'Ngoài 40 tuổi vẫn chẳng làm được trò trống gì': Cuộc sống bình dị đến tầm thường ở tuổi trung niên có thực sự đáng hổ thẹn?
Chủ nhật - 28/02/2021 23:56
Tuổi trẻ điên cuồng, về già lại hay do dự. Nay đã ngoài 40, lăn lộn nơi đất khách quê người nhiều năm vẫn chẳng đạt được thành tựu gì lớn lao, cuối cùng tôi cũng hiểu, con người ta đến cái tuổi này cũng nên học cách bằng lòng với cuộc sống bình dị.
***
Chấp nhận sự bình thường chính là buông tha cho chính mình
"Tôi có nhà, có xe, có vợ con, nhưng không muốn sống nữa!"
Một người đàn ông trung niên đã có vợ con, thu nhập ổn định đột nhiên nhảy cầu tự vẫn. Khi cảnh sát điều tra nguyên nhân, người vợ khai rằng chồng mình gần đây không gặp chuyện gì lớn, mấy nay cũng vui vẻ bình thường, nguyên nhân hợp lý nhất có lẽ là vì ông vừa bị cấp trên phê bình.
Bị cấp trên phê bình thôi mà, có đến mức phải nhảy sông tự tử không? Thực ra là có.
Những chuyện thương tâm như thế này hiện nay không hề hiếm.
Chúng ta sinh ra là một cá thể độc lập, nhiều người xuất sắc nổi bật từ khi còn nhỏ, cả đời sống với đam mê và lý tưởng, dùng cả sinh mệnh để chứng minh mình đặc biệt đến thế nào, đến chết vẫn cố chấp với những điều vĩ đại.
Thế nhưng không phải ai cũng có số mệnh như vậy. Với đại đa số chúng ta, lý tưởng không thắng được hiện thực, cuối cùng, bất kể bao nhiêu điên cuồng và vùng vẫy tuổi trẻ, chúng ta vẫn trở thành một người trung niên bình thường.
Mức độ hạnh phúc của một người không bao giờ có thể đo bằng mức độ nỗ lực. Nhưng chúng ta lại có xu hướng cho rằng càng cố gắng thì sẽ càng hạnh phúc. Vậy nên sau khi dốc hết sức lực, dồn hết tâm huyết mà không nhận được kết quả xứng đáng, thậm chí mất hết chẳng còn lại gì, chúng ta sẽ thấy thất vọng khôn cùng, thậm chí là tuyệt vọng và không còn tin vào cuộc sống nữa. Cứ như thế, chúng ta dần trở nên yếu đuối và dễ kích động, rồi đến khi có một giọt nước làm tràn ly, dẫn đến kết cục không thể cứu vãn được nữa.
Trong thế giới này, siêu anh hùng là số ít, phần đông chúng ta chỉ có thể trở thành những người dù biết rõ bản chất của cuộc sống, nhưng vẫn một lòng yêu cuộc sống bình dị.
Sau nhiều năm nỗ lực, nếu vẫn "chẳng làm nên trò trống gì", thì hãy cứ thản nhiên đón chào cuộc sống bình dị. Bình dị không đáng sợ cũng không đáng xấu hổ đến vậy, hãy buông tha cho bản thân mình, cho những niềm hạnh phúc bé nhỏ cơ hội được đến với cuộc đời bạn.
Có thể không có lý tưởng, nhưng nhất định phải biết cách tận hưởng cuộc sống
Bố mẹ tôi vốn đều là nông dân ở một xóm quê chẳng lấy gì làm giàu có, nhưng họ sở hữu "kỹ năng sống" tuyệt vời nhất: khả năng khiến mình vui vẻ.
