm về thầy là tìm về với yêu thương, với cội nguồn hạnh phúc.
Nắng vẫn tỏa, con đường đến trường vẫn vậy, nhịp sống vẫn hối hả theo guồng quay chóng mặt của thời gian. Tôi đã lên lớp 11. Đêm trung thu năm nay đặc biệt hơn mọi năm. Tôi được vui đùa và đón chị Hằng cùng các em nhỏ tại trại trẻ mồ côi SOS gần trường. Đêm nay là đêm vui nhất của các em. Dưới ánh đèn sáng, tôi nhanh chóng nhận ra thầy đang đứng nép mình một góc chỉnh sửa áo quần, rồi nhẹ nhàng thơm lên má những gương mặt non nớt còn chưa kịp biết mặt cha mẹ của chúng. Vẫn là đôi mắt sáng ấy nhưng giờ đây tràn ngập vẻ đượm buồn, pha lẫn một chút xót xa. Tại nơi đây, dù thiếu tình thương cha mẹ, nhưng bù lại, các em được che chở dưới mái ấm tình thương của những mạnh thường quân. Và được nhận những âu yếm, hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ người thầy đáng kính của tôi. Đó là một nghĩa cử cao đẹp. Dù là nhà giáo, nhưng đôi bàn tay của thầy có phần thô ráp vì tần tảo nhưng tôi hiểu rằng: “Khi ta cho đi một đóa hồng, bàn tay còn giữ lại mùi hương”.
Mùa hạ năm đó, tôi nghỉ hè. Bỏ lại nơi sân trường bao dở dang tuổi trẻ. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nhắn tin hỏi thăm thầy đôi ba câu xem cuộc sống “về hưu” có gì mới. Thầy lại gửi cho tôi những bài chia sẻ về phương pháp học, về những tin tức thời sự cập nhật nóng hổi, đôi khi là những mẩu chuyện cười hài hước. Thầy vẫn vậy, quan tâm, lo lắng cho học trò hè đến sẽ sao nhãng việc ôn tập kiến thức cũ. Thầy bảo: “Các em về nhà nghỉ hè phải tranh thủ giúp đỡ cha mẹ những công việc để họ đỡ phần nào những mệt nhọc, lo toan trong gia đình. Và cũng không quên nhiệm vụ với con chữ của mình. Thầy sẽ giám sát và nhắc nhở các em thường xuyên”. Cha mẹ tôi bất ngờ khi thấy con gái họ chăm chỉ làm việc nhà, rảnh rỗi lại lôi đống sách vở ra học bài. Cha mẹ tôi cười đùa: “Chắc bữa nay trời nổi giông bão lớn. Điều gì khiến con gái của mẹ thay đổi nhanh vậy?”. Tôi chỉ cười: “Bí mật!”.
Quảng Bình đầy nắng và gió. Mảnh đất gió Lào cát trắng đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi tự bao giờ. Tôi yêu nó. Yêu con người và khí hậu nơi đây:
“Anh đã đến với phố xưa Đồng Hới
Gởi nhịp tim trong nét bút phố chiều
Anh đã đến, ngày sum vầy yên ả
Sống với ban mai Nhật Lệ sương mù”
(Với người vẽ tranh Đồng Hới- Lê Thị Mây)
Vào lại Đồng Hới sau ba tháng nghỉ hè. Nhìn lại mình và các bạn có vẻ đen đúa hơn, cả đám phì cười. Chúng tôi gặp lại thầy trong buổi tựu trường đầu năm. Thầy vẫn vậy, chẳng có gì thay đổi. Vẫn dáng người dỏng cao có phần gầy đi. Thấy thầy đang cắt tỉa hoa cho lớp, tôi nhanh chóng chạy đến phụ. Thầy khen giỏi rồi xoa đầu, tôi cười tít mắt.
Cũng sáng đó, trong tà áo dài trắng tinh, chúng tôi ổn định hàng lối. Không khí đầu năm học thật trang nghiêm, chỉnh tề. Thầy hiệu trưởng đang đọc diễn văn để chào đón các em tân học sinh lớp 10. Mọi thứ cũng bình thường như những năm trước cho đến khi thầy đọc tên bốn em học sinh lên trước bục cao. Không ai hiểu gì. Tất cả chỉ bắt đầu im lặng cho đến lúc biết được lý do:
- Các thầy cô và các em học sinh thân mến! Đây là bốn em học sinh của làng trẻ em SOS đã thi đậu vào lớp Chuyên Sinh của trường chúng ta. Là một điều quá tuyệt vời. Điều đó không chỉ khẳng định sự cố gắng không ngừng nghỉ của các em; mà điều tôi muốn nói ở đây là sự dìu dắt, quan tâm và là người trực tiếp hướng các em thi đậu vào ngôi trường này - thầy giáo Nguyễn Ngọc Nam. Xin mời thầy cùng lên bục chụp ảnh lưu niệm cùng các em.
Thầy nhẹ nhàng bước lên trong những tràng pháo tay nồng nhiệt. Thì ra một năm vừa qua, thầy đã vất vả biết bao nhiêu để vừa dạy, vừa qua làng trẻ em SOS để ôn tập cho các bạn. Thầy dạy bằng cái tâm, cái đức và nhiệt huyết của nhà giáo khi không đòi hỏi một khoản học phí bồi dưỡng nào từ học sinh của mình. Ba tháng hè, thầy không hề thảnh thơi. Có lẽ đây là giây phút đẹp nhất trong cuộc đời của thầy. Chúng tôi tự hào về thầy. Phải, rất tự hào. Cái ôm ấm áp mà thầy dành cho bốn em nhỏ khiến tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Rồi đây các em sẽ tiếp bước thầy, sẽ trở thành những học sinh ưu tú, những con người có ích cho xã hội:
“Tôi xin cám ơn cuộc đời
Mỗi sớm mai khi thức dậy
Cho tôi có thêm một ngày
Một ngày nữa để yêu thương”
(Cám ơn cuộc đời – Minh Đỗ)
Năm cuối cấp trôi qua thật không dễ dàng. Áp lực thi vào đại học khiến chúng tôi như “già thêm vài tuổi.” Tôi thi khối C nên thầy nhắn tin động viên rất nhiều. Tôi nghe, tôi hiểu và chỉ biết ngày mai dù có ra sao, bản thân vẫn phải toàn tâm cho học tập. Từ khi bước vào cánh cổng này, tôi không biết đã yêu nghề giáo tự bao giờ…
Tôi đăng ký thi khối C vào trường Đại học Sư phạm Huế. Ngày nộp hồ sơ, thầy ân cần đặt tay lên vai tôi rồi nói: “Thầy rất tâm đắc với một câu ngạn ngữ của Tây Ban Nha: ‘Mọi công việc thành đạt đều nhờ sự kiên trì và lòng say mê’, chúc em thành công”. Thầy dặn dò rất nhiều, nhưng bên tai tôi văng vẳng tiếng thơ xưa:
“Rồi các em một ngày sẽ lớn
Sẽ bay xa đến tận cùng trời
Có bao giờ nhớ lại các em ơi
Mái trường xưa một thời em đã sống…”
(Lời của thầy – Tạ Nghi Lễ)
Hôm nay cũng là ngày tựu trường, nhưng đó không phải là cánh cổng THPT mà là cánh cổng trường đại học. Tôi và thầy vẫn giữ liên lạc. Điều đáng chú ý là thầy vẫn không quên vận động, kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hay đăng các tin tức tìm người thân bị thất lạc. Thầy vẫn tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn trường và các tổ chức từ thiện. Tôi ao ước có dịp sẽ cùng thầy ghé thăm các thôn bản, vùng cao, được phát quà cứu trợ cho bà con vùng lũ lụt, được một lần nữa cùng thầy và các em nhỏ đón trung thu dưới ánh trăng rằm…
Vậy mà đã thấm thoắt bốn năm trôi qua. Cánh cổng trường đại học khép lại, mở ra cánh cửa trường đời - nơi mà tôi đã và đang thực hiện ước mơ trở thành cô giáo. Được đứng trên bục giảng, được cầm viên phấn trắng nắn nót viết từng chữ, hạnh phúc khi nhìn các em học sinh trưởng thành. Nhưng tôi cũng phần nào thấu hiểu những thăng trầm, khó nhọc mà nghề gõ đầu trẻ mang lại. Đó là hồ sơ, sổ sách, là những trang giáo án, là những ngày cận kề bên cạnh các em quan sát và truyền tải những bài học trong cuộc sống; là nỗi băn khoăn, day dứt khi còn có em chưa thể tiến bộ. Tôi nhớ lại lời thầy rằng với nghề này phải dùng cả cái tâm và cái đức mới có thể xoa dịu những chông gai, thử thách. Và có lẽ, điều đó đã trở thảnh chân lý.
Thời gian gần đây, cả thế giới đang phải hứng chịu đại dịch gây thiệt mạng rất nhiều người. Hằng ngày thầy đăng những thông tin quan trọng về cách phòng chống bệnh dịch, cách vệ sinh tay và đeo khẩu trang đúng cách, rồi vân vân và mây mây những lưu ý quan trọng. Nhiều người cảm thấy phiền nhưng thầy đăng tin trả lời với giọng hài hước: “Nhiều người bảo với em là ‘Biết rồi, khổ lắm, nói mãi’ nhưng nhà em vẫn cứ đăng cho chắc chắn mọi người nhớ để thực hiện”.Tôi còn rất khâm phục thầy khi những lớp học sinh được thầy dạy dỗ đều có những thành tích đáng nể trong các cuộc thi học sinh giỏi của tỉnh nhà, của quốc gia. Chưa bao giờ thầy bỏ rơi các em nhỏ ở làng trẻ SOS, bằng chứng là hằng năm đều có những bạn học sinh từ ngôi nhà tình thương ấy được học dưới mái trường này. Thầy vẫn vậy - bao năm rồi vẫn vậy!
“Bao năm rồi ? Đã bao năm rồi hở ? Thầy ơi ...
Lớp học trò ra đi, còn thầy ở lại
Mái chèo đó là những viên phấn trắng
Và thầy là người đưa đò cần mẫn”
(Thầy - Ngân Hoàng)
Dạo gần đây, thầy có khoe với tôi rằng thầy đang làm đề tài nghiên cứu sinh tại Đà Nẵng. Tôi chẳng làm được gì ngoài việc chúc thầy may mắn và thành công.
Đã sáu năm rồi tôi chưa có dịp gặp lại thầy. Cuộc sống với miếng cơm manh áo, với những chật vật cuốn con người ta đi quá xa với những ảo mộng thực tại. Nếu một ngày, có cơ hội, tôi muốn trở về mái trường xưa, đứng trước mặt thầy không phải với vai trò là một học sinh mà với cương vị là một đồng nghiệp để nói với thầy một lời :
“Hello, Mr.t Ngọc Nam Nguyễn!”
Tác giả: Trần Thị Lệ Tuyên - blogradio.vn