Gia đình tôi không dư dả gì, nhưng mẹ tôi luôn có thể thỏa mãn tất cả những điều bà muốn. Xuân đến tự sên mứt uống cùng ấm trà thơm, hè về ngâm nước mơ giải khát mỗi trưa nắng, thu tới rang hạt dẻ, đông lạnh nhóm bếp nướng khoai…
Rõ ràng chẳng có gì đắt đỏ mới lạ, nhưng lúc nào cả nhà cũng sống trong không khí bình dị mà lãng mạn, vui vẻ.
Sẽ có những lúc khi chúng ta lớn lên, chúng ta chẳng muốn quan tâm lời cha mẹ nói, chúng ta thích nhìn những thứ xa xôi to lớn, chúng ta thấy cha mẹ ta quá bình thường, và chỉ muốn hướng về một cuộc đời lớn lao hơn.
Nhưng rồi lâu dần, khi chúng ta đến cái tuổi của cha mẹ ta năm ấy, chúng ta cũng sẽ chấp nhận sự bình thường của chính mình, bởi lẽ chỉ có chấp nhận thực tại, ta mới có thể nhận ra niềm hạnh phúc nhỏ nhặt ẩn giấu ở khắp mọi nơi.
Hơn nữa, thực ra, người bình thường cũng có thể tỏa sáng. Trong lòng ta có lẽ chẳng có lý tưởng gì to tát, nhưng chỉ cần ta yêu cuộc sống và luôn hạnh phúc, tự nụ cười và đôi mắt ta sẽ tỏa sáng, thứ ánh sáng ấm áp khiến nhiều người ghen tỵ.
Làm một người qua đường cũng rất tốt
Bạn tôi trước kia từng là nhân viên quản lý cấp thấp của một doanh nghiệp nhà nước, làm được một thời gian thì xin nghỉ để khởi nghiệp. Quá trình gầy dựng sự nghiệp cũng không hề dễ dàng, cậu ấy lăn lộn vất vả, va vấp không ngừng. Trong buổi gặp gần nhất, cậu ấy vẫn than thở với tôi rằng 45 tuổi rồi mà vẫn chưa làm nên trò trống gì.
Bộ dạng buồn rầu của cậu ấy khiến tôi nhớ đến hồi cấp ba, khi đó tháng nào trường cũng cho thi kiểm tra chất lượng, đến ngày thông báo kết quả, học sinh giỏi vui vẻ hân hoan, còn đám học kém chỉ biết lo lắng thở dài.
Trong một cuốn sách tôi từng đọc có câu: "Khi anh hùng đi qua, sẽ luôn có những người qua đường vỗ tay tán dương. Sở dĩ anh hùng có thể trở thành anh hùng, là nhờ có vô số sự ủng hộ và khích lệ từ những người qua đường."
Con người ta sống trên đời, có thể rất bình thường, có thể nhiều ưu sầu, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta vô tích sự, không có nghĩa là chúng ta không quan trọng.
Cả những người bình thường nhất cũng luôn sở hữu những điều khiến người khác ước ao. Ông chủ lớn nào đó có lẽ đang ghen tỵ với bữa cơm gia đình đầm ấm mỗi ngày của bạn; cậu nhân viên văn phòng ngày nào cũng phải tăng ca có lẽ cũng ao ước được ngồi quán vỉa hè cùng bạn bè ăn thịt nướng như ông chú hàng xóm nghèo; tiểu thư nhà giàu ít được cha mẹ quan tâm nào đó có lẽ đang ghen tỵ với đứa bé đang làm nũng với cha trong công viên…
Có thể chúng ta không có duyên với thành công, không có số làm người vĩ đại, nhưng làm một người qua đường nhìn người khác thành công thì đã sao? Ai mà chẳng là người qua đường trong cuộc đời của những người khác. Thành công lớn của bạn tôi không có, hạnh phúc nhỏ của tôi bạn cũng chỉ có thể đứng nhìn.
Cứ như vậy, làm người qua đường trong câu chuyện của người khác, để mỗi người vui vẻ hài lòng với cuộc đời của mình, không phải cũng rất tốt sao?
Phương Anh
Tác giả: Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